Bắc Giang nỗ lực tiếp tục nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
KẾT QUẢ THỰC HIỆN PCI NĂM 2020
Nhận diện được tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, nâng cao điểm số cũng như thứ hạng cho PCI nói riêng, trong nhiều năm qua, Bắc Giang đã liên tục quyết liệt, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện PCI, nên đã mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là năm 2020.
Trên cơ sở kết quả PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng chỉ số PCI tỉnh Bắc Giang đánh giá, năm 2020 chỉ số PCI của Tỉnh đạt 63,98 điểm (giảm 0,49 điểm so với năm 2019), nhưng thứ hạng đã tăng 13 bậc, xếp hạng 27/63 tỉnh thành - thứ hạng cao nhất Bắc Giang đạt được trong 8 năm qua. Với xu hướng giảm chung về điểm số PCI trong năm 2020, khi điểm số trung vị của cả nước giảm 1,49 điểm so với năm 2019, việc giữ điểm số chỉ ở mức giảm nhẹ (0,49 điểm) có thể được coi là thành công của Bắc Giang (Hình).
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tế cho thấy, tuy điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh Bắc Giang có sự cải thiện qua từng năm, nhưng thiếu sự bền vững, nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cải thiện điểm số, cũng như thứ hạng PCI ngày một diễn ra quyết liệt. Căn cứ vào mục tiêu được đưa ra tại Kế hoạch số 222/KH-UBND, ngày 03/08/2020 về nâng cao PCI năm 2020 của UBND tỉnh Bắc Giang, thì kết quả chỉ số PCI năm 2020 chưa đạt mục tiêu đề ra. Điều đáng lưu ý là trong 10 chỉ tiêu thành phần, chỉ có 2 chỉ số thành phần đạt mục tiêu là Chi phí thời gian và Cạnh tranh bình đẳng, 8 chỉ số thành phần còn lại không đạt mục tiêu đề ra. Trong 128 chỉ tiêu, có 51 chỉ tiêu đạt mục tiêu và 77 chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, khi so sánh với nhóm 9 tỉnh trong Vùng Thủ đô (trừ Hà Nội), có đến 7/10 chỉ số thành phần nằm ở mức trung vị hoặc dưới trung vị. Do đó, công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao PCI cần được Tỉnh triển khai một cách thiết thực và bền vững hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
NỖ LỰC NÂNG HẠNG PCI TRONG NĂM 2021
Theo Kế hoạch số 242/KH-UBND, ngày 04/06/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch nâng cao PCI năm 2021, Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2021 nâng điểm số PCI đạt 66,33 điểm, tăng 2,35 điểm so với năm 2020; xếp hạng dưới 20 trong bảng xếp hạng của cả nước, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế “khá”. Để đạt mục tiêu này, Tỉnh cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao điểm số cho tất cả 10 chỉ số thành phần trong PCI như sau:
|
Thứ nhất, về chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”
Tiếp tục rà soát rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp (DN), thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nhằm hạn chế tình trạng DN phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần. Lựa chọn những cán bộ có am hiểu sâu về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp tốt làm việc tại bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn DN. Chủ động giải quyết thủ tục hành chính sau đăng ký thành lập DN để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho DN. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các DN đẩy mạnh hình thức đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, bưu điện...
Thứ hai, về chỉ số “Tiếp cận đất đai”
Rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính về đất đai, kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung đơn giản hóa, trọng tâm là rút ngắn quy trình, thời gian xử lý, giảm số lượng hồ sơ, đơn giản hóa nội dung hồ sơ. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu, đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND Tỉnh, website của các đơn vị cho DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. Các địa phương tăng cường đối thoại theo chuyên đề về lĩnh vực đất đai để hướng dẫn cho DN cách thức tiếp cận quỹ đất được thuận lợi, đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật...
Thứ ba, về chỉ số “Tính minh bạch”
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của DN và người dân khi có yêu cầu. Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc cung cấp thông tin về đấu thầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu, tăng cường hiệu quả trong công tác giám sát đầu thầu. Giám sát việc chấp hành pháp luật, quy trình thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm thực thi công vụ của các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra thuế tại DN. Nhanh chóng hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp tiến đến một cơ sở dữ liệu mở (open data) nhằm đảm bảo tầm nhìn phát triển, quy hoạch, chủ trương chính sách của Tỉnh được cung cấp một cách có hệ thống, rõ ràng, minh bạch và đồng bộ giữa các cấp tới nhà đầu tư, DN...
Thứ tư, nâng cao chỉ số “Chi phí thời gian”
Các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt cải cách TTHC theo hướng hiệu quả, thực chất. Rà soát các TTHC liên quan đến các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động... nhằm tiếp tục rút ngắn và đơn giản hoá các TTHC; xem xét nghiên cứu thực hiện việc liên thông TTHC trong lĩnh vực đất đai các cấp. Phát huy hiệu quả của Phần mềm Một cửa; công khai kết quả, quy trình giải quyết TTHC trực tuyến qua mạng internet; từng bước chuyển đổi sang giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Đa dạng việc cung cấp thông tin pháp luật qua nhiều hình thức tới DN, nhà đầu tư thông qua các tổ chức hội DN hoặc qua phương tiện mạng xã hội, như: Zalo, Facebook... Rà soát các nội dung thanh tra, kiểm tra, phối hợp tốt với DN nhằm rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra, giảm thiểu ảnh hưởng của những cuộc thanh tra, kiểm tra tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Thứ năm, về chỉ số “Chi phí không chính thức”
Toàn ngành thanh tra Tỉnh thực hiện công khai email, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân DN trong việc tố cáo, phản ánh những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho các DN được biết. Xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho DN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đến DN nhằm giúp họ tự bảo vệ mình trước các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu...
Thứ sáu, về chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”
Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giải quyết công việc giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN có vốn nhà nước, DN thân hữu với DN tư nhân trong nước, đặc biệt trong tiếp cận các cơ hội đầu tư, chế độ, chính sách ưu đãi và thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng “mối quan hệ” để có được những ưu đãi đặc biệt, chính sách riêng, như: khai thác tài nguyên; đấu thầu, chỉ định thầu; giao, cho thuê đất đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Thứ bảy, về chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị từ Tỉnh đến cơ sở, đặc biệt người đứng đầu phải ý thức sâu sắc vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin của DN vào sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, tạo dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện. Lãnh đạo các cấp chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; năng động, gương mẫu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; phải chịu trách nhiệm nếu cán bộ thuộc quyền quản lý gây khó khăn phiền hà, nhũng nhiễu. Các cấp, các ngành chủ động kết nối với những địa phương dẫn đầu về các chỉ số thành phần PCI trong những năm qua nhằm học tập, trao đổi về những kinh nghiệm, cách làm hay trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ tám, về chỉ số “Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp”
Triển khai xây dựng báo cáo tổng hợp dữ liệu về các DN cung cấp dịch vụ tư nhân hỗ trợ DN hiện có trên địa bàn Tỉnh, như: xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, tư vấn pháp luật… nhằm đánh giá cụ thể về vai trò của các DN tư vấn tư nhân trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN; chỉ ra hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp hỗ trợ các DN tư nhân cung cấp các dịch vụ này. Cùng với đó là mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ DN trong các đơn vị sự nghiệp của Tỉnh, như: đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ pháp lý... Cùng với chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy DN tiếp cận và tích cực tham gia thị trường thương mại điện tử là triển khai các hoạt động hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo cơ hội kết nối DN sản xuất với nhà phân phối, kết nối DN của Tỉnh với DN các địa phương khác trong nước và DN nước ngoài nhằm thúc đẩy hình thành các mối quan hệ hợp tác kinh doanh.
Thứ chín, về chỉ số “Đào tạo lao động”
Rà soát và đề xuất các chính sách hỗ trợ người lao động trong 1-3 năm đầu liên quan đến chỗ ở, giáo dục cho con em lao động nhập cư, bảo hiểm y tế - xã hội... Nghiên cứu xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc và sinh sống tại Tỉnh. Thực hiện hoạt động đào tạo nghề theo định hướng hợp tác, liên kết với DN cùng đào tạo là chủ đạo nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư trang thiết bị đào tạo. Cấu trúc lại danh mục các ngành đào tạo nghề do các trung tâm đào tạo nghề thuộc khu vực nhà nước tự thực hiện theo nguyên tắc chỉ đào tạo các ngành ít có tính đặc thù, có khả năng tìm kiếm việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau (ngoại ngữ, kế toán, tin học, điện, điện tử…) hoặc các ngành đang đào tạo mà tỷ lệ học viên có việc làm đúng với nghề đào tạo cao. Kêu gọi đầu tư tư nhân vào phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thí điểm mô hình trường học tiên tiến, trường học liên cấp đạt chuẩn quốc tế, dạy song ngữ nhằm đảm bảo nhu cầu định cư của người lao động, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị tập trung. Xây dựng chương trình đào tạo các kỹ năng bổ trợ cho học sinh, như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng mềm, kỹ năng đọc, kỹ năng tin học...
Thứ mười, về chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự”
Xây dựng cơ chế thuận lợi để DN thực hiện quyền tố cáo, khiếu nại các hành vi tham nhũng, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm của một số bộ phận thuộc cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc, gây khó khăn, thiệt hại cho DN. Tiếp tục tạo điều kiện cho các đoàn luật sư, các tổ chức tư vấn pháp lý trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý cho DN, nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng hoạt động xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, phán quyết công bằng, đúng pháp luật để cộng đồng DN tin tưởng, tôn trọng sự bảo vệ của pháp luật. Xây dựng quy chế phối hợp, kiểm tra chéo nhằm tạo niềm tin vào hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN. Tổ chức công tác thi hành án có hiệu quả đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo, phức tạp, kéo dài. Xử lý nghiêm các trường hợp chây ì, trốn tránh, cố ý không chấp hành án. Tăng cường đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tài sản của DN, đồng thời nắm bắt tình hình tại các khu vực phức tạp có dự án đang triển khai của các nhà đầu tư để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công an trong quá trình hỗ trợ DN.../.
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)
Bình luận