Quảng Bình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh của đoàn viên, thanh niên
Theo Tỉnh đoàn Quảng Bình, hiện nay, toàn Tỉnh có trên 600 thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp và thanh niên đang khởi nghiệp, vì thế, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện đa dạng các giải pháp nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong khởi nghiệp, lập nghiệp, qua đó phát huy vai trò là người bạn đồng hành, đại diện quyền và lợi ích chính đáng của ĐVTN.
Đặc biệt, ngày 19/9/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 1870/KH-UBND hỗ trợ thanh niên tỉnh Quảng Bình khởi nghiệp giai đoạn 2023 - 2030. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ Đoàn, hội, ĐVTN trên địa bàn Tỉnh đối với công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của ĐVTN; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh của ĐVTN; tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên; góp phần vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống văn hóa, chính trị, xã hội của Tỉnh.
Kế hoạch xác định các mục tiêu phấn đấu, giai đoạn 2023-2025 có 100% cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được đào tạo kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên; các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc hàng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên; hỗ trợ ít nhất 30 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 5 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hàng năm, có 650 đoàn viên, thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp; ít nhất 10 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thành lập mới ít nhất 1 hợp tác xã do thanh niên làm chủ…
Giai đoạn 2026-2030, Tỉnh sẽ hỗ trợ ít nhất 50 thanh niên khởi nghiệp, trong đó 5 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hàng năm, có 650 ĐVTN được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp; ít nhất 10 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thành lập mới 1 hợp tác xã do thanh niên làm chủ…
Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Ngư Nam, vinh dự là đại diện duy nhất của Quảng Bình nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022 |
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án SRDP thực hiện Tiểu hợp phần 2.4 “Khởi nghiệp nông nghiệp nông thôn và đổi mới sáng tạo” thông qua Quỹ Hạt giống Khởi nghiệp (SSF) thuộc Dự án Cải thiện thu nhập bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì cộng đồng nông thôn hòa bình tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Dự án KOICA-QB-2021). Dự án nhằm hỗ trợ thanh niên và sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Đại học Quảng Bình khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và phát triển các ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Thông qua SSF, Dự án sẽ hỗ trợ tối đa 13.000 USD cho mỗi nhóm khởi nghiệp để áp dụng các công nghệ/kỹ thuật tiên tiến, đầu tư cơ sở vật chất, đầu vào phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các chuỗi giá trị được lựa chọn trong vùng dự án hoặc phát triển các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mang lại lợi ích cho người dân vùng dự án.
Ngoài ra, để giúp ĐVTN hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, các bước khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của ĐVTN về khởi nghiệp bằng nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo thông qua các trang mạng xã hội, website của Đoàn; hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền được chú trọng triển khai; đồng thời tổ chức các buổi đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo địa phương, các ngành có liên quan để thanh niên có cơ hội gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn về vấn đề khởi nghiệp, từ đó có những giải pháp hỗ trợ ĐVTN hiệu quả.
Tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng
Đặc biệt, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp” nhằm giúp ĐVTN có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc môi trường khởi nghiệp thực tế, được đào tạo và hướng dẫn chuyên sâu về các kỹ năng khởi nghiệp... Đây còn là cơ hội để ĐVTN có ý tưởng, dự án tham gia thuyết phục, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Năm 2022, sau 2 vòng thi sơ kết và chúng kết, Cuộc thi đã trao 11 giải thưởng cho những ý tưởng tiểu biểu và xuất sắc nhất. Ngoài ra, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn thường xuyên vận động và tuyên truyền ĐVTN tham gia các cuộc thi sáng tạo do Tỉnh, Trung ương tổ chức và đạt nhiều giải thưởng cao.
Năm 2023, có 11 dự án xuất sắc nhất đã lọt vào Vòng chung kết, trong đó, 1 giải Nhất được trao cho tác giả Nguyễn Hồng Nghiêm với dự án “Tạo chuỗi liên kết sản xuất cung ứng nông sản”; 2 giải Nhì được trao cho các tác giả: Võ Văn Hùng với dự án “Mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nuôi Hàu giàn trên sông Nhật Lệ”; Nguyễn Hữu Phước với mô hình “Nâng cao chất lượng ghẹ xanh thương phẩm”.
Cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp” năm 2023 tỉnh Quảng Bình đã trao 1 giải Nhất cho tác giả Nguyễn Hồng Nghiêm với dự án “Tạo chuỗi liên kết sản xuất cung ứng nông sản. |
Những năm qua, mạng lưới khởi nghiệp Quảng Bình đã từng bước kết nối, quy tụ, truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lực lượng thanh niên. Tham gia cộng đồng khởi nghiệp, thông qua các hoạt động tài trợ, sinh hoạt, các hội viên được nâng cao về mặt thương hiệu, hình ảnh cá nhân trong kinh doanh. Nhiều hội viên có mô hình tiêu biểu được giới thiệu tham gia các hoạt động cấp quốc gia và đạt các giải thưởng cấp quốc gia; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường. Tiêu biểu có anh Nguyễn Văn Nhị (CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Quảng Trạch) với mô hình gà đồi sinh học Nhị Nguyễn; anh Võ Minh Thành (CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Lệ Thủy) với mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng; anh Lê Thanh Quang (CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Quảng Ninh) với mô hình hoa lan và cafe; mô hình nuôi heo thảo mộc của chị Nguyễn Thị Hoài Sen; mô hình ếch sấy khô của anh Nguyễn Hữu Phước…
Ngoài ra, các cấp Đoàn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp hỗ trợ ĐVTN vay vốn ngồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để xây dựng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn tỉnh có 280 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý với tổng tổng dư nợ 631,233 tỷ đồng, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn ủy quyền cho Tỉnh Đoàn quản lý 2,472 tỷ đồng với 94 dự án, giải quyết việc làm cho trên 300 ĐVTN.
Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình còn tổ chức "Ngày hội tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên năm 2023" với hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên tham dự. Tại ngày hội, các ĐVTN được trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia về khởi nghiệp. Tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp của thanh niên thông qua các sản phẩm khởi nghiệp…
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường vai trò đồng hành của tổ chức Đoàn với thanh niên trong lĩnh vực khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế đất nước, tổ chức Đoàn các cấp tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung đẩy mạnh tham mưu đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền về các nội dung phù hợp để phát triển hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp; năng động trong phối hợp với các cấp, các ngành để xây dựng và tạo cơ chế, điều kiện đảm bảo cho ĐVTN phát triển kinh tế; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng phù hợp hơn với từng đối tượng thanh niên; nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm; phát huy sáng tạo của thanh niên trong ứng dụng công nghệ thông tin 4.0; tích cực triển khai các hoạt động Đoàn Thanh niên tham gia vào quá trình chuyển đổi số Quốc gia phù hợp cho từng đối tượng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp./.
Bình luận