Thủ đô phải đẩy mạnh công tác quy hoạch nhiều hơn với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này khi chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội sáng ngày 6/5.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội. |
4 tháng đầu năm 2023, kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển và các cân đối lớn được đảm bảo
Báo cáo với Thường trực Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế tiếp tục phát triển và các cân đối lớn được đảm bảo.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm ước tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 6,0%). Các lĩnh vực dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,4%); tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 16,3%).
Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu hút gần 1,47 triệu lượt khách du lịch (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế (có lưu trú) đạt 1,015 triệu lượt (gấp 10 lần so với cùng kỳ).
Do ảnh hưởng của thị trường thế giới, kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.313 triệu USD (giảm 1,3% so với cùng kỳ (4 tháng 2022 tăng 17,4%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 11.891 triệu USD, giảm 7% (4 tháng 2022 tăng 20,2%).
Thu, chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 đều tăng. Tổng thu NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội là 177.989 tỷ đồng (đạt 50,4% dự toán và tăng 21,6% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương là 22.582 tỷ đồng (đạt 21,5% dự toán và tăng 16,5% so với cùng kỳ).
Đối với thu hút đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, thu hút 1,7 tỷ USD vốn FDI (bằng cả năm 2022), dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Có 10.307 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập với số vốn 93,08 nghìn tỷ đồng (tăng 13% về số lượng doanh nghiệp, giảm 24% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022). Lũy kế tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 359.600 doanh nghiệp.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Quản lý và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến; công tác phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được cải thiện; quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề y, dược. Đảm bảo duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, tiếp tục tiêm chủng phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92,9% dân số. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô.
An sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo Tết cho Nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Cùng với đó, TP. Hà Nội đã trao 1.778.951 suất quà cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... với tổng kinh phí hơn 834, 8 tỷ đồng.
Quý I/2023, đã giải quyết việc làm cho 44.573/162.000 lao động. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của TP. Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,095%...
Về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với kiểm soát được dịch Covid-19, Thành phố đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2022 đạt 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách 178.465 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán giao. Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 của TP. Hà Nội là 364.678 tỷ đồng; kế hoạch vốn trung hạn đã bố trí năm 2021, 2022, 2023 hơn 143.770 tỷ đồng, đạt 39,7% tổng kế hoạch vốn.
Từ năm 2021 đến hết tháng 3/2023, thu hút đầu tư xã hội đạt 953.960 tỷ đồng, bằng 30,8% cận dưới chỉ tiêu 5 năm 2021-2025. Thu hút vốn FDI đạt gần 3.420 tỷ USD (bằng gần 13% của giai đoạn 2016-2020). Có 60.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập (bằng 48,4% của giai đoạn 2016-2020) với số vốn 744.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng kinh tế được duy trì, bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%, mức khá thấp so với chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2021-2025 là từ 7,5-8,0%. Thu nhập tính theo GRDP năm 2022 đạt bình quân 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm.
Tổng số vốn đầu tư xã hội 2 năm 2021-2022 là 872.200 tỷ đồng, đạt 28,14% cận dưới chỉ tiêu 5 năm 2021-2025 đề ra.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế tiếp tục phát triển và các cân đối lớn được đảm bảo. |
Hà Nội nêu 5 nhóm kiến nghị với Chính phủ
Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới trong quá trình phát triển Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu 5 nhóm kiến nghị.
Nhóm kiến nghị thứ nhất về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, TP. Hà Nội có 3 kiến nghị cụ thể:
Một là về các nội dung phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.
TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.
Đồng thời tổng hợp, gửi UBND TP. Hà Nội là cơ quan đầu mối để chủ trì tổng hợp các nội dung liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (nếu có).
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư, cho phép TP. Hà Nội chủ động thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.1 và 2.1 trong trường hợp tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần vượt (có dự án tăng/giảm) nhưng tổng mức đầu tư của cả 2 dự án thành phần này không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư, được thực hiện đồng thời với việc thực hiện nội dung điều chỉnh chủ trương dự án (nếu có).
Hai là để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các tiểu dự án trong dự án PPP, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thi công toàn tuyến bao gồm 3 cầu lớn (Hồng Hà, Mễ Sở và Hoài Thượng) và hệ thống đường song hành do 3 địa phương đồng loạt triển khai;
Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP.
Tuy nhiên việc triển khai theo phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Luật PPP, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về việc thanh toán tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP.
Ba là về việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, TP.Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như nhà thầu thi công dự án được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Nhóm kiến nghị thứ hai có 7 kiến nghị cụ thể về các tuyến đường sắt đô thị. Theo đó, ngoài tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đang khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đang triển khai thi công, 7 tuyến còn lại (tuyến số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) đều chưa được triển khai.
Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về chủ trương đầu tư, nguồn vốn, cho ý kiến về chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, đầu tư xây dựng...
Trong đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5-2023) và cho phép UBND TP. Hà Nội được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của ngân sách TP. để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của dự án.
Đối với tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc), để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên cho TP. Hà Nội sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án.
Nhóm kiến nghị thứ ba gồm 4 kiến nghị về lĩnh vực nhà ở. Trong đó, đáng chú ý, về phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Nhóm kiến nghị thứ tư gồm 3 kiến nghị về đất đai. Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ Phát triển đất, thành phố kiến nghị, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, trong đó đối tượng ứng vốn bao gồm cả các dự án đầu tư công, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất.
Về giá đất, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 theo hướng áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K) để xác định: Giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa; giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; giá bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa đối với 8 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố (UBND thành phố đã báo cáo).
Nhóm kiến nghị thứ năm là về tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP. Hà Nội. Hiện nay, TP. Hà Nội đang phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi với 9 nhóm chính sách lớn, trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho TP. Hà Nội 10 nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài các nội dung tại Báo cáo số 394 ngày 5/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, TP. Hà Nội tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủy quyền thêm 2 nội dung. Đó là kiến nghị ủy quyền cho Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp;
Khu công nghệ cao (theo quy định của Điều 31 của Luật Đầu tư); ủy quyền cho thành phố Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên; từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội cần tập trung thực hiện. |
Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô để phát huy hết tiềm năng, khắc phục các khó khăn, bất cập
Sau khi nghe báo cáo, phát biểu của lãnh đạo TP. Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội cần tập trung thực hiện.
Thủ tướng mong Nghị quyết 09 được UBND TP. Hà Nội cụ thể hóa, thực hiện tốt và nhân rộng mô hình này ra cả nước; quyết liệt triển khai dự án
Thủ tướng lưu ý, Hà Nội cần tiếp tục chú trọng vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công, huy động nguồn lực ngoài xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực của Nhà nước kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Hà Nội có điều kiện vươn lên xây dựng một mô hình kiểu mẫu cho cả nước.
Thủ đô phải đẩy mạnh công tác quy hoạch nhiều hơn với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, quy hoạch phải giải quyết được những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, xung đột của Hà Nội, quy hoạch phải giải bài toán thúc đẩy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đối với một số chỉ số như PCI, SIPAS, PAPI..., Hà Nội cần cố gắng cải thiện hơn nữa;
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nỗ lực bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thủ tục phòng cháy, chữa cháy.
Thủ tướng tin tưởng, với cách làm, sự tổ chức thực hiện, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, Hà Nội sẽ sớm khắc phục được các hạn chế.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược còn kéo dài, lạm phát kéo dài, sự giảm phát của các nước trong điều kiện khó khăn.
“Trong bức tranh tối màu của thế giới thì Việt Nam vẫn là một điểm sáng, tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan để chuẩn bị tốt nguồn lực, tâm thế, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ”, Thủ tướng Phạm Minh chính nói.
Thủ tướng mong Hà Nội phát huy hơn nữa, tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo để xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế của cả nước; tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII.
Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; từ đó thực hiện thành công các nhiệm vụ đã đề ra.
Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thủ đô trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô. Trên tinh thần đó, Chính phủ cùng Hà Nội nâng cao trách nhiệm của mình để phát triển theo mục tiêu đề ra.
Thủ tướng đề nghị, Hà Nội cần nhận diện rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém, mâu thuẫn trong quá trình phát triển của TP. Hà Nội; phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp để giải quyết các vấn đề của Thủ đô.
Quá trình này phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh chính sách, cách quản lý phù hợp, thường xuyên tổng kết các mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng; khuyến khích tư tưởng dám nghĩ, dám nói, dám làm, vì mục tiêu chung; khắc phục bằng được 2 khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm;
Đặc biệt là đề cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, mạnh dạn vươn lên; tìm ra các mô hình hay, cách làm mới; tiếp tục phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, từ đó tạo ra nguồn lực tốt hơn cho phát triển.
Thủ tướng đồng thời đề nghị, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, dân chủ, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tuỵ, vì nhân dân phục vụ.
Đề cập nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nắm chắc tình hình cụ thể, vận dụng sáng tạo, lãnh đạo, chỉ đạo tốt; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô để phát huy hết tiềm năng, khắc phục các khó khăn, bất cập;
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, đó là khắc phục yếu kém của các thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện miễn, giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại nợ, nhóm nợ, giãn hoãn các nhóm nợ; hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát, do đó phải ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng, trong đó cơ cấu lại thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu và tổng cung trong nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân;
Có các giải pháp huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư, triển khai các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư” đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, kể cả nay là Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ bàn giao về TP. Hà nội; “đầu tư công, quản lý tư” như các bệnh viện, trường học, công viên, bảo tàng; “đầu tư tư, sử dụng công”.
Đổi mới, hiện đại hóa phương thức lãnh đạo bằng chuyển đổi số; khai thác giá trị truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô; giải quyết tốt các vấn đề môi trường, an sinh xã hội; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội Thủ đô;
Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, uy tín, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Về các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu các nguyên tắc: phải nắm bắt tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời đối với các vấn đề nổi lên; các Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền, phối hợp Hà Nội để có “đầu ra”; phải khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời./.
Bình luận