Tóm tắt

Bài viết khái lược những kinh nghiệm thành công của một số địa phương ở Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong việc huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Từ đó, rút ra những bài học có thể tham khảo cho tỉnh Viêng Chăn, Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào trong huy động các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: huy động vốn, kinh nghiệm, kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh Viêng Chăn, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

GIỚI THIỆU

Một trong những yếu tố quan trọng có phần quyết định tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ và mỗi địa phương là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nói chung, hệ thống kết cấu giao thông đường bộ nói riêng. Cùng với quá trình vận động phát triển và sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các địa phương luôn chú trọng và đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế, lịch sử và văn hóa không đồng nhất giữa các địa phương nên nội dung, phương thức và kết quả huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng không giống nhau. Việc nghiên cứu kinh nghiệm huy vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng sẽ để lại nhiều bài học quý giá cho tỉnh Viêng Chăn, CHDCND Lào.

KINH NGHIỆM HUY ĐỘNG VỐN CHO PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG CỦA VIỆT NAM VÀ CHDCND LÀO

Thứ nhất, kinh nghiệm của TP. Hà Nội, Việt Nam

Hà Nội là thủ đô của Việt Nam với diện tích tự nhiên là 3.359,82 km2 và dân số hơn 8,4 triệu người (tính đến năm 2022). Khu trung tâm thành phố Hà Nội chịu áp lực rất lớn vì sự quá tải của hạ tầng giao thông so với lượng phương tiện giao thông hiện có. Để giải quyết những khó khăn về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trong những năm qua, Trung ương cũng như chính quyền TP. Hà Nội đã có nhiều cách thức, biện pháp để huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước.

Một là, ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố. Trước nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thủ đô Hà Nội rất lớn, Nhà nước cũng như Thành phố Hà Nội đã rất chú trọng trong việc ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, đối với Hà Nội, ngày 6/1/2012, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh đó, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã ban hành riêng về Luật Thủ đô (năm 2012).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/03/2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, như: Chương trình tổng thể “Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 10/09/2019 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025… Với những cơ chế, chính sách nói trên, việc đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đường bộ của Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được chính quyền Thủ đô Hà Nội huy động với nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả vố ngân sách, thông qua hình thức đối tác công tư, đổi đất lấy hạ tầng… Trong đó, hình thức hợp tác công tư luôn được coi trọng và phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn. Để làm được điều đó, Thành phố Hà Nội đã rất chủ động trong kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, bao gồm cả các hình thức BT, BOT, BTO. Do đó, nguồn vốn này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, nếu như 2012, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ của hình thức đối tác công - tư là 2.732,50 tỷ đồng, thì năm 2017 đã tăng lên 5.739,43 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2012 (Vũ Đức Bảo, Đào Thị Phương Liên, 2020).

Thứ hai, kinh nghiệm của tỉnh Ninh Bình, Việt Nam

Ninh Bình ở vị trí cực Nam khu vực Bắc bộ Việt Nam, điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc và vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ, Ninh Bình được coi như “cửa ngõ ra Bắc, vào Nam”. Chính vì thế, Tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm để hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối vùng và mở ra dư địa, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Để có huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là giao thông nông thôn. Để huy động đóng góp của dân cư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Tỉnh đã đưa ra chủ trương: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng lợi từ công trình; Nhà nước hổ trọ vật tư, nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Tỉnh đã có nhiều cách huy động vốn khác nhau, điển hình là hai cách huy động: (1) Ban phát triển thôn tổ chức họp thôn, xóm, cụm dân cư xác định số tuyến đường phải làm trong đề án đã được ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, nguyên tắc ưu tiên tuyến nào xấu nhất làm trước, cả xóm cùng chung đóng góp (chủ yếu đóng góp bình quân theo khẩu) dưới sự quản lý, điều hành, giám sát của ban phát triển thôn, sau đó chia đều cho các hộ. (2) tuyến đường thuộc xóm nào thì xóm đó tự làm trên cơ sở bàn bạc đóng góp để thực hiện. Ngoài hai cách làm trên còn có nhiều hình thức huy động khác nhau để làm đường; hộ cuối tuyến góp nhiều hơn hộ đầu tuyến; huy động hộ, khẩu không trực tiếp sinh sống trên tuyến đường đóng góp ít hơn khẩu trực tiếp; huy động con em trên tuyến đường không có hộ khẩu sinh sống ở đó nhưng vẫn góp theo mức bình quân chung của tuyến đường; đường thẳng nhà ai thì nhà đó tự xây bờ kè và mở rộng nền đường.

Hai là, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong các dự án đầu tư, nhất là các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Sự thất thoát và lãng phí trong khai thác và quản lý các nguồn vốn đầu tư đã làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ và mất niềm tin ở các nhà đầu tư. Chính vì vậy, Ninh Bình đã siết chặt kỷ cương, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Ninh Bình được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là nơi tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Điều này thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Ninh Bình và khẳng định Ninh Bình có vị trí quan trọng trong sự phát triển của quốc gia. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình xác định đây là động lực quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có chiến lược phát triển hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, mở ra dư địa thu hút đầu tư, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thứ ba, kinh nghiệm của tỉnh Bo Ly Khăm Xay, CHDCND Lào

Tỉnh Bolykhămxay nằm ở khu vực miền Trung của nước Lào, được thành lập ngày 06/3/1984; cách Thủ đô Viêng Chăn 156 km về phía Bắc; có chung đường biên giới phía Đông tiếp giáp tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An của Việt Nam (dài 215,82 km). Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng với những chủ trương, chính sách hợp lý của chính quyền địa phương, trong những năm qua, lượng vốn được huy động cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở Bo Ly Khăm Xay liên tục gia tăng góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển. Các biện pháp mà chính quyền Bo Ly Khăm Xay đã thực hiện cụ thể như:

Một là, chủ động xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ tạo thuận lợi trong thu hút nguồn vốn. Nhận thức được vai trò quan trọng của quy hoạch mạng lưới giao thông đối với công tác huy động vốn, những năm qua, chính quyền tỉnh đã chủ động xây dựng và điều chỉnh quy hoạch một cách hợp lý hệ thống đường giao thông kết nối giữ tỉnh với các tỉnh khác của Lào cũng như các tỉnh của Việt Nam và kết nối trong nội bộ của tỉnh. Theo đó, tuyến quốc lộ 13 (nối các tỉnh phía Bắc với phía Nam); quốc lộ số 8 (của Lào) nối với quốc lộ 13 của Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Phao (Lào) - Cầu Treo (Việt Nam); quốc lộ 4B (Lào) nối với thị xã Pạc Xăn với biên giới Lào-Việt Nam tại Nghệ An đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Trong quy hoạch hệ thống giao thông, tỉnh cũng rất chú trọng xây dựng và nâng cấp quốc lộ 13, 1D, 8A và đường 4B là những tuyến đường mạch máu kết nối các vùng và khu vực. Chính nhờ chủ động trong công tác quy hoạch đã tạp điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi vốn đầu tư của tư nhân trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó nguồn vốn ngân sách của Trung ương cũng được huy động và sử dụng hợp lý trong xây dựng và vận hành các tuyến đường quốc lộ.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, trong đó chú trọng nguồn vốn trong dân cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn trong khi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, chính quyền tỉnh Bo Ly Khăm Xay đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động, bao gồm cả vốn ngân sách trung ương, địa phương, vốn FDI, vốn của các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, Tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò của người dân trong tham gia đóng góp nguồn vốn, hiến đất làm đường. Với những cách làm đó, tính đến nay, về giao thông nội tỉnh, đã có các tuyến đường giao thông đi đến tận các vùng bản, 100% bản có đường giao thông; tuyến đường đi lại được cả hai mùa (mùa khô và mùa mưa) có 268 Bản, chiếm 86,60%. trong đó đường trải nhựa 660,26 km, đường đất 829,83km, đường mới khai hoang mở rộng 589,34 km, có 63 cầu bê tông với tổng chiều dài 3.593 m, có 33 cầu sắt dài 914,85 m, cầu gỗ 60,75 m và cầu treo 90 m (UBND tỉnh Bolikhamxay, 2020).

NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA CHO TỈNH VIÊNG CHĂN, CHDCND LÀO

Mỗi địa phương có những đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở mức độ khác nhau, song đều phải trải qua các thời kỳ phát triển từ thấp đến cao. Từ việc nghiên cứu các phương thức huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở một số địa phương trong và ngoài nước, nhóm tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng đối với tỉnh Viêng Chăn như sau:

Một là, làm tốt công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, có một quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn phát triển không những là cơ sở để xác định chính xác nhu cầu vốn mà quan trọng hơn là tạo điều kiện để các chủ thể trong nền kinh tế cân nhắc, tính toán, quyết định bỏ vốn đầu tư của mình vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Là một địa phương có trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, nên tỉnh Viêng Chăn cần sớm có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cơ sở đó hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải có căn cứ khoa học rõ ràng trên cơ sở khai thác và tận dựng tối đa các nguồn lực hiện có cả trong nước và quốc tế, đồng thời phải có tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch đó cũng cần được cụ thể hóa trong từng giai đoạn cụ thể với những mục tiêu cả trước mắt và lâu dài. Cùng với việc xây dựng quy hoạch, công tác giới thiệu, quảng bá quy hoạch cũng cần phải được đẩy mạnh để mọi tầng lớp trong nhân dân được biết. Từ đó họ mới mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và hưởng lợi chính đáng từ nguồn vốn đầu tư của mình.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Cơ chế, chính sách thông thoáng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng đồng bộ giải quyết hài hòa các mặt lợi ích trong quá trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo hướng này, ở hầu hết các địa phương được khảo sát cho thấy hệ thống cơ chế, chính sách huy động vốn của họ rất chú trọng đến phát huy tiềm năng thế mạnh của nội lực, đồng thời hết sức chú trọng nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi để thực thi cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn ODA và nguồn FDI. Do đó, trong những năm tới tỉnh Viêng Chăn cần sớm nghiên cứu rà soát và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để tạo môi trường thông thoáng và tháo gỡ những khó khăn cho việc thu hút vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đặc biệt những chính sách về đất đai cần phải có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải phóng kịp thời mặt bằng chó các nhà đầu tư. Các chính sách về tín dụng cần phải có sự nhất quán, rõ ràng và định hướng trong thời gian dài để các nhà đầu tư an tâm vay vốn.

Ba là, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Các địa phương được nghiên cứu đều cho thấy họ rất coi trọng việc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động và xem đó là phương thức tốt nhất nhằm gia tăng quy mô vốn cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Đặc biệt với hình thức đối tác công – tư, các địa phương cả trong và ngoài nước đang rất xem trọng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Hình thức này đối với tỉnh Viêng Chăn tuy không còn mới mẻ, nhưng thực tế thời gian qua hoạt động này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Tỉnh Viêng Chăn cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế đấu thầu một cách công khai, minh bạch, chính quyền cần đảm bảo thực hiện các cam kết của mình dưới hình thức công - tư, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân; đặc biệt là các đối tác nước ngoài, chú trọng đến vấn đề phân bổ rủi ro và thu bù đắp chi phí, xác định rõ vai trò của các bên tham gia trong dự án công - tư.

Bốn là, khai thác tối ưu các nguồn lực của Tỉnh cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Học tập kinh nghiệm từ những địa phương được khảo sát, tỉnh Viêng Chăn cần sớm có đánh giá tổng thể khả năng cung ứng nguồn vốn hiện tại cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trên cơ sở đó có chủ trương và biện pháp huy động các nguồn lực trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Viêng Chăn cần khai thác tối đa giá trị quỹ đất của tỉnh thông qua đấu giá quyền sử dụng đất dọc các công trình giao thông để tập trung nguồn lực tài chính từ đất đai vào ngân sách địa phương. Đồng thời, phát huy tinh thần đóng góp của các tổ chức và cộng đồng dân cư, kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách trung ương xây dựng các công trình giao thông đường bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Đức Bảo, Đào Thị Phương Liên (2020), Cơ chế, chính sách về hoạt động đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 4 tháng 02/2020.

2. UBND tỉnh Bolikhamxay (2020), Báo cáo tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

3. Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Thị Phương Thảo (2022), Hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, 3(311).

4. Đoàn Ngọc Hân (2021), Huy động vốn cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trên thế giới và gợi ý cho Nghệ An, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, Tháng 7/2021.

5. Trần Thu Thủy, Đinh Ngọc Linh (2022), Huy động tài chính cho phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Tài chính Việt Nam, số 2/2022.

PGS. TS, Nguyễn Trọng Xuân

TS. Nguyễn Đức Long

NCS. Khôm Lư Xay Sạ Lắp Sẻng

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Ngày nhận bài: 15/11/2023; Ngày phản biện: 05/12/2023; Ngày duyệt đăng: 15/1/2024