Cơ hội cho tín dụng xanh phát triển

Chia sẻ tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, diễn ra sáng nay (ngày 10/9) tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, tài chính xanh có thể được hiểu là các chính sách, công cụ và giải pháp về tài chính – tiền tệ giúp quốc gia đạt được các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, tăng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm, bền vững.

Tài chính xanh ở Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị giải pháp
Theo TS. Cấn Văn Lực, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Ở Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.

Cụ thể, về tín dụng xanh, đến này đã có hệ thống văn bản như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 6/8/2015 của NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 7/8/2018 của NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN, ngày 26/7/2023 của NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Nhờ việc ban hành và triển khai hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh khá đồng bộ và hiệu quả, nên theo ông Lực, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023 (Hình).

Hình: Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam giai đoạn 2017- đến tháng 6/2024

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Tài chính xanh ở Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị giải pháp
Nguồn: NHNN, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp

Về trái phiếu xanh, ông Lực chia sẻ, giai đoạn 2016-2020, đã có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng vào năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng vào năm 2023.

“Về cổ phiếu xanh, từ 2016, Việt Nam từng bước thực hiện Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchanges Initiative – SSE) được thành lập năm 2009, với nhiều hoạt động, như: Thực hiện đào tạo về các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG) trong quản trị công ty; ban hành Sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp niêm yết thực hiện báo cáo ESG năm 2016; các công ty niêm yết phải công bố Báo cáo phát triển bền vững từ năm 2016. Tuy nhiên, số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn ít và các mục tiêu ESG đưa ra còn khá chung chung. Chỉ số phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam (VNSI) được vận hành từ năm 2017, gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số VNSI có hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index. Tuy nhiên, VNSI chưa thực sự phổ biến trên thị trường, chưa mang nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, nhà đầu tư.”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở vì: (i) Xu hướng tất yếu; (ii) Hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh dần được hoàn thiện; (iii) Định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh; (iv) Cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp…; (v) Cam kết, nguồn vốn quốc tế cho tăng trưởng xanh đã sẵn sàng.

Nhận diện thách thức, khó khăn

Bên cạnh những cơ hội phát triển còn rộng mở như trên, theo ông Lực, dòng vốn xanh ở Việt Nam còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như: (1) Chưa có các sản phẩm tài chính xanh (sản phẩm tín dụng xanh, chứng khoán xanh) đặc thù/cụ thể; (2) Chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (nhất là quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…); (3) Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; (4) Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất…); (5) Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn…, trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn; (6) Nhận thức của thị trường đối với ESG, tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều; (7) Nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

Đề xuất hệ thống giải pháp

Để thúc đẩy tốc độ chảy của dòng vốn xanh, theo ông Lực, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả 10 nhóm chính sách/giải pháp gồm:

Một là, gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, Chính phủ sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh.

Ba là, có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp.

Bốn là, ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..); đầu tư cơ cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng).

Năm là, hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh nếu có…) cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”.

Sáu là, thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”.

Bảy là, xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh – mô hình 5Is: (i) Công cụ thị trường vốn (Instruments); (ii) Nền tảng nhà đầu tư (Investors); (iii) Hệ sinh thái các tổ chức phát hành (Issuers); (iv) Văn hóa quản trị nội bộ đối với rủi ro môi trường trong tổ chức (Internal governance culture); và (v) Hạ tầng thông tin (Information).

Tám là, thành lập thị trường tín chỉ Carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực.

Chín là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa (bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà trường…); tăng cường giáo dục tài chính.

Mười là, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu./.