Đây là nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại hội nghị Kết nối các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng Việt Nam tổ chức ngày 05/10/2016.

Vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”

Đánh giá về thực trạng kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối ở Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện nay liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ ở Việt Nam còn khá lỏng lẻo, không có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ rất hạn chế, chủ yếu vẫn xoay quanh hình thức khá truyền thống, đó là các nhà sản xuất chủ động giới thiệu hàng hóa mà mình sản xuất cho công chúng và khách hàng tham dự hội chợ, ít hoặc hầu như chưa có hình thức kết nối chủ động nào với các nhà bán lẻ.

“Điều này dẫn đến thực trạng hàng Việt gặp khó khăn khi tiêu thụ trên thị trường, thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”, “mất mùa thì không đủ hàng để cung cấp””, bà Loan nhấn mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến việc liên kết còn lỏng lẻo được bà Loan cho rằng, do chưa có bất kỳ chính sách nào hỗ trợ việc kết nối trực tiếp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ, trừ hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua các chương trình, như: triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm và một số hội nghị kết nối sản xuất – phân phối... của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cũng chia sẻ về thực trạng liên kết chuỗi trong việc cung ứng các thực phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay, ngành chăn nuôi còn thiếu các doanh nghiệp đầu mối của chuỗi để đảm nhận khâu sơ chế, đóng gói sản phẩm thành thành phẩm, như: thịt mát, thịt cấp đông có nhãn hiệu để cung cấp vào các siêu thị, của hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể, nhà máy chế biến... khiến việc đưa sản phẩm chăn nuôi đến người tiêu dùng gặp khó khăn.

Ông Đăng nhấn mạnh:“ Vai trò của các doanh nghiệp trong chuỗi mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người chăn nuôi. Chưa có sự hợp tác bài bản giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào, xây dựng nhãn hiệu nhằm phát triển chuỗi có giá trị bền vững và hiệu quả”.

Toàn cảnh Hội nghị

Nói về khó khăn, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hiệp hội gà đồi Sóc Sơn cho biết, lựa chọn thành viên tham gia chuỗi và thuyết phục tham gia chuỗi là vô cùng khó khăn, do thói quen chăn nuôi tự phát, manh mún nhỏ lẻ; thiếu tính hợp tác, giải quyết khó khăn, chia sẻ lợi ích.

Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và chia sẻ của khách hàng về quy trình sản xuất thực tế để đạt được giá trị sản phẩm như mong muốn và sự hợp tác của khách hàng nhằm xây dựng một kế hoạch sản xuất phù hợp đáp ứng được nhu cầu tối đa của khách hàng cũng là khó khăn mà chuỗi đang gặp phải.

Tăng cường liên kết chuỗi

Để tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, bà Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất, Bộ Công Thương cũng với các bộ, ngành địa phương, các hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các nhà sản xuất, cung ứng tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối và các nhà bán lẻ. Trong đó, bà Loan nhấn mạnh về việc hỗ trợ thành lập các trung tâm giao dịch hàng hóa hoặc tổ chức các phiên chợ giao dịch hàng hóa định kỳ 1 hoặc 2 lần/1 tháng để các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và bán lẻ có điều kiện gặp mặt, kết nối.

Đối với chuỗi cung ứng thực phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, hiện nay, chuỗi sản xuất, phân phối và bán lẻ đang thiếu những doanh nghiệp đầu mối. Chính vì vậy, để xác lập nên chuỗi tiêu thụ hoàn chỉnh, phải bồi dưỡng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ.

Để thực hiện một chuỗi hiệu quả và thành công, theo ông Nguyễn Văn Đông, cần phải thực hiện một số nội dung sau: Xác định tốt vị trí có tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm; Lựa chọn tốt người đứng đầu, các tác nhân tham gia đảm bảo tốt tiêu chí đưa ra; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ giải quyết khó khăn ban đầu; Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan kịp thời giải quyết khó khăn.

Đối với cơ quan nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội gà đồi Sóc Sơn kiến nghị, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thành, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển và Phương mại Phúc Lâm, mối liên kết chỉ thực sự bền vững và có giá trị khi các nhân tố tham gia trong mối liên kết đó cung phải hoàn thiện mình, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, kiên trì với mục tiêu phát triển lâu dài của đơn vị và lợi ích chung cho cộng đồng./.