TS.Trần Thị Yến Anh; Email: yentrananh@gmail.com

Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương; Email: th.travel128@gmail.com

Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên

* Bài viết là một phần kết quả đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu phát triển một số sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên giai đoạn đến năm 2030”

Tóm tắt

Sản phẩm du lịch để ra đời, tồn tại và phát triển cần dựa trên tài nguyên, năng lực hiện có của điểm đến; đồng thời, còn phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu và mong đợi của du khách. Nghiên cứu tiếp cận phát triển sản phẩm du lịch hiệu quả và bền vững ở góc độ tối ưu hóa điểm cân bằng giữa cung và cầu của thị trường du lịch Việt Nam cho sản phẩm tỉnh Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, nhưng đang tồn tại thách thức về kết cấu hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực; do đó, để ngành du lịch trở thành nguồn thu chủ lực, Tỉnh cần đẩy mạnh các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc cân bằng cung - cầu và bảo tồn văn hóa sẽ giúp Hưng Yên phát triển du lịch bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Từ khóa: sản phẩm du lịch, cân bằng cung - cầu, thị trường du lịch, Hưng Yên

Summary

For tourism products to be born, exist, and develop, they need to be based on the existing resources and capacity of the destination; at the same time, they must also meet the needs, tastes, and expectations of tourists. The study conducted an approach to developing effective and sustainable tourism products to optimize the balance between supply and demand of the Vietnamese tourism market for Hung Yen Province's products. The research results show that Hung Yen has much potential to develop the tourism economy, but there are challenges in tourism infrastructure and human resources; therefore, for tourism to become the main source of revenue, the province needs to promote experiential tourism products, improve facilities, and enhance service quality. Balancing supply-demand and preserving culture will help Hung Yen develop sustainable tourism and attract domestic and foreign tourists, affirming its position on the Vietnam tourism map.

Keywords: tourism products, supply - demand balance, tourism market, Hung Yen

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch đã vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Không chỉ mang lại công ăn việc làm, ngành du lịch còn góp phần quảng bá văn hóa, bảo tồn di sản và nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh đó, như các lĩnh vực kinh tế khác, ngành du lịch cũng đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay và tuân theo quy luật khách quan cung - cầu của thị trường. Điều này đặt ra yêu cầu các địa phương cần phân tích mối quan hệ cung - cầu trong du lịch để phát triển những sản phẩm vừa phù hợp với thị hiếu khách hàng vừa đảm bảo tính bền vững và mang lại giá trị kinh tế - văn hóa cao.

Hưng Yên là một tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, giáp với thủ đô Hà Nội và trên tuyến giao thông quan trọng nối liền Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; sở hữu hơn 1.802 di tích văn hóa - lịch sử, cùng với kho tàng di sản phi vật thể, hệ thống ẩm thực đa dạng và nhiều làng nghề truyền thống, nên có nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, dù có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, nhưng Hưng Yên vẫn chưa khai thác tốt nguồn tài nguyên hiện có để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, các dịch vụ lưu trú tiện ích và các hoạt động trải nghiệm bổ trợ đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch để đạt hiệu quả cân bằng được giữa nguồn cung tài nguyên và nhu cầu du khách, qua đó duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững cho điểm đến Hưng Yên có ý nghĩa thực tiễn cao góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Tỉnh tăng trưởng xanh và bao trùm.

MỐI QUAN HỆ CUNG - CẦU TRONG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao. Vì thế, quan hệ cung - cầu trong phát triển sản phẩm du lịch được xác định bởi sự tương tác giữa cung ứng các dịch vụ du lịch và nhu cầu du lịch của khách hàng, trong đó:

- Cung du lịch là một hệ thống toàn diện các yếu tố, gồm: (i) Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, như: cảnh quan, khí hậu, di sản và các giá trị văn hóa - những yếu tố này nếu được phối hợp chặt chẽ sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và bền vững - nhân tố cốt lõi tạo sức hấp dẫn cho điểm đến; (ii) Kết cấu hạ tầng du lịch gồm có: hệ thống lưu trú, nhà hàng và giao thông - điều kiện để đảm bảo tiêu chuẩn và tính cạnh tranh của điểm đến; (iii) Dịch vụ bổ trợ, trải nghiệm với các hoạt động vui chơi, giải trí và trải nghiệm văn hóa, dịch vụ chất lượng cao - yếu tố quyết định cho sự thành công của cung du lịch (Stephen J. Page, 2011). Như vậy, việc quản lý và phát triển cung du lịch cần cân nhắc đến sự bền vững của tài nguyên và phải phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường để đạt được phát triển bền vững (Charles và Brent Ritchie, 2011).

- Cầu du lịch phản ánh nhu cầu, mong muốn của du khách đối với các sản phẩm và dịch vụ tại điểm đến, bao gồm cả trải nghiệm và khả năng chi trả. Theo đó, biểu hiện ra của cầu du lịch không chỉ là số lượng khách mà còn thể hiện xu hướng (động cơ thúc đẩy quyết định du lịch với các nhu cầu, như: nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa...), thị hiếu và hành vi tiêu dùng (quyết định chi tiêu và thời gian lưu trú) của họ. Cầu du lịch có tính linh hoạt và nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như thời tiết và chính trị, điều này buộc các điểm đến phải thích ứng nhanh chóng để duy trì sức hút (Weaver, 2006).

Mối quan hệ cung - cầu trong phát triển sản phẩm du lịch sẽ đạt được sự cân bằng khi cung ứng các dịch vụ du lịch đáp ứng hoặc vượt qua nhu cầu của khách hàng; ngược lại, khi nhu cầu của khách hàng vượt qua khả năng cung ứng, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc giá cao. Như vậy, sự cân bằng giữa cung - cầu sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để ngành du lịch của mỗi địa phương phát triển hiệu quả và bền vững. Theo đó, cần đảm bảo 2 yếu tố: (i) Tối ưu hóa nguồn cung bằng cách các điểm đến cần tối ưu hóa nguồn tài nguyên và hạ tầng sẵn có để tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng, sự phối hợp giữa tài nguyên tự nhiên, văn hóa và các dịch vụ hỗ trợ sẽ đảm bảo sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách (Philip L. Pearce, 2005); (ii) Đáp ứng nhu cầu thị trường thông qua việc nghiên cứu xu hướng và thị hiếu của du khách để quyết định các loại hình du lịch cần phát triển, giúp các điểm đến thiết kế sản phẩm linh hoạt, phù hợp với mong đợi của thị trường (Ritchie và Crouch, 2003).

THỰC TRẠNG CÂN ĐỐI CUNG - CẦU TRONG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH Ở TỈNH HƯNG YÊN HIỆN NAY

Nguồn cung sản phẩm du lịch

Về tài nguyên cho việc hình thành các sản phẩm du lịch

Hưng Yên giáp Hà Nội và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với hệ thống giao thông hơn 1.400 km đường, bao gồm các tuyến quan trọng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cầu Hưng Hà, tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết du lịch với các tỉnh lân cận. Tỉnh sở hữu 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt và 6 di sản văn hóa phi vật thể, nổi bật là Phố Hiến và các lễ hội truyền thống, phù hợp cho phát triển du lịch văn hóa. Hưng Yên cũng có nhiều làng nghề truyền thống, như: đúc đồng Lộng Thượng, chạm bạc Huệ Lai, cùng các làng hoa và cây cảnh tại Văn Giang, phục vụ cho phát triển du lịch làng nghề và trải nghiệm. Với 80% diện tích là đất nông nghiệp, tỉnh có các cánh đồng lúa, nhãn, cam, thu hút du khách trải nghiệm du lịch sinh thái, nông thôn. Hệ thống cảnh quan trong lành và sự thân thiện của người dân tạo môi trường thuận lợi cho du lịch bền vững, thu hút du khách khám phá văn hóa và phong tục địa phương.

Với địa thế và tài nguyên sẵn có, Hưng Yên đã xây dựng được các sản phẩm du lịch tiêu biểu có thể kể đến, như:

- Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyến đường bộ: Các tuyến, điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa, cụm di tích tiêu biểu bao gồm: đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch - Làng gốm Bát Tràng; Hà Nội - đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch - Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến; Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến - đền Tống Trân - Di tích Quốc gia địa điểm Cây Đa và đền La Tiến; chùa Thái Lạc - chùa Nôm - đền Ghênh...

- Sản phẩm du lịch lễ hội: Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch gắn với lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung; chùa Thái Lạc gắn với lễ hội Tứ pháp cầu mưa Lạc Hồng; đền Phù Ủng gắn với lễ hội đền Phù Ủng; khu di tích đền thờ danh nhân Lê Hữu Trác gắn với lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Chùa Chuông - đền Mẫu - đền Trần gắn với lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến...

- Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng: Mô hình du lịch khám phá vườn cam canh, vườn ổi tại huyện Văn Giang; Du lịch sinh thái, dã ngoại tại khu đô thị Ecopark.

- Sản phẩm du lịch làng nghề gắn với di tích lịch sử, văn hóa: Các làng nghề trồng nhãn, trồng cam, nuôi gà, cây cảnh... ở Khoái Châu kết hợp tham quan đền thờ Triệu Việt Vương; làng nghề dược liệu Nghĩa Trai và kết hợp tham quan chùa Nôm, chùa Thái Lạc huyện Văn Lâm; trải nghiệm đan đó, rọ Thủ Sỹ, ra đồng bắt cá... tham quan di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá, huyện Tiên Lữ.

Tuy nhiên, so với tiềm năng sản phẩm du lịch Hưng Yên vẫn đơn điệu, nghèo nàn, chưa thực sự hấp dẫn và còn thiếu các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao và dịch vụ đi kèm, vì vậy, không giữ chân du khách lưu trú dài ngày. Khảo sát của nhóm tác giả với 100 doanh nghiệp lữ hành bằng bảng hỏi sử dụng thang đo Likert 5 mức độ trong tháng 4/2023 về tài nguyên du lịch Hưng Yên cho thấy, doanh nghiệp đánh giá các yếu tố tài nguyên du lịch Hưng Yên gồm: di tích văn hóa - lịch sử, giao thông thuận lợi, phong cảnh làng quê, ẩm thực địa phương, sự thân thiện của người dân và an ninh ở mức tương đối tốt ở khoảng điểm trung bình từ 3,69 đến 4,23. Nhưng, những doanh nghiệp này lại bày tỏ sự không hài lòng về sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, quà lưu niệm và dịch vụ vui chơi giải trí với mức đánh giá ở khoảng điểm trung bình từ 2,17 đến 2,46.

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật tại các điểm du lịch

Số liệu thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên (2023) cho thấy, các điều kiện về kết cấu hạ tầng du lịch có chuyển biến đầu tư theo hướng tích cực, nhưng vẫn chứa đựng những hạn chế, bất cập, cụ thể:

Cơ sở lưu trú: Giai đoạn 2011-2020, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn Hưng Yên tăng khá nhanh, trong đó có sự phát triển của hàng loạt các nhà nghỉ tư nhân. Năm 2011, cả tỉnh có 143 cơ sở tương đương với 1.670 buồng lưu trú. Đến cuối năm 2023, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh là 270 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 02 khách sạn 3 sao, 13 khách sạn 2 sao và 19 khách sạn 01 sao và hệ thống các nhà nghỉ (gấp hơn 2 lần so với năm 2011) tương đương với gần 4.000 buồng lưu trú. Các cơ sở lưu trú tập trung chủ yếu ở thành phố Hưng Yên và các thị trấn, chủ yếu ở khu vực Phố Nối. Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ song đều có quy mô nhỏ, chất lượng và các tiện nghi, trang thiết bị chưa tốt. Công suất sử dụng buồng lưu trú của Hưng Yên thấp, trung bình chỉ đạt trên 40%.

Cơ sở ăn uống: Hệ thống cơ sở ăn uống ở Hưng Yên nhiều và tương đối đa dạng, chủ yếu nằm ngoài hệ thống du lịch, phục vụ một số món ăn đặc sản địa phương... Tuy nhiên, hầu hết các nhà hàng này đều có quy mô nhỏ, trang bị đơn giản, giá rẻ, và chưa hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, trình độ phục vụ hạn chế.

Các phương tiện vận chuyển: Hưng Yên có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất thuận tiện, các phương tiện vận chuyển rất đa dạng đáp ứng sự đi lại của khách du lịch. Ngoài ra, khách du lịch từ Hà Nội có thể đến Hưng Yên bằng các phương tiện cá nhân. Trong vài năm gần đây, Hà Nội đã mở tuyến du lịch đường sông bằng tàu du lịch đến cụm du lịch Đa Hòa - Dạ Trạch và cụm thành phố Hưng Yên. Đây là tuyến du lịch và phương tiện vận chuyển quan trọng của du lịch Hưng Yên liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Hưng Yên.

Với các điều kiện kết cấu hạ tầng du lịch hiện có của Hưng Yên, các doanh nghiệp được nghiên cứu khảo sát đều đánh giá ở mức độ điểm số không cao, như: mức độ hài lòng với cơ sở vật chất kỹ thuật thể hiện qua đánh giá trung lập về chất lượng lưu trú và nhà hàng ở khoảng 3,00 điểm; số lượng và chất lượng nhân viên phục vụ chỉ đạt điểm trung bình 2,90. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có ý kiến trung lập trong đánh giá về nghiệp vụ nhân sự làm du lịch của Hưng Yên với mức điểm trung bình 2,76. Điều này cho thấy, Hưng Yên cần cải thiện cơ sở kỹ thuật tại các điểm đến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách và tăng cường đầu tư vào nhân sự để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Về cộng đồng dân cư

Kết quả khảo sát 200 hộ dân của nhóm tác giả cho thấy, phần lớn gia đình tại các điểm du lịch Hưng Yên có từ 3-5 thành viên, trong đó có 2 lao động chính, với 60% thu nhập hộ gia đình từ 5-10 triệu đồng/tháng. Thu nhập chủ yếu đến từ trồng cây ăn quả và lúa chiếm 23,5%, hoa màu chiếm 23,3%, số còn lại có được thu nhập từ các lĩnh vực khác, trong đó du lịch chỉ mới đóng góp phần nhỏ vào nguồn thu nhập của dân cư. Theo khảo sát, chỉ 26,5% hộ dân tham gia hoạt động du lịch, chủ yếu cung cấp dịch vụ bán hàng lưu niệm và ăn uống, với thu nhập từ du lịch chiếm từ 25%÷50% tổng thu nhập. Mức thu nhập hàng tháng từ du lịch khoảng từ 2÷5 triệu đồng, chủ yếu vào mùa cao điểm từ tháng 1÷3 và tháng 10÷12. Khi thăm dò ý kiến của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, kết quả cho thấy, các hộ dân rất quan tâm và sẵn lòng tham gia các hoạt động du lịch để cung cấp cho khách những trải nghiệm, như: cho khách du lịch ở cùng (6,25%), hướng dẫn kỹ năng nông nghiệp (12,3%), giới thiệu các giá trị văn hóa bản địa (30,5%).

Nguồn cầu du lịch

Xu hướng du lịch của du khách

Du lịch là ngành bị tác động bởi nhiều yếu tố, như: nhu cầu đời sống của người dân, tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, về dịch bệnh…, vì vậy, ở mỗi giai đoạn lại nổi lên những nhu cầu mới của du khách. Theo nhận định Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Tương ứng với đó là các loại hình từ du lịch bền vững, du lịch xanh, đến trải nghiệm văn hóa sâu sắc và xu hướng công nghệ số hóa khám phá điểm đến. Như vậy có thể thấy, các sản phẩm du lịch xanh và chăm sóc sức khỏe ngày càng được ưa chuộng, phản ánh nhu cầu tìm kiếm cân bằng và tái tạo năng lượng sau thời gian căng thẳng.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số phát triển, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi của du khách trở nên phổ biến và mang tính tất yếu. Khách du lịch thông qua các sản phẩm từ công nghệ tiên tiến được các nhà mạng cũng như các nhà làm công nghệ cung cấp để đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc tìm hiểu thông tin trước khi quyết định chuyến đi hay đặt dịch vụ cho kỳ nghỉ, cũng như thanh toán trực tuyến qua các phần mềm tài chính. Họ thu thập nhiều hơn thông tin về điểm đến, dịch vụ, các biện pháp đảm bảo an toàn… Để ra quyết định, thanh toán sản phẩm du lịch đã lựa chọn. Bên cạnh đó, một số du khách cũng thông qua các ứng dụng trực tuyến để khám phá trước điểm đến bằng cách thông qua bạn bè, người thân, các công ty, nhà cung cấp dịch vụ du lịch phát trực tiếp để thoả mãn trí tò mò cũng như muốn xem thực tại hình ảnh của điểm đến.

Cầu cá nhân - Khách du lịch

Theo số liệu thống kê, khách du lịch quốc tế đến Hưng Yên chỉ chiếm tỷ trọng trong khoảng 2,5% và đa phần đến với mục đích công vụ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm việc, phát triển kinh tế, ngoại giao... Du lịch Hưng Yên chủ yếu thu hút khách nội địa chiếm 97,5%, du khách thường đi với các mục đích công tác, thương mại, làm ăn, học sinh, sinh viên đi du lịch dã ngoại. Trong đó, phần lớn khách du lịch tâm linh đến vào các mùa lễ hội kết hợp tìm hiểu các di tích lịch sử văn hoá (24,1%), du lịch sinh thái cảnh quan (24,7%).

Khảo sát của nhóm tác giả với du khách chọm điểm đến Hưng Yên cho thấy, 22,2% ấn tượng với di tích văn hóa-lịch sử, trong khi 66% mong muốn tìm hiểu hệ thống di tích và cảnh quan nông thôn. Ngoài ra, 17,5% khách muốn bổ sung dịch vụ trải nghiệm các trò chơi dân gian, 17,2% mong muốn chương trình trải nghiệm cuộc sống cộng đồng và 16,1% muốn có chợ đêm hoặc phố đi bộ. Các dịch vụ khác cũng được đề xuất, như: chương trình biểu diễn văn hóa (14,5%) và hoạt động trình diễn sản phẩm truyền thống (13,7%). Vì vậy, trong tương lai cần có sự phát triển các khu du lịch độc đáo, xúc tiến, quảng bá đủ mạnh để thu hút khách du lịch nội địa từ các tỉnh và khách quốc tế từ các trung tâm du lịch kế cận về Hưng Yên.

Cầu tổ chức - Doanh nghiệp lữ hành

Khám phá cầu du lịch thông qua khảo sát 52 doanh nghiệp đã tổ chức tour về Hưng Yên cho biết: 42,1% du khách chọn Hưng Yên để tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa và 19% vì món ăn đặc sản; điểm thu hút nhiều khách nhất là đền Mẫu (22%), tiếp theo là chùa Chuông (15,3%) và Văn miếu Xích Đằng (11,9%). Doanh nghiệp lữ hành đề xuất phát triển các loại hình du lịch, như: tham quan di tích lịch sử - văn hóa (25,6%) và du lịch lễ hội (19,9%). Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong muốn bổ sung dịch vụ trải nghiệm trò chơi dân gian (86%) và chương trình biểu diễn văn hóa (84,9%). Từ thực tế phát triển thị du lịch Hưng Yên có thể thấy, thị trường khách du lịch Hưng Yên chủ yếu là nội địa, với nhu cầu về văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng cuối tuần, trong khi khách quốc tế quan tâm đến khám phá văn hóa và ẩm thực.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CÂN ĐỐI CÂN CUNG - CẦU DU LỊCH HƯNG YÊN

Một là, thách thức từ sự quá tải ở dịp cao điểm và chu kỳ vắng khách kéo dài sau đó. Du lịch Hưng Yên đang diễn ra tình trạng quá tải thị trường khách nội địa tại các cụm di tích đền chùa vào mùa cao điểm, dịp nghỉ lễ, tết (từ tháng 1÷3 và tháng 10÷12), nhưng ngay sau đó lại rất vắng khách nếu không muốn nói là không có khách. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành điểm đến; chất lượng sống người dân địa phương… Kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến, chưa có phương án điều tiết khách hợp lý, sản phẩm chưa đa dạng. Quá tải khách du lịch tác động không nhỏ đến môi trường, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng ở điểm đến cũng như tâm lý du khách. Từ đó gây suy giảm giá trị trải nghiệm, giảm sút chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm mất uy tín, hình ảnh điểm đến.

Hai là, sản phẩm du lịch nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Hưng Yên mới đạt 5,47%, thấp hơn so mới mức tăng trung bình của cả nước của cả nước là 6,08% [1]. Tính toán theo số liệu thông kê của Tỉnh, thời gian lưu trú trung bình của du khách chỉ khoảng 1,3 ngày. Điều này cho thấy, sản phẩm du lịch của Hưng Yên thiếu phong phú để giữ chân khách lâu hơn. Trong khi đó, khảo sát của nhóm tác giả, khi hỏi du khách về ý định quay lại điểm đến Hưng Yên, thì chỉ có khoảng 64% du khách có ý định quay lại, nhưng lại mong muốn cải thiện dịch vụ vui chơi giải trí (22,1%) và dịch vụ lưu trú (21,4%). Đồng thời, du khách cũng cho biết, họ có nhu cầu cao về tham quan di tích văn hóa - lịch sử (66%) và cảnh quan làng quê (53,4%), nhưng các sản phẩm du lịch hiện có chưa đáp ứng được mong đợi.

Ba là, chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch không ngừng tăng lên, nhưng chất lượng không cao, rất nhiều yếu tố thuộc về kỹ năng lao động du lịch, như: thái độ, cung cách phục vụ, giao tiếp với khách du lịch…, có rất nhiều khiếm khuyết và cũng đang là vấn đề trăn trở của những nhà quản trị trong lĩnh vực du lịch. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hưng Yên hiện tại có khoảng 382 điểm ăn uống nằm cả trong và ngoài khách sạn có thể đón tiếp, phục vụ khách du lịch, nhưng thực đơn của các nhà hàng không đa dạng, chủ yếu là các món ăn của Việt Nam, ít nhà hàng phục vụ được nhu cầu của các thị trường khách quốc tế. Do đó, chỉ số hài lòng về cơ sở lưu trú và dịch vụ bổ sung chỉ được du khách đánh giá ở mức trung bình (khoảng từ 3,00÷3,53 điểm), cùng đó các dịch vụ vui chơi giải trí cũng được đánh giá khá thấp (ở mức 2,38 điểm). Dẫn đến mức chi tiêu của khách du lịch đến Hưng Yên tương đối thấp và thời gian lưu trú ngắn. Vì vậy, đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế của Tỉnh còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị GRDP của Tỉnh - chưa xứng với tiềm năng sẵn có.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP VÀ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH TỈNH HƯNG YÊN THEO TÍN HIỆU THỊ TRƯỜNG

Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đảm bảo cân đối cung - cầu

Xét theo mức độ cân đối cung - cầu du lịch, mặc dù Hưng Yên sở hữu nhiều tài nguyên và cơ sở vật chất với di sản văn hóa phong phú và cảnh quan nông thôn hấp dẫn, nhưng chất lượng dịch vụ và sự đa dạng sản phẩm du lịch vẫn còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới để cân bằng cung - cầu du lịch hướng đến sự phát triển tối ưu và bền vững, nâng cao giá trị đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp sau:

Thứ nhất, giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển sản phẩm du lịch

- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn Tỉnh (miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí, thuế, đầu tư trở lại từ nguồn thu du lịch; hỗ trợ lãi suất, xúc tiến quảng bá và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch).

- Xây dựng và ban hành quy chế quản lý kinh doanh du lịch để áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế có hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn Tỉnh.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các khu vui chơi giải trí thể thao, lưu trú đặc biệt là khu Phố Hiến, khu Đa Hòa - Dạ Trạch.

- Xây dựng chế độ quản lý liên kết các điểm đến trên địa bàn Tỉnh theo hướng linh hoạt hiệu quả; có cơ chế hỗ trợ những khu vực khuyến khích phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh một số chính sách về các khoản phí, lệ phí, các khoản thu khác để đảm bảo không tăng giá dịch vụ đối với khách du lịch. Cho phép để lại nguồn thu từ kinh tế thương mại và du lịch để tái đầu tư theo chương trình, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch.

Thứ hai, tăng cường tổ chức quản lý nhà nước đối với du lịch và sản phẩm du lịch tại địa phương. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hỗ trợ ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa phòng, ban, nhà đầu tư, các hộ dân và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân sau khi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đi vào hoạt động ổn định. Thường xuyên tổ chức tiếp xúc với doanh nghiệp du lịch, các hộ dân kinh doanh sản phẩm du lịch để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời ngăn ngừa tình trạng hoạt động không đúng quy chuẩn hoặc trái pháp luật, nâng cao hình ảnh điểm đến.

Thứ ba, giải pháp về tài chính và thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch

- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn tỉnh (miễn giảm tiền thuế đất, phí, lệ phí, thuế, đầu tư trở lại từ nguồn thu du lịch; hỗ trợ lãi suất, xúc tiến quảng bá và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch...).

- Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các khu vui chơi giải trí thể thao.

Thứ tư, giải pháp về chuyển đổi số thúc đẩy pháp triển sản phẩm du lịch

- Đẩy mạnh phổ biến, nâng cao nhận thức về các thành tựu của của khoa học – công nghệ và vai trò, lợi ích của phát triển du lịch thông minh, tăng cường năng lực số cho các chủ thể trong hoạt động du lịch, đặc biệt là chủ sở hữu hoặc người quản lý các doanh nghiệp du lịch.

- Tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức về công nghệ số và đổi mới sáng tạo một cách toàn diện, đồng bộ nhằm trang bị những năng lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch thông minh.

- Triển khai số hóa trong lĩnh vực du lịch bằng cách tận dụng công nghệ kỹ thuật số cho việc thiết lập kết nối liền mạch giữa nhiều chức năng khác nhau, chẳng hạn, như: mua sắm, đặt phòng, thanh toán dịch vụ, marketing du lịch, quản trị tài chính và quản trị nhân sự… từ đó cải thiện các quy trình lập kế hoạch, điều phối, giám sát và kiểm soát cũng như loại bỏ các rào cản và minh bạch thông tin. Thiết lập số hóa nội dung thuyết minh du lịch của Tỉnh để tra cứu bằng mã QR trên smartphone.

- Đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, bảo bảo đảm mật và an toàn thông tin, đáp ứng việc triển khai phát triển du lịch thông minh. Cùng với đó, tăng cường liên kết hệ thống thông tin, dữ liệu du lịch các địa phương trong Tỉnh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đẩy mạnh kết nối các điểm đến trong Vùng; đồng thời, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành Du lịch giữa các cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Đề xuất mô hình sản phẩm du lịch điển hình cho Hưng Yên trong điều kiện tăng cường cân đối cung - cầu

Trên cơ sở nền tảng kinh tế du lịch sẵn có của Tỉnh, kết hợp với điều kiện cung - cầu thị trường Hưng Yên, nhóm tác giả đề xuất xây dựng 2 mô hình sản phẩm du lịch như sau:

Một là, mô hình sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử

- Tên gọi: “Nét đẹp Văn hóa Phố Hiến”; “Hành trình tìm về Phố Hiến xưa”

- Thời gian: 02 ngày 01 đêm

- Địa điểm tham quan: Văn Miếu Xích Đằng, đình chùa Hiến - cây Nhãn tổ, chùa Chuông, đền Đào Nương, làng nghề truyền thống hương xạ thôn Cao, làng nghề đan Đó, Dọ Thủ Sĩ, vườn nhãn (trẩy nhãn, nấu chè sen, quay mật ong hoa nhãn…- tuỳ thuộc vào thời điểm trong năm),

- Nội dung tham quan:

+ Tìm hiểu Văn miếu Xích Đằng, trải nghiệm “Một ngày làm sĩ tử kỳ thi Hương” tại Văn Miếu Xích Đằng.

+ Khám phá vùng đất thủ phủ nhãn Lồng Hưng Yên với nhiều hoạt động, trải nghiệm: tìm hiểu quy trình thu hoạch mật ong hoa nhãn, trẩy nhãn, nấu chè sen… (Tuỳ thuộc vào thời điểm trong năm).

+ Tham quan đền Đào Nương, tìm hiểu, thưởng thức di sản văn hoá phi vật thể - Ca Trù, tham gia hoạt động hát và lớp dạy hát Ca trù.

+ Khám phá, tìm hiểu sự độc đáo của các làng nghề truyền thống đan Đó, Dọ Thủ Sỹ, hương xạ Thôn Cao.

- Kết nối tour liên tỉnh: Hà Nội - Phố Hiến (Hưng Yên) - Hà Nam - Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định; Hà Nội - Phố Hiến (Hưng Yên) - Hải Phòng/Quảng Ninh.

Hai là, mô hình sản phẩm du lịch nông thôn - làng nghề

- Tên gọi: “Trải nghiệm không gian văn hóa Đồng bằng Bắc bộ”

- Thời gian: 02 ngày 01 đêm

- Địa điểm tham quan: Làng cổ Đại Đồng; Chùa Nôm; Chợ Nôm; Nhà cổ; Đình Tam Giang; Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng; Làng dược liệu Lương Tài...

- Nội dung tham quan: Trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng dân cư Đồng bằng Bắc Bộ qua những nếp nhà cổ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phong tục tập quán, các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống Đúc đồng Lộng Thượng, làng dược liệu...

- Kết nối tour liên tỉnh: Hà Nội - Làng cổ Đại Đồng - Quảng Ninh, Hà Nội - Làng cổ Đại Đồng - Bắc Ninh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2011-2023), Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên các năm, từ năm 2012 đến năm 2024, Nxb Thống kê.

2. Charles R. Goeldner and J. R. Brent Ritchie (2011), Tourism: Principles, Practices, Philosophies, Willey.

3. Goeldner, C. R., and Ritchie, J. R. Brent (2009), Tourism: Principles, practices, philosophies, John Wiley & Sons.

4. Nguyễn Đình Hòa (2020), Mối quan hệ cung - cầu trong phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

5. Phạm Thu Hương (2020), Phát triển sản phẩm du lịch địa phương trên cơ sở cân bằng cung - cầu, Nxb Thế giới.

6. Philip L. Pearce (2005), Tourist Behaviour: Themes and Conceptual Schemes, Routledge.

7. Ritchie, B., and Crouch, G. (2003), A model of destination competitiveness/sustainability: Brazilian perspectives, Revista de Administração Pública, 44(5), 1049-1066, DOI:10.1590/S0034-76122010000500003.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên (2023), Báo cáo tổng hợp số liệu cơ sở lưu trú và hạ tầng dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

9. Stephen J. Page (2011), Tourism management: An introduction, Routledge.

10. UNWTO (2011), Tourism Towards 2030 Global Overview, retrieved from https://www.e-unwto.org/doi/book/10.18111/9789284414024.

11.Weaver, D. (2006), Sustainable Tourism: Theory and Practice, London: Butterworth-Heinemann.

Ngày nhận bài: 02/10/2024; Ngày phản biện: 28/10/2024; Ngày duyệt đăng: 31/10/2024