Từ khóa: đạo đức công vụ, PCI, PAR index, PAPI, SIPAS

Summary

This study aims to explore the relationship between the improvement in PCI, PAR Index, PAPI, and SIPAS with public service ethics through synthesizing, analyzing and selecting component indices, constituent fields and measurement factors of 4 index related to the quality of public service ethics. The requirement for measuring public service ethics relationship with the improvement in the PCI, PAR index, PAPI, and SIPAS indicators has been set out from public service quality management. At the same time, analyzing the current situation and proposing solutions to improve public service ethics, contributing to improving the PCI, PAR index, PAPI, SIPAS index in Quang Tri province.

Keywords: public service ethics, PCI, PAR index, PAPI, SIPAS

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); PAR index (Chỉ số cải cách hành chính); PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh); SIPAS (Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) là những chỉ số quan trọng phản ánh đánh giá các khía cạnh khác nhau, nhưng điểm chung cơ bản là đo lường sự “cảm nhận” của đối tượng thụ hưởng đối với mặt nào đó trong hoạt động của chính quyền.

Đạo đức công vụ được quy định tại các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam theo hướng phù hợp với tình hình mới, trong khi trên thế giới, xu thế chung là pháp điển hóa các giá trị cốt lõi của công vụ và pháp luật hóa các chuẩn tắc giá trị đạo đức của người thực thi công vụ. Dù tiếp cận góc độ nào với phạm vi rộng, hẹp khác nhau, nhưng phải nhận thức đúng bản chất đạo đức của người thực thi công vụ là những chuẩn mực nghề công vụ phải tuyệt đối chấp hành. Như vậy, chất lượng đạo đức công vụ sẽ quyết định chất lượng các chỉ số thành phần, các lĩnh vực cấu thành có liên quan của PCI, PAR index, PAPI, SIPAS.

Bài viết nghiên cứu mối quan hệ trong cải thiện PCI, PAR index, PAPI, SIPAS và đạo đức công vụ không bắt nguồn từ cơ sở lý luận của đạo đức công vụ mà điểm mới là sàng lọc, đề xuất các chỉ số thành phần, lĩnh vực cấu thành và yếu tố đo lường của 4 chỉ số liên quan trực tiếp đến chất lượng đạo đức công vụ; xây dựng mô hình cấu thành đạo đức công vụ trong mối quan hệ với các chỉ số. Từ đó, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp căn cơ, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần của PCI, PAR index, PAPI, SIPAS và đảm bảo quản trị chất lượng dịch vụ công thông qua nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

CÁC YẾU TỐ ĐO LƯỜNG CỦA CÁC CHỈ SỐ PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS TÁC ĐỘNG TỪ CHẤT LƯỢNG ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ

Các chỉ số thành phần và lĩnh vực cấu thành của các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp từ chất lượng đạo đức công vụ; trong đó, phân tách các chỉ số thành phần, lĩnh vực cấu thành ảnh hưởng trực tiếp bao gồm:

- Về PCI: Có 8/10 chỉ số thành phần liên quan chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: (1) Gia nhập thị trường; (2) Tiếp cận đất đai; (3) Tính minh bạch; (4) Chi phí thời gian; (5) Chi phí không chính thức; (6) Cạnh tranh bình đẳng; (7) Tính năng động của chính quyền tỉnh; (8) Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việc cải thiện với các chỉ số thành phần của PCI muốn hiệu quả cần tập trung các chỉ số được gán trọng số cao (hiện tại có 3 mức: cao (15%-20%), trung bình (10%) và thấp (5%) với công thức tính: PCI có trọng số = (chỉ số 1 x trọng số % + chỉ số 2 x trọng số % + … + chỉ số 10 x trọng số %) x 100). Các chỉ số thành phần của PCI gán trọng số liên quan chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: Tính minh bạch và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: 20%; Chi phí không chính thức: 10%; Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh: 5%.

- Về PAR index: Có 4/8 lĩnh vực liên quan trực tiếp từ chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; (2) Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); (3) Cải cách chế độ công vụ; (4) Tác động của cải cách hành chính (CCHC) đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội.

- Về PAPI: Có 7/8 chỉ số lĩnh vực liên quan trực tiếp từ chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: (1) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (2) Trách nhiệm giải trình với người dân; (3) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (4) TTHC công; (5) Cung ứng dịch vụ công; (6) Quản trị môi trường; (7) Quản trị điện tử.

- Về SIPAS: Có 4/5 chỉ số liên quan trực tiếp từ chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: (1) TTHC; (2) Sự phục vụ của công chức; (3) Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; (4) Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Đối với kết quả mức độ hài lòng của người dân trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan nhà nước không liên quan nhiều từ chất lượng đạo đức công vụ nên không đề cập trong nghiên cứu này.

YÊU CẦU VỀ ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ TRONG MỐI QUAN HỆ CẢI THIỆN CÁC CHỈ SỐ PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS

Bàn về đạo đức công vụ, nghĩa là mặt “hồng” trong cách tiếp cận Hồng - Chuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề cập đến đạo đức công vụ đối với cán bô, công chức, viên chức là các yêu cầu mang tính nguyên tắc trong thực thi công vụ hướng đến phục vụ Nhân dân. Đạo đức công vụ, trong mối quan hệ với các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS được thể hiện ở các chỉ số thành phần, lĩnh vực cấu thành của 4 chỉ số. Hiểu cách khác, cán bộ, công chức, viên chức, nếu thực hiện chức trách của mình với trách nhiệm cao nhất, sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS, theo đánh giá của người được khảo sát.

Cải thiện các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS thông qua nâng cao đạo đức công vụ thực chất là tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ công, do đó phải được đo lường từ quản trị chất lượng dịch vụ.

Cấu thành đạo đức công vụ trong khuôn khổ mối quan hệ với các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS bao gồm: (1) Trung thực, chính trực: Đạo đức công vụ yêu cầu sự trung thực, chính trực, thẳng thắn, không gian dối trong hành vi và quyết định của nhân viên công vụ; (2) Đảm bảo lợi ích công chúng: Đạo đức công vụ yêu cầu tôn trọng quyền lợi và quyền tự do của công dân; làm việc vì lợi ích chung, quyết định và hành động tác động tích cực đến cộng đồng, xã hội; (3) Minh bạch và công bằng: Đạo đức công vụ yêu cầu thông tin về công việc và quyết định trong thực thi công vụ cần được công khai và minh bạch; đảm bảo sự công bằng và không phân biệt đối xử; (4) Trách nhiệm và tận tụy: Đạo đức công vụ yêu cầu sự trách nhiệm, tận tụy trong việc thực hiện nhiệm vụ công cộng theo đúng quy định, tuân thủ pháp luật và đáp ứng yêu cầu của công chúng; (5) Nhân phẩm: Đạo đức công vụ yêu cầu nhân phẩm trong đối xử và tương tác với công chúng; có tinh thần phục vụ, sẵn lòng giúp đỡ người khác và đối xử tôn trọng, lịch sự và công bằng với mọi người.

KẾT QUẢ CÁC CHỈ SỐ PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ

Kết quả xếp hạng của PCI, PAPI, SIPAS năm 2022 giảm so với năm 2021, riêng PAR Index mặc dù có tăng thứ hạng (tăng 1 bậc), nhưng tất cả các chỉ số của tỉnh Quảng Trị đều chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Cụ thể các chỉ số thành phần như Bảng.

Bảng: Tổng hợp kết quả PCI, PAR index, PAPI, SIPAS của tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2020-2022

Năm

PCI

PAR index

PAPI

SIPAS

Số điểm

Thứ hạng

Số điểm

Thứ hạng

Số điểm

Thứ hạng

Số điểm

Thứ hạng

2020

63,07

41

83,64

39

44,77

6

84,60

34

2021

63,33

41

84,82

53

42,39

28

85,69

46

2022

61,26

59

82,70

52

41,77

37

76,43

55

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu được công bố chính thức

Đối với PCI, đối chiếu 8/10 chỉ số thành phần liên quan trực tiếp đến chất lượng đạo đức công vụ, thì năm 2022, có 2 chỉ số tăng cả về điểm và thứ hạng so với năm 2021, đó là: Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,45 điểm, tăng 9 bậc, vươn lên vị trí thứ 50/63 tỉnh, thành phố; Chi phí không chính thức tăng 0,07 điểm, tăng 5 bậc, vươn lên thứ hạng 34/63. 1/8 chỉ số tăng điểm, nhưng giảm thứ hạng là: Chi phí thời gian tăng 0,48 điểm, xếp thứ 49/63 (giảm 6 bậc). 1/8 chỉ số giảm nhẹ điểm, nhưng giữ nguyên thứ hạng là: Tính năng động của chính quyền tỉnh, giảm 0,11 điểm, xếp thứ 32/63. 4/8 chỉ số giảm điểm đồng thời giảm thứ hạng: Tiếp cận đất đai giảm 1,17 điểm, xếp thứ 63/63 giảm 21 bậc); Tính minh bạch giảm 1,08 điểm, xếp thứ 37/63 (giảm 34 bậc); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 1,0 điểm, xếp thứ 62/63 (giảm 9 bậc); Gia nhập thị trường giảm 0,5 điểm, xếp thứ 35/63 (giảm 27 bậc). Như vậy 2 chỉ số thành phần gán trọng số cao nhất là 20%, bao gồm: Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đều giảm.

Đối với PAR index, đối chiếu với 4/8 lĩnh vực liên quan chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm:

- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: Kết quả năm 2022 đạt 9,4815/9,5 điểm (gần đạt kết quả tuyệt đối chỉ bị trừ 0,0185 điểm của tiêu chí thành phần Xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra), đạt 99,81%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành (xếp thứ 1/6 tỉnh Bắc Trung bộ) và tăng 19 bậc so với năm 2021.

- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 9,7042/13 điểm (bị trừ 3,2958 điểm), đạt 74,65%, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố (xếp thứ 6/6 tỉnh Bắc Trung Bộ) và giảm 24 bậc so với năm 2021.

- Cải cách chế độ công vụ đạt 12,0781/15 điểm, đạt 80,52%, xếp thứ 38/63 (xếp thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ) và giảm 18 bậc so với năm 2021.

- Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội: đạt 12,148/16,5 điểm, đạt 73,62%, xếp thứ 54/63 (xếp thứ 6/6 tỉnh Bắc Trung Bộ) và giảm 10 bậc so với năm 2021.

Đối với PAPI, đối chiếu với 7/8 lĩnh vực liên quan chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương: đạt 5,26/10 điểm, tăng 0,21 điểm so với năm 2021, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2021; Trách nhiệm giải trình với người dân: đạt 4,33 điểm, giảm 0,08 điểm so với năm 2021, xếp thứ 26/63, giảm 5 bậc so với năm 2021; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: đạt 6,53 điểm, giảm 0,08 điểm so với năm 2021, xếp thứ 40/63, bằng thứ hạng năm 2021; Thủ tục hành chính công: đạt 6,9934 điểm, giảm 0,2796 điểm so với năm 2021, xếp thứ 58/63, giảm 35 bậc so với năm 2021; Cung ứng dịch vụ công: đạt 7,2275 điểm, giảm 0,4015 điểm so với năm 2021, xếp thứ 48/63 giảm 10 bậc so với năm 2021; Quản trị môi trường: đạt 3,4237 điểm, giảm 0,1603 điểm so với năm 2021, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc so với năm 2021; Quản trị điện tử: đạt 3,0321 điểm, tăng 0,1731 điểm so với năm 2021, xếp thứ 31/63, giảm 3 bậc so với năm 2021.

Đối với SIPAS, kết quả của 4/5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, áp dụng đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức chịu tác động từ chất lượng đạo đức công vụ, bao gồm: TTHC được đánh giá hài lòng 77,46% (giảm 9,08%), đứng thứ 59/63; Sự phục vụ của công chức được đánh giá hài lòng 78,52% (giảm 8,49%), đứng thứ 43/63; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công: được đánh giá hài lòng 78,12% (giảm 10,85), đứng thứ 51/63; Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị: được đánh giá hài lòng 73,93% (giảm 3,64%), đứng thứ 57/63.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Cải thiện chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thông qua nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức cần xác định các yếu tố tác động tích cực hay tiêu cực của đạo đức công vụ trong bối cảnh hiện nay; từ đó, đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, phù hợp trong từng giai đoạn nhằm nâng cao chất lượng 5 thành tố cấu thành đạo đức công vụ trong khuôn khổ mối quan hệ với PCI, PAR index, PAPI, SIPAS, bao gồm: trung thực, chính trực; đảm bảo lợi ích công chúng; minh bạch và công bằng; trách nhiệm và tận tụy; nhân phẩm. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư có tính cạnh tranh cao, làm động lực phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả, chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị bền vững. Theo đó, cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa cách thức truyền thông đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành pháp luật, quy chế làm việc trong thi hành công vụ liên quan đến các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS; truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số này trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tầm ảnh hưởng của đạo đức công vụ trong cải thiện 4 chỉ số.

Thứ hai, chú trọng hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tác động đến các chỉ số thành phần, nhất là với các chỉ số thành phần có gắn trọng số lớn, các lĩnh vực cấu thành các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS; tập trung khắc phục các chỉ số thành phần xếp hạng thấp, các chỉ số giảm sâu so với những năm trước, cụ thể:

- Đối với PCI, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ chú trọng cải thiện các chỉ số có xếp hạng thấp, đặc biệt tập trung cải thiện 2 chỉ số thành phần gán trọng số cao nhất là 20%, bao gồm: Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022 đều giảm so với năm 2021. Cải thiện Chi phí không chính thức (34/63) cần phải thông qua hành động xử lý nghiêm tình trạng “tham nhũng vặt” trong cán bộ, công chức, viên chức.

- Đối với PAR index, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ tập trung cải thiện lĩnh vực cấu thành chỉ số có xu hướng giảm nhiều, bao gồm: Cải cách TTHC (năm 2022 giảm 24 bậc so với năm 2021); Cải cách chế độ công vụ (giảm 18 bậc); Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (giảm 10 bậc). Khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC quá hạn ở cả 3 cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đất đai (điều này cũng giúp cải thiện Chỉ số thành phần Chi phí thời gian của PCI), tránh tình trạng lặp lại việc tỉnh Quảng Trị năm 2022 lần đầu tiên sau nhiều năm bị đánh giá mất điểm hoàn toàn với 2 tiêu chí thành phần về kết quả giải quyết hồ sơ TTHC do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận với hồ sơ trễ hạn tập trung chủ yếu lĩnh vực đất đai. Việc thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và thực hiện tốt, đầy đủ theo quy định (Quảng Trị là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành mất điểm hoàn toàn nội dung này). Người thực thi công vụ cần có thái độ ứng xử đúng mực, có chất lượng trong giải quyết TTHC và tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, bởi 3 nội dung này đều bị đánh giá trừ điểm.

- Đối với PAPI: cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ tập trung cải thiện lĩnh vực cấu thành chỉ số có xu hướng giảm nhiều, bao gồm: Trách nhiệm giải trình với người dân (năm 2022 giảm 5 bậc so với năm 2021); trong đó, cán bộ, công chức, viên chức cần tận tâm, có trách nhiệm và thực hiện đúng quy trình, quy định trong giải đáp khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của người dân do nội dung này điểm số thấp dưới mức trung bình. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (giảm 0,08 điểm; bằng thứ hạng năm 2021) thông qua việc kiểm soát tham nhũng trong thực thi công vụ; TTHC công (giảm 35 bậc), Cung ứng dịch vụ công (giảm 10 bậc); Quản trị môi trường (giảm 02 bậc); Quản trị điện tử (giảm 3 bậc).

- Đối với SIPAS, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ tập trung cải thiện lĩnh vực cấu thành chỉ số có xu hướng giảm nhiều, cần tập trung giảm thời hạn giải quyết TTHC thông qua chủ động trong rà soát, kiến nghị cắt giảm thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện các TTHC ở các cấp, ưu tiên một số lĩnh vực trọng tâm: đất đai, xây dựng, đầu tư... Cần cải thiện thái độ giao tiếp, lắng nghe ý kiến của người dân/đại diện tổ chức, trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến của người dân/đại diện tổ chức và hướng dẫn kê khai hồ sơ tận tình, chu đáo, dễ hiểu, tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc. Cán bộ, công chức, viên chức xác định việc nâng cao đạo đức công vụ góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS thực chất trọng tâm là cải thiện chất lượng dịch vụ công; theo đó, phải được đo lường từ quản trị chất lượng dịch vụ với quy trình: đánh giá; kiểm tra, giám sát; hài hòa các mối quan hệ liên quan; đào tạo, bồi dưỡng; chế độ lương, thưởng. Thực hiện hiệu quả công tác thi đua khen thưởng sau công bố kết quả các chỉ số PCI, PAR index, PAPI, SIPAS nhằm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua, khen thưởng hàng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức./.

TS. Thái Thị Hồng Minh

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 34, tháng 12/2023


Tài liệu tham khảo

1. Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Trị (2023), Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ, ngày 05/6/2023 về quyết tâm thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh Quảng Trị.

2. Elie Cohen và Claude Henry (2000), Dịch vụ công cộng và Khu vực quốc doanh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (1974), Về vấn đề cán bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2020-2022), Báo cáo phân tích Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2020, 2021, 2022.

5. Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị (2020-2022), Báo cáo tổng hợp kết quả Chỉ số PAR index, PAPI, SIPAS các năm 2020, 2021, 2022.

6. Tỉnh ủy Quảng Trị (2021), Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 04/11/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.