Từ khóa: mô hình kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể, tổ hợp tác

Summary

Resolution No. 20-NQ/TW, dated June 16, 2022 of the 13th Central Party Committee on continuing to innovate, develop and improve the efficiency of the collective economy in the new period, clearly outline the importance of the type of collective economy, in which the important factor is identified as the cooperatives. However, in order for cooperatives to promote their strengths and bring greater efficiency, contributing to the economy of our country, it is necessary to have the cooperation of all levels, sectors, localities and farmers of cooperatives themselves.

Keywords: cooperative economic model, collective economy, cooperative group

GIỚI THIỆU

Phát triển KTTT, HTX là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua. Tại các Hội nghị trung ương khóa XIII bằng các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW, Đảng ta tiếp tục khẳng định ý chí tiếp tục phát triển loại hình kinh tế này để đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian qua với hoạt động có nhiều đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, các HTX đã khẳng định là nhân tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Vị trí, vai trò của KTTT, nòng cốt là các HTX kiểu mới dần được xã hội thừa nhận, đạt được nhiều kết quả khả quan và có nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, khu vực KTTT, trong đó có HTX đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra. Đổi mới, nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm...

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN HTX

KTTT là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: KTTT không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Để tiếp tục phát triển KTTT, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “KTTT, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển và cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên”.

Gần đây, với quan điểm KTTT, mà nòng cốt là HTX, là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12/03/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030. Định hướng phát triển chung của KTTT là khuyến khích phát triển trong các ngành nghề, lĩnh vực vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên. HTX tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về KTTT, đó là: “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Mới đây, Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20/6/2023 (thay thế Luật Hợp tác xã năm 2012), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật này có 12 Chương và 115 điều, có một số điểm mới được bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế mới. Cụ thể:

Thứ nhất, Luật lần này đã hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên với quy định về mở rộng đối tượng tham gia HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; đồng thời bổ sung yêu cầu trích lập Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình HTX nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.

Thứ hai, Luật đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.

Thứ ba, Luật đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.

Thứ tư, phát triển các loại hình tổ chức KTTT từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả THT, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT: đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể HTX theo hướng bổ sung quy định về xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về HTX; thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; Đất đai; thuế, phí và lệ phí; Tiếp cận vốn, bảo hiểm; Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HTX TRONG THỜI GIAN QUA

Kết quả đạt được

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX tại phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vào ngày 07/4/2023 cho biết, trong những năm qua, khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn HTX (tăng hơn 2 nghìn HTX tương ứng 7% so với năm 2021), 125 liên hiệp HTX (tăng 18 LH HTX - khoảng 17% so với năm 2021) và 71.000 tổ hợp tác (THT); các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

So với năm 2021, doanh thu bình quân HTX đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35%; lãi bình quân của 01 HTX là 366 triệu đồng (tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người (tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%).

Quý I/2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 HTX, giải thể 31 HTX nâng tổng số HTX cả nước lên 29.909 HTX. Các tỉnh, thành phố có số HTX thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội (31 HTX), Bắc Giang (26 HTX) và Thái Nguyên (25 HTX).

Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 HTX (chiếm 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp. Cụ thể, hết năm 2022, cả nước có khoảng 35.000 THT, 19.500 HTX và 91 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu hút gần 3,8 triệu thành viên và trên 1,5 triệu lao động (trong đó có 357.107 lao động là thành viên HTX).

Đến năm 2022, có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp; 2.535 HTX ứng dụng công nghệ cao và 2.340 HTX công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, đã có trên 4.339 HTX nông nghiệp, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc thực hiện bao tiêu nông sản, tăng cao so với tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 36.000 THT, 9.878 HTX và 33 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực phi nông nghiệp, cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ; giao thông vận tải; tín dụng; xây dựng; các lĩnh vực khác như nhà ở, y tế, giáo dục, du lịch công đồng, du lịch nông nghiệp…

Một số khó khăn, hạn chế

Một là, Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 tổ chức vào ngày 15/02/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù Nghị quyết số 13-NQ/TW đã yêu cầu “có bộ máy quản lý chuyên trách thích hợp (các bộ có vụ, sở có phòng quản lý KTTT) để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, nghiệp vụ đối với khu vực KTTT”, tuy nhiên cho đến nay, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết quyết số 13-NQ/TW, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT vẫn chưa đạt yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT chưa nắm chắc tình hình phát triển KTTT, công tác tham mưu giúp Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT còn hạn chế (Tùng Linh, 2022). Sự yếu kém này là nguyên nhân quan trọng làm cho chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Hai là, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán và toàn diện, chậm triển khai thực hiện, tính khả thi không cao và chưa tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Mặt khác, các chính sách này thiếu sự gắn kết với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác và chưa lồng ghép vào một cách nhuần nhuyễn trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.

Ba là, nhiều HTX còn bộc lộ năng lực yếu kém. Nhìn chung, HTX ở nước ta có quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu tính nhạy bén với thị trường, chưa thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ cho thành viên, phần lớn cán bộ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ của HTX chưa qua đào tạo bài bản, còn yếu về trình độ và không ổn định về nguồn kế cận. Các thành viên chưa chủ động tham gia xây dựng HTX, chưa thực sự là người chủ và đa phần vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm lẫn nhau, hoặc trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống HTX còn rời rạc, thiếu sự liên kết chặt chẽ về kinh tế trên phạm vi địa phương và trên toàn quốc.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về KTTT nói chung, HTX nói riêng. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về KTTT nói chung, HTX nói riêng là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với KTTT nói chung, HTX nói riêng thông qua xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung thống nhất, xuyên suốt chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về KTTT. Đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KTTT, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế…

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách về hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho HTX. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX cần xây dựng theo hướng coi HTX là chủ thể phù hợp, kết hợp giữa đóng góp của người dân (thông qua thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác) và sự hỗ trợ của Nhà nước, là phương thức để Nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa bàn một cách minh bạch, hiệu quả.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX phải là những cá nhân có đủ tài, đức do thành viên HTX bầu ra. Bên cạnh đó, phát huy dân chủ, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của các thành viên trong các tổ chức KTTT, hợp đồng kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển KTTT. Khuyến khích việc tăng vốn góp và huy động vốn từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức KTTT…

Đồng thời, khuyến khích liên kết kinh tế giữa các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực, từng bước hình thành các liên đoàn kinh tế của các HTX hoạt động chuyên môn hóa cao trên một lĩnh vực cụ thể. Tăng cường mối liên kết giữa tổ chức kinh tế hợp tác với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với kinh tế nhà nước./.

TS. Trịnh Việt Tiến - Học viện Hành chính Quốc gia

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2023), Báo cáo tại phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 07/4/2023.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, 2 Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12/3/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030.

5. Tùng Linh (2022), Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, truy cập từ https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2022/Hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-20-nam-thuc-654460.aspx.