Một số phương hướng hoàn thiện pháp luật về phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tú
Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại
Tóm tắt
Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, trong khi cơ chế xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Bài viết đề xuất một số phương hướng hoàn thiện khung pháp lý theo hướng cụ thể và khả thi hơn để giúp Việt Nam không chỉ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng tốt hơn với những thách thức về môi trường và xã hội trong tương lai.
Từ khóa: phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường
Summary
Sustainable development is becoming an inevitable trend in the context of increasing globalization and climate change. In practice, many enterprises have yet to strictly comply with environmental protection regulations, while the current enforcement mechanisms lack sufficient deterrence. This article proposes several directions to improve the legal framework more concretely and feasibly, aiming to help Vietnam not only achieve sustainable development goals but also enhance its competitiveness and better adapt to future environmental and social challenges.
Keywords: Sustainable development, green growth, circular economy, environmental protection
ĐẶT VẤN ĐỀ
Việt Nam đã cam kết thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, trong bối cảnh quốc tế đang gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam cam kết xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời, gia tăng khả năng chống chịu của các hệ sinh thái và xã hội trước những tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng về hoàn thiện thể chế phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2030 là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Thể chế phát triển bền vững ở nước ta hiện nay tuy đã từng bước được xây dựng, nhưng nhìn chung chưa hoàn thiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc, gây ra những khó khăn trong việc phát huy nguồn lực, sức mạnh để phát triển đất nước một cách đồng bộ, bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức môi trường ngày càng gia tăng, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng đồng bộ, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế.
KHÁI NIỆM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Khái niệm phát triển bền vững
Phát triển bền vững (Sustainable Development) là một mô hình phát triển nhằm đảm bảo nhu cầu hiện tại của con người mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Khái niệm này lần đầu tiên được chính thức đưa ra trong báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" (Our Common Future) do Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), còn được gọi là Ủy ban Brundtland, công bố năm 1987. Báo cáo này nhấn mạnh:“Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Khái niệm này đã trở thành kim chỉ nam cho các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn cầu. Đến năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất của Liên Hợp Quốc (UNCED) tại Rio de Janeiro đã tiếp tục cụ thể hóa phát triển bền vững thông qua Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) và đưa ra các khuyến nghị cụ thể để hướng đến một nền kinh tế bền vững hơn.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), PTBV là một mô hình tăng trưởng giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời hướng tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để duy trì chất lượng cuộc sống lâu dài.
Phát triển bền vững được xây dựng trên ba trụ cột chính, được gọi là Mô hình ba trụ cột (Three Pillars Model), bao gồm:
![]() |
(1) Kinh tế bền vững (Sustainable Economy):
- Đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cải thiện năng suất lao động.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn.
- Hạn chế sự phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo và giảm thiểu các tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đối với môi trường.
(2) Xã hội bền vững (Sustainable Society):
- Đảm bảo công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm.
- Bảo vệ quyền lợi người lao động, tăng cường phúc lợi xã hội và đảm bảo an ninh lương thực.
- Thúc đẩy sự hòa nhập xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
(3) Môi trường bền vững (Sustainable Environment):
- Bảo vệ hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
- Hạn chế khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chất thải được tái chế và tài nguyên được sử dụng hiệu quả hơn.
Mục tiêu phát triển bền vững
Phát triển bền vững nhằm đạt được các mục tiêu sau:
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường: Một trong những yêu cầu quan trọng của PTBV là đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà không đánh đổi môi trường. Các quốc gia cần chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, trong đó tài nguyên được khai thác và sử dụng hiệu quả, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2021), mô hình tăng trưởng bền vững giúp duy trì tốc độ tăng trưởng GDP mà vẫn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống và công bằng xã hội: PTBV đặt con người vào vị trí trung tâm, đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đối với giáo dục, y tế, việc làm và các dịch vụ xã hội. SDG số 10 về giảm bất bình đẳng và SDG số 1 về xóa đói giảm nghèo là những mục tiêu then chốt trong việc xây dựng một xã hội công bằng hơn. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP, 2022) nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững không thể đạt được nếu vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể về thu nhập và cơ hội giữa các nhóm dân cư.
- Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái: Sự suy thoái môi trường, bao gồm mất rừng, ô nhiễm nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học, đang đe dọa nghiêm trọng đến khả năng phát triển bền vững. SDG số 14 và 15 kêu gọi các quốc gia bảo vệ hệ sinh thái biển và rừng, đồng thời thúc đẩy các mô hình khai thác tài nguyên bền vững. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, việc bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ giúp duy trì cân bằng sinh thái, mà còn mang lại lợi ích kinh tế từ du lịch sinh thái và ngành công nghiệp dược liệu.
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững. SDG số 13 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường khả năng thích ứng với thiên tai (IPCC, 2021). Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu không có biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng 2°C vào năm 2050, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và sức khỏe con người.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được PTBV. Việc phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu sinh học và mô hình sản xuất bền vững giúp giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên (OECD, 2019). Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2022), đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: Phát triển bền vững là một vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia. Các thỏa thuận như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2015) và các cơ chế tài chính như: Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) đã giúp huy động nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện mục tiêu bền vững. Hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy PTBV và đảm bảo rằng các chính sách được thực hiện một cách hiệu quả.
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Hiện nay, phát triển bền vững là một trong những xu hướng phát triển rất được quan tâm ở Việt Nam. Chính phủ đã các nhiều các chính sách, quy định pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, điều kiện để đẩy mạnh xu hướng phát triển bền vững.
Hệ thống văn bản chung
+ Nghị quyết số 136/NQ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững: Chính phủ ban hành nghị quyết này nhằm xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy PTBV, bao gồm việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác quốc tế;
+ Quyết định số 889/QĐ-TTg ,ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030: Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể như giảm mức tiêu hao nguyên vật liệu trong một số ngành sản xuất chủ lực, nâng cao tỷ lệ tái chế và tái sử dụng chất thải, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua việc khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường;
+ Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050: Chiến lược này nhấn mạnh việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên trong các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công các bộ, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bộ Y tế, xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong từng ngành và lĩnh vực cụ thể.
Trong lĩnh vực công thương: Bộ Công Thương đã có 2 văn bản quan trọng đang triển khai và được các doanh nghiệp hỗ trợ rất tích cực. Thứ nhất là Quyết định 111/QĐ-BCT, ngày 27/01/2022 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành; Thứ hai là Quyết định 2756/QĐ-BCT, ngày 14/12/2022 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, ngoài rất nhiều những nhóm đối tượng khác thì riêng về sản xuất và tiêu dùng bền vững là 1 trong 7 chính sách, ngay từ lúc mà xây dựng dự án dự Luật đã được đưa ra và cụ thể hóa ở một số điều. Như ngay từ Điều 7 quy định người tiêu dùng có quyền được hưởng những chính sách về sản xuất tiêu dùng bền vững và sau đó cụ thể hóa từ Điều 75 đến Điều 77 của Luật mới.
Trong lĩnh vực môi trường: Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL, ưu tiên mô hình kinh tế sinh thái, bảo vệ tài nguyên đất, nước. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đã nêu ra các nguyên tắc bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững; quy định trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất trong thu hồi, tái chế sản phẩm sau sử dụng; phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tối ưu hoá tài nguyên, giảm thiểu chất thải;…
Trong lĩnh vực năng lượng: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 có các quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đặc biệt, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phải có chương trình tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, Quyết định 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ nhiệt điện than, tăng năng lượng tái tạo lên 30-50% vào năm 2045 và phát triển hạ tầng truyền tải điện để tích hợp năng lượng sạch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Luật Trồng trọt 2018 (Luật số 31/2018/QH14) và Luật Chăn nuôi 2018 (Luật số 32/2018/QH14) cũng đã lồng ghép một số quy định về phát triển bền vững như: quy định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn đa dạng sinh học; Hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, thúc đẩy canh tác bền vững… Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu cho ngành nông nghiệp tăng tỷ lệ nông nghiệp hữu cơ lên 2%-3% tổng diện tích canh tác vào năm 2030; đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất thân thiện với môi trường.
ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
Chính sách và quy định pháp luật của Việt Nam về phát triển bền vững đã có nhiều bước tiến đáng kể nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Một trong những ưu điểm nổi bật là hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã cập nhật các nguyên tắc phát triển bền vững, đưa khái niệm kinh tế tuần hoàn vào pháp luật, trong khi Quy hoạch Điện VIII (2023) thúc đẩy năng lượng tái tạo, hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050, phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP cũng góp phần nâng cao tiêu chuẩn về phát triển bền vững, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế. Đồng thời, chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình phát triển bền vững cũng được triển khai thông qua Thông tư 17/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh hay các quy định ưu đãi trong Luật Đầu tư 2020 dành cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), yêu cầu doanh nghiệp thu hồi, tái chế sản phẩm sau tiêu dùng. Các quy định này giúp nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chế tài xử lý các vi phạm về môi trường thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hệ thống chính sách phát triển bền vững của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Một trong những nhược điểm lớn nhất là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ Môi trường yêu cầu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chặt chẽ hơn đối với các dự án đầu tư, nhưng Luật Đầu tư lại đặt mục tiêu thu hút FDI, dẫn đến xung đột trong thực thi. Cơ chế giám sát và thực thi chính sách chưa thực sự hiệu quả, khi nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường nhưng không bị xử lý nghiêm do thiếu nhân lực và công nghệ giám sát.
Ngoài ra, nguồn lực tài chính và công nghệ hỗ trợ phát triển bền vững vẫn còn hạn chế, khi chưa có chính sách tài chính mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo hay sản xuất sạch.
Hơn nữa, mặc dù các chính sách bảo vệ môi trường chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp, nhưng sự tham gia của cộng đồng vẫn chưa được khuyến khích đúng mức. Người tiêu dùng chưa được tạo động lực để thực hành tiêu dùng bền vững, trong khi hệ thống giáo dục cũng chưa tích hợp đầy đủ nội dung về phát triển bền vững và tiêu dùng xanh.
Để khắc phục những hạn chế này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng đồng bộ và rõ ràng hơn, tránh chồng chéo giữa các luật, cần xây dựng một bộ luật về phát triển bền vững, tích hợp các nội dung liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách pháp luật cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt dựa trên dữ liệu thực tiễn, đảm bảo khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế và khoa học công nghệ.
Đồng thời, việc tăng cường giám sát thực thi thông qua công nghệ số, minh bạch hóa hệ thống báo cáo là điều cần thiết. Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ cho doanh nghiệp theo đuổi mô hình sản xuất bền vững, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc điều chỉnh và hoàn thiện chính sách phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về môi trường, kinh tế và xã hội, đồng thời nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. IPCC (2021). Climate Change 2021: The Physical Science Basis, Intergovernmental Panel on Climate Change
2. OECD (2019). Economic Outlook for Southeast Asia, China and India 2019: Towards Smart Urban Transportation, OECD Publishing
3. UNDP (2022). Human Development Report 2022: Uncertain Times, Unsettled Lives, United Nations Development Programme
4. UNCED (1992). Agenda 21: The United Nations Programme of Action from Rio, United Nations Conference on Environment and Development
5. UNEP (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, United Nations Environment Programme.
6. WCED (1987), Our Common Future, United Nations.
7. World Bank (2021). Circular Economy and Climate Change.
8. WEF (2022). Stakeholder Capitalism and Sustainable Development.
Ngày nhận bài: 26/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 20/5/2025; Ngày duyệt đăng: 27/5/2025 |
Bình luận