Quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong hiến pháp Việt Nam năm 1946
ThS. Đinh Thị Ngọc Hà
Trường Đại học Thương mại
Email: ha.dtn@tmu.edu.vn
Tóm tắt
Hiến pháp Việt Nam năm 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta không chỉ có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc thiết lập nền móng cho Nhà nước, mà còn chứa đựng tư tưởng lập hiến rất tiến bộ và những giá trị nhân văn tốt đẹp. Hiến pháp năm 1946, ngoài những quy định chung về quyền của mọi người dân Việt Nam còn có những quy định ghi nhận quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong đó có phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ em, người khuyết tật... Trong suốt tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, các bản hiến pháp sau này như: Hiến pháp 1959, 1980,1992 và 2013 đều tiếp tục ghi nhận, củng cố và phát triển các quy định này. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ nội dung các vấn đề cơ bản sau: khái niệm và đặc điểm của nhóm dễ bị tổn thương; quy định về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong Hiến pháp 1946 và ý nghĩa của chúng trong lịch sử lập hiến Việt Nam.
Từ khóa: quyền, nhóm dễ bị tổn thương, Hiến pháp 1946
Summary
The 1946 Constitution of Vietnam is the country’s first constitution that holds profound significance not only in laying the foundation for the State but also in embodying progressive constitutional thought and humanitarian values. In addition to general provisions on the rights of all Vietnamese citizens, the 1946 Constitution includes specific regulations recognizing the rights of vulnerable groups, such as women, ethnic minorities, the Elderly, children, and people with disabilities. Throughout Vietnam’s revolutionary history, subsequent constitutions, namely those of 1959, 1980, 1992, and 2013, have continued to acknowledge, reinforce, and expand these provisions. This article focuses on clarifying the following key issues: the concept and characteristics of vulnerable groups, the constitutional provisions related to their rights in the 1946 Constitution, and the significance of these provisions in the context of Vietnam’s constitutional history.
Keywords: rights, vulnerable groups, 1946 Constitution
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiến pháp là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý tối cao trong hệ thống pháp luật của mỗi một quốc gia. Là đạo luật gốc của nhà nước, hiến pháp không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý mà còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội. Các quyền con người quyền công dân bao giờ cũng là một phần quan trọng của hiến pháp và việc quy định quyền con người và công dân trong văn bản này chính là cơ sở pháp lý để Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo đảm thực hiện các quyền này.
Bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương nói riêng là nhiệm vụ đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam đặc biệt là của Hiến pháp Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, từ khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 và từ bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946), các quy định về quyền công dân, quyền của nhóm dễ bị tổn thương luôn tồn tại và ngày càng được mở rộng cũng như bảo đảm thực hiện trên thực tế.
KHÁI QUÁT VỀ NHÓM XÃ HỘI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống pháp luật chưa có quy định hay định nghĩa chính thức được thừa nhận về nhóm xã hội dễ bị tổn thương (nhóm xã hội yếu thế), nhưng những cụm từ này lại được sử dụng rất nhiều trong các tài liệu thuộc nhiều thể loại khác nhau. Theo định nghĩa của UNESCO, nhóm yếu thế bao gồm: những người ăn xin, nạn nhân của các loại tội phạm, người tàn tật, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, nhóm giáo dục đặc biệt, người cao tuổi, người nghèo, tù nhân, gái mại dâm, người thất nghiệp, người lang thang cơ nhỡ, người tị nạn, người xin tị nạn, người bị xã hội loại trừ, người nghèo… Một số nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay còn tính cả đến nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị quấy rối và lạm dụng tình dục, nạn nhân buôn bán người, các đối tượng mắc bệnh xã hội, trẻ em bị ảnh hưởng của HIV/AIDS… (Nguyễn Văn Quyết và Phạm Anh Tuấn, 2012).
Luật nhân quyền quốc tế cũng xác định nhóm xã hội dễ bị tổn thương (nhóm xã hội yếu thế) gồm những đối tượng sau: phụ nữ; trẻ em; người khuyết tật (thể chất, tâm thần); người thiểu số, bản địa; người nước ngoài, người không quốc tịch; người tị nạn và tìm kiếm các quy chế tị nạn; người lao động di trú; người bị tước tự do, tù nhân; tù binh chiến tranh, dân thường trong vùng chiến tranh hoặc vùng bị lực lượng quân sự nước ngoài chiếm đóng; người già; người đồng tính… (Vũ Công Giao, 2014).
Như vậy, có thể nói, nhóm yếu thế là những nhóm xã hội đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn hơn, có vị thế xã hội thấp kém hơn so với với các nhóm xã hội bình thường. Do nhiều nguyên nhân khác nhau về thể chất, tinh thần, tâm lý, điều kiện, hoàn cảnh sống, nghề nghiệp, định kiến xã hội… những người thuộc nhóm xã hội yếu thế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi hòa nhập vào đời sống cộng đồng, tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên, các phương tiện sống thiết yếu hay các dịch vụ xã hội cần thiết như các thành viên bình thường khác của xã hội. Mặc dù phần lớn các quốc gia tiến bộ đều tôn trọng nguyên tắc mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật song so với các các nhóm xã hội khác, những đối tượng thuộc nhóm xã hội yếu thế có xuất phát điểm thấp hơn nên nếu bình đẳng theo kiểu cào bằng (các quyền và nghĩa vụ của nhóm xã hội yếu thế cũng tương đương với các nhóm xã hội khác) thực chất là bất bình đẳng với nhóm xã hội yếu thế (Vũ Công Giao, 2014). Do đó, nhà nước và pháp luật của mỗi quốc gia đều cần có những cách thức, biện pháp, quy định để giúp đỡ, bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế, làm cho họ cũng có cơ hội để hòa nhập cộng đồng như các thành viên bình thường khác của xã hội. Đó chính là cách thức để thực hiện và đảm bảo quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn tài nguyên xã hội của nhóm xã hội yếu thế.
Việc bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế không chỉ là trách nhiệm của mỗi nhà nước, mà còn là thước đo trình độ văn minh của mỗi chế độ chính trị, quốc gia, dân tộc.
QUYỀN CỦA NHÓM XÃ HỘI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP 1946
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời điểm ấy là tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và xây dựng, ban hành Hiến pháp. Ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Qua quá trình dự thảo và chỉnh lý, Hiến pháp 1946 đã được Quốc hội Khóa 1, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 19/11/1946 trong bối cảnh tình hình chính trị vô cùng phức tạp. Sau khi thông qua Hiến pháp, ngày 19/12/1946 chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài tới tận năm 1954. Trong bối cảnh đó, Hiến pháp mới không được công bố ngay cũng như không lấy phúc quyết của toàn dân. Tuy vậy, bản Hiến pháp năm 1946 – bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, mẫu mực trên nhiều phương diện mặc dù hết sức ngắn gọn và xúc tích. Hiến pháp năm 1946 đã xác định quyền làm chủ xã hội của người dân Việt Nam và quy định nhiều nội dung để thể hiện rõ tinh thần đó.
Hiến pháp năm 1946 khẳng định nguyên tắc “Đảm bảo các quyền tự do, dân chủ” như một trong ba nguyên tắc nền tảng xây dựng Hiến pháp ngay tại Lời nói đầu. Chương II của Hiến pháp 1946 – Nghĩa vụ và quyền lợi của công dân được quy định thành 3 mục: A. Nghĩa vụ; B. Quyền lợi; C. Bầu cử, bãi miễn và phúc quyết. Hiến pháp 1946 rất chú trọng đến chế định công dân, toàn bộ Hiến pháp có 7 chương, trong đó chương II quy định về chế định công dân. Mặc dù số lượng các điều quy định trong chương II của Hiến pháp 1946 không nhiều, phần lớn các điều được quy định một cách ngắn gọn, dễ hiểu song đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp. Công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và nước ngoài; quyền tư hữu; quyền được bảo đảm bí mật thư tín; quyền tự do thân thể, không bị bắt giữ và giam cầm khi chưa có quyết định của cơ quan tư pháp có thẩm quyền; các quyền lợi của giới cần lao và trí thức cũng được bảo đảm…
Bên cạnh các quy định chung về nghĩa vụ và quyền của công dân nói chung, Hiến pháp 1946 còn có nhiều quy định, tuyên bố liên quan đến quyền của nhóm xã hội yếu thế bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số và đặc biệt còn có cả quy định mang tính bảo vệ quyền của người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ, tự do mà phải trốn tránh ở Việt Nam.
Ngay từ Điều 1 của Hiến pháp, quy định về chính thể của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp đã nêu rõ: “…Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Không những khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Điều 9 Hiến pháp 1946 còn ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc phụ nữ được ngang quyền với nam giới về mọi mặt. Trên bình diện quốc tế, việc bảo vệ quyền con người của phụ nữ xuất hiện lần đầu tiên tại Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1848 (Điều 16 – Quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc kết hôn) và dần bổ sung, hoàn thiện qua 2 công ước quốc tế là Công ước Quốc tế về quyền con người năm 1966 và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 mà Việt Nam phê chuẩn ngày 18/12/1982.
Ở thời điểm năm 1946 khi Hiến pháp Việt Nam được thông qua, trên thế giới còn rất nhiều quốc gia chưa công nhận các quyền chính trị, dân sự của phụ nữ như quyền bầu cử, quyền bình đẳng trước pháp luật.., thì Điều 18 Hiến pháp 1946 đã ghi nhận các quyền đó của phụ nữ một cách trang trọng, người dân Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng không chỉ có quyền bầu cử, ứng cử mà còn có quyền bãi miễn các đại biểu mà mình đã bầu ra khi họ tỏ ra không còn xứng đáng với danh hiệu đó. Đặt trong bối cảnh Việt Nam vốn là một quốc gia phong kiến, chịu ảnh hưởng nặng nề của các tư tưởng Nho giáo và văn hóa Trung Quốc vốn công nhận ưu thế của nam giới so với phụ nữ và trong suốt một thời gian rất dài, vị thế của người phụ nữ ở Việt Nam không cao, không được coi trọng trong cả gia đình cũng như xã hội thì quy định của Hiến pháp 1946 thực sự mang tính tiến bộ vượt bậc.
Bên cạnh ghi nhận của Hiến pháp về quyền của phụ nữ, Hiến pháp 1946 còn có nhiều quy định ghi nhận quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác. Điều 8 của Hiến pháp 1946 đã ghi nhận quyền của nhóm người dân tộc thiểu số. Không những quốc dân thiểu số được công nhận các quyền như với toàn thể nhân dân mà còn được hỗ trợ, giúp đỡ và ưu đãi về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Trẻ em người dân tộc thiểu số ngoài việc được hưởng các quyền lợi như mọi trẻ em khác, mà còn có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong quá trình học tập.
Hiến pháp quy định quyền được hưởng sự chăm sóc và giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội của. Nền giáo dục Việt Nam ở thời điểm những năm 1945-1946 đã hướng về một hệ thống chương trình toàn diện có nội dung thực tiễn và phương pháp giáo dục tiến bộ với tầm nhìn lâu dài từ bậc tiểu học tới bậc đại học. Các trường tư cũng được tồn tại tuy nhiên phải học theo chương trình chung. Ba tiêu chí “dân tộc”, “khoa học” và “đại chúng” được xác định trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã được triển khai trong chương trình học từ tiểu học đến đại học nhằm xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Trẻ em trong cả nước đều được hưởng cơ hội học tập như nhau thông qua việc xây dựng một nền giáo dục thống nhất, phổ cập và không phân biệt đối xử với người học.
Để đảm bảo quyền được học tập của trẻ em, Điều 15 của Hiến pháp quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc và không học phí. Học trò có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Chính phủ giúp đỡ. Bằng quy định này, Hiến pháp không những ghi nhận quyền học tập của trẻ em, mà còn đảm bảo quyền học tập này được thực thi trên thực tế bằng các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bằng việc quy định trách nhiệm của Chính phủ đối với việc hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong việc đảm bảo quyền học tập của mình. Các đối tượng yếu thế khác như người cao tuổi, người khuyết tật cũng được hưởng bảo vệ, chăm sóc. Những người già, tàn tật nếu không còn khả năng lao động cũng sẽ được hưởng sự hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo và bảo đảm quyền lợi.
Có thể nói, Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp dân chủ rộng rãi và được đánh giá cao với tính chuẩn mực ở nhiều phương diện đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền công dân. Từ vị trí là người dân của một nước thuộc địa nửa phong kiến, không có các quyền tự do dân chủ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ. Các đối tượng yếu thế không những được hưởng các quyền lợi như những công dân bình thường khác, mà còn được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt. Những quy định mang tính chất dân chủ này là một giá trị rất đặc thù của Hiến pháp 1946 và được kế thừa, thể hiện ở các chừng mực khác nhau trong các bản Hiến pháp về sau này.
KẾT LUẬN
Kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, trong lịch sử lập hiến Việt Nam đã ban hành 5 bản hiến pháp. Mỗi bản hiến pháp được hình thành trong các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, phù hợp với điều kiện chủ quan và khách quan của đất nước, đánh dấu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam qua mỗi thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều thành tựu lớn lao về chính trị, kinh tế, xã hội. Nhà nước ta đã và đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ để ngày càng đảm bảo thực hiện tốt hơn nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương nói riêng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Tự Thanh (2022). Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ 9/1945-12/1946. Kỳ 4: Nền móng của giáo dục quốc gia, truy cập từ https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/nen-giao-duc-cua-nuoc-viet-nam-doc-lap-tu-9-1945-12-1946-ky-4-nen-mong-cua-giao-duc-quoc-gia-hien-dai/.
2. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2018). Quyền của người cao tuổi, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Nguyễn Đăng Dung, Lưu Bình Dương, Đinh Văn Liêm (2021). Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Quyết, Phạm Anh Tuấn (2012). Nhà nước Việt Nam với công tác hỗ trợ nhóm yếu thế, Kỷ yếu hội thảo ngày công tác xã hội thế giới.
5. Quốc hội (1946, 1959, 1980, 1992, 2001, 2013). Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2001, 2013
6. Vũ Công Giao (2014). Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 26/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 20/5/2025; Ngày duyệt đăng: 27/5/2025 |
Bình luận