TS. Nguyễn Quang Tạo, CN. Trần Tuấn Anh, CN. Đỗ Khắc Quý

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Tóm tắt

Bài viết phân tích thực trạng phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển hình thức bảo hiểm này trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới.

Từ khóa: an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, Hưng Yên

Summary

The article analyzes the current situation of voluntary social insurance development in Hung Yen Province, pointing out the achievements, limitations, and shortcomings. On that basis, the group of authors proposes several solutions to develop this form of insurance in the province in the coming time.

Keywords: social security, social insurance, voluntary social insurance, Hung Yen

GIỚI THIỆU

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 95%, BHXH 45%, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân [6]. Phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn Tỉnh là một trong những nội dung đang được đẩy mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển BHXH tự nguyện của Hưng Yên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, từ đó có giải pháp thúc đẩy phát triển hình thức bảo hiểm này trong thời gian tới có ý nghĩa thiết thực.

Nhận thức chung về BHXH tự nguyện

BHXH tự nguyện là một chương trình trong hệ thống an sinh xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù không có một khái niệm thống nhất về BHXH tự nguyện giữa các quốc gia, nhưng có thể hiểu BHXH tự nguyện là một chương trình BHXH dựa trên sự đóng góp tự nguyện của người lao động, nhằm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội chung của quốc gia. BHXH tự nguyện có nhiều chế độ khác nhau, nhưng cơ bản nhất vẫn là chế độ hưu trí. Ngoài ra, có thể có các chế độ bảo hiểm khác như ốm đau, thai sản, thương tật và tai nạn lao động. Ở Việt Nam, hệ thống BHXH gồm 3 chương trình: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Khoản 3, Điều 3, Luật BHXH năm 2014 quy định: “BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất” [5].

Mỗi chương trình bảo hiểm nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đều có thể vận hành theo hai hệ thống: hệ thống có mức hưởng được xác định trước và hệ thống có mức hưởng xác định theo mức đóng.

- Hệ thống có mức hưởng được xác định trước: Đây là “hệ thống có mức hưởng được xác định trước là hệ thống mà mức hưởng được xác định theo một công thức cho trước” [2]. Công thức này bao gồm số năm đóng góp, thu nhập và các tiêu chuẩn về mặt xã hội. Công thức này cũng là cơ sở đế xác định người đóng góp được hưởng lương hưu định kỳ hay hưởng một lần. Với hệ thống này, người lao động được hưởng mức xác định trước và không phụ thuộc vào những rủi ro tài chính có thế xảy ra trong quá trình sử dụng và đầu tư quỹ BHXH. Ngược lại, người bảo đảm (nhà nước, công ty bảo hiểm) phải chịu rủi ro tài chính đối với các khoản tiền phải trả cho người hưởng tính được theo công thức đưa ra. Hệ thống này thường vận hành theo phương thức thực thanh, thực chi. Đây là phương thức mà khoản tiền thu được của thế hệ lao động đang đóng ở hiện tại được sử dụng để chi trả cho chi phí lương hưu cho nhóm hưu trí hiện tại.

- Hệ thống có mức hưởng được xác định theo mức đóng: Đây là hệ thống mà mức hưởng được xác định dựa trên khoản đóng góp của từng cá nhân theo tài khoản của họ cùng với lợi tức thu được từ khoản đầu tư khi những người này thoả mãn các điều kiện nhất định do hệ thống đưa ra. Người lao động là người chịu rủi ro tài chính trong quá trình sử dụng và đầu tư quỹ BHXH. Hệ thống này thường vận hành theo phương thức tài khoản cá nhân tượng trưng. Trong đó, sự tham gia đóng góp của người lao động “được ghi chép lại bằng tài khoản dưới dạng sổ sách và cuốn sổ đó ghi lại mức đóng góp cùng với mức lãi suất được hưởng do chính phủ quy định, nhưng quỹ hưu trí không bao giờ tích luỹ thực sự trong những tài khoản này” [2]. Đây là những tài khoản tượng trưng và người lao động không rút được tiền từ các tài khoản đó cho đến khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Khi người lao động đến tuổi về hưu, những tài khoản tượng trưng này sẽ được chuyến thành khoản tiền lương hưu được hưởng hàng tháng, hàng năm. Tuy nhiên, thực chất số tiền đóng góp ở quá khứ của họ cũng đã được sử dụng để thanh toán cho chi phí hệ thống trong quá khứ, nên số tiền họ hưởng khi đến tuổi nghỉ hưu lại được thanh toán bằng phần đóng góp của lực lượng lao động tại cùng giai đoạn đó.

Bảo hiệm xã hội tự nguyện đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là đối với nhóm lao động khu vực phi chính thức và những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Đối với cá nhân, BHXH tự nguyện giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm để bảo vệ bản thân và gia đình; khuyến khích người dân chủ động tham gia các chính sách an sinh xã hội. BHXH tự nguyện góp phần tạo nên “tấm khiên” bảo vệ người tham gia và gia đình họ trước các rủi ro như tuổi già, bệnh tật, hoặc tử vong; cung cấp nguồn thu nhập ổn định khi về hưu thông qua chế độ hưu trí, giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống. Đồng thời, khuyến khích người dân tiết kiệm và tích lũy cho tương lai, đặc biệt là khi họ không có các hình thức bảo hiểm khác. Đối với xã hội, BHXH tự nguyện hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, nông dân, hộ kinh doanh cá thể và những người không có hợp đồng lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách trong hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Hình thức bảo hiểm này góp phần tích cực trong ổn định xã hội và phát triển bền vững, giúp giảm gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội khi người lao động về già hoặc gặp rủi ro. Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh hiện nay, BHXH tự nguyện là một công cụ quan trọng để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi; giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và hệ thống BHXH bắt buộc. Về lâu dài, hình thức bảo hiểm này góp phần tạo nguồn lực tài chính dài hạn, có thể đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực cho người lao động tham gia vào thị trường lao động.

THỰC TRẠNG BHXH TỰ NGUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

BHXH tự nguyện tại Hưng Yên có sự gia tăng đáng kể về số lượng người tham gia qua từng năm. Tính đến cuối năm 2023, toàn Tỉnh đã có hơn 25.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần 15% so với con số 21.800 người vào cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức trung bình của cả nước. Mạng lưới đại lý thu BHXH được phát triển rộng khắp trên toàn Tỉnh. Đến hết năm 2023, Hưng Yên có hơn 200 đại lý thu hoạt động tại các huyện, xã, với sự tham gia của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân. Theo thống kê của BHXH tỉnh Hưng Yên, trong năm 2023, các đại lý thu đã tiếp cận và vận động được hơn 7.000 người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, đóng góp lớn vào tổng số người tham gia trên toàn Tỉnh. Các đại lý này không chỉ thực hiện nhiệm vụ thu tiền, mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa người dân và cơ quan BHXH [3].

Việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích lâu dài của BHXH tự nguyện là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công này. Các chiến dịch tuyên truyền đã được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã với nhiều hình thức đa dạng. Theo thống kê của BHXH tỉnh Hưng Yên, trong năm 2023, đã có hơn 150 buổi hội thảo, tọa đàm được tổ chức tại các địa phương trong Tỉnh, thu hút hơn 12.000 người dân tham dự. Các nội dung tuyên truyền tập trung giải thích rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính sách này trong việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ người dân hiểu rõ về chính sách đã tăng từ 45% vào năm 2021 lên 62% vào năm 2023 [4]. Các hoạt động phối hợp giữa BHXH và chính quyền địa phương cũng mang lại hiệu quả tích cực. Các cấp ủy Đảng và chính quyền tại Hưng Yên đã xác định rõ vai trò của mình trong việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện, từ đó đưa ra các giải pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tham gia BHXH tự nguyện tại Hưng Yên. Theo quy định, các đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ một phần mức đóng BHXH tự nguyện, cụ thể là 30% đối với hộ nghèo và 25% đối với hộ cận nghèo. Đối với các nhóm yếu thế khác, như người khuyết tật hoặc người già neo đơn, các chính sách ưu tiên cũng được áp dụng nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính. Trong năm 2023, số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho BHXH tự nguyện tại tỉnh đã đạt hơn 8 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 [1].

Một điểm sáng trong công tác triển khai BHXH tự nguyện tại Hưng Yên là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và phát triển đối tượng tham gia. Các nền tảng trực tuyến như cổng thông tin điện tử BHXH, ứng dụng VssID trên điện thoại di động đã được đưa vào sử dụng rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tra cứu thông tin và thực hiện các giao dịch liên quan đến BHXH. Trong năm 2023, hơn 60% giao dịch BHXH tự nguyện tại Hưng Yên đã được thực hiện qua các kênh trực tuyến, so với mức 48% của năm 2021. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn tăng tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn [4].

Nhìn chung, BHXH tự nguyện đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người tham gia. Theo thống kê từ BHXH tỉnh Hưng Yên, số người đã đủ điều kiện hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện trong năm 2023 là 1.200 người, tăng 10% so với năm 2022. Mức lương hưu trung bình được chi trả là khoảng 1.800.000 đồng/tháng, đảm bảo một phần thu nhập ổn định cho người dân khi về già, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình họ [1]. Đây là minh chứng rõ ràng cho tính bền vững và hiệu quả lâu dài của chính sách BHXH tự nguyện.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, BHXH tự nguyện tại Hưng Yên vẫn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng của Tỉnh. Hưng Yên hiện có khoảng 500.000 lao động tự do và nông dân, nhưng chỉ có khoảng 5% trong số này tham gia BHXH tự nguyện [1]. Nguyên nhân chính là do mức đóng BHXH hiện tại còn cao so với khả năng tài chính của nhiều người lao động, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp. Mức đóng tối thiểu hiện nay là 22% mức lương cơ sở, tương đương khoảng 300.000 đồng/tháng, là một gánh nặng đối với những người có thu nhập không ổn định. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại khi phải cam kết đóng góp định kỳ trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận dân cư về BHXH tự nguyện còn hạn chế. Một số người dân vẫn xem việc tham gia BHXH là không cần thiết, hoặc hiểu lầm rằng đó là một loại hình tiết kiệm cá nhân, mà không thấy được lợi ích của việc đảm bảo thu nhập khi về già. Điều này cho thấy, mặc dù công tác tuyên truyền đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đủ sâu rộng và hiệu quả để thay đổi nhận thức và hành vi của toàn bộ dân cư.

Mặt khác, cơ chế thực thi và quản lý BHXH tự nguyện tại một số địa phương vẫn còn tồn tại những bất cập. Một số đại lý thu BHXH hoạt động chưa chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng tư vấn, hỗ trợ, làm giảm sự hài lòng của người dân và dẫn đến những sai sót trong quy trình quản lý, ảnh hưởng đến uy tín của chính sách. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hiện tại mặc dù đã tạo động lực cho các nhóm hộ nghèo, cận nghèo, nhưng vẫn chưa thực sự bao phủ rộng rãi. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn còn tồn tại những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân cũng như hiệu quả thực thi. Những thay đổi trong cấu trúc kinh tế xã hội cũng làm xuất hiện các nhóm đối tượng mới với nhu cầu và đặc điểm khác biệt, đòi hỏi chính sách BHXH tự nguyện phải linh hoạt hơn để đáp ứng.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để tiếp tục phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của BHXH tự nguyện. Mặc dù việc tuyên truyền đã được triển khai mạnh mẽ, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về quyền lợi và ý nghĩa của chính sách này. Vì vậy, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, sử dụng kết hợp các phương tiện truyền thống như phát thanh, truyền hình với các công cụ hiện đại như mạng xã hội và các ứng dụng di động. Nội dung tuyên truyền cần cụ thể, dễ hiểu và nhấn mạnh vào lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời làm nổi bật vai trò của chính sách trong việc xây dựng an sinh xã hội bền vững.

Thứ hai, cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước nhằm giảm gánh nặng đóng góp cho người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện tại, các đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo đã được hỗ trợ một phần mức đóng, tuy nhiên, cần mở rộng phạm vi hỗ trợ để bao phủ cả những đối tượng có thu nhập trung bình thấp hoặc lao động tự do không ổn định. Chính quyền Tỉnh có thể phối hợp với các cơ quan trung ương để kiến nghị điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn nâng tỷ lệ hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo và từ 25% lên 40% đối với hộ cận nghèo, nhằm tạo thêm động lực khuyến khích tham gia.

Thứ ba, nâng cao năng lực và chuyên môn của hệ thống đại lý thu BHXH. Hiện nay, các đại lý thu đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhưng vẫn cần được nâng cao hơn về kỹ năng và chuyên môn. Các chương trình đào tạo, tập huấn nên được tổ chức định kỳ để đại lý nắm vững quy trình, chính sách và kỹ năng tư vấn thuyết phục người dân. Đồng thời, cần áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng trong hoạt động của các đại lý thu.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai chính sách BHXH tự nguyện. Cụ thể, có thể xây dựng hệ thống tư vấn trực tuyến, hỗ trợ người dân 24/7 về các thắc mắc liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, cần đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân và xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, tránh gây mất niềm tin cho người dân.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữa BHXH tỉnh Hưng Yên với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai chính sách. Các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Do đó, cần có cơ chế phối hợp linh hoạt, phân chia nhiệm vụ cụ thể để tăng cường hiệu quả vận động. Chính quyền địa phương cũng cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Thứ sáu, điều chỉnh mức đóng linh hoạt hơn nhằm phù hợp với khả năng tài chính của từng đối tượng tham gia. Hiện nay, mức đóng BHXH tự nguyện vẫn còn khá cao so với thu nhập của nhiều lao động tự do và nông dân. Vì vậy, có thể áp dụng các hình thức đóng linh hoạt hơn, chẳng hạn cho phép người dân đóng theo tháng, quý hoặc nửa năm, thay vì yêu cầu đóng theo năm như hiện nay. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách ưu đãi đối với những người tham gia đóng góp lâu dài, nhằm khuyến khích họ tiếp tục duy trì tham gia. Nghiên cứu và đề xuất xây dựng các sản phẩm BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. BHXH tỉnh Hưng Yên (2023), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

2. Giang Thanh Long (2004), Hệ thống hưu trí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức trong điều kiện dân số già hoá, Tham luận tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam.

3. Hà Thủy (2025), Hưng Yên: Nỗ lực không ngừng vì an sinh xã hội, truy cập từ https://ansinhxahoionline.tapchibaohiemxahoi.gov.vn/longform/hung-yen-no-luc-khong-ngung-vi-an-sinh-xa-hoi-133956.html.

4. Nguyễn Thanh Ba (2024), Bảo hiểm Hưng Yên quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2024, truy cập từ https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/bhxh-tinh-hung-yen-quyet-tam-hoan-thanh-chi-tieu-duoc-giao-nam-2024-132938.html.

5. Quốc hội (2014), Luật BHXH, số 58/2014/QH13, ngày 20/11/2014.

6. Tỉnh ủy Hưng Yên (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 25/10/2020.

Ngày nhận bài: 22/01/2025; Ngày phản biện: 18/02/2025; Ngày duyệt đăng: 28/02/2025