Khẳng định vị thế, vai trò của Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (lần thứ 5) tổ chức sáng 14/1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (lần thứ 5) tổ chức sáng 14/1. Ảnh: MPI |
Vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới
“Với nhiều kết quả nổi bật đạt được về phát triển kinh tế, có thể khẳng định vị thế, vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và là một trong các vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Với tiềm năng, lợi thế vượt trội về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2024 của vùng đạt khoảng 7,9% cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,09%); đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế. Có 4 địa phương trong vùng tăng trưởng 2 con số, nằm trong Top 10 của cả nước, như: Hải Phòng 11,01%, Hà Nam 10,93%, Hải Dương 10,02%, Nam Định 10,01%.
Tổng thu ngân sách nhà nước của vùng đạt 815,65 nghìn tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp cao nhất cả nước, tăng hơn 12,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm 40,1% tổng thu ngân sách cả nước; trong đó: Hà Nội, Hải Phòng nằm trong nhóm 05 địa phương cao nhất nước; đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc 500 nghìn tỷ đồng.
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 132 tỷ USD, là vùng dẫn đầu cả nước, chiếm gần 32,5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (405,53 tỷ USD).
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2024 có sự bứt phá mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 20 tỷ USD, chiếm 52,6% cả nước; trong đó: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội luôn nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước, đặc biệt tỉnh Quảng Ninh tăng vượt bậc, lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 2 cả nước, đạt 2,29 tỷ USD, sau tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký gần 5,12 tỷ USD.
Vùng có 307,14 nghìn doanh nghiêp đang hoạt động chiếm 32,67% cả nước, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ). Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt trên 48 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn 570,991 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,9% tổng số vốn cả nước.
Giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 141,8/175,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt gần 81% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (77,55%); một số địa phương nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Hải Phòng 99,67%; Thái Bình 99,09%, Hải Dương 95,11%, Vĩnh Phúc 90,54%; Ninh Bình 91,8%, Nam Định 159,36%.
Quy hoạch vùng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng và Quy hoạch 11/11 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hiện các địa phương đang tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch.
Nổi bật, nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã hình thành hành lang kinh tế dọc theo các công trình, dự án như: Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn đi trên cao); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng nhà ga quốc tế T2 – cảng Hàng không quốc tế Nội Bài...
Năm 2025, các địa phương đầu tàu, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phải tăng trưởng hai con số
Với mục tiêu đề ra “tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số”; trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024, dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đạo các bộ, địa phương liên quan: khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng và các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của Chính phủ theo đúng tiến độ. Đối với các nhiệm vụ, đề án đề xuất không thực hiện, đề nghị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng theo đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140/CĐ-TTg để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Các địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển. Các địa phương đầu tàu trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác vùng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu dẫn dắt của cả nước.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển; đồng thời, tổ chức, phân công, điều phối các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để xây dựng các nội dung, kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng vùng trong năm.
Mặt khác, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh,…
Với vị trí là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo lớn nhất của cả nước; Vùng cần xác định đây là động lực tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, đề nghị các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thành phố Hà Nội tiếp tục cần phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật Thủ đô để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đúng theo kế hoạch; tập trung các giải pháp tăng tốc, bứt phá, khẳng định vai trò trung tâm, động lực dẫn dắt vùng Đồng bằng sông Hồng, sẵn sàng tiến vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để làm căn cứ triển khai các chương trình, dự án trong giai đoạn 2026-2030./.
Bình luận