ThS. Hoàng Tiến Linh

Trường Đại học Thương Mại

Email: linhht@tmu.edu.vn

TS. Bùi Thị Thu

Học viện Ngân hàng

Email: thubt@hvnh.edu.vn

Tóm tắt

Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu về kinh tế xanh và phát triển bền vững ngày càng rõ nét, hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI - với các hoạt động phù hợp các tiêu chí bảo vệ môi trường - đã và đang mang lại tác động tích cực cho sự phát triển bền vững ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Nghiên cứu phân tích kinh nghiệm thành công trong đầu tư xanh từ các doanh nghiệp FDI tại Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia, tập trung vào các hoạt động thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội, và quản trị minh bạch. Từ đó, nghiên cứu rút ra các bài học cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, bao gồm việc tuân thủ quy định về môi trường, ưu tiên chuỗi cung ứng xanh, đầu tư vào công nghệ bền vững và tăng cường tính minh bạch. Đồng thời, các chính sách khuyến khích của chính phủ cũng được xác định là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy và hỗ trợ hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp FDI, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư xanh, hành vi đầu tư xanh, doanh nghiệp FDI, phát triển bền vững, kinh nghiệm quốc tế

Summary

In the context of a global shift toward a green economy and sustainable development, green investment behaviors of foreign direct investment (FDI) enterprises - with activities aligned to environmental protection criteria - have positively impacted sustainable development in both developed and developing countries. This study analyzes successful green investment behaviors from FDI enterprises in Indonesia, China, India, and Malaysia, focusing on environmentally friendly activities, social responsibility, and transparent governance. Based on these insights, the study proposes key strategies for FDI enterprises in Vietnam, including compliance with environmental regulations, prioritization of green supply chains, investment in sustainable technology, and enhanced transparency. Furthermore, government incentives are identified as essential to promoting and supporting FDI enterprises’ transition toward green investment, reflecting Vietnam's commitment to environmental protection and sustainable development.

Keywords: Foreign direct investment, green investment, green investment behavior, FDI enterprises, sustainable development, international experience

GIỚI THIỆU

Nền kinh tế xanh tiến đến mục tiêu phát triển bền vững đang từng bước trở thành xu thế của thời đại và là xu hướng ngày càng rõ nét trên toàn cầu. Hành vi xanh của doanh nghiệp FDI có mối quan hệ chặt chẽ và tác động tích cực đáng kể đến sự phát triển bền vững của địa phương/quốc gia bao gồm cả quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển. Trong nghiên cứu này, hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI được hiểu là hành vi đầu tư nước ngoài vào nước sở tại dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường. UNCTAD (2008) cụ thể hóa hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI dựa vào hai khía cạnh: một là sự tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường; hai là hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm dịch vụ có liên quan đến phát triển bền vững cộng đồng, môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị (ESG - Environmental, Social, and Governance). UNCTAD (2010) tập trung nghiên cứu sâu hơn đối với hành vi đầu tư của doanh nghiệp FDI vào các lĩnh vực có khí thải các bon thấp; cụ thể là hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp FDI là sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài vào một nước sở tại, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ với lượng phát thải khí nhà kính thấp so với mức bình quân chung của ngành trên phạm vi toàn cầu (Golub và cộng sự, 2011).
Hành vi xanh của doanh nghiệp FDI không chỉ mang lại những lợi ích quan trọng cho nước nhận đầu tư như bổ sung nguồn vốn lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội... mà còn khắc phục, giảm thiểu được những rủi ro, những tác động tiêu cực do dòng vốn FDI tạo ra cho nền kinh tế nước sở tại, nhất là đối với những nước đang phát triển (Dinh, 2009; Định Thị Thu Hương, 2023). Vì hành vi xanh của doanh nghiệp FDI sẽ đảm bảo tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường; cụ thể như sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên... Từ những vấn đề trên, việc thúc đẩy hành vi xanh của doanh nghiệp FDI gắn với mục tiêu phát triển bền vững của địa phương/quốc gia là rất quan trọng và cần thiết vì đó là một trong những nguyên tắc của phát triển bền vững và là trách nhiệm của doanh nghiệp FDI với môi trường.

KINH NGHIỆM HÀNH VI ĐẦU TƯ XANH CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP FDI TRÊN THẾ GIỚI

Kinh nghiệm doanh nghiệp PT. Sorik Marapi Geothermal (PT. SMGP) tại Indonesia

Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc vào các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang từng bước thay đổi về quy mô và hình thức đầu tư, chuyển từ mô hình đầu tư truyền thống sang mô hình đầu tư mới và các tiêu chí ESG của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc ngày càng rõ rệt. Điển hình là dự án PT. Sorik Marapi Geothermal (PT. SMGP) tại Indonesia, đây là dự án đầu tư lớn của Trung Quốc vào lĩnh vực vật liệu năng lượng mới tại khu công nghiệp Morowali ở Indonesia, là một trong những hành vi đầu tư và phát triển xanh mới của Trung Quốc. Cụ thể như sau:

Thứ nhất là môi trường bền vững, đặc trưng cơ bản của dự án PT. SMGP là năng lượng tái tạo, khí carbon thấp; cụ thể là dự án này tạo ra lượng carbon tối thiểu trong giai đoạn xây dựng và vận hành. KS Orka đã thực hiện nghiên cứu về lượng khí thải của dự án PT.SMGP tính đến năm 2017 cho thấy, mức độ carbon đioxit và các chất ô nhiễm dạng hạt trong môi trường xung quanh nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Về chất lượng không khí, nghiên cứu được thực hiện năm 2021 và 2021, hoạt động khoan tại dự án PT.SMGP giải phóng khí độc H2S nhưng không ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng không khí xung quanh. Về đất đai và đa dạng sinh học, dự án đã sử dụng mô hình phát triển tăng dần, sử dụng ít đất hơn so với các dự án thông thường và ít ảnh hưởng nhất đến độ che phủ của rừng. Về nước, cơ quan môi trường đã tiến hành kiểm tra và đánh giá tác động của chất thải đến chất lượng nước theo Nghị định của nước sở tại, kết quả cho thấy chất lượng nước đảm bảo để sử dụng. Thực tế cho thấy rằng, năng lượng địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch, ít carbon, mang lại lợi ích môi trường rõ rệt và lâu dài; báo cáo thường niên năm 2021 của Kaishan đã trình bày rằng PT.SMGP có thể ngăn chặn 450 nghìn tấn CO2 mà một nhà máy điện than có thể tạo ra.

Thứ hai là an toàn và bảo vệ xã hội, dự án đã tạo việc làm cho người dân địa phương có kỹ năng thấp; hỗ trợ người dân tái định cư khỏi khu vực dự án. Công ty KS.Orka (công ty con của Kaishan và công ty kiểm soát dự án PT.SMGP) đã đưa ra các sáng kiến CSR bằng cách tạo một diễn đàn giao tiếp để người dân tham gia vào quá trình thực hiện dự án theo theo những quy định của Indonesia. Chương trình này đã được người dân địa phương nhiệt tình hưởng ứng, mang lại lợi ích cho nông dân bằng cách hướng dẫn và hỗ trợ người nông dân các sáng kiến nông nghiệp, các giải pháp canh tác hiệu quả và kỹ năng kinh doanh theo mùa vụ, thời gian. Từ đó giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch. Bên cạnh đó, PT.SMGP đã thực các giải pháp tiếp cận cộng đồng khác như tặng sáu con bò cho một số làng trong khu vực vào năm 2022 để kỷ niệm một lễ hội truyền thống của Hồi giáo; cung cấp và hỗ trợ phân bón cho người nông dân.

Thứ ba là cam kết và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp FDI, công ty quản lý dự án PT.SMGP luôn đảm bảo sự minh bạch như: công ty có cơ chế kiểm soát kiểm toán bao gồm cả ban kiểm toán nội bộ và công ty sử dụng kiểm toán độc lập của bên thứ ba; danh sách quản lý cấp cao của dự án luôn được công bố trong các báo cáo thường niên; công bố tiến độ đầu tư, ban quản lý, đối tác đầu tư và có website riêng; công ty mẹ có công bố chi tiết về cổ đông.

Kinh nghiệm của doanh nghiệp BSH Bosch and Siemens Hausgeräte GmbH (BSH) tại Trung Quốc

BSH, thành lập vào năm 1967 dưới hình thức liên doanh giữa Robert Bosch GmbH và Siemens AG, đã trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới. Công ty mở rộng thị trường sang Hy Lạp, Tây Ban Nha, và gần đây đầu tư vào Trung Quốc và Brazil. Tại Trung Quốc, BSH thành lập liên doanh với Tập đoàn Yangzi để sản xuất tủ lạnh tại nhà máy ở Chuzhou, với mục tiêu tăng sản lượng lên 500 nghìn tủ lạnh mỗi năm. BSH cũng hợp tác với Wuxi Little Swan để sản xuất máy giặt và máy sấy quần áo. BSH China là nhà cung cấp độc quyền các sản phẩm do BSY và BSW sản xuất. Trong quá trình toàn cầu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp BSH đã chú trọng hành vi đầu tư xanh thông qua việc chuyển đổi công nghệ từ sản xuất tủ lạnh CFC (chlorofluorocarbons) sang tủ lạnh HC (hydrocarbons) và đã chuyển giao thành công công nghệ này ở Trung Quốc. Cụ thể:

Thứ nhất là chiến lược sản phẩm và công nghệ, hai liên doanh của BSH tại Trung Quốc hoạt động theo quan điểm “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”, sản xuất các sản phẩm với công nghệ tiên tiến, được phát triển tại trung tâm công nghệ của Đức và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong địa phương và khu vực. Đặc điểm cơ bản của các sản phẩm BSH là sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ cao, có mức tiêu thụ nước thấp và hiệu quả sử dụng năng lượng là đặc điểm nổi bậc. Kỹ sư của BSH được Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) trao Giải thưởng bảo vệ tầng Ozone vì nổ lực loại bỏ CFC.

Thứ hai là quản lý môi trường, BSH nói chung và BSH China nói riêng có nhà quản lý môi trường quốc tế và công ty đã ban hành chính sách môi trường quốc tế, thiết lập mạng lưới quốc tế với nhiều kênh thông tin khác nhau. Quản lý môi trường BSH chú trọng đến quy trình sản xuất và sản phẩm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các liên doanh BSH ở nước ngoài phải có trách nhiệm, tuân thủ các quy định về môi trường của nước sở tại và phải báo cáo về trụ sở chính. Ngoài ra, BSH China đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất môi trường của sản phẩm và quan tâm đến các tiêu chí của sản phẩm như khả năng tái chế, khả năng tiết kiệm nước và giảm vật liệu bao bì. BSH là nhà sản xuất đầu tiên áp dụng công nghệ làm lạnh HC và công ty đã loại bỏ dần CFC trên toàn thế giới.

Thứ ba là quản lý chuỗi cung ứng, BSH China kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình sản xuất và cung ứng của nhà cung cấp một số bộ phận cơ bản cho tủ lạnh. Bên cạnh việc nhà cung cấp phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá cả thì BSH đòi hỏi nhà cung cấp máy nén mạnh hơn, hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ CFC sang HC làm chất làm lạnh cho sản phẩm tủ lạnh.

Thứ tư là quản lý nhân viên, BSH China truyền đạt triết lý môi trường của công ty đến tất cả các nhân viên để nhân viên xác định bản thân theo triết lý của công ty và hành động phù hợp. Bên cạnh đó, BSH China đã tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ cho các người quảng cáo bán hàng và đại lý bán hàng để cung cấp kiến thức cơ bản về sản phẩm, đặc biệt muốn truyền đạt đến họ các vấn đề liên quan đến CFC và tác động tiêu cực đến môi trường của CFC.

Kinh nghiệm từ doanh nghiệp Ankleshwar tại Ấn Độ

Aventis Pharma AG (Aventis) là tập đoàn dược phẩm nổi tiếng của Pháp về sự cải tiến liên tục về bảo vệ sức khỏe, an toàn và hiệu quả môi trường; doanh nghiệp Ankleshwar là một trong ba công ty của Aventis ở Ấn Độ, là công ty 100% vốn FDI tại Ấn Độ được thành lập năm 1984 và là công ty quan trọng nhất vì sản xuất hoạt chất dược. Các sản phẩm của Aventis Ấn độ sản xuất có 80% sản lượng tiêu thụ trong nước và 20% còn lại được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như Bangladesh, Sri Lanka. Ankleshwar cải tiến liên tục các hành vi đầu tư xanh thông qua chiến lược sản phẩm và công nghệ, quản lý môi trường, quản lý chuỗi cung ứng và quản lý nhân viên:

Thứ nhất là chiến lược sản phẩm và công nghệ, Ankleshwar chú trọng sử dụng các công nghệ tốt nhất hiện nay khi sản xuất các hoạt chất mới, các quy trình kỹ thuật sinh học (lên men, di truyền) và tổng hợp hoá học, đặc biệt là tích hợp các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào quy trình sản xuất. Aventis Ấn độ luôn chịu sự kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất, đảm bảo áp dụng các hệ thống vào thực tiễn quản lý tốt hơn, an toàn hơn.

Thứ hai là quản lý môi trường, đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng và thương hiệu của công ty nên Aventis Ấn độ rất quan tân. Vì thế, công ty Aventis đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc tế về Môi trường và rủi ro bao gồm 10 chuyên gia đại diện cho nhiều khu vực trong đó có Ấn độ, đã thiết lập hệ thống kiểm soát EH&S (bao gồm những quy định về trách nhiệm, chương trình và yêu cầu báo cáo). Các yếu tố chính của hệ thống quản lý môi trường tại Aventis bao gồm: đánh giá EG&S cho các dự án mới, kiểm toán hằng năm, chương tình tiếp cận cộng đồng, quản lý khủng hoảng, quản lý thay đổi, báo cáo tai nạn, xác định và phân tích các nguy hại đặc biệt là về môi trường.

Thứ ba là quản lý chuỗi cung ứng, Ankleshwar kiểm tra rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường và chất lượng của các sản phẩm từ nhà cung cấp. Ankleshwar đến cơ sở sản xuất của nhà cung cấp để theo dõi, giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng và môi trường vì thế sự chuyển giao kiến thức và các yêu cầu về bảo vệ môi trường được diễn ra dọc theo chuỗi cung ứng nhờ vào sự tương tác liên tục giữa công ty Ankleshwar và nhà cung cấp.

Thứ tư là quản lý nhân viên, bên cạnh các chương trình đào tạo thường xuyên về an toàn kỹ thuật và quản lý môi trường từ các chuyên gia bên ngoài, công ty Ankleshwar còn tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức về môi trường của nhân viên. Ngoài ra, Ankleshwar chi trả mức lương dựa trên trình độ kỹ năng của nhân viên và cao hơn từ 10 đến 20% so với mức lương trung bình của ngành ở Ấn Độ để giảm thiểu tình trạng nhảy việc và đảm bảo đời sống cho nhân viên. Vấn đề kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người lao động cũng được Ankleshwar quan tâm thực hiện tốt.

Kinh nghiệm từ liên doanh Burgmann Malaysia Sdn Bhd tại Malaysia

Burgmann là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về sản phẩm phớt cơ khí, đã thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng cao ở Đức và các nước sở tại trong đó có Malaysia. Burgmann Malaysia Sdn Bhd là công ty liên doanh giữa Malaysia và Đức, giữ công ty Antah Holdings (sở hữu 40%) và Burgmann Dichtungswerke (sở hữu 60%), được thành lập ở Malaysia năm 1992 và đã có đại lý trước đó ở Malaysia vào năm 1980 để tiếp thị sản phẩm. Burgmann Malaysia sản xuất phớt cơ khí, phớt cơ khí tĩnh, vật liệu bít, khe co giãn... Nhà máy sản xuất được đặt tại Subang Jaya, có 4 văn phòng kinh doanh ở bờ biển phía đông là Johor Bahru, Kuching và Penang. Tổng số sản phẩm được sản xuất trong một năm là khoảng 3 nghìn sản phẩm, tất cả được tiêu thụ ở thị trường Malaysia và chỉ có khoảng 1% được xuất khẩu sang các nước láng giềng. Công ty có 58 nhân viên trong các bộ phận bán hàng, sản xuất và hành chính. Công nghệ sản xuất của công ty không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng và tài nguyên. Các hành vi đầu tư xanh của doanh nghiệp này tại Malaysia như sau:

- Thứ nhất là chiến lược sản phẩm và công nghệ, sản phẩm chính của Burgmann Malaysia Sdn Bhd tại Malaysia là phớt cơ khí (vòng đệm), giúp giảm rỏ rỉ từ máy bơm. Máy bơm được sử dụng ở hầu hết các quy trình công nghiệp trong đó có môi trường, dưới mọi hình thức, là chất lỏng hay khí (nước, dầu, hóa chất, đồ uống, nước thải...) được chuyển từ không gian này sang không gian khác. Sản phẩm của công ty được ứng dụng trong các ngành công nghiệp như nhà máy điện, nhà máy hóa chất, nhà máy lọc dầu, đóng tàu, kỹ thuật hàng hải, hàng không vũ trụ, kỹ thuật ô tô, sản xuất giấy và đường...

- Thứ hai là quản lý môi trường, Burgmann Malaysia tuân thủ các chính sách môi trường được tiêu chuẩn hóa của công ty mẹ. Chính sách này là một quy trình phối hợp quốc tế nhằm xác định các mục tiêu môi trường và các tiêu chuẩn được áp dụng trong toàn bộ hoạt động của công ty trên toàn thế giới liên quan đến công nghệ, sức khỏe và an toàn. Chính sách môi trường được xác định rõ ràng. Quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, không có tiếng ồn phát ra ở mức tối thiểu, không có khí thải và rác thải gây ô nhiễm.

- Thứ ba là quản lý chuỗi cung ứng, Burgmann Malaysia yêu cầu các nhà cung cấp thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng cao theo yêu cầu của ISO và các tiêu chí về môi trường. Công ty cũng tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà cung cấp để đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, công ty đã kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để họ sẵn sàng hợp tác về các vấn đề môi trường.

- Thứ tư là quản lý nhân viên, Burgmann Malaysia tổ chức chương trình giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ cho nhân viên. Nội dung đào tạo bao gồm chất lượng đáp ứng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đồng thời đề cập đến các vấn đề về môi trường. Thời gian gần đây, vấn đề về môi trường được doanh nghiệp chú trọng hơn, được chứng minh bằng chứng nhận ISO 14001 và chứng nhận EMAS của công ty. Ngoài ra, công ty mở các lớp đào tạo cho nhân viên về cách sử dụng sản phẩm, kỹ thuật lắp ráp và thiết kế sản phẩm, xử lý sự cố liên quan đến bảo dưỡng máy bơm và nâng cao kiến thức cho nhân viên về hiệu quả môi trường của sản phẩm phớt cơ khí (vòng đệm).

BÀI HỌC RÚT RA CHO CÁC DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM

Từ các kinh nghiệm hành vi đầu tư xanh của một số doanh nghiệp FDI trên thế giới trên đây, một số bài học được rút ra đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện chiến lược sản phẩm và công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đổi mới sản phẩm. Các doanh nghiệp FDI cần tập trung sử dụng nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến, cải thiện quá trình sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, khí carbon thấp; sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; xây dựng chuỗi sản xuất sạch, liên hoàn; phụ phẩm, chế phẩm được tái chế. Doanh nghiệp FDI xanh cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn xanh đối với nhà cung cấp đầu vào đồng thời giám sát việc đáp ứng các tiêu chuẩn này trong chuỗi cung ứng, đảm bảo nhất quán các tiêu chuẩn xanh và bảo vệ môi trường trong cả chuỗi cung ứng.

Thứ hai, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối ở thị trường nước sở tại và thị trường lân cận, phát triển thương hiệu theo hướng bền vững. Hoàn thiện các kênh phân phối; xây dựng hình ảnh về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp theo hướng nhấn mạnh đến đặc điểm xanh và thân thiện với môi trường; ưu tiên lựa chọn đối tác, nhà cung cấp đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về môi trường. Doanh nghiệp FDI xanh cần lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tìm hiểu kỹ và chú trọng tuân thủ các luật, các quy định liên quan đến môi trường ở nước sở tại. Các doanh nghiệp FDI khi tiến hành hoạt động đầu tư vào một quốc gia nào đó cần nghiên cứu kỹ những quy định về luật bảo vệ môi trường, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai, luật năng lượng tái tạo, luật bảo tồn năng lượng, các quy định về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất (hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quan trắc nước thải tự động, diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định; xử lý khí thải, mùi, bảo đảm không để rò rỉ phát tán khí độc ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt; đảm bảo nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường...).

Thứ tư, nghiên cứu để thích nghi và tận dụng tối đa các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài xanh của chính phủ nước sở tại. Các doanh nghiệp FDI cần tận dụng các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh vào cung cấp sản phẩm dịch vụ xanh và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh vào công nghệ sạch, chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư xanh của Chính phủ quốc gia nước sở tại như: giảm thuế, ưu đãi tiền tệ, chi nhiều ngân sách cho R&D. Đồng thời cần đánh giá, phân tích tình hình kinh tế - xã hội, chính trị nói chung; đặc biệt chú trọng xem xét các yếu tố kinh tế minh bạch và tiềm năng phát triển, quy mô và nhu cầu thị trường nội địa, cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, chính trị ổn định./.

Tài liệu tham khảo

1. Dinh, T. T. B. (2009), Investment Behavior By Foreign Firms in Transition Economies. Ph.D., CIFREM, Centre, Interdepartmental In, Training Economics, I N.

2. Định Thị Thu Hương (2023), Thu hút vốn FDI xanh và hàm ý đối với Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Tài chính Kế toán, 237.

3. Golub Stephen S., Kauffmann Céline, Yeres Philip (2011), Defining and Measuring Green FDI: An Exploratory Review of Existing Work and Evidence, OECD Working Papers on International Investment, 2011/02.

4. UNCTAD (2008), Creating an institutional environment conducive to increased foreign investment and sustainable development. Accra, Ghana, April 20. www.unctad.org/en/docs/td426_en.pdf

5. UNCTAD (2010), World Investment Report 2010, United Nations Conference on Trade and Development. https://unctad.org/publication/world-investment-report-2010.

Ngày nhận bài: 29/12/2024; Ngày phản biện: 05/02/2025; Ngày duyệt đăng: 24/02/2025