Phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030
Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” |
CÔNG CỤ TÀI CHÍNH XANH – GIẢI PHÁP THU HÚT NGUỒN VỐN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Các công cụ tài chính xanh, bao gồm: trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, hay chứng chỉ carbon ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Chúng không chỉ giúp huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển bền vững, mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường và xã hội, phát triển các công cụ tài chính xanh có thể thu hút nguồn vốn từ trong và ngoài nước.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 10/9, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, mới đây, ngày 15/8/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023) đã đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”. Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác; từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
ĐỂ CÁC CÔNG CỤ TÀI CHÍNH XANH PHÁT TRIỂN
Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững là lĩnh vực mới không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên thế giới. Tuy nhiên, sự thúc đẩy phát triển các công cụ tài chính xanh tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều thách thức, như: Chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đánh giá, chứng nhận, đầu tư vào các dự án xanh và đưa ra các sản phẩm công cụ tài chính xanh phù hợp; chi phí phát hành các sản phẩm tài chính xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt so với các sản phẩm tài chính truyền thống, thậm chí có phần cao hơn; hiểu biết của doanh nghiệp, nhà đầu tư về công cụ tài chính xanh còn hạn chế.
Với tầm quan trọng của công cụ tài chính xanh, tại Quyết định số 1726, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, UBCKNN triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công cụ tài chính xanh. Cụ thể: (i) Nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh, như: khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh; các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK; (ii) Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững; (iii) Nghiên cứu các giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật; (iv) Triển khai hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm nghiên cứu các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm liên quan đến tài chính xanh và phát triển bền vững.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, trong thời gian qua, UBCKNN đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đưa vào công cụ tài chính xanh mới; nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững.
PHÁT TRIỂN CÔNG CỤ TÀI CHÍNH XANH DƯỚI GÓC ĐỘ CỦA UBCKNN
Nhằm thúc đẩy phát triển, phát huy hết tiềm năng vốn có của thị trường vốn xanh và các loại công cụ tài chính xanh, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:
(i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm gắn với thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, bám sát Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, sớm ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của TTCK đến năm 2030.
(ii) Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để từ đó có các tiêu chí đánh giá và chứng nhận các dự án xanh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thành viên thị trường tiếp cận với thị trường vốn xanh.
(iii) Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về tiềm năng, cách thức hoạt động của thị trường vốn xanh, các sản phẩm tài chính xanh cùng các tiêu chuẩn phát triển dự án xanh theo thông lệ quốc tế, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp, thành viên thị trường nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.
(iv) Yêu cầu doanh nghiệp có dự án xanh công bố thông tin một cách minh bạch, đầy đủ, chính xác về các dự án xanh, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm tài chính xanh gắn liền với doanh nghiệp.
(v) Nghiên cứu các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đầu tư vào các dự án xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể trong từng lĩnh vực.
(vi) Nghiên cứu, hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) (vận hành từ năm 2017) để phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của TTCK./.
Bình luận