Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Toàn cảnh Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”

Sáng ngày 10/9/2024 tại TP. Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”. Sự kiện do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức nhằm cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho nỗ lực thúc đẩy dòng vốn xanh, tiến tới hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Tham dự diễn đàn có ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C; ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+; các tổ chức tài chính, hiệp hội và doanh nghiệp; các đơn vị nghiên cứu; các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông đến dự và đưa tin.

DEEP C tiên phong chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp KCN DEEP C đã thông tin cho biết tổng quan về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển của Tổ hợp KCN DEEP C tại Việt Nam.

Theo đó, Tổ hợp KCN DEEP C được thành lập từ năm 1997 do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ (DVIZJSC) - Nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nước ngoài có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam phát triển và vận hành tại TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; với cổ đông chính là Tập đoàn Ackermans & van Haaren (Bỉ). Tại Hải Phòng, DEEP C liên doanh với UBND TP. Hải Phòng đầu tư phát triển hạ tầng KCN DEEP I và KCN DEEP C III.

Đến nay, Tổ hợp KCN DEEP C đã phát triển quỹ đất rộng 3.400ha trải khắp 5 KCN tại TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; thu hút hơn 170 dự án đầu tư vào sản xuất và hậu cần với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, DVIZ đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho 417 cán bộ công nhân viên làm việc tại KCN DEEP C và hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghiệp trong Tổ hợp KCN.

KCN DEEP C Hải Phòng (KCN Đình Vũ) là một trong những KCN tiên phong của Việt Nam đã và đang chuyển đổi thành công sang KCN sinh thái. Thời gian qua, KCN này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn thí điểm tham gia dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (dự án KCN sinh thái) do Việt Nam và UNIDO phối hợp thực hiện. Trong quá trình triển khai Dự án KCN sinh thái, KCN DEEP C Hải Phòng đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái để đưa ra 137 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, 5 giải pháp cộng sinh công nghiệp và 5 giải pháp cộng sinh công nghiệp đô thị.

Tổng kết dự án KCN sinh thái, kết quả thực hiện các nghiên cứu điển hình về cộng sinh công nghiệp tại KCN DEEP C thời gian vừa qua đã đánh giá 19 doanh nghiệp tại KCN DEEP C và đưa ra 137 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 5,9 tỷ đồng/năm; thực hiện 51 giải pháp RECP; giảm tiêu thụ: 1.511,09 MW điện/năm,: 42.720 m3 nước/năm; giảm phát thải GHG: 1.325,75 tấn CO2 eq/năm.

KCN DEEP C Hải Phòng đã và đang thu hút thành công các nhà đầu tư FDI có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: PHA, Bridgestone, tesa, Tenowo, SKC, StarCharge, Pegatron, USI, Nippon Express, Yusen Logistics… Đây là các gương mặt nổi tiếng trong ngành ô tô, điện tử và logistics trên thế giới.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp KCN DEEP C phát biểu tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”

Phát triển nguồn tài chính xanh: Thuận lợi và khó khăn

Phát biểu tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, dưới góc độ của doanh nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hoạt động, bà Diệp Thị Kim Hoàn đã chỉ rõ những cơ hội thuận lợi, cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình tiếp cận dòng tài chính xanh hiện nay của các doanh nghiệp, cụ thể:

Về cơ hội, thuận lợi: (1) Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050: Huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, nguồn tài chính khí hậu; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia; xác định những nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm; xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trung hòa carbon…; (2) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030: Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai doạn 2021 - 2030 (Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế; hỗ trợ quốc tế: vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh…); (3) Ngân hàng Nhà nước: Ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng về định hướng phát triển tín dụng xanh (Thông tư số 08/2022/TT-NHNN ngày 22/6/2022 quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy trình cấp tín dụng cho các dự án xanh; Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025); (4) Các quỹ và ngân hàng khác: World Bank: Quỹ khí hậu xanh --> dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Vietcombank: dự án bảo vệ môi trường, năng lượng sạch và tài nguyên bền vững; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB): dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường; Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC): cho vay và đầu tư vốn cho các dự án xanh…

Về khó khăn, thách thức: Thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh (các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận các nguồn tài chính xanh do thiếu thông tin); chi phí tài chính thực tế (lãi suất, phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ; chưa có tiêu chí dự án xanh một cách cụ thể, rõ ràng, khác nhau giữa các đơn vị cung cấp tín dụng; các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng; các dự án quy mô nhỏ (< 30 triệu USD) nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài; rủi ro về chênh lệch tỷ giá…

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp KCN DEEP C

Giải pháp phát triển nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam

Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C Diệp Thị Kim Hoàn đã đề xuất một số giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy nguồn vốn xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cụ thể:

Một là, phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản.

Hai là, tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên (nature-based infrastructure).

Ba là, các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như: World Bank, IFC hoặc ADB…

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ về quan điểm của Tổ hợp KCN DEEP C là chỉ báo cáo với Công ty "mẹ" và các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam những kết quả mà thực tế KCN đã làm được

Đầu tư KCN theo hướng sinh thái, tạo lực đẩy để tăng tốc thu hút đầu tư

Trước đó, tại Hội thảo tổng kết dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, thay mặt nhà đầu tư KCN DEEP C, Giám đốc Phát triển bền vững Diệp Thị Kim Hoàn đã khẳng định: Khi tham gia vào dự án KCN sinh thái doanh nghiệp sẽ có những bước đi vững chắc hơn. Tại KCN DEEP C Hải Phòng, kết quả bước đầu đạt được trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái tuy là nhỏ bé, nhưng mang lại lợi ích và ý nghĩa vô cùng to lớn trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, môi trường và xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của DEEP C trên thị trường quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội mong muốn hoạt động với các đối tác có cùng quan điểm, tiêu chuẩn, nhu cầu, cùng tầm nhìn, định hướng theo con đường phát triển bền vững, do vậy DEEP C đang trở thành đối tác tiềm năng để họ tìm đến hợp tác đầu tư lâu dài.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp KCN DEEP C phát biểu tại Hội thảo tổng kết dự án KCN sinh thái

Tại KCN DEEP C, Dự án KCN sinh thái đã hỗ trợ, xác định, nghiên cưu và triển khai cộng sinh công nghiệp, với các cơ hội cộng sinh công nghiệp như: Thép phế liệu được thu gom từ các công ty trong KCN Deep C (Nakashima, IHI, Tamada, Shinetsu); Nhựa thải được thu gom từ các công ty trong KCN (YTG...) cung cấp cho IML hoặc nhà máy nhựa; KCN DEEP C phát triển nền tảng web dùng chung; KCN Deep C đào tạo tập trung cho các doanh nghiệp trong KCN: Quy định pháp luật, môi trường; phát triển dịch vụ dùng chung cho toàn bộ KCN (Giặt là, bảo dưỡng, suất ăn, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy…); phát triển dịch vụ bảo trì cho các doanh nghiệp trong KCN; các doanh nghiệp trong KCN phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái...), điện dư có thể hòa lưới điện trong KCN và của Thành phố; công ty dịch vụ về năng lượng cung cấp công nhân vận hành lò hơi trình độ cao cho các doanh nghiệp; đầu tư hệ thống RO tái sử dụng nước thải sau xử lý, sau đó cấp lại cho một số doanh nghiệp lân cận.

Trong KCN DEEP C Hải Phòng, cộng sinh công nghiệp đã và đang được triển khai thành công với các hạng mục: Điện mặt trời áp mái (cộng sinh giữa DEEP C và khách hàng trong KCN); bột mài kính làm vật liệu san lấp (cộng sinh giữa DEEP C và Công ty TNHH Plat - Hồng Kông trong KCN; chia sẻ hoạt động phòng cháy chữa cháy (cộng sinh công nghiệp - đô thị); tái sử dụng nước thải đã qua xử lý tại nhà máy xử lý nước thải trong KCN (cộng sinh công nghiệp); tái chế rác thải làm đường nhựa (cộng sinh công nghiệp); trang trại DEEP C.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Toàn cảnh KCN DEEP C Hải Phòng

Bên cạnh đó, KCN DEEP C cũng đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai các hoạt động cộng sinh công nghiệp khác trong tương lai, cụ thể như: Xây dựng Trung tâm chia sẻ thông tin do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ xây dựng, để phục vụ cho các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, KCN DEEP C, nhà đầu tư và người lao động trong KCN; tái sử dụng nước thải đã qua xử lý; dự án làm phân ủ Compost…

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Đại diện KCN DEEP C giới thiệu với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO các công tình sinh thái trong KCN DEEP C Hải Phòng

Với định hướng phát triển KCN theo hướng sinh thái, bền vững, Tổ hợp KCN DEEP C luôn ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội và xác định tôn chỉ hoạt động của mình đó là: Gắn lợi ích kinh tế song hành với lợi ích của nhà đầu tư và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; đây cũng chính là quan điểm và tiêu chí chọn lựa đối tác của các nhà đầu tư FDI, và là minh chứng sống động cho thành công của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam./.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO thăm quan Nhà máy xử lý nước thải trong KCN DEEP C Hải Phòng
Tổ hợp KCN DEEP C là nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, do Infra Asia Investment Hong Kong phát triển và vận hành tại TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, có cổ đông chính là Tập đoàn Ackermans & van Haaren (Bỉ). Hiện nay DEEP C là nhà phát triển KCN châu Âu duy nhất tại Việt Nam, quản lý và vận hành hệ thống 5 KCN có quy mô trên 3400ha tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại Diễn đàn