Trần Khương Minh

Viện Nghiên cứu Quản lý Giáo dục và Pháp luật

Tóm tắt

Thông qua kết quả khảo sát đối với 289 người là lãnh đạo từ cấp trưởng phòng hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của ứng dụng đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến lợi thế cạnh tranh của các DN khởi nghiệp tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐMST về chiến lược, ĐMST về quy trình và ĐMST về hệ thống đóng vai trò quan trọng trong tạo Lợi thế cạnh tranh bền vững của các DN khởi nghiệp. Nghiên cứu có tính ứng dụng rất cao và vô cùng thực tiễn, có tác dụng chỉ dẫn quan trọng từ tiếp cận ứng dụng ĐMST góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh cho DN khởi nghiệp. Các DN khởi nghiệp tại Việt Nam cần tận dụng năng lực ĐMST sẵn có và khả thi với mọi DN khởi nghiệp để xây dựng và triển khai đồng bộ và nhất quán việc ĐMST ở các khía cạnh đổi mới về chiến lược đến đến đổi mới hệ thống và quy trình.

Từ khóa: ứng dụng đổi mới sáng tạo, lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp khởi nghiệp

Summary

Through the results of a survey conducted with 289 leaders at the department head level or equivalent, all with at least one year of work experience in enterprises in Vietnam, the study aims to evaluate the impact of innovative application on the competitive advantage of startups in Vietnam. The research findings indicate that innovation in strategy, process, and system plays a crucial role in creating sustainable competitive advantages for startups. The study has high practical applicability and provides important guidance on how the application of innovation can enhance the competitive advantage of startups. Startups in Vietnam need to leverage their existing innovative capabilities and feasible options to systematically and consistently implement innovation in various aspects, from strategic innovation to system and process innovation.

Keywords: application of innovation, competitive advantage, startups

ĐẶT VẤN ĐỀ

Một trong các yếu tố thu hút sự chú ý trong việc nghiên cứu và áp dụng để tạo ra lợi thế cạnh tranh đột phá cho các DN là ĐMST của DN. Ứng dụng về ĐMST tại DN được coi là nhân tố tiềm năng đem lại kết quả tốt cho DN. ĐMST cũng giúp cho quá trình sáng tạo dịch vụ, sản phẩm cũng như quy trình kinh doanh đạt giá trị vượt trội. Nhờ ứng dụng ĐMST mà DN có thể tạo ra sự đột phá về giá trị chuyển giao tới khách hàng với chi phí thấp hơn, phá vỡ hoàn toàn giới hạn lợi thế của cách thức kinh doanh truyền thống.

Theo Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân (2013), mặc dù DN Việt Nam bước đầu đã quan tâm đến ĐMST, nhưng còn manh mún và chưa có tầm nhìn dài hạn. Mức độ đầu tư thực sự cho ĐMST chưa cao với nguồn ngân sách hạn chế và phần lớn DN chưa có bộ phận chuyên trách về ĐMST, nguồn nhân lực có năng lực ĐMST cũng còn nghèo nàn. Thực tế này có thể một phần do, các DN chưa thực sự nhìn thấy minh chứng đủ thuyết phục cho kết quả tác động của ứng dụng ĐMST tới kết quả hoạt động của DN, nên động lực của DN còn thấp và mức độ quan tâm đầu tư thực sự cho ĐMST còn hạn chế. Hoặc họ cũng có thể nhận thấy đâu đó sự cần thiết phải ĐMST, nhưng lại thiếu những chỉ dẫn từ các nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực cũng như các cấp độ của ứng dụng ĐMST cụ thể để có thể ứng dụng nhằm đem lại kết quả tích cực cho DN.

Thực tế rất cần những luận cứ khoa học và thực tiễn dẫn đường, nhưng hệ thống các nghiên cứu về ứng dụng ĐMST lại còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn này. Chính vì thế, việc nghiên cứu đề tài về sự tác động của ứng dụng ĐMST đối với lợi thế cạnh tranh theo tiếp cận bền vững của DN có vai trò vô cùng quan trọng để lấp đầy khoảng trống lý luận và đáp ứng đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn của các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN khởi nghiệp hiện nay.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đã cho thấy, bức tranh nghiên cứu về sự ảnh hưởng của ứng dụng ĐMST tới lợi thế cạnh tranh của DN trẻ cần có sự hoàn thiện. Đây thực sự là chủ đề còn rất thiếu các nghiên cứu thực nghiệm và cần được tiến hành bổ sung cho khoảng trống lý luận và thực tiễn này. Đặc biệt, mối quan hệ giữa hai biến số quan trọng này ở bất kỳ quy mô DN nào đều được hỗ trợ mạnh mẽ bởi lý thuyết nguồn lực (RBV) vì năng lực ĐMST vượt trội có thể trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi và dễ dàng hội đủ các yếu tố (VRIN: Valuable, Reare, Imperfectly Imitated, Non-Substituted) theo RBV để tạo dựng lợi thế cạnh tranh đó là tính giá trị, khó bắt chước, không thể thay thế và có thể khai thác được.

Dù là một bộ phận quan trọng trong nhóm SME nhưng các DN trẻ lại có nhiều đặc thù riêng thực sự cần được tạo dựng lợi thế cạnh tranh để đảm bảo đứng vững được trên thị trường, và với nguồn lực còn hạn chế của hầu hết DN trẻ thì việc khai thác phát huy tạo lợi thế từ ĐMST lại càng cần thiết để tạo ra năng lực lõi có tính giá trị, hiếm, khó bắt chước, không thể thay thế, và có thể khai thác được theo lý thuyết nguồn lực (RBV) về VRIN. Tuy nhiên, thực tế hầu như chưa có các công trình nghiên cứu về tác động của ứng dụng ĐMST tới việc tăng cường lợi thế cạnh tranh đặc biệt là lợi thế cạnh tranh bền vững trên nền tảng năng lực ĐMST hội đủ tiêu chí VRIN cho DN trẻ. Song, các nghiên cứu liên quan về SME cũng đã tạo ra những tiền đề nhất định để phát triển cho nghiên cứu này (Ferreira và cộng sự 2018; Prajogo và cộng sự 2016.; Alegre và cộng sự 2013; Terziovski, 2010). Vì thế, sự ảnh hưởng của ứng ĐMST đến lợi thế cạnh tranh của DN trẻ là mối quan hệ tiềm ẩn hứa hẹn nhiều tiềm năng để khai thác, kiểm chứng và đẩy mạnh nghiên cứu nhằm cung cấp cơ sở khoa học trong việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho DN trẻ trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Từ những giả thuyết trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Tác động của ứng dụng đổi mới sáng tạo đến lợi thế cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
Nguồn: Tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tiến hành điều tra online đối với 350 người là lãnh đạo từ cấp trưởng phòng hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc tại DN đang ở DN có số năm hoạt động từ 1 đến 15 năm. Sau khi lọc và giữ lại được 289 phiếu phiếu hợp lệ, các dữ liệu sơ cấp này được kiểm tra trong phần mềm excel nhằm kiểm tra và loại bỏ các phiếu thiếu khách quan có giá trị thẳng hàng với câu trả lời chỉ duy nhất 1 giá trị (straitgt line). Thời gian tiến hành khảo sát từ tháng 6-12/2023. Sau đó, dữ liệu được chuyển sang phần mềm SPSS 23.0.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả phân tích mô hình đo lường

Bảng 1 thể hiện các báo cáo về đánh giá tính nhất quán và giá trị hội tụ của biến quan sát trong nghiên cứu.

Bảng 1: Kết quả đánh giá mô hình đo lường

Hệ số tải ngoài

Hệ số Cronbach's

Alpha

Chỉ số rho_A

Hệ số tin cậy tổng

hợp CR

Tổng phương sai

trích AVE

ĐMST về tổ chức

0,857

0,860

0,898

0,638

ORG1

0,764

ORG2

0,803

ORG3

0,836

ORG4

0,842

ORG5

0,744

ĐMST về quy trình

0,902

0,904

0,925

0,671

PRO1

0,774

PRO2

0,833

PRO3

0,836

PRO4

0,833

PRO5

0,854

PRO6

0,783

ĐMST về chiến lược

0,838

0,840

0,885

0,606

STR1

0,768

STR2

0,765

STR3

0,800

STR4

0,789

STR5

0,770

ĐMST về hệ thống

0,914

0,918

0,932

0,661

SYS1

0,825

SYS2

0,766

SYS3

0,845

SYS4

0,842

SYS5

0,841

SYS6

0,815

SYS7

0,753

ĐMST về công nghệ

0,876

0,887

0,910

0,670

TTE1

0,703

TTE2

0.863

TTE3

0.870

TTE4

0.821

TTE5

0,826

Lợi thế cạnh tranh bền vững

0,869

0,876

0,910

0,717

SCA1

0,841

SCA2

0,895

SCA3

0,817

SCA4

0,833

Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Bảng báo cáo kết quả đánh giá tính nhất quán và giá trị hội tụ cho thấy hệ số tải ngoài của các biến quan sát đều đạt giá trị từ 0,7 trở lên. Giá trị Cronbach’s Alpha và CR đều lớn hơn mức tổi thiểu được khuyến nghị. Với chỉ số AVE, các biến tiềm ẩn đều đạt giá trị từ 0,606 trở lên. Tiếp tục kiểm tra hệ số HTMT (Bảng 2) để kiểm tra giá trị phân biệt thì thấy tất cả các cặp chỉ báo đều đạt giá trị < 0,85. Do vậy, có thể khẳng định các biến quan sát trong nghiên cứu đều đạt yêu cầu về tính nhất quán, tính hội tụ và tính phân biệt, đảm bảo đo lường tốt cho các biến tiềm ẩn và tiếp tục được sử dụng cho các phân tích tương quan và kiểm chứng giả thuyết nghiên cứu.

Bảng 2: Kết quả phân tích giá trị phân biệt HTMT

Các biến tiềm ẩn

Lợi thế cạnh tranh

bền vững

ĐMST

về chiến lược

ĐMST

về công nghệ

ĐMST

về hệ thống

ĐMS

về quy trình

Lợi thế cạnh tranh bền vững

ĐMST về chiến lược

0,723

ĐMST về công nghệ

0,695

0,737

ĐMST về hệ thống

0,705

0,686

0,850

ĐMST về quy trình

0,788

0,845

0,813

0,777

ĐMST về tổ chức

0,629

0,705

0,778

0,791

0,819

Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Kết quả đánh giá mô hình cấu trúc và kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Kiểm tra tính đa cộng tuyến của mô hình

Kết quả kiểm tra hệ số VIF với mức giá trị đạt giá trị < 5, nên mô hình không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến. Nói cách khác, kết quả kiểm định mối tương quan giữa các biến đảm bảo yêu cầu.

Kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Do nghiên cứu thực hiện kiểm tra mối quan hệ trực tiếp giữa các biến ngoại sinh với biến nội sinh nên việc kiểm định các giả thuyết nghiên cứu được thực hiện dựa trên Bootstrapping 5000 mẫu với kỹ thuật One-tailed. Để xác định mức độ phù hợp và chấp nhận giả thuyết nghiên cứu, các giá trị được xem xét gồm: giá trị hệ số đường dẫn (Path coefficient), trị số P-Value, giá trị T- Value, giá trị khoảng tin cậy CI (Confidence Interval) và giá trị R². Theo đó, yêu cầu mức độ tin cậy 95%, T-value > 1,65, P-value < 0,05, và giá trị khoảng tin cậy CI phải cùng chiều, không chứa giá trị “0”. Kết quả kiểm định giả thuyết được báo cáo trong Bảng 3.

Bảng 3 cho thấy, 3 giả thuyết nghiên cứu về sự tác động của các yếu tố ĐMST gồm: ĐMST về chiến lược, ĐMST về quy trình và ĐMST về hệ thống đến Lợi thế cạnh tranh bền vững của DN đều được khẳng định trong nghiên cứu này. Ngoài 3 yếu tố trên, thì 2 yếu tố còn lại là: ĐMST về về hệ thống và ĐMST về đổi mới về công nghệ chưa được khẳng định trong nghiên cứu này, do các giá trị T-value, P- value và khoảng tin cậy CI chưa đạt tiêu chuẩn khẳng định giả thuyết nghiên cứu. Tuy nhiên, như trên đã chỉ ra, mô hình nghiên cứu đã phát hiện ra 3 nhân tố quan trọng có ảnh hưởng tới Lợi thế cạnh tranh bền vững của DN khởi nghiệp Việt Nam đó là: ĐMST về quy trình; ĐMST về hệ thống; ĐMST về chiến lược.

Bảng 3: Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Tác động của ứng dụng đổi mới sáng tạo đến lợi thế cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Tiếp đến, nghiên cứu thực hiện kiểm tra giá trị R2 nhằm xem xét mức độ giải thích của các biến ngoại sinh với biến nội sinh trong nghiên cứu (Hair và cộng sự, 2014). Theo đó, khi giá trị đạt được các mốc giá trị của R2 lần lượt là 0,26; 0,13 và 0,02 tương ứng với mức độ giải thích là đáng kể, trung bình và yếu. Kết quả kiểm định cho thấy giá trị R2 đạt được trong mô hình là 0,559 cho thấy, khả năng giải thích mạnh mẽ của mô hình; cụ thể các biến ngoại sinh đã giải thích được 55,9% sự biến thiên của biến nội sinh là Lợi thế cạnh tranh bền vững của các DN khởi nghiệp Việt Nam. Hình 2 đã tổng hợp kết quả mô hình cấu trúc với đầy đủ các báo cáo về mối quan hệ và mức độ tác động của các biến ngoại sinh lên biến nội sinh trong mô hình nghiên cứu.

Hình 2: Kết quả đánh giá mô hình cấu trúc

Tác động của ứng dụng đổi mới sáng tạo đến lợi thế cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu cho thấy, ĐMST về chiến lược, ĐMST về quy trình và ĐMST về hệ thống đóng vai trò quan trọng trong tạo Lợi thế cạnh tranh của các DN khởi nghiệp. Kết quả này đã cung cấp thêm một minh chứng lý luận và thực nghiệm để định hướng cho các ứng dụng ĐMST tại các DN, đặc biệt là đối với DN khởi nghiệp. Phát hiện nghiên cứu này khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc tăng cường ĐMST trong các DN khởi nghiệp.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

Kết luận

Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu cho thấy, ĐMST về chiến lược, ĐMST về quy trình và ĐMST về hệ thống đóng vai trò quan trọng trong tạo Lợi thế cạnh tranh của các DN khởi nghiệp. Kết quả này đã cung cấp thêm một minh chứng lý luận và thực nghiệm để định hướng cho các ứng dụng ĐMST tại các DN, đặc biệt là đối với DN khởi nghiệp.

Hàm ý

Kết quả nghiên cứu này có vai trò định hướng quan trọng cho việc hình thành các giải pháp thúc đẩy ứng dụng ĐMST tại DN khởi nghiệp nhằm tăng cường lợi thế cho DN trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện nay. Cụ thể, trong định hướng phát triển đến 2030, tầm nhìn 2050 các DN khởi nghiệp Việt Nam cần chú trọng phát triển các hoạt động ĐMST; trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

Một là, ĐMST về chiến lược. Các DN khởi nghiệp cần đặc biệt xem xét để ứng dụng ĐMST ở cấp chiến lược. Các DN khởi nghiệp cần chú ý phân tích và đánh giá môi trường chiến lược thông qua việc sử dụng các kỹ thuật phân tích môi trường để phân tích, đánh giá các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Thông qua đó, cho phép các DN khởi nghiệp dự báo được xu thế biến đổi của thị trường cũng như nhận dạng các cơ hội và các thách thức có thể xảy đến để đưa ra các định hướng chiến lược về ĐMST các sản phẩm, dịch vụ cung ứng trên thị trường.

Để các nội dung ứng dụng đổi mới về chiến lược hiệu quả, lãnh đạo các DN cần có tầm nhìn tích cực và mạnh mẽ đối với vai trò của ĐMST là nòng cốt trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh bền vững của DN. Các lãnh đạo DN khởi nghiệp đặc biệt cần xây dựng các chiến lược dài hạn về ĐMST, coi ĐMST là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng tầm nhìn dài hạn của DN. Để DN đạt được sự đổi mới liên tục nhanh chóng và có nhiều sản phẩm nổi trội, cần hình thành tư duy đổi mới trước hết của lãnh đạo cần được hình thành và sau đó là lan tỏa đến các nhân viên. Chính tầm nhìn đúng đắn tích cực về ĐMST và tư duy đổi mới này góp phần hình thành nên văn hóa ĐMST của DN mà chuyên gia nhấn mạnh vai trò của nó và đó cũng là yếu tố thường trực hình thành nên khả năn ứng dụng ĐMST mạnh mẽ về chiến lược sản phẩm thích ứng với môi trường. Hơn nữa, sự đổi mới về chiến lược cần nâng cấp không chỉ ở cấp độ sản phẩm dịch vụ mà cần sự đổi mới mạnh mẽ cả mô hình kinh doanh. Với những cơ hội và thách thức nhận điện từ môi trường, các DN cần mạnh dạn hơn trong việc tái cấu trúc kinh doanh và hình thành nên những mô hình kinh doanh gắn liền với ĐMST. Hướng đổi mới chiến lược sâu rộng này sẽ góp phần giúp DN hội nhập sâu và khai thác tốt hơn các hệ sịnh thái, các sân chơi ĐMST hoặc thậm chí chính DN trở thành người khởi xướng tạo sân chơi cho mình và các đối tác nhờ những đổi mới về chiến lược.

Hai là, ĐMST quy trình hoạt động của DN. Trước hết, các DN khởi nghiệp cần khai thác hiệu quả các gợi ý áp dụng đổi mới chiến lược như các biến quan sát cho ĐMST về quy trình. Đây là những đổi mới về quy trình hết sức quan trọng, thiết thực và cũng đã được chứng minh bằng việc kiểm định giả thuyết cũng như kết quả phân tích số liệu sơ cấp và thứ cấp. Việc mạnh mún rời rạc thiếu bản bản của nhiều DN khởi nghiệp trong ứng dụng ĐMST được chỉ dẫn bởi các hướng đổi mới rất thân thiện, gần gũi và dễ làm. Việc văn bản hóa quy trình hướng dẫn, chủ động lựa chọn quy trình và tiêu chuẩn tối ưu và đặc biệt là loại bỏ các hoạt động, công đoạn không tạo ra giá trị gây ra sự lãng phí rất lớn ở hầu hết các DN là vô cùng cần thiết và hữu ích. Với các DN khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm, thì việc quy trình hóa bài bản như vậy càng thiết thực với DN. Đặc biệt, việc DN có quy trình nhận dạng được yêu cầu khách hàng và đưa các yêu cầu này làm tiêu chuẩn cho việc sản xuất/cung ứng sản phẩm dịch vụ chính là một trong các hướng khai thác lợi ích to lớn của việc phát triển các liên kết, mạng lưới đồng sáng tạo giá trị. Ngoài ra, để chuẩn hóa quy trình ĐMST trong toàn thể DN, xây dựng và ban hành hiệu quả các văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình và cách thức triển khai các hoạt động ĐMST trong toàn DN, thì DN cần phải thường xuyên đánh giá. Các chuyên gia tham gia phỏng vấn cho rằng chính việc thường xuyên đánh giá là tiền đề của ĐMST, vì có thường xuyên đánh giá thì mới phát hiện vấn để để giải quyết tối ưu hơn. Với quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế, các DN khởi nghiệp cũng nên tinh gọn và tối ưu quy trình trên cơ sở sự tối ưu hóa sự phối hợp với bên ngoài.

Ba là, ĐMST về hệ thống. Các DN khởi nghiệp cần đặc biệt xem xét để ứng dụng ĐMST theo các định hướng chỉ dẫn trong xây dựng hệ thống. Với định hướng xây dựng hệ thống với các định hướng ứng dụng như trên sẽ góp phần vào tăng cường khai thác nguồn lực tri thức trong ĐMST và theo lý thuyết quản trị dựa trên tri thức đó chính là năng lực cốt lõi giúp DN đạt được lợi thế cũng như hiệu suất vượt trội. Ứng dụng các chỉ dẫn này cũng chính là tiền đề giúp DN khởi nghiệp vốn chưa có bề dày văn hóa xây dựng được văn hóa của một tổ chức học hỏi (learning organization) một trong những yếu tố quan trọng cho việc đổi mới sâu và rộng tới mọi hoạt động trong DN.

Hơn nữa, việc đào tạo theo chỉ dẫn ứng dụng SYS5 không chỉ đào tạo về kỹ năng mà đào tạo về cả tư duy toàn hệ thống. Không chỉ kỹ năng là điểm yếu của lao động Việt Nam nói chung mà còn là còn là điểm yếu của rất nhiều nghiệp trẻ khi lợi thế cạnh tranh trong tuyển dụng của họ chưa cao. Và đặc biệt tư duy toàn hệ thống đó chính là tư duy chiến lược, tư duy của việc thấu suốt tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu và hướng đi và lợi thế cạnh tranh của DN cũng như ý nghĩa của mỗi việc cụ thể trong tổng thể mục tiêu. Việc đào tạo giúp cán bộ nhân viên có tư duy toàn hệ thống thực sự là gợi mở định hướng soi đường xán lạn tuyệt vời cho các DN khởi nghiệp nơi mà hầu hết chưa có sự quan tâm đúng mức dành cho tầm nhìn và tư duy hệ thống. Việc mọi nhân viên trong tổ chức thấu suốt tầm nhìn, lý tưởng, hướng đi, đích đến, sứ mạng kinh doanh, lý do tồn tại của DN cũng như chính ý nghĩa công việc của họ đang làm không chỉ giúp nhân viên làm việc có định hướng hiệu quả hơn mà còn giúp khơi nguồn cảm hứng cho các nhân viên, giúp họ hiểu ý nghĩa công việc họ đang làm và đó cũng chính là cội nguồn của sự hào hứng, gắn kết trong công việc và đó chính là cội nguồn quan trọng cho ĐMST.

Như vậy, các DN khởi nghiệp Việt Nam cần tạo dựng môi trường ĐMST một cách toàn diện trên cơ sở nâng cao đồng thời cả chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng khai thác các mạng lưới hợp tác cho các hoạt động ĐMST. Việc xây dựng và triển khai các hoạt động ĐMST cần phải được đồng thuận ở tất cả các cấp bậc quản trị thông qua đào tạo và chia sẻ kiến thức, giúp tạo nên một tư duy ĐMST và tầm nhìn thống nhất trong toàn DN. Ngoài ra, các hoạt động ĐMST cần phải được gắn chặt với các yêu cầu và đặc thù của ngành kinh doanh. Trên cơ sở hiểu rõ được nhu cầu của khách hàng, việc ĐMST cần phải hướng tới mục tiêu tạo lập và gia tăng giá trị cho khách hàng và các đối tác của DN. Đồng thời, DN khởi nghiệp có thể xem xét cơ chế đồng sáng tạo giá trị dựa trên việc phối kết hợp cùng các bên liên quan, các đối tác để thực hiện việc ĐMST thành công, góp phần tạo lập và duy trì LTCT bền vững cho các DN.

Bên cạnh 3 nhóm nhân tố ĐMST về chiến lược, ĐMST về và ĐMST về hệ thống được khẳng định về sự ảnh hưởng trong kiểm chứng giả thuyết nghiên cứu, sự đổi mới về tổ chức và công nghệ chưa được khẳng định trong nghiên cứu này cần được tiếp tục xem xét chuyên sâu hơn ở các nghiên cứu sau. Mặc dù vậy, sự chưa khẳng định được tính ảnh hưởng của yếu tố về tổ chức và công nghệ của DN đến lợi thế cạnh tranh của DN theo các tiêu chí biến quan sát trong nghiên cứu này, xong kết quả phân tích định tính từ phỏng vấn và số liệu thứ cấp vẫn cho thấy tầm quan trọng của đổi mới về tổ chức và công nghệ. Về mặt nghiên cứu thực nghiệm, có thể đây là sự đổi mới ở cấp độ chức năng triển khai cần có sự nghiên cứu tác động theo mối quan hệ nguyên nhân từ cấp độ chiến lược đến cấp độ triển khai này ở mặt tổ chức và công nghệ để đánh giá khách quan hơn sự ảnh hưởng của nhân tố này. Mặt khác, các DN khởi nghiệp gần đây có xu hướng đơn giản hóa bộ máy tổ chức và tận dụng mạng lưới phối hợp sử dụng nguồn lực bên ngoài nên đó có thể là một trong yếu tố khiến yếu tố tổ chức có tiêu chuẩn vô cùng đa dạng phong phú và sự đo lường hạn chế theo cách 1 cách tiếp cận như bộ chỉ số biến quan sát trong nghiên cứu này có thể không đủ để phản ánh thực tiễn nên chưa hội tụ sự ảnh hưởng. Tương tự như vậy, với sự tác động của công nghệ 4.0, những ứng dụng công nghệ đang thay đổi nhanh chóng hàng ngày nên có thể những tiếp cận cơ bản về công nghệ không đủ mạnh để tạo ra sự ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh. Sự ảnh hưởng thực sự của tổ chức và công nghệ có thể cần đến sự thích nghi vô cùng linh hoạt và phong phú để thích ứng với điều kiện, môi trường kinh doanh và công nghệ vô cùng năng động và biến đổi hàng ngày như hiện nay. Ngoài ra, sự đổi mới về công nghệ không chỉ là sự đổi mới kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin và internet của DN mà còn là sự khai thác các ứng dụng vô cùng đa dạng và phong phú của công nghệ 4.0. Đo đó, phát huy khai thác nội lực chưa đủ mà ĐMST về công nghệ cần khả năng thích ứng, hấp thụ và tích cực hội nhập để dùng chung nguồn lực công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

Tài liệu tham khảo

1. Alegre, J., Sengupta, K., Lapiedra, R. (2013), Knowledge management and innovation performance in a high-tech SME industry, International Small Business Journal: Researching Entrepreneurship, 31(4), 454–470, doi: 10.1177/0266242611417472.

2. Ferreira, J. et al (2018), Dynamic capabilities, creativity and innovation capability and their impact on competitive advantage and firm performance: The moderating role of entrepreneurial, Elsevier.

3. Hair, J. F., Black, W. C., Babin B. J., Anderson R. E. (2014), Multivariate data analysis (7th International ed.), Harlow, UK: Pearson Education Limited.

4. Prajogo, D. I., Oke, A. (2016), Human capital, service innovation advantage, and business performance, International Journal of Operations & Production Management, 36(9), 974–994, doi: 10.1108/IJOPM-11-2014- 0537.

5. Phùng Xuân Nhạ, Lê Quân (2013), Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, 29(4), 1-11.

6. Terziovski, M. (2010), Innovation practice and its performance implications in small and medium enterprises (SME) in the manufacturing sector: a resource-based view, Strategic Management Journal, p. n/a-n/a. doi: 10.1002/smj.841.

Ngày nhận bài: 10/01/2025; Ngày phản biện: 17/1/2025; Ngày duyệt đăng: 14/2/2025