TS. Hoàng Thị Hoài Hương

Nguyễn Thị Thái Hà, Lê Thị Thanh Tuyền, Nguyễn Thị Diễm Hằng, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Ngô Thái Sơn

Trường Đại học Quy Nhơn

Email liên hệ: hoangthihoaihuong@qnu.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung bao gồm 9 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận từ năm 2013 đến năm 2023. Kết quả cho thấy, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là 2 địa phương thường có điểm số và vị thứ xếp hạng PCI cao tại Việt Nam nói chung và trong vùng nói riêng; bên cạnh đó các chỉ số về Tính năng động, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Cạnh tranh bình đẳng là những chỉ số mà cộng đồng doanh nghiệp tham gia khảo sát khá thấp. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương trong Vùng.

Từ khóa: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, PCI, vùng Duyên hải miền Trung

Summary

The study aims to analyze the current situation of the Provincial Competitiveness Index (PCI) of localities in the Central Coastal region, including 9 provinces and cities: Thua Thien Hue, Da Nang, Quang Nam, Quang Ngai, Binh Dinh, Phu Yen, Khanh Hoa, Ninh Thuan, Binh Thuan from 2013 to 2023. The results show that Da Nang and Thua Thien Hue are the two localities that often have high PCI scores and rankings in Vietnam in general and in the region in particular; in addition, the indicators of Dynamism, Business Support Policy, and Fair Competition are the indicators that the business community participating in the survey is quite low. The study also proposes several solutions to improve and enhance the provincial competitiveness index scores of localities in the region.

Keywords: provincial competitiveness index, PCI, Central Coastal region

ĐẶT VẤN ĐỀ

PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam dưới góc nhìn của doanh nghiệp. Bằng việc điều tra các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân về môi trường kinh doanh của một tỉnh, thành phố mà họ đang hoạt động, kết hợp với các số liệu đã công bố chính thức của các bộ ngành về các địa phương. PCI lượng hóa chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố theo thang điểm 100 theo nhóm các yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực kinh tế tư nhân. PCI cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các địa phương để nhìn nhận thực trạng và đưa ra cải cách điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả nhất. PCI cũng là một thông số được các nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại một địa phương nào đó.

Chính vì vậy, đến nay, sau gần 20 năm kể từ lần đầu tiên công bố đầu tiên vào năm 2006, PCI đã trở thành một chỉ báo quan trọng nhận được sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các báo cáo PCI hàng năm chỉ dừng lại ở việc công bố các kết quả chung và kết quả xếp hạng về môi trường kinh doanh của các địa phương, báo cáo PCI không thể đi sâu phân tích cho từng địa phương hay từng vùng. Do vậy, nghiên cứu này sẽ tổng hợp, phân tích thực trạng PCI của các địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung - vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong những năm qua sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, mức tăng trưởng còn thấp và chưa ổn định. Các địa phương trong vùng trong thời gian qua luôn luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển kinhtế xã hội của các địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung; trong đó, những nỗ lực cải thiện năng lực điều hành của chính quyền địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư kinh doanh cũng là một vấn đề rất được chú trọng.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PCI

Theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam; hướng đến thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. PCI là kết quả hợp tác nghiên cứu từ năm 2005 giữa VCCI và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) - do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. VCCI cũng nêu rõ quy trình xây dựng chỉ số PCI gồm 3 bước như sau:

Bước 1: Thu thập dữ liệu

Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sảo bằng thư đến các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện.

Dữ liệu thứ cấp được thu thập qua các nguồn uy tín của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân Tối cao và trang thông tin của các tỉnh, thành phố.

Bước 2: Xây dựng các chỉ số thành phần

Chỉ tiêu, sau khi thu thập, sẽ được chuẩn hóa theo thang điểm 10, theo đó, tỉnh có chỉ tiêu tốt nhất trên cả nước sẽ đạt điểm 10, tỉnh có chỉ tiêu kém nhất đạt điểm 1.

Chỉ số thành phần = 40% x trung bình các chỉ tiêu “cứng” (chỉ tiêu đã được các bộ ngành công bố) + 60% * trung bình cộng các chỉ tiêu “mềm” (chỉ tiêu thu được qua khảo sát PCI).

Bước 3: Tính toán PCI

Ở bước này, chỉ số thành phần được gán thêm trọng số. Có ba mức trọng số: cao (15%-20%), trung bình (10%) và thấp (5%), thể hiện mức đóng góp và tầm quan trọng của từng chỉ số đối với sự phát triển số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư và lợi nhuận. Sau đó, là tính điểm số PCI có trọng số cuối cùng. Trên cơ sở kết quả điểm số này, thứ hạng các tỉnh, thành phố sẽ được sắp xếp, đứng đầu là nơi có điểm số PCI tổng hợp cao nhất, và đứng cuối là nơi có điểm số PCI tổng hợp thấp nhất.

Từ năm 2006 đến nay, chỉ số PCI được định kỳ rà soát, hiệu chỉnh phương pháp luận và chỉ số để ngày càng tốt hơn. Từ năm 2013 đến nay, chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp như sau: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

THỰC TRẠNG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG TẠI VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG GIAI ĐOẠN 2013-2023

Khái quát chung về vùng Duyên hải miền Trung

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020 chia không gian vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo Quyết định số 367/QĐ-TTg, ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng Chính phủ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 3 tiểu vùng bao gồm: tiểu vùng Bắc Trung Bộ; tiểu vùng Trung Trung Bộ; tiểu vùng Nam Trung Bộ với các địa phương tương ứng 3 tiểu vùng như quy hoạch ban hành năm 2013.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu phân tích các dữ liệu trong giai đoạn 2013-2023 nên xác định vùng Duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành là Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Duyên hải miền Trung là vùng nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như: Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); có nhiều hệ thống cảng biển nước sâu như: Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn. Vùng nằm ở vị trí địa lý có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới; có nhiều vùng biển đẹp có tiềm năng phát triển du lịch biển; là nơi tập trung các mỏ khoáng sản, như: cát thủy tinh, sa khoáng vàng, sắt nội sinh, vật liệu xây dựng; là đầu vào cho một số ngành công nghiệp. Tiềm năng phát triển thủy sản cả nuôi trồng và đánh bắt hải sản của khu vực này cũng rất đáng kể. Ngoài ra, còn phải kể đến tiềm năng năng lượng gió biển và sóng biển rất phù hợp để phát triển các ngành năng lượng sạch.

Trong những năm qua, vùng Duyên hải miền Trung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực phát triển. Thời gian gần đây, các tỉnh và thành phố của Vùng đã thu hút đầu tư, hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nâng cấp các cảng hàng không, cảng biển và nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, nhất là khu du lịch, hải sản, năng lượng phát triển nhanh. Bức tranh kinh tế của Vùng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế to lớn, vùng Duyên hải miền Trung cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như do địa hình theo chiều dài, nhiều nơi đồi núi đâm ngang ra biển nên việc kết nối trực tiếp giữa các địa phương trong nội vùng bị hạn chế; trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và kết cấu hạ tầng còn thấp so với khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam; hạt nhân chính của Vùng là vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung mới phát triển; các tác động thiên tai và biến đổi khí hậu đã có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân cư và các hoạt động khác.

Theo Quy hoạch Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì mục tiêu phát triển tổng quát của Tiểu vùng Trung Trung Bộ là “vùng kinh tế động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng. Trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), trở thành trung tâm cơ khí lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) là trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, là thành phố Festival, một trung tâm văn hóa đặc sắc của khu vực và châu Á; đồng thời là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu”; mục tiêu tổng quát của tiểu vùng Nam Trung Bộ là “trung tâm dịch vụ, du lịch biển, năng lượng tái tạo của Vùng và cả nước. Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; trung tâm thể thao vùng; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao. Ninh Thuận, Bình Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng mới của Vùng. Quy Nhơn (Bình Định) là đô thị đổi mới sáng tạo của Vùng”.

Điểm số và xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương tại vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Trên cơ sở các báo cáo hàng năm của VCCI, điểm PCI của các địa phương trong vùng trong giai đoạn 2013-2023 được nhóm tác giả tổng hợp như Bảng 1.

Bảng 1. Điểm số PCI của các địa phương vùng duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Đơn vị: Điểm

Thừa Thiên Huế

Đà Nẵng

Quảng Nam

Quảng Ngãi

Bình Định

Phú Yên

Khánh Hòa

Ninh Thuận

Bình Thuận

2013

65,56

66,45

58,76

62,6

59,37

54,48

57,49

54,22

59,09

2014

59,98

66,87

59,97

59,55

59,72

56,44

59,78

56,88

59,16

2015

58,52

68,34

61,06

59,7

59,23

56,15

58,69

57,45

58,83

2016

59,68

70

61,17

59,05

60,24

56,93

59,59

57,19

58,2

2017

62,37

70,11

65,41

63,16

64,08

60,59

63,36

61,6

63,34

2018

63,51

67,65

65,85

62,4

64,04

61,69

64,42

62,21

64

2019

66,5

70,15

69,42

64,33

66,56

64,14

65,37

64,89

65,33

2020

65,03

70,12

65,72

63,2

63,18

62,84

63,98

63,44

63,29

2021

69,24

70,42

66,24

62,97

68,32

64,17

63,11

62,23

65,96

2022

69,36

68,52

66,62

65,18

66,65

64,8

67,74

65,43

64,39

2023

69,19

68,79

66,66

65,76

67,44

66,28

66,52

69,1

68,06

Bình quân giai đoạn 2013-2023

64,45

68,86

64,26

62,54

63,53

60,77

62,73

61,33

62,70

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả từ các báo cáo PCI trong giai đoạn 2013-2023

Nhìn chung, điểm số của các địa phương trong Vùng trong giai đoạn 2013-2023 thấp nhất là 54,22 (Ninh Thuận năm 2013) và cao nhất là Đà Nẵng với 70,42 điểm năm 2021. Điểm của các địa phương trong giai đoạn này chủ yếu dao động ở 60 đến trên 70 điểm. Trong giai đoạn đầu, từ năm 2013 đến năm 2016 nhiều địa phương còn dưới 60 điểm bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận; từ năm 2017 đến nay, các địa phương trong Vùng đều đạt trên 60 điểm, tuy nhiên có sự tăng giảm không đều giữa các năm. Xét về điểm bình quân trong giai đoạn 2013-2023, thì thứ tự theo điểm số của các địa phương trong Vùng như sau: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và xếp cuối cùng là Phú Yên. Điểm số của các tỉnh trong vùng giai đoạn này đều trên 60 điểm.

Bảng 2: Xếp hạng theo điểm số PCI của các địa phương vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Thực trạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các địa phương vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả từ các báo cáo PCI trong giai đoạn 2013-2023

Với điểm số như (Bảng 2), thứ hạng của các địa phương trong Vùng cũng tương tự. Cụ thể hơn, TP. Đà Nẵng luôn dẫn đầu trong số 8 tỉnh Duyên hải miền Trung và thường xuyên đứng đầu hoặc nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tiếp đến, tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2021-2023 luôn nằm trong top 10 tỉnh thành phố có thứ hạng cao nhất. Các địa phương còn lại vị thứ còn nhiều biến động và nhiều năm ở vị thứ thấp đặc biệt là Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Phú Yên. Trong đó, điểm số và thứ hạng tỉnh Phú Yên thường thấp nhất trong vùng và thấp so với cả nước cụ thể 2013, 2015, 2016, 2018 tỉnh Phú Yên đều có vị thứ sau 50. Từ năm 2022, 2023, PCI chỉ xếp hạng cho Top 30 các tỉnh thành có số điểm cao nhất. Trong năm 2022, có Quảng Ngãi và Phú Yên; năm 2024 có Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa không thuộc top 30 trên bảng xếp hạng PCI nên không xếp hạng (N/A).

Cơ cấu điểm chỉ số thành phần PCI của các địa phương vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Mười chỉ số thành phần của PCI bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các địa phương có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. Điểm các chỉ số thành phần của mỗi địa phương trong vùng được nhóm tác giả tổng hợp trong giai đoạn 2013-2023 như Bảng 3.

Bảng 3: Điểm các chỉ số thành phần của các địa phương vùng duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Thừa Thiên Huế

Đà Nẵng

Quảng Nam

Quảng Ngãi

Bình Định

Phú Yên

Khánh Hòa

Ninh Thuận

Bình Thuận

Gia nhập thị trường

7,83

8,16

7,86

7,89

7,85

8,07

7,41

7,92

7,79

Tiếp cận đất đai

6,63

7,12

6,79

6,47

6,86

6,34

6,25

6,56

6,44

Tính minh bạch

6,71

6,63

6,27

6,08

6,36

6,10

5,92

6,20

6,19

Chi phí thời gian

6,95

7,75

7,22

6,85

7,25

7,20

6,83

7,17

7,00

Chi phí không chính thức

6,52

6,97

6,55

6,05

6,45

6,27

6,04

6,39

6,39

Cạnh tranh bình đẳng

5,63

6,02

5,98

5,33

6,08

5,73

5,33

5,73

6,15

Tính năng động

5,79

6,55

6,30

5,54

6,11

5,67

5,12

6,10

5,82

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

5,85

6,64

6,19

5,77

5,98

6,13

5,87

5,74

6,34

Đào tạo lao động

6,39

7,42

6,24

5,78

6,32

6,06

5,81

5,91

5,72

Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

6,62

7,10

6,92

6,40

6,80

6,35

5,72

6,57

5,93

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả từ các báo cáo PCI trong giai đoạn 2013-2023

Tương tự như điểm tổng PCI, trong giai đoạn 2013-2023, Đà Nẵng là địa phương có điểm các chỉ số thành phần tương đối cao như chỉ số Gia nhập thị trường (8,16 điểm), Chi phí thời gian (7,75 điểm) hay Đào tạo lao động (7,42 điểm). Thừa Thiên Huế có chỉ số gia nhập thị trường cao nhất, tuy nhiên khía cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động và cạnh tranh bình đẳng còn thấp (dưới 6 điểm). Tỉnh Quảng Nam các ngoài chỉ số cạnh tranh bình đẳng 5,98 điểm các chỉ số khác đều trên 6 điểm, tuy nhiên chỉ có chỉ số gia nhập thị trường trên 7 điểm với 7,86 điểm. Tỉnh Quảng Ngãi là một địa phương có điểm của 4/10 chỉ số thành phần thấp hơn 5 điểm bao gồm: đào tạo lao động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng. Điểm số bình quân các chỉ số của Bình Định tương đối tốt với 2/10 chỉ số có điểm bình quân > 7 và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thấp nhất với 5,98 điểm. Phú Yên là tỉnh có điểm số và xếp hạng không cao nhưng điểm số chi phí gia nhập thị trường khá cao là 8,07 điểm. Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng là địa phương có số điểm bình quân chỉ số thành phần dưới 6 điểm nhiều hơn so với các địa phương khác.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp điểm bình quân của các chỉ số thành phần chỉ số PCI của các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023 như Hình.

Hình: Điểm bình quân các chỉ số thành phần của các địa phương tại vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Thực trạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các địa phương vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2013-2023

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả từ các báo cáo PCI trong giai đoạn 2013-2023

Từ những dữ liệu trên, có thể thấy, trong 10 chỉ số thành phần thì chỉ số Gia nhập thị trường được đánh giá cao nhất với 7,87 điểm; tiếp đến là Chi phí thời gian với 7,14 điểm; các chỉ số còn lại đều dưới mức 7 điểm, đặc biệt một số chỉ số thành phần điểm số còn thấp như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6,06 điểm); Tính năng động (5,89 điểm) và cuối cùng Cạnh tranh bình đẳng chỉ 5,78 điểm.

KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP NHẰM CẢI THIỆN, NÂNG CAO PCI CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG THUỘC VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG

Kết luận

Nhìn chung, trong giai đoạn 2013-2023, các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung đã nỗ lực để cải thiện năng lực điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điểm chỉ số PCI có sự thay đổi tích cực theo thời gian. Điều đó cũng thể hiện ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp được khảo sát đối với những cải thiện của chính quyền và môi trường đầu tựu kinh doanh tại mỗi phương.

Về điểm số, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là 2 địa phương thường có điểm số và thứ hạng cao trên bảng xếp hạng PCI. Các địa phương thường có điểm thấp hơn so với các địa phương trong vùng Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận; tuy từ năm 2017 đến nay các địa phương này có điểm PCI đã được cải thiện hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên khi xét về thứ tự, thì vẫn thuộc nhóm thấp so với các trong cả nước.

Về các chỉ số thành phần, trong giai đoạn 2013-2023, ngoài chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian có số điểm bình quân trên 7 điểm, các chỉ số thành phần khác đều có điểm bình quân từ khoảng 5,5 điểm đến dưới 7 điểm. Do đó, các phương trong vùng cần chú trọng các biện pháp nhằm cải thiện các khía cạnh còn bị đánh giá thấp đặc biệt là tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch.

Một số đề xuất nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung

Thứ nhất, cần thúc đẩy tính năng động của các địa phương. Chính quyền các cấp tại các địa phương cần có sự sáng tạo, linh hoạt khi áp dụng các chính sách, pháp luật vào thực tiễn, không quá cứng nhắc thụ động, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập, giúp doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính quyền cũng cần có sự gần gũi và các phương pháp nắm bắt tình hình thực tiễn phù hợp và tích cực xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các ý kiến kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn.

Thứ hai, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hỗ trợ công bằng cho các doanh nghiệp để thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, nhất là các cán bộ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính với doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, từ đó điều chỉnh ý thức trách nhiệm thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các địa phương đổi mới cách thức quản lý Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh để bảo vệ doanh nghiệp trong nước không bị thiệt thòi, lép vế và xung đột lợi ích với doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng cần rà soát, loại bỏ những đối xử bất bình đẳng, không hợp lý; đảm bảo các nguyên tắc về đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo sự nhất quán hơn giữa các quy định áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt chính sách bình đẳng về thuế và tiếp cận đất đai.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chính quyền các cấp tại các địa phương khi triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần linh hoạt bám sát thực tiễn bám sát biến động thị trường, kịp thời điều chỉnh khi môi trường kinh doanh thay đổi. Chính quyền cần tăng cường kết nối các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng,... qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu phát triển thị trường./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 1114/QĐ-TTg, ngày 09/7/2013 phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020.

2. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2050.

3. VCCI (2016), Sổ tay PCI hướng dẫn sử dụng kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

4. VCCI (2023), Báo cáo chỉ số PCI các năm trong giai đoạn 2013 đến 2023.

5. VCCI (2023), Báo cáo chỉ số PCI-PGI năm 2023.

Ngày nhận bài: 12/02/2025; Ngày phản biện: 25/02/2022; Ngày duyệt đăng: 08/3/2025