ThS. Đặng Thị Bích Liên; Email: liendtb@dhhp.edu.vn

Trường Đại học Hải Phòng

Tóm tắt

Trong quá trình thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng phát sinh vấn đề tồn tại, hạn chế. Bài viết phân tích quy trình ngân sách đang được áp dụng theo Luật NSNN số 83/2015/QH13, ngày 25/6/2015 đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện Luật NSNN tại Việt Nam, trên cơ sở đó bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy trình ngân sách tại Việt Nam.

Từ khóa: luật ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước, quy trình ngân sách nhà nước

Summary

During its implementation, the State Budget Law has revealed some existing issues and limitations. This article analyzes the current budgeting process under the State Budget Law No. 83/2015/QH13, day 25/6/2015 and identifies several challenges in the application of the law in Vietnam. Based on this analysis, the article offers some recommendations to improve the effectiveness of the budgeting process in Vietnam.

Keywords: State Budget Law, State Budget, budgeting process

ĐẶT VẤN ĐỀ

Luật NSNN được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017. Trong quá trình thực hiện, Luật đã đi vào thực tế cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả NSNN; tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định cần sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ chế, chính sách tài chính.

QUY TRÌNH NGÂN SÁCH TẠI VIỆT NAM

Lập, chấp hành và quyết toán NSNN thường gọi tắt là quá trình ngân sách, bao gồm toàn bộ hoạt động của một ngân sách kể từ khi bắt đầu thực hiện việc hướng dẫn lập dự toán NSNN cho đến khi báo cáo quyết toán NSNN đ­ược Quốc hội phê chuẩn.

Quá trình ngân sách được quy định chặt chẽ trong rất nhiều các văn bản Luật, cụ thể: Luật NSNN số 01/2002/QH11, ngày 16/12/2002 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật NSNN số 83/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017. Theo đó, các hoạt động trong một quy trình ngân sách bao gồm: (i) Soạn lập dự toán ngân sách, phê duyệt và giao dự toán NSNN; (ii) Chấp hành/thực hiện NSNN; (iii) Quyết toán NSNN.

Quy trình soạn lập ngân sách tại Việt Nam

Giai đoạn soạn lập dự toán NSNN là giai đoạn thực hiện việc xây dựng và quyết định dự toán NSNN hàng năm. Tại Việt Nam, giai đoạn lập và phê chuẩn dự toán NSNN có thời gian khoảng 6 tháng, thường bắt đầu vào cuối tháng 05 của năm trước và thường kết thúc vào trước ngày 31/12 của năm trước, khi toàn bộ dự toán ngân sách và dự án phân bổ ngân sách ở các cấp ngân sách đã được quyết định. Cụ thể quá trình soạn lập ngân sách ở Việt Nam được thực hiện qua 6 bước như Hình.

Hình 1: Quy trình ngân sách Việt Nam theo Luật NSNN số 83/2015/QH13

Quy trình Ngân sách Nhà nước của Việt Nam: Những vấn đề tồn tại và kiến nghị
Nguồn: Tác giả sơ đồ hóa

Nội dung thực hiện trình tự các bước như sau:

Bước 1: Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm sau

Bước 2: Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn về yêu cầu, nội dung, thời hạn lập dự toán NSNN đối với các bộ, cơ quan cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, và tổng số thu, chi, một số lĩnh vực chi quan trọng đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh hướng dẫn việc lập dự toán ngân sách các cấp ở địa phương.

Bước 3: Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc thu, chi ngân sách phải tổ chức lập dự toán thu, chi ngân sách trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

Bước 4: Các cơ quan, đơn sau sau quá trình lập báo cáo cơ quan quản lý cấp trên; cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

+ Các Bộ, CQ ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ báo cáo lên Bộ Tài chính

+ Các cơ quan cấp tỉnh báo cáo lên UBND cấp tỉnh đó. UBND cấp tỉnh lập dự toán ngân sách địa phương báo cáo thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến, gửi Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để tổng hợp, lập dự toán NSNN trình Chính phủ.

Bước 5: Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, dự toán ngân sách các địa phương; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong việc tổng hợp, lập dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương theo các chỉ tiêu quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 15 của Luật NSNN để trình Chính phủ.

Bước 6: Chính phủ sẽ trình dự toán NSNN lên Quốc hội phê duyêt và nếu được phê duyệt sẽ được phân bổ về các cơ quan và địa phương theo các kế hoạch. Trong trường hợp dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương chưa được Quốc hội quyết định, Chính phủ lập lại dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương trình Quốc hội vào thời gian do Quốc hội quyết định.

Quy trình chấp hành ngân sách tại Việt Nam

Giai đoạn chấp hành NSNN là giai đoạn thực hiện dự toán NSNN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hay nói cách khác là giai đoạn thực hiện các chỉ tiêu thu, chi tài chính trong dự toán NSNN. Ở nước ta, năm ngân sách được pháp luật quy định tính theo năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm. Trong giai đoạn chấp hành NSNN sẽ có một số vấn đề cần chú ý:

- Về phân bổ và giao dự toán NSNN: Trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp giao, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã tiến hành phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc trước ngày 31/12 năm trước (trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật); Luật NSNN cũng đã quy định chuyển từ việc cấp phát ngân sách theo hạn mức kinh phí sang cấp phát theo dự toán, chuyển từ việc giao dự toán chi tiết theo từng mục sang giao dự toán theo nhóm mục…

Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật về điều chỉnh dự toán và tạm cấp kinh phí đã tạo sự chủ động, linh hoạt cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

- Về tổ chức thu và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN: Luật NSNN cũng đã phân định rõ hơn quyền hạn và nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân trong công tác hành thu NSNN; thông qua đó, tạo ra sự phối hợp, kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý và đối tượng nộp NSNN. Với quy định các khoản thu NSNN phải được nộp trực tiếp vào Kho bạc nhà nước (KBNN) (trừ một số khoản thu phí, lệ phí, thu thuế đối với các hộ kinh doanh không cố định thì cơ quan thu có thể trực tiếp thu) đã giúp cho việc tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN.

- Về kiểm soát và điều hành NSNN

+ Kiểm soát chi của KBNN: Thực hiện Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản thuộc NSNN.

+ Chi chuyển nguồn: Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật cũng đã cho phép các nhiệm vụ chi đã được bố trí dự toán, nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hết được chuyển nguồn năm trước sang năm sau sử dụng tiếp

+ Thông tin, kế toán và báo cáo: Trên cơ sở Luật NSNN, kế toán NSNN và nghiệp vụ KBNN sẽ bao quát và phản ánh đầy đủ, kịp thời các hoạt động thu, chi NSNN cũng như các hoạt động nghiệp vụ KBNN kịp thời cung cấp các thông tin về tài chính – ngân sách cho các cấp chính quyền, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương phục vụ cho quản lý và điều hành hiệu quả ngân sách các cấp; đồng thời, nó cũng góp phần vào công cuộc cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính – ngân sách theo hướng tập trung đầu mối, đơn giản quy trình thủ tục, xác định rõ trách nhiệm và tăng cường tính chủ động cho các đơn vị.

Quy trình quyết toán ngân sách ở Việt Nam

Quyết toán NSNN là khâu cuối cùng của một quy trình ngân sách. Mục đích là nhằm đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động của thu, chi NSNN, từ đó rút ra ưu, nhược điểm và bài học kinh nghiệm.

Ở Việt Nam, quyết toán NSNN thường được thực hiện theo phương pháp lập từ cơ sở, tổng hợp từ dưới lên để bảo đảm tính hệ thống. Theo đó, quyết toán NSNN phải bảo đảm tính chính xác, trung thực và kịp thời để từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm trong công tác quản lý và điều hành NSNN.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG QUY TRÌNH NGÂN SÁCH CỦA VIỆT NAM

Trong những năm qua, việc quản lý, điều hành theo các quy định của Luật NSNN (năm 2015) và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã thu được một số kết quả khá quan trọng. Tuy vậy, trong quá trình quản lý, điều hành NSNN nói chung và chấp hành NSNN nói riêng, quy định của Luật NSNN cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhiệm vụ và quyền hạn của UBND các cấp chưa được phân cấp nhiều trong việc điều hành dự toán thu, chi ngân sách hàng năm. Trong bộ Luật NSNN năm 2015 đã có các quy định tương đối đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về NSNN. Tuy nhiên, nhiệm vụ và quyền hạn của UBND các cấp chưa được phân cấp nhiều dẫn đến khó khăn trong quản lý, điều hành ngân sách tại địa phương. Cụ thể: đối với một số nhiệm vụ chi đã được HĐND phê chuẩn trong dự toán ngân sách nhưng chưa giao nhiệm vụ cụ thể và chưa xác định được đơn vị thụ hưởng như: chi khác ngân sách; chi hỗ trợ một số nhiệm vụ, chế độ chính sách khác…, cùng với kinh phí ngân sách cấp trên bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới; nguồn cải cách tiền lương còn dư. Các nguồn kinh phí trên đều phải trình HĐND tỉnh dẫn đến chậm trễ trong việc chi trả chế độ, chính sách, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, có sự mâu thuẫn giữa Luật NSNN và Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền, quyền hạn, nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh. Cụ thể, Điểm đ Khoản 9 Điều 30 Luật NSNN năm 2015 quy định, “HĐND cấp tỉnh, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này còn có nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật;”. Trong khi đó, Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc thuế” thuộc về Quốc hội và Điều 4, 10, 17, 18, 19, 21 của Luật Phí, Lệ phí năm 2015, thì Quốc hội có thẩm quyền ban hành danh mục phí, lệ phí; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí. Như vậy, HĐND cấp tỉnh không có thẩm quyền quy định các nguồn thu từ thuế.Như vậy, HĐND cấp tỉnh không có thẩm quyền quy định các nguồn thu từ thuế. Các quyết định thu từ phí, lệ phí thì chỉ được quy định và thu trong khung danh mục do Quốc hội ban hành và các khoản đóng góp từ nhân dân (tiền, ngoại tệ, các loại tài sản, hiện vật có giá trị kinh tế...). Sự mâu thuẫn này gây khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi đặc biệt đối với một số nhiệm vụ chi đã được HĐND phê chuẩn trong dự toán ngân sách nhưng chưa giao nhiệm vụ cụ thể và chưa xác định được đơn vị thụ hưởng, như: chi khác ngân sách; chi hỗ trợ một số nhiệm vụ, chế độ chính sách khác…

Thứ ba, quy trình tổng hợp Báo cáo quyết toán ở các cấp ngân sách từ trung ương đến địa phương chồng chéo, phức tạp, mất nhiều thời gian. Cụ thể như đối với ngân sách trung ương (NSTW), một số bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán (Bộ Quốc phòng có 4 cấp dự toán, Bộ Công an có 3 cấp dự toán…) và có nhiều đơn vị trực thuộc ở các tỉnh, thành phố khác nhau, việc tổng hợp quyết toán NSNN được thực hiện theo thứ tự lần lượt từ ngân sách cấp dưới lên ngân sách cấp trên, nên mất rất nhiều thời gian, khó đảm bảo thời hạn tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và gửi Bộ Tài chính trước ngày 1/10 năm sau theo quy định.

Về phía địa phương, ngân sách địa phương gồm có 3 cấp ngân sách là xã, huyện, tỉnh. Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương được tổng hợp theo thứ tự lần lượt từ cấp xã tới cấp huyện và cấp tỉnh. Ở mỗi cấp ngân sách, HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê chuẩn rồi lại gửi cấp trên xem xét, phê duyệt. Điều này dẫn đến tình trạng công tác lập, thẩm định, trình quyết toán NSNN chậm so với thời hạn quy định. Bên cạnh đó, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách theo quy định của Luật NSNN là quá dài, chưa kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện thu, chi NSNN để có những đánh giá mang tính thời sự và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo, do đó làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN.

Thứ tư, hiện nay, mỗi bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện công tác kế toán, quyết toán NSNN lại sử dụng các phần mềm kế toán khác nhau, chưa có sự thống nhất dẫn tới khó khăn trong việc kết nối liên thông dữ liệu giữa đơn vị dự toán, bộ, ngành, địa phương (các cấp) với cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, những năm qua, công tác lập, xét duyệt, thẩm định, tổng hợp, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm của một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện bằng phương pháp thủ công. Từ đó khiến công tác tổng hợp quyết toán NSNN hàng năm mất nhiều thời gian kiểm tra, rà soát số liệu để đảm bảo tính chính xác dẫn đến tình trạng việc gửi báo cáo quyết toán về Bộ Tài chính để tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền cũng bị chậm, muộn so với quy định. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo quyết toán cho Bộ Tài chính thiếu mẫu biểu quy định, điều chỉnh số liệu nhiều lần trong quá trình thẩm định, tổng hợp quyết toán. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng điều chỉnh số liệu trong quá trình xét duyệt, thẩm định quyết toán. Điều đó ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng tổng hợp, báo cáo quyết toán NSNN trình các cấp có thẩm quyền.

Thứ năm, việc xử lý các hành vi vi phạm Luật NSNN đã có các chế tài xử lý được thể hiện trong nhiều văn bản pháp quy nhưng lại không thống nhất. Cụ thể trong Luật NSNN số 83/2015/QH13 đã quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN tại điều số 18. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN. Tuy nhiên, Luật NSNN lại không có quy định về chế tài xử lý các hành vi vi phạm này, mà chế tài xử phạt lại được quy định ở các văn bản pháp quy khác. Cụ thể: Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; Thông tư số 87/2019/TT-BTC, ngày 19/12/2019 của Bộ Tài chính lại hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Điều này dẫn đến việc giải quyết các vi phạm rườm rà, mất thời gian và có thể có sai sót, nhầm lẫn trong quá trình xử lý.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN HƠN NỮA QUY TRÌNH NGÂN SÁCH TẠI VIỆT NAM

Từ những bất cập nêu trên, cần sửa đổi, hoàn thiện một số quy định trong quy trình ngân sách, cụ thể như sau:

Thứ nhất, để gia tăng nguồn thu ngân sách, nhất là nguồn thu ngân sách ở các địa phương cần sửa đổi Điều 30 Luật NSNN để phân cấp thêm về thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh hoàn thiện quy định về vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quy trình ngân sách, bảo đảm cho HĐND chủ động, sáng tạo của địa phương trong việc tìm kiếm nguồn thu, để giảm dần sự lệ thuộc vào ngân sách trung ương và từng bước chủ động cân đối thu – chi trong việc quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương, quyết định và xây dựng ngân sách địa phương trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc thống nhất của nền tài chính quốc gia.

Thứ hai, với mục tiêu, định hướng rút ngắn thời gian quyết toán NSNN nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN, cần sửa đổi quy định tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp.

Đối với quyết toán NSĐP, cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện không thẩm định quyết toán của ngân sách cấp dưới. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện tổng hợp quyết toán của ngân sách cấp dưới; trong quá trình tổng hợp quyết toán NSĐP, trường hợp phát hiện có sai sót, cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện yêu cầu UBND cấp dưới trình HĐND cùng cấp điều chỉnh lại số liệu.

Đối với NSTW, Bộ Tài chính không thẩm định quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp I. Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSTW. Quốc hội không phê duyệt lại quyết toán NSĐP đã được HĐND các cấp phê duyệt.

Thứ ba, đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quyết toán NSNN. Các cơ quan Chính phủ có thể nghiên cứu để có phương án triển khai thống nhất từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc xây ựng phần mềm kế toán, đảm bảo thống nhất các nguyên tắc kế toán và hệ thống mẫu biểu để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền liên quan, tạo thuận lợi trong công tác tổng hợp quyết toán NSNN.

Thứ tư, bổ sung, hệ thống hóa các quy định xử phạt vi phạm Luật NSNN. Để bảo đảm tính logic, hệ thống của pháp luật, đảm bảo hiệu quả xử lý vi phạm cần hệ thống hóa các quy định xử phạt và có sự hướng dẫn cụ thể, đầy đủ; có thể cân nhắc bổ sung 1 chương về xử lý các hành vi vi phạm, trong đó quy định cụ thể về hình thức xử lý, khung xử phạt; Chính phủ cần ban hành các Nghị định quy định cụ thể về vấn đề này; chỉ trong trường hợp cần thiết mới dẫn chiếu tới các văn bản pháp quy khác. Cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; sửa đổi thời gian thực hiện các bước của quy trình lập, xét duyệt, tổng hợp, trình quyết toán NSNN.

Thứ năm, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, cần bố trí bổ sung biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho bộ máy làm công tác tài chính, ngân sách tại các đơn vị dự toán, cơ quan tài chính... đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 87/2019/TT-BTC, ngày 19/12/2019 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước.

2. Chính phủ (2019), Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

3. Đỗ Thu Hiền (2022), Thực trạng luật NSNN Việt Nam hiện nay, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-luat-ngan-sach-nha-nuoc-viet-nam-hien-nay-99716.htm.

4. Nguyễn Văn Hiệu và Trần Thị Vân Anh, Giáo trình Tài chính công, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Quốc hội (2015), Luật NSNN, số 83/2015/QH13, ngày 25/6/2015.

6. Thùy Linh (2023), Cần nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian, quy trình quyết toán NSNN, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/can-nhieu-giai-phap-de-rut-ngan-thoi-gian-quy-trinh-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc.html.

7. Thành Ngoan (2024), 9 nội dung vướng mắc, bất cập của Luật NSNN năm 2015 và một số kiến nghị đề xuất sửa đổi, truy cập từ https://stc.travinh.gov.vn/tin-chuyen-nganh/09-noi-dung-vuong-mac-bat-cap-cua-luat-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2015-va-mot-so-kien-nghi-de-xuat-s-714215.

8. Vũ Cương (2012), Giáo trình kinh tế và tài chính công, Nxb Thống kê.

Ngày nhận bài: 18/01/2025; Ngày phản biện: 26/02/2025; Ngày duyệt đăng: 28/02/2025