Phát triển dịch vụ homestay tại Khu du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
TS. Trương Thị Thùy Ninh, Trường Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Trần Quang Thắng, Trường Đại học FPT
ThS. Lê Thị Hải, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tác giả liên hệ: Trương Thị Thùy Ninh; Email: ninhttt@haui.edu.vn
Tóm tắt
Thông qua dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, Ban quản lý khu du lịch hồ Ba Bể, các doanh nghiệp du lịch và tài liệu pháp lý liên quan, cùng với dữ liệu sơ cấp được thu thập qua khảo sát đối với 120 du khách và 40 người dân, bài viết khái quát về điều kiện tự nhiên, điều kiện tài nguyên, điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng dịch vụ homestay tại Khu du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển dịch vụ homestay tại Khu du lịch hồ Ba Bể, đưa du lịch hồ Ba Bể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Từ khóa: phát triển dịch vụ homestay, hồ Ba Bể, Bắc Kạn
Summary
Through secondary data collected from reports of the Department of Culture, Sports and Tourism of Bac Kan Province, Ba Be Lake Tourism Management Board, tourism businesses, and related legal documents, along with primary data collected through surveys of 120 tourists and 40 residents, the article provides an overview of natural conditions, resource conditions, socio-economic conditions, and the current situation of homestay services at Ba Be Lake Tourism Area, Bac Kan Province. From there, propose effective solutions to develop homestay services at Ba Be Lake Tourism Area, bringing Ba Be Lake tourism to develop more strongly in the coming time.
Keywords: homestay service development, Ba Be Lake, Bac Kan
GIỚI THIỆU
Bắc Kạn nằm ở trung tâm khu vực phía Bắc, nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh và dấu ấn lịch sử, đặc biệt là Vườn quốc gia Ba Bể và hồ Ba Bể - trái tim du lịch của tỉnh. Hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt cần bảo tồn, đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN và khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. Những tiềm năng du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa, khám phá thiên nhiên và đặc biệt là loại hình Homestay đã tạo nên sức hấp dẫn độc đáo cho khu vực. Du lịch Homestay tại Ba Bể bắt đầu từ hơn 30 năm trước, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách với khung cảnh hoang sơ, văn hóa độc đáo, và ẩm thực truyền thống. Loại hình này đã phát triển mạnh từ năm 1997, khi Bắc Kạn tái lập tỉnh, với sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng trong việc học hỏi mô hình từ các tỉnh khác. Hiện tại, Ba Bể có 96 cơ sở Homestay, cung cấp các hoạt động trải nghiệm đa dạng như chèo thuyền, giao lưu văn hóa và khám phá đời sống địa phương (Phòng Quản lý văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, 2017).
Tuy nhiên, các homestay tại Ba Bể còn gặp nhiều thách thức: chưa liên kết tốt với công ty lữ hành, hạn chế trong quảng bá, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, và nhân sự thiếu đào tạo chuyên môn. Ngoài ra, hiện tượng biến tướng homestay thành khách sạn nhỏ lẻ gây mất giá trị văn hóa và cạnh tranh không lành mạnh. Homestay là thế mạnh du lịch của Ba Bể, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn văn hóa địa phương. Khắc phục các tồn tại hạn chế để đưa mô hình lưu trú trong nhà dân - homestay phát triển theo đúng nghĩa của nó. Xuất phát từ thực tiễn trên, đề tài “Phát triển dịch vụ homestay tại Khu du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn” của nhóm tác giả có ý nghĩa thực tế và đóng góp một phần nhỏ vào việc phát triển loại hình hình dịch vụ du lịch homestay tại Khu du lịch Ba Bể theo hướng bền vững và ngày càng chuyên nghiệp.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Các nhân tố chủ quan
Giá cả dịch vụ: Du lịch homestay tại Việt Nam còn mới mẻ, với sản phẩm chưa đa dạng. Dịch vụ cần đảm bảo chất lượng, mang đến không gian thoải mái, các hoạt động du lịch hấp dẫn và giá cả hợp lý (Lê Văn Huy, 2011). Các cơ sở cần công khai giá dịch vụ và tổ chức các chương trình du lịch cụ thể để du khách dễ dàng lựa chọn.
Tài nguyên du lịch: Bao gồm tài nguyên tự nhiên như vị trí địa lý, cảnh quan, khí hậu và sự đa dạng sinh thái. Ngoài ra, tài nguyên nhân văn như văn hóa, phong tục, lễ hội và các di tích lịch sử cũng thu hút du khách, tạo nên sự hấp dẫn lớn đối với ngành du lịch.
Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật: Cơ sở hạ tầng bao gồm các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ sung. Đặc biệt, hệ thống giao thông, thông tin viễn thông và các dịch vụ cấp thoát nước, điện rất quan trọng trong việc phát triển du lịch (Nguyễn Quốc Nghi, 2013). Cơ sở lưu trú cần đảm bảo sạch sẽ, tiện nghi và có dịch vụ hỗ trợ du khách ổn định.
Nguồn nhân lực: Du lịch Homestay phụ thuộc vào nguồn nhân lực của các chủ nhà và các thành viên trong gia đình. Mặc dù kỹ năng chuyên môn còn hạn chế, nhưng sự nhiệt tình và hiếu khách của họ là yếu tố quan trọng (Nguyễn Thị Huệ, 2012). Để nâng cao chất lượng dịch vụ, việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người dân cần được chú trọng, giúp tăng cường trải nghiệm du khách và phát triển bền vững ngành du lịch này.
Các nhân tố khách quan
Khách du lịch: Khách du lịch ngày nay có động cơ đa dạng như nghỉ ngơi, khám phá thiên nhiên, thăm viếng người thân, chữa bệnh hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo. Khách cũng ngày càng ý thức về tác động của hành vi du lịch đối với môi trường và xã hội, đồng thời ưa chuộng các trải nghiệm du lịch độc đáo, gắn liền với giá trị văn hóa, tự nhiên và công nghệ hiện đại (Nguyễn Xuân Thiên, 2016).
Yếu tố xã hội: Các yếu tố xã hội như thu nhập, trình độ học vấn, môi trường sống, phong tục tập quán đều ảnh hưởng đến sự lựa chọn và yêu cầu của khách du lịch. Các cơ sở lưu trú cần phải phân khúc thị trường để phục vụ nhu cầu riêng biệt của từng nhóm khách như khách quốc tế, nội địa hay khách từ các vùng khác nhau (Nguyễn Quốc Nghi, 2013).
Yếu tố tự nhiên: Các yếu tố khí hậu, thời tiết có thể ảnh hưởng đến du lịch Homestay. Mưa, bão hoặc các sự cố thiên nhiên khác có thể gián đoạn hoạt động du lịch, gây ảnh hưởng đến tiện nghi như điện, internet, cũng như lịch trình tham quan của du khách.
Hiệu lực của cơ chế quản lý: Các chính sách và môi trường pháp lý ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị. Các cơ chế quản lý tốt sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các cơ sở lưu trú, buộc họ phải nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du khách.
Ảnh hưởng tiêu cực từ du lịch lên môi trường: Hoạt động du lịch có thể gây áp lực lên môi trường tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Tăng lượng khách du lịch dẫn đến việc tăng nhu cầu về tài nguyên như nước, điện, và gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và các điểm du lịch. Đồng thời, các giá trị văn hóa truyền thống có thể bị thay đổi do ảnh hưởng của du lịch đại trà, khi các hình thức lưu trú truyền thống bị thay thế bằng những công trình hiện đại hơn (Nguyễn Thị Huệ, 2012).
Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch: Cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo tồn văn hóa và đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch. Cộng đồng cần được tham gia trong quá trình hoạch định phát triển du lịch để có thể bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài. Các cơ sở kinh doanh du lịch có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, sử dụng hợp lý nguồn lực và chia sẻ lợi ích với cộng đồng để thúc đẩy sự phát triển bền vững (Nguyễn Thị Quỳnh, 2015). Nếu thiếu trách nhiệm, việc khai thác tài nguyên quá mức sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu bao gồm thu thập dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn; Ban quản lý khu du lịch hồ Ba Bể, các doanh nghiệp du lịch và tài liệu pháp lý liên quan. Dữ liệu sơ cấp được thu thập qua các phương pháp điều tra xã hội học, bao gồm phiếu khảo sát đối với 120 du khách và 40 người dân. Nhóm tác giả cũng sử dụng phương pháp quan sát tham dự và không tham dự tại các cơ sở homestay, cũng như thực hiện phỏng vấn với 10 hộ kinh doanh, 8 người dân, 8 du khách và đại diện doanh nghiệp du lịch. Thời gian khảo sát được tiến hành từ ngày 01/6/2023 đến ngày 01/6/2024.
Dữ liệu thu thập được phân tích bằng các phương pháp so sánh, phân tích và tổng hợp. Phương pháp so sánh được áp dụng để đối chiếu dữ liệu giữa các năm, giúp xác định biến động trong hoạt động kinh doanh. Phương pháp phân tích sử dụng số liệu về tình hình kinh doanh dịch vụ Homestay, trong khi phương pháp tổng hợp giúp sắp xếp và đánh giá tổng thể các dữ liệu thu thập được. Phần mềm Excel được sử dụng để hỗ trợ quá trình phân tích và tổng hợp.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Các nhân tố chủ quan
Giá cả dịch vụ
Theo Ông Dương Văn Thuấn - Trưởng thôn Pác Ngòi các thôn Pác Ngòi cho biết, các thôn Bó lù, Cốc Tộc, thôn Pác Ngòi có 78 hộ kinh doanh, giá dịch vụ được bàn bạc cụ thể và quy định thống nhất trong toàn khu vực. Cụ thể giá dịch vụ tại Homestay Quang Minh - Thôn Pác Ngòi như Bảng 1.
Bảng 1: Giá cả dịch vụ Homestay Minh Quang - Pác Ngòi
![]() |
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả |
Kết quả thăm dò ý kiến khách du lịch của Ban Quản lý du lịch Ba Bể về giá dịch vụ trên khu vực hồ Ba Bể, có đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của du khách hay không ở Bảng 2 cho thấy, dịch vụ tại các homestay Ba Bể phù hợp với đa số du khách. Kết quả khảo sát cho thấy, có 81,7% du khách cho rằng, giá dịch vụ lưu trú hợp lý, với giá nghỉ 70.000 đồng/người/ngày và phòng đầy đủ tiện nghi từ 300.000 - 350.000 đồng/phòng/ngày đêm cho 2 người. Dịch vụ ăn uống được đánh giá cao (88,3%), với các món ăn địa phương, như: thịt lợn gác bếp, cá hồ, xôi lá cẩm có giá 100.000 - 120.000 đồng/suất. Các hàng hóa tại homestay cũng được đánh giá hợp lý (87,4%), với sản phẩm tự sản xuất. Dịch vụ vui chơi, giao lưu trải nghiệm được đánh giá phù hợp (71,7%), nhưng vẫn thiếu sự đa dạng.
Bảng 2: Giá cả một số dịch vụ tại các homestay ở Khu Du lịch Hồ Ba bể
![]() |
Nguồn: Ban quản lý khu du lịch hồ Ba Bể |
Báo cáo của Phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn (2019) về mức độ đánh giá về tài nguyên du lịch tại hồ Ba Bể ở Bảng 3 cho thấy:
Bảng 3: Đánh giá về tài nguyên du lịch
![]() |
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn |
Hồ Ba Bể nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi đá vôi bao quanh và hệ sinh thái phong phú. Các xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Hoàng Trĩ và các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc đều có nhiều điểm du lịch, trong đó các bản nhà sàn là điểm đến hấp dẫn. Đánh giá tài nguyên du lịch cho thấy khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đạt 96%, hệ sinh thái đa dạng 100%, môi trường tự nhiên lành mạnh 100%, nhưng ý thức bảo vệ môi trường chỉ đạt 48%.
Tuy nhiên, việc khai thác du lịch thiếu khoa học khiến cảnh quan và bản sắc văn hóa dễ bị mai một. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về du lịch Homestay, thậm chí vì lợi ích trước mắt đã phá vỡ không gian văn hóa, như xây nhà cao tầng và dùng mái tôn thay vì nhà sàn truyền thống. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và môi trường. Để phát triển du lịch bền vững, chính quyền cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tuyên truyền và giáo dục người dân về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật về du lịch và di sản.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật vật chất kỹ thuật
Bảng 4 cho thấy, các điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật đã được đầu tư, cải tạo có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của du khách.
Bảng 4: Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật
![]() |
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn |
Theo đó, các yếu tố cơ bản của dịch vụ du lịch, như: nhà sạch sẽ, thoáng mát đạt 73,3%, thông tin liên lạc không gián đoạn đạt 60%, ánh sáng phòng đảm bảo đạt 78,4%, nước sinh hoạt đạt 61,7%. Tuy nhiên, tiện nghi phòng chỉ đạt 43,2%, giao thông nông thôn đạt 80%. Thực tế, Khu dịch Hồ Ba Bể chưa có phương tiện vận chuyển khách chất lượng cao, thuyền máy và xe điện còn yếu kém. Các cơ sở lưu trú và nhà hàng chủ yếu nhỏ, chưa khai thác đa dạng món ăn địa phương. Mặc dù lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, tăng trong những năm gần đây, nhưng chất lượng dịch vụ chưa đạt yêu cầu.
Nguồn nhân lực
Bảng 5: Số lượng lao động phục vụ dịch vụ Homestay tại Ba Bể
![]() |
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn |
Bảng 5 cho thấy, nguồn nhân lực phục vụ du lịch nói chung và nhân lực trực tiếp tham gia dịch vụ Homestay tại Ba Bể trong những năm qua có tăng cả về số lượng cả chất lượng. Theo đó, số lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là rất ít (44 người) đa số học tại chức tại Tỉnh và chưa đúng chuyên ngành; số còn lại được bồi dưỡng tại chỗ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn và Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn tổ chức (kỹ năng nghiệp vụ du lịch và chứng chỉ lái thuyền du lịch); số lao động học tiếng Anh do Ngân hàng Phát triển Á châu (dự án ADB) hỗ trợ tổ chức 2 lớp (5 tháng/lớp). Như vậy, lao động tại Homestay Ba Bể về chuyên môn, nghiệp vụ thấp, hoạt động chủ yếu do kinh nghiệm.
Bảng 6: Chất lượng nguồn nhân lực
![]() |
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn |
Với số lao động trực tiếp phục vụ tại các cơ sở lưu trú tại hồ Ba Bể là 419 người (Bảng 5), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh khảo sát ngẫu nhiên số lao động tập trung tại thôn Pắc Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc (3 du lịch Homestay chính với 96 người) (Bảng 6) cho thấy:
Lực lượng lao động trong các doanh nghiệp và hộ du lịch Homestay chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo chuyên nghiệp về du lịch. Tuy nhiên, nhờ quá trình học hỏi thực tế, họ đã tích lũy được kinh nghiệm. Trong những năm gần đây, Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) đã mở 2 lớp bồi dưỡng tiếng Anh (5 tháng mỗi lớp) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh tổ chức hàng năm 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn. Ngoài ra, các lao động cũng tham gia các lớp đào tạo của Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên cùng các lớp của Trường Cao đẳng nghề Tỉnh. Nhìn chung, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Bắc Kạn đã được quan tâm và phát triển với nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về du lịch homestay cho người dân địa phương. Các lớp bồi dưỡng thu hút sự tham gia của đa số các hộ kinh doanh homestay và nhân viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là trình độ ngoại ngữ của lao động phục vụ du lịch homestay còn yếu, khi 90% chủ homestay không biết ngoại ngữ, tạo rào cản trong giao tiếp với khách quốc tế. Thêm vào đó, đồng bào miền núi thường ngại giao tiếp và e ngại khi tiếp xúc với khách lạ.
Các nhân tố khách quan
Khách du lịch
Kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy, du khách đến Ba Bể chủ yếu chọn dịch vụ homestay (trên 80%), đánh giá cao cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng sinh học và ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và phát triển nghề thủ công truyền thống chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: giao thông, điện nước và dịch vụ ăn uống được đánh giá tốt, nhưng vẫn còn tình trạng mất điện, nghẽn mạng và thiếu các dịch vụ giải trí đa dạng. Dịch vụ lưu trú đáp ứng cơ bản nhu cầu du khách, nhưng chất lượng còn hạn chế do thiếu vốn đầu tư đồng bộ. Mặc dù thái độ phục vụ tốt, tình hình vệ sinh môi trường và xử lý rác thải cần cải thiện, đặc biệt ở khu vực hồ Ba Bể. An ninh trật tự ổn định, nhưng trình độ ngoại ngữ của chủ nhà và nhân viên là một rào cản lớn trong giao tiếp với du khách.
Yếu tố xã hội (ảnh hưởng đến phát triển nhân lực du lịch)
Xuất phát từ một vùng thuần nông, người dân tộc quanh hồ Ba Bể chủ yếu làm rẫy, trồng ngô, chài lưới, với kinh tế khó khăn và ít tiếp xúc với môi trường xã hội phát triển. Phong tục tập quán địa phương như kết hôn sớm hay quan niệm con gái không cần học nhiều đã ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển trình độ học vấn. Trước đây, người dân chỉ chú trọng cho con cái biết đọc, biết viết. Khi xã hội mở ra cơ hội tham gia kinh doanh, đặc biệt trong du lịch homestay, nhận thức về vai trò của kiến thức và trình độ mới được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng vẫn còn thiếu hụt. Dù UBND Tỉnh và huyện Ba Bể đã triển khai các hình thức đào tạo, nhưng số người tốt nghiệp đại học tại Ba Bể rất ít (chỉ 95 người, trong đó ngành du lịch và văn hóa chiếm tỷ lệ nhỏ).
Yếu tố tự nhiên
Các yếu tố tự nhiên tác động mạnh mẽ đến dịch vụ du lịch homestay tại hồ Ba Bể. Giao thông đường bộ ở đây thuận lợi với phương tiện đạt chuẩn, nhưng mùa mưa bão dễ gây sạt lở, tắc đường. Đường thủy với thuyền du lịch có mái che cũng chịu ảnh hưởng lớn. Mùa lũ, nước sông suối dâng cao, chảy xiết mang theo rác thải và phù sa làm ô nhiễm hồ, ảnh hưởng đến mỹ quan và giao thông. Khi nước rút, lòng sông bị bồi lắng gây khó khăn cho vận chuyển đường thủy, đặc biệt tại sông Lềnh và sông Năng.
Vườn quốc gia Ba Bể được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng mưa lớn làm cây đổ vào đường dây điện, gây mất điện và gián đoạn mạng viễn thông, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Dù Ban Quản lý du lịch Ba Bể cùng các hộ kinh doanh đã phối hợp khắc phục, nhưng chủ yếu là giải pháp tạm thời, chưa mang tính bền vững.
Hiệu lực của cơ chế quản lý
Trước năm 2018, việc quản lý và kinh doanh du lịch tại hồ Ba Bể do Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Môi trường Rừng phụ trách, nhưng hiệu quả thấp do kiêm nhiệm. Tháng 1/2018, Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể được thành lập, nhanh chóng ban hành quy chế quản lý các cơ sở lưu trú, thuyền du lịch và dịch vụ bán hàng. UBND huyện cũng thành lập tổ liên ngành đảm bảo an ninh, trật tự giao thông và xã hội.
Tỉnh Bắc Kạn đã quy hoạch và đầu tư hạ tầng, tôn tạo di tích, hình thành các tour du lịch và khai thác du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng. Nhiều quy hoạch liên quan đến khu du lịch hồ Ba Bể đã được phê duyệt, như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Ba Bể - Na Hang. Các tuyến đường quan trọng kết nối khu du lịch đã được cải tạo hoặc khởi công, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
UBND Tỉnh cũng triển khai Đề án du lịch thông minh, khuyến khích sáng tạo từ cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, và tăng cường xúc tiến quảng bá. Các cơ sở lưu trú đã cải thiện chất lượng, trong khi các hợp tác xã nông nghiệp đầu tư vào sản xuất để phục vụ cả nhu cầu ăn uống và trải nghiệm của du khách, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Ba Bể phát triển bền vững.
Ảnh hưởng tiêu cực từ du lịch lên môi trường
- Đối với môi trường tự nhiên: Hoạt động du lịch tại các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc ven hồ Ba Bể đang gây nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Lượng rác thải sinh hoạt lớn dù có lò đốt nhưng công suất nhỏ, dẫn đến tồn đọng rác tại đầu thôn, gây mùi hôi và ô nhiễm. Nước thải không qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến đất, nước và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng lưu trú xây dựng không phép, sai quy hoạch phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Trên mặt hồ, đường vào các điểm tham quan tràn ngập rác thải; các lều bán hàng tạm bợ lộn xộn làm xấu mỹ quan. Ban Quản lý du lịch Ba Bể đã có kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải, kè chắn rác và quy hoạch lại khu bán hàng, dự kiến sẽ triển khai sớm.
- Đối với tài nguyên nhân văn: Các bản nhà sàn ven hồ từng được công nhận là làng văn hóa với kiến trúc cổ kính đang bị mai một. Nhu cầu lưu trú tăng cao khiến nhiều nhà sàn cổ bị thay thế bởi nhà tầng hoặc lợp tôn, phá vỡ cảnh quan truyền thống. Văn hóa bản địa đang chịu tác động từ xu hướng thị trường hóa và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, làm biến đổi trang phục, lối sống, và giá trị văn hóa. Đồng thời, sự gia tăng du khách gây nguy cơ lây lan dịch bệnh và bất ổn an ninh. Đây là những thách thức mà chính quyền và cộng đồng cần phối hợp giải quyết để phát triển du lịch bền vững.
Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch
- Cư dân địa phương: Dịch vụ homestay tại hồ Ba Bể được cộng đồng cư dân địa phương ủng hộ mạnh mẽ, thể hiện qua việc cải tạo nhà cửa để phục vụ du lịch và tham gia các hoạt động hỗ trợ như lái thuyền, sản xuất nông sản. Những người làm dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu lưu trú, mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa, như: nấu món ăn truyền thống, biểu diễn ca múa dân gian. Các cơ sở homestay tổ chức họp hàng năm để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ homestay, đời sống và nhận thức của người dân được cải thiện, thúc đẩy họ bảo tồn tài nguyên và khai thác du lịch hiệu quả.
- Cơ sở kinh doanh du lịch: Các cơ sở homestay chủ yếu do người dân vận hành, với một số hợp tác cùng các công ty lữ hành. Tuy nhiên, một bộ phận cư dân chưa ý thức đầy đủ về văn hóa địa phương và loại hình homestay, dẫn đến tình trạng xả rác, xây dựng không đúng quy hoạch, hoặc không biết cách quảng bá phong tục truyền thống. Nhiều người dân không mặc trang phục dân tộc, làm mờ nhạt bản sắc văn hóa.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Về phía cơ quan quản lý nhà nước
Thứ nhất, nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển homestay: Các cấp chính quyền cần nghiên cứu và ban hành chính sách phát triển du lịch homestay bền vững. Cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ về vốn với lãi suất thấp, đào tạo chuyên môn cho người dân, và các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch. Các cơ chế này sẽ giúp các hộ gia đình nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện kỹ năng và quảng bá dịch vụ đến với du khách.
Thứ hai, thiết lập cơ chế quản lý phù hợp: Để việc kinh doanh homestay diễn ra đồng bộ, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ. Một trong những giải pháp là thành lập Tổ hợp tác du lịch homestay tại các bản làng, giúp các hộ gia đình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ khách và phát triển dịch vụ chung. Thêm vào đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn kinh doanh homestay, quy định về cơ sở lưu trú, an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, quy hoạch phát triển du lịch: Các cấp chính quyền cần căn cứ vào Quy hoạch tổng thể để xây dựng Quy hoạch chi tiết cho phát triển du lịch homestay, đồng thời đảm bảo bảo vệ tài nguyên du lịch. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu vực phát triển homestay cần được chú trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Thứ tư, đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng: Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia homestay, như: quản lý, lễ tân, hướng dẫn viên, cũng như phát triển kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn và chương trình tham quan học hỏi từ các mô hình thành công khác sẽ giúp người dân nâng cao trình độ và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phát triển du lịch bền vững.
Về phía các doanh nghiệp du lịch và cư dân địa phương
Thứ nhất, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho dịch vụ homestay: Để cải thiện chất lượng dịch vụ homestay, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần nhận diện thực trạng cơ sở vật chất xuống cấp và trang thiết bị chưa đồng bộ. Cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất phải đảm bảo tính tiện nghi, thẩm mỹ và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Các doanh nghiệp có thể mời chuyên gia thiết kế, học hỏi các mô hình homestay thành công, và nhận hỗ trợ từ các nguồn vốn ưu đãi. Chính quyền cần tạo điều kiện về quy hoạch, tài chính và tư vấn chuyên môn để doanh nghiệp và hộ dân đầu tư hiệu quả.
Thứ hai, phát triển các dịch vụ kèm theo: Các dịch vụ phụ trợ như tắm thuốc, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, hay trải nghiệm nông nghiệp sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Các doanh nghiệp cần khảo sát và phát triển các dịch vụ này, đồng thời đào tạo nhân lực có chuyên môn để quản lý và phục vụ. Việc tham quan, học hỏi từ các cơ sở thành công và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền là cần thiết để triển khai hiệu quả các dịch vụ kèm theo.
Thứ ba, đẩy mạnh quảng bá dịch vụ homestay: Các cơ sở cần nâng cao hình thức quảng bá, từ việc sử dụng mạng xã hội, như: Zalo, Facebook đến việc hợp tác với các đại lý trực tuyến (OTA) và cơ quan truyền thông. Các khóa huấn luyện về công nghệ thông tin, kỹ năng quảng cáo sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quảng bá. Thông qua các hình thức này, thông tin về dịch vụ homestay sẽ dễ dàng tiếp cận du khách, giúp nâng cao uy tín và thu hút khách hàng.
Thứ tư, tăng cường duy trì và bảo vệ môi trường du lịch: Môi trường du lịch tại Ba Bể cần được bảo vệ để phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, hộ dân và chính quyền cần phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên. Những hoạt động như dọn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng, và giảm thiểu rác thải nhựa là cần thiết. Đào tạo cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường sẽ giúp duy trì vẻ đẹp tự nhiên và thúc đẩy phát triển du lịch.
Thứ năm, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm: Du khách ngày càng ưa chuộng du lịch trải nghiệm. Các cơ sở homestay cần phát triển các hoạt động trải nghiệm độc đáo, như: tham gia vào công việc hàng ngày của người dân địa phương, khám phá văn hóa và ẩm thực vùng/miền. Để làm được điều này, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo, phục vụ du khách tốt hơn và tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Lê (2013), Tìm hiểu điều kiện phát triển loại hình dịch vụ, Luận văn thạc sĩ du lịch học, Trường Đại học Văn hóa.
2. Lê Văn Huy (2011), Phát triển kinh tế du lịch tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Nam, Luận văn thạc sĩ du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Cần Thơ.
3. Nguyễn Thị Huệ (2012), Phát triển du lịch Homestay tại xã Việt Hải - Cát Bà, Luận văn thạc sĩ du lịch học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn.
4. Nguyễn Quốc Nghi (2013), Giải pháp phát triển dịch vụ Homestay tại các cù lao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, Phần D: Khoa học Chính trị, Kinh tế và Pháp luật, 27.
5. Nguyễn Thị Quỳnh (2015), Phát triển du lịch Homestay ở Ninh Bình, Luận văn thạc sĩ du lịch học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn.
6. Phòng Quản lý văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn (2017), Báo cáo khảo sát đánh giá tiềm năng các loại hình du lịch mới vào phục vụ phát triển du lịch tại khu vực Ba Bể.
7. UBND tỉnh Bắc Kạn (2016), Quyết định số 2100/QĐ-UBND, ngày 21/12/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày nhận bài: 05/2/2025; Ngày phản biện: 22/5/2025; Ngày duyệt đăng: 11/03/2025 |
Bình luận