Tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN giai đoạn 2020-2023*
TS. Nguyễn Thị Thanh
Trường Đại học Thương mại
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN trong giai đoạn 2000-2023, sử dụng phương pháp ước lượng Bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS). Kết quả cho thấy, độ mở thương mại có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, mối quan hệ này được thúc đẩy bởi hiệu quả của Chính phủ, hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, nhưng bị kìm hãm nếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Để tối đa hóa lợi ích từ mở cửa thương mại, các nước ASEAN cần tăng cường hiệu quả của chính phủ, phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đầu tư vào nguồn nhân lực và giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Từ khóa: ASEAN, tăng trưởng kinh tế, độ mở thương mại, FGLS
Summary
The study aims to assess the impact of trade openness on economic growth in ASEAN countries during the period 2000-2023, using Feasible Generalized Least Squares (FGLS) estimation method. The results show that trade openness plays a crucial role in economic growth. In addition, this relationship is promoted by government efficiency, information technology infrastructure, and human capital but is constrained by dependence on natural resource exploitation. ASEAN countries need to enhance government efficiency, develop ICT infrastructure, invest in human capital, and reduce dependence on natural resource exploitation to maximize the benefits of trade openness.
Keywords: ASEAN, economic growth, trade openness, FGLS
Giới thiệu
Trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng và thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học.
Theo quan điểm lý thuyết, khi một quốc gia mở cửa thương mại, chuyên môn hóa và tập trung vào các ngành mà quốc gia có lợi thế so sánh sẽ dẫn đến phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, do đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mở cửa thương mại có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển vì các ngành công nghiệp mới nổi có thể phải vật lộn để cạnh tranh với các công ty nước ngoài đã thành lập và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu có thể khiến các quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc bên ngoài (Lê Hồ Hoàng Nhân, 2018).
Bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thống nhất. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa (Idris và cộng sự, 2018; Silajdzic và Mehic, 2018; Ramzan và cộng sự, 2019; Asamoah và cộng sự, 2019; Soomro và cộng sự, 2022), trong khi một số nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ này có ý nghĩa hoặc thậm chí là tương quan tiêu cực (Lê Hồ Hoàng Nhân, 2018; Trần Xuân Hằng và Hồ Thủy Tiên, 2022; Sakyi và cộng sự, 2015). Những kết quả không đồng nhất này có thể là do sự khác biệt trong việc lựa chọn mẫu, phương pháp ước tính, các kỹ thuật ước tính cụ thể được sử dụng và khung thời gian đang xem xét. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN, đồng thời xem xét vai trò của các yếu tố tiềm năng khác có thể điều chỉnh mối quan hệ này (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Tổng quan nghiên cứu
Mối quan hệ giữa độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế đã được nghiên cứu sâu rộng về cả lý thuyết và thực tiễn, mang lại các kết quả trái chiều. Nền tảng lý thuyết của mối quan hệ này chủ yếu được giải thích bằng lý thuyết lợi thế so sánh và tăng trưởng nội sinh. Lý thuyết lợi thế so sánh cho rằng quốc gia chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ có lợi thế so sánh sẽ dẫn đến tăng sản lượng và do đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Beaudreau, 2016). Lý thuyết tăng trưởng nội sinh nhấn mạnh mối quan hệ tích cực giữa thương mại và tăng trưởng phát sinh từ việc tăng cường tiếp cận và phổ biến các kiến thức công nghệ. Quan điểm này cho rằng mở cửa thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, do đó kích thích tăng trưởng sản lượng (Idris và cộng sự, 2018).
Nhiều nghiên cứu trong các tài liệu hiện có đã chứng minh rằng mở cửa thương mại thực sự ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế (Sakyi và cộng sự, 2015; Idris và cộng sự, 2018; Silajdzic và Mehic, 2018; Ramzan và cộng sự, 2019; Asamoah và cộng sự, 2019; Soomro và cộng sự, 2022). Idris và cộng sự (2018) khám phá mối liên hệ giữa độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế ở 86 quốc gia đang phát triển và OECD từ năm 1977 đến năm 2011. Các phát hiện thực nghiệm cho thấy độ mở thương mại nói chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả các quốc gia đang phát triển và OECD. Tuy nhiên, quy mô ảnh hưởng cao hơn ở các quốc gia đang phát triển so với các quốc gia OECD. Sakyi và cộng sự (2015) nhận thấy rằng mối liên hệ giữa độ mở thương mại và thu nhập mạnh hơn ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao (UMIC) so với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC).
Một số nghiên cứu khác không tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ và thậm chí ghi nhận mối quan hệ tiêu cực giữa độ mở thương mại và tăng trưởng. Lê Hồ Hoàng Nhân (2018) xem xét tác động của thương mại tự do đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN, cụ thể là ở 5 quốc gia có sự tương đồng về trình độ phát triển và quy mô tăng trưởng kinh tế (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines) trong giai đoạn 1995 đến 2016, sử dụng Pooled OLS, Hiệu ứng cố định và Hiệu ứng ngẫu nhiên. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tự do hóa thương mại quá mức có thể gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của một quốc gia trước những biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt nếu nền kinh tế trong nước của quốc gia không có khả năng phục hồi trước các cú sốc từ bên ngoài. Hồ Thủy Tiên và Trần Xuân Hằng (2022) cũng chỉ ra rằng, mở cửa thương mại đôi khi có thể dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh hơn. Điều này sau đó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các biến kiểm soát như hiệu quả của chính phủ, ICT, vốn con người, lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng hình thành vốn cố định, lạm phát được đưa vào phân tích. Các biến kiểm soát này được bổ sung vì các tài liệu hiện có đã chỉ ra rằng chúng có mối tương quan cao với tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, Asamoah và cộng sự (2019) đã tìm thấy mối tương quan tích cực giữa độ mở thương mại, tài nguyên thiên nhiên, vốn con người và chất lượng thể chế đối với tăng trưởng kinh tế. Ở các quốc gia có tài nguyên thiên nhiên hạn chế, thể chế chất lượng và vốn con người hình thành nên các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Chất lượng thể chế là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế (Jalil và Rauf, 2021) và chất lượng này có thể được thể hiện bằng năm chỉ số quản trị chính, cụ thể là kiểm soát tham nhũng, hiệu quả của chính phủ, ổn định chính trị, chất lượng quản lý và pháp quyền. Soomro và cộng sự (2022) đã xem xét mối quan hệ động giữa FDI, ICT, độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế và chỉ ra rằng mức tăng 1% trong phát triển ICT (đăng ký băng thông rộng cố định, đăng ký băng thông rộng di động và đăng ký điện thoại di động) sẽ dẫn đến mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 0,04-0,56 phần trăm.
Phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên tổng quan nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, nghiên cứu sử dụng phương trình ước lượng cơ bản sau:
![]() |
Để phân tích toàn diện về tác động của độ mở thương mại đối với tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu bổ sung các biến tương tác giữa độ mở thương mại và các biến điều kiện khác (hiệu quả của chính phủ, ICT, vốn con người, lợi nhuận từ khai thác tự nhiên). Tác động tích cực của độ mở thương mại lên tăng trưởng kinh tế có thể được tăng cường hoặc giảm đi khi xem xét các biến điều kiện bổ sung này. Để tránh hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến tương tác, chúng được lần lượt thêm vào phương trình hồi quy (Ramzan et al., 2019; Jalil & Rauf, 2021). Theo đó, chúng ta có một số mô hình kinh tế lượng như sau:
![]() |
Mô tả dữ liệu và biến
Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu bảng của 10 quốc gia ASEAN trong giai đoạn 2000-2023, lấy từ cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (Ngân hàng Thế giới, 2024). Vấn đề giá trị bị thiếu được xử lý bằng các phương pháp như giá trị cuối cùng được chuyển tiếp và phương pháp hồi quy (Bennett, 2001). Bảng 1 trình bày thống kê mô tả các biến bao gồm số quan sát, độ lệch chuẩn, giá trị trung bình, giá trị tối thiểu và tối đa của các biến.
Bảng 1: Thống kê mô tả
Biến | Quan sát | Trung bình | Độ lệch chuẩn | Nhỏ nhất | Lớn nhất |
G | 240 | 10948.751 | 16518.86 | 298.59 | 67948.893 |
TO | 240 | 126.773 | 87.844 | 29.43 | 437.327 |
FDI | 240 | 5.235 | 6.301 | -2.757 | 34.949 |
d | 240 | .9 | .300627 | 0 | 1 |
GFCF | 222 | 26.275 | 5.18 | 13.416 | 40.891 |
GE | 240 | 52.919 | 28.163 | 1.914 | 100 |
INF | 240 | 4.71 | 6.626 | -2.315 | 57.075 |
ICT | 240 | 87.018 | 53.477 | .029 | 181.767 |
HC | 240 | 77.263 | 22.1 | 19.074 | 126.036 |
NR | 240 | 7.237 | 7.786 | 0 | 37.407 |
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Kiểm tra đa cộng tuyến
Bảng 2 thể hiện ma trận tương quan giữa các biến độc lập. Kết quả cho thấy, hệ số tương quan giữa các biến độc lập không vượt quá 0,8, nghĩa là hiện tượng đa cộng tuyến ít có khả năng xảy ra.
Bảng 2: Ma trận tương quan
Biến | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) |
(1) TO | 1.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
(2) FDI | 0.785 | 1.000 |
|
|
|
|
|
|
|
(3) d | 0.114 | 0.101 | 1.000 |
|
|
|
|
|
|
(4) GFCF | -0.075 | 0.028 | -0.085 | 1.000 |
|
|
|
|
|
(5) GE | 0.653 | 0.376 | 0.308 | -0.163 | 1.000 |
|
|
|
|
(6) INF | -0.209 | -0.100 | -0.060 | 0.035 | -0.453 | 1.000 |
|
|
|
(7) ICT | 0.307 | 0.284 | 0.435 | 0.203 | 0.517 | -0.326 | 1.000 |
|
|
(8) HC | 0.482 | 0.277 | 0.365 | 0.089 | 0.783 | -0.369 | 0.669 | 1.000 |
|
(9) NR | -0.282 | -0.345 | -0.056 | 0.083 | 0.031 | 0.093 | -0.226 | -0.093 | 1.000 |
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu |
Sử dụng kiểm định hệ số phóng đại phương sai (VIF) để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập. Kết quả trình bày ở Bảng 3 cho thấy, cả giá trị VIF trung bình và giá trị VIF riêng lẻ cho từng biến độc lập đều thấp hơn ngưỡng chấp nhận được lần lượt là 3 và 10. Điều này cho thấy, hiện tượng đa cộng tuyến không phải là vấn đề đáng lo ngại và các biến độc lập phù hợp để đưa vào mô hình hồi quy.
Bảng 3: Kiểm định VIF
| VIF | 1/VIF |
GE | 5.285 | .189 |
TO | 4.887 | .205 |
HC | 3.419 | .292 |
FDI | 3.193 | .313 |
ICT | 2.179 | .459 |
NR | 1.539 | .65 |
d | 1.494 | .669 |
GFCF | 1.334 | .75 |
INF | 1.288 | .777 |
Mean VIF | 2.735 | . |
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu
Kết quả ước lượng theo FGLS
Kỹ thuật thống kê FGLS được sử dụng để ước lượng các hệ số trong mô hình hồi quy tuyến tính. Các biến tương tác giữa độ mở thương mại và các biến giải thích khác bao gồm: Hiệu quả của chính phủ, ICT, Vốn con người và Lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên được thêm vào mô hình cơ sở để đánh giá liệu mối quan hệ giữa độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác hay không.
Bảng 4: Kết quả ước lượng
| (1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
BIẾN | FGLS | FGLS | FGLS | FGLS | FGLS |
|
|
|
|
|
|
TO | 0.00307*** | -0.00599*** | -0.000361 | -0.0162*** | 0.00396*** |
| (0.000457) | (0.000948) | (0.000791) | (0.00165) | (0.000363) |
GE | 0.0249*** | 0.0185*** | 0.0251*** | 0.0293*** | 0.0296*** |
| (0.00157) | (0.00152) | (0.00147) | (0.00139) | (0.00134) |
d | 0.266*** | 0.262*** | 0.264*** | 0.283*** | 0.257*** |
| (0.0825) | (0.0695) | (0.0763) | (0.0696) | (0.0677) |
GFCF | 0.00406 | -0.00339 | 0.00786* | -0.00247 | 0.000474 |
| (0.00413) | (0.00395) | (0.00415) | (0.00389) | (0.00364) |
FDI | 0.0309*** | 0.0216*** | 0.0226*** | 0.0290*** | 0.0191*** |
| (0.00574) | (0.00451) | (0.00615) | (0.00456) | (0.00400) |
NR | 0.0622*** | 0.0583*** | 0.0591*** | 0.0579*** | 0.128*** |
| (0.00322) | (0.00318) | (0.00310) | (0.00295) | (0.00599) |
INF | -0.0118** | -0.0209*** | -0.0151*** | -0.0264*** | -0.0128*** |
| (0.00536) | (0.00482) | (0.00519) | (0.00501) | (0.00461) |
ICT | 0.00206*** | 0.00372*** | -0.00127 | 0.00434*** | 0.00316*** |
| (0.000505) | (0.000489) | (0.000825) | (0.000497) | (0.000391) |
HC | 0.00661*** | -0.00293* | 0.00568*** | -0.0224*** | 0.000933 |
| (0.00162) | (0.00172) | (0.00158) | (0.00286) | (0.00131) |
TO*GE |
| 0.000105*** |
|
|
|
|
| (1.04e-05) |
|
|
|
TO*ICT |
|
| 3.20e-05*** |
|
|
|
|
| (6.68e-06) |
|
|
TO*HC |
|
|
| 0.000184*** |
|
|
|
|
| (1.61e-05) |
|
TO*NR |
|
|
|
| -0.000713*** |
|
|
|
|
| (4.68e-05) |
Constant | 5.115*** | 6.585*** | 5.486*** | 7.597*** | 5.270*** |
| (0.129) | (0.174) | (0.142) | (0.230) | (0.109) |
|
|
|
|
|
|
Số quan sát | 222 | 222 | 222 | 222 | 222 |
Số quốc gia | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
*** p<0.01, ** p<0.05, * p<0.1
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu
Bảng 4 cho thấy, cột thứ 2 thể hiện kết quả hồi quy với biến tương tác giữa độ mở thương mại và hiệu quả của chính phủ. Hệ số của biến tương tác là dương và có ý nghĩa thống kê, cho thấy hiệu ứng tăng trưởng của độ mở thương mại phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của chính phủ của các nước ASEAN. Tương tác tích cực và có ý nghĩa giữa độ mở thương mại và hiệu quả của chính phủ cho thấy chúng là các yếu tố bổ sung cho nhau, củng cố lẫn nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây (Asamoah và cộng sự, 2019; Jalil và Rauf, 2021). Khi một quốc gia kết hợp các chính sách thương mại cởi mở với nền quản trị mạnh mẽ, quốc gia đó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Một chính phủ hoạt động tốt có thể tối đa hóa lợi ích từ thương mại bằng cách tạo ra một môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc thuận lợi hóa các thủ tục hải quan, đảm bảo cạnh tranh công bằng, cơ sở hạ tầng tốt hơn, ít tham nhũng hơn và các quy định minh bạch hơn để cạnh tranh hiệu quả. Các cải cách thể chế bổ sung có thể là cần thiết để một quốc gia có thể tận dụng đầy đủ tác động tăng trưởng của mở cửa thương mại (Stensnes, 2006).
Cột thứ 3 cho thấy rằng, hiệu ứng kết hợp của độ mở thương mại và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Như vậy, không chỉ đơn thuần thương mại hoặc ICT tốt cho tăng trưởng, mà sự kết hợp của chúng có tác động tích cực thậm chí còn mạnh hơn. ICT được đại diện bởi tỷ lệ thuê bao di động – thể hiện khả năng kết nối, giao tiếp và truy cập thông tin. Điều này có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo điều kiện cho giao tiếp nhanh hơn và rẻ hơn, giảm chi phí giao dịch và cải thiện sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, nhà cung cấp và khách hàng. Ý tưởng chính là sự cởi mở thương mại và ICT củng cố lẫn nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thương mại mở mang lại các cơ hội, trong khi ICT cung cấp các công cụ và khả năng kết nối để tận dụng các cơ hội đó. Vấn đề không chỉ là có một trong hai, mà là về cách chúng phối hợp với nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu trước đây (Soomro và cộng sự, 2022; Niebel, 2018; Stanley và cộng sự, 2018).
Ở cột thứ 4, hệ số tương tác giữa độ mở thương mại và vốn con người là dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, cho thấy mối quan hệ hiệp lực giữa độ mở thương mại và vốn con người. Điều này cho thấy tác động tích cực đến tăng trưởng được khuếch đại khi cả hai yếu tố đều có mặt. Vốn con người (được đại diện bởi tỷ lệ nhập học trung học) biểu thị trình độ học vấn và kỹ năng trong dân số. Tỷ lệ nhập học trung học cao hơn cho thấy lực lượng lao động có trình độ học vấn cao hơn, điều này rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Người lao động có trình độ học vấn cao hơn sẽ hiệu quả hơn, thích nghi hơn và có khả năng sử dụng các công nghệ và kiến thức mới. Họ cũng có thể thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu và phát triển, dẫn đến những tiến bộ công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, các quốc gia có lực lượng lao động có trình độ học vấn cao sẽ có vị thế tốt hơn để tận dụng các cơ hội do độ mở thương mại tạo ra. Họ có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, thu hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường toàn cầu. Quan sát này phù hợp với những phát hiện trước đó (Jalil và Rauf, 2021; Osiobe, 2019).
Cuối cùng, hệ số tương tác âm và có ý nghĩa giữa độ mở thương mại và lợi nhuận từ khai thác tài nguyên thiên nhiên được thể hiện ở cột thứ năm cho thấy mối quan hệ thú vị và phức tạp giữa tài nguyên thiên nhiên, độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế. Nó cho thấy rằng trong khi sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên ban đầu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì sự kết hợp giữa sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và độ mở thương mại thực sự có thể tạo ra hậu quả tiêu cực. Sự kết hợp này có thể dẫn đến căn bệnh Hà Lan, gia tăng biến động, tham nhũng, thiếu đa dạng hóa, tất cả đều có thể cản trở sự phát triển kinh tế dài hạn. Đôi khi, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tập trung ở một số ít công ty lớn, thường là công ty nước ngoài. Các hoạt động khai thác có thể có mối liên hệ hạn chế với phần còn lại của nền kinh tế, tạo ra ít việc làm hoặc ít chuyển giao công nghệ. Độ mở thương mại có thể tạo điều kiện thuận lợi cho điều này bằng cách giúp các công ty này dễ dàng nhập khẩu các đầu vào cần thiết và xuất khẩu nguyên liệu thô mà không đóng góp nhiều cho nền kinh tế nói chung (Havranek và cộng sự, 2016). Sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự cạn kiệt khoáng sản là những nguyên nhân chính phá hủy sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong ASEAN (Nawaz và cộng sự, 2019). Về cơ bản, hiệu ứng tương tác tiêu cực cho thấy rằng ở các quốc gia giàu tài nguyên, sự cởi mở thương mại cần được quản lý cẩn thận và kết hợp với các chính sách thúc đẩy đa dạng hóa, quản trị tốt và đầu tư vào nguồn nhân lực để tránh lời nguyền của tự nguyên. Quản lý tài chính thận trọng và xây dựng các cấu trúc thể chế mạnh mẽ cũng được khuyến khích để bổ sung cho việc chấm dứt khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế (Asiamah và cộng sự, 2022).
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN giai đoạn 2000-2023, sử dụng dữ liệu có nguồn gốc từ cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS) được áp dụng để giải quyết hiện tượng phương sai không đồng nhất và tự tương quan tiềm ẩn.
Kết quả cho thấy, độ mở thương mại có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố khác như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng hình thành vốn cố định, hiệu quả của chính phủ, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), vốn con người và tài nguyên thiên nhiên cho thấy mối tương quan tích cực với tăng trưởng kinh tế, trong khi lạm phát thể hiện mối quan hệ tiêu cực. Hơn nữa, tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế bị điều chỉnh bởi một số yếu tố như hiệu quả của chính phủ, ICT, vốn con người và tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, tương tác giữa độ mở thương mại và hiệu quả của chính phủ, ICT và vốn con người ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng. Ngược lại, tương tác giữa độ mở thương mại và lợi nhuận từ khai thác tài nguyên thiên nhiên có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong các nước ASEAN. Những phát hiện này cho thấy rằng, việc tối đa hóa các tác động tích cực của mở cửa thương mại đòi hỏi phải cải thiện hiệu quả của chính phủ, phát triển cơ sở hạ tầng ICT và đầu tư vào vốn con người. Đồng thời, việc giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và giảm tỷ lệ tài nguyên thô (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, khoáng sản và rừng) trong dòng chảy thương mại là rất quan trọng để tối ưu hóa kết quả tăng trưởng kinh tế./.
Tài liệu tham khảo
1. Asamoah, L. A., Mensah, E. K., & Bondzie, E. A. (2019). Trade openness, FDI and economic growth in sub-Saharan Africa: do institutions matter?. Transnational Corporations Review, 11(1), 65-79.
2. ASEAN Secretariat (2024), ASEAN Statistical Highlights 2024, https://www.aseanstats.org/
3. Asiamah, O., Agyei, S. K., Ahmed, B., & Agyei, E. A. (2022). Natural resource dependence and the Dutch disease: evidence from Sub-Saharan Africa. Resources Policy, 79, 103042.
4. Baum, C. (2001). XTTEST3: Stata module to compute Modified Wald statistic for groupwise heteroskedasticity.
5. Beaudreau, B. C. (2016). Competitive and comparative advantage: Towards a unified theory of international trade. International Economic Journal, 30(1), 1-18.
6. Bennett, D. A. (2001). How can I deal with missing data in my study?. Australian and New Zealand journal of public health, 25(5), 464-469.
7. Havranek, T., Horvath, R., & Zeynalov, A. (2016). Natural resources and economic growth: A meta-analysis. World Development, 88, 134-151.
8. Idris, J., Yusop, Z., Habibullah, M. S., & Chin, L. (2018). Openness and Economic Growth in Developing and OECD Countries. International Journal of Economics & Management, 12(2).
9. Jalil, A., & Rauf, A. (2021). Revisiting the link between trade openness and economic growth using panel methods. The Journal of International Trade & Economic Development, 30(8), 1168-1187.
10. Le Ho Hoang Nhan (2018). Ảnh hưởng của dòng vốn FDI, tự do thương mại đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia khu vực ASEAN, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
11. Nawaz, M. A., Azam, A., Bhatti, M. A. (2019). Natural resources depletion and economic growth: evidence from ASEAN countries. Pakistan Journal of Economic Studies (PJES), 2(2), 155-172.
12. Niebel, T. (2018). ICT and economic growth–Comparing developing, emerging and developed countries. World development, 104, 197-211.
13. Osiobe, E. U. (2019). A literature review of human capital and economic growth. Business and Economic Research, 9(4), 179-196.
14. Ramzan, M., Sheng, B., Shahbaz, M., Song, J., & Jiao, Z. (2019). Impact of trade openness on GDP growth: Does TFP matter?. The Journal of International Trade & Economic Development, 28(8), 960-995.
15. Sakyi, D., Villaverde, J., & Maza, A. (2015). Trade openness, income levels, and economic growth: The case of developing countries, 1970–2009. The Journal of International Trade & Economic Development, 24(6), 860-882.
16. Silajdzic, S., & Mehic, E. (2018). Trade Openness and Economic Growth: Empirical Evidence from Transition Economies. InTech. doi: 10.5772/intechopen.75812
17. Soomro, A. N., Kumar, J., & Kumari, J. (2022). The dynamic relationship between FDI, ICT, trade openness, and economic growth: Evidence from BRICS countries. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 9(2), 295-303.
18. Stanley, T. D., Doucouliagos, H., & Steel, P. (2018). Does ICT generate economic growth? A meta‐regression analysis. Journal of economic surveys, 32(3), 705-726.
19. Stensnes, K. (2006). Trade openness and economic growth: do institutions matter?. Norsk Utenrikspolitisk Institutt.
20. Torres-Reyna, O. (2007), Panel data analysis fixed and random effects using Stata (v. 4.2), Data & Statistical Services, Priceton University, 112, 49.
21. Tran Xuan Hang & Ho Thuy Tien (2022). Ảnh hưởng tương tác của thuế và độ mở thương mại tới tăng trưởng kinh tế-nghiên cứu trường hợp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Tạp chí Khoa học thương mại, số 169/2022, tr 39-48.
22. Wooldridge, J. M. (2010). Econometric Analysis of Cross Section and Panel Data. 2nd ed. Cambridge, MA: MIT Press.
23. World Bank (2024). World development indicators database (WDI). World Bank.
Ngày nhận bài: 15/1/2025; Ngày phản biện: 22/1/2025; Ngày duyệt đăng: 27/02/2025 |
* Nghiên cứu này thuộc đề tài cấp trường giai đoạn 2024-2025 (CS24-26) về “Tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN”, do Trường Đại học Thương mại tài trợ. Tác giả Nguyễn Thị Thanh cũng là chủ nhiệm đề tài. |
Bình luận