Các khu bảo tồn thiên nhiên đã được các chính phủ trên toàn thế giới thành lập trong hơn 140 năm qua, với mục tiêu chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học [1]. Nhiều khu bảo tồn này nằm tại những vùng mà cư dân sinh sống và phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái (ecosystem services) để duy trì sinh kế của họ. Điều này gây áp lực lớn lên môi trường tự nhiên và thường dẫn đến việc tiêu thụ nguồn tài nguyên quá mức. Với sự liên tục thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội, căng thẳng giữa mục tiêu sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn đang trở thành một vấn đề nan giải. Cách giải quyết vấn đề này vẫn đang được thảo luận sôi nổi [2].

Nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Parks do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xuất bản, ước lượng giá trị kinh tế quy đổi (có chọn lọc tiêu chí) cho Rừng quốc gia Qurumber thuộc vùng Gilgit-Baltistan, Pakistan [3]. Theo bài báo, việc ước tính giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái là một thách thức đáng kể, nhưng rất cần thiết bởi nó có thể hỗ trợ thông tin cho quá trình ra quyết định chính sách và quản lý môi trường. Dựa trên việc điều tra 393 hộ gia đình địa phương, nghiên cứu đã ước tính giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái tại khu vực này là khoảng 4,28 triệu USD, tương đương khoảng 35,5 ngàn USD cho mỗi hộ gia đình hàng năm.

Một điểm quan trọng mà các tác giả trong bài báo nhấn mạnh là gần như toàn bộ giá trị kinh tế này (khoảng 96%) bắt nguồn từ các dịch vụ hệ sinh thái cung cấp trực tiếp từ môi trường tự nhiên, chẳng hạn như thực phẩm và nguồn nước, gọi chung là "dịch vụ cung cấp" (provisioning services) [3].

Tích hợp yếu tố kinh tế-xã hội vào hoạt động bảo tồn: Kết quả nghiên cứu từ Vườn quốc gia Qurumber, Pakistan

Vườn quốc gia Qurumber, Pakistan. Nguồn [3]

Ngoài ra, từ các kết quả nghiên cứu, bài báo đã chỉ rõ việc bảo vệ môi trường tự nhiên không chỉ đơn thuần là vấn đề liên quan đến môi trường, mà còn liên quan chặt chẽ đến khía cạnh văn hóa - xã hội và tài chính kinh tế [4]. Các tác giả còn khẳng định rằng, nếu không có các biện pháp kinh tế thay thế cho các dịch vụ cung cấp, thì áp lực lên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ gia tăng, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên sinh thái và gia tăng xung đột trong xã hội. Đây là một thách thức lớn đối với mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên [5].

Vì vậy, để đảm bảo cả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương, cần xây dựng các cơ chế thích hợp để hỗ trợ các lựa chọn sinh kế thay thế và khuyến khích sự tham gia chủ động của người dân. Sự tích hợp các khía cạnh kinh tế và xã hội trong quá trình bảo tồn môi trường tự nhiên sẽ trở thành một phần quan trọng của chiến lược này [6], dựa trên kỳ vọng nó sẽ tạo ra một cơ chế đôi bên cùng có lợi (win-win). Các cách tiếp cận cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, cần thừa nhận rằng, cộng đồng địa phương thường là những người sử dụng chính các nguồn tài nguyên tự nhiên trong các khu bảo tồn. Do đó, để giảm áp lực đối với việc khai thác tài nguyên, các sáng kiến sinh kế mới nên tập trung vào việc cung cấp các nguồn thu nhập thay thế, ví dụ như tăng cường nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ, thay cho thu nhập trước đây từ các hoạt động phụ thuộc vào tài nguyên tự nhiên [7].

Thứ hai, cần khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên tại địa phương. Điều này dựa trên giả định rằng, cộng đồng có kinh nghiệm và kiến thức địa phương về môi trường tự nhiên xung quanh, do đó có khả năng xác định các chiến lược bảo tồn hiệu quả nhất đối với các nguồn tài nguyên này [8].

Một số hướng tiếp cận đang được triển khai rộng rãi có thể kể đến như việc thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn hoặc thực hiện chiến lược cộng đồng quản lý nguồn tài nguyên. Bằng cách này, cộng đồng sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện và thực thi các biện pháp bảo tồn [9].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Leberger, R., et al. (2020). Global patterns of forest loss across IUCN categories of protected areas. Biological Conservation 241, 108299. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0006320719301004

[2] DeFries, R., Karanth, K. K., and Pareeth, S. (2010). Interactions between protected areas and their surroundings in human-dominated tropical landscapes. Biological Conservation 143, 2870-2880. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0006320710000492

[3] Ali, A., et al. (2023). Economic Valuation of Ecosystem Services of Qurumber National Park in Gilgit-Baltistan, Pakistan. PARKS, 29(1), 11-22. https://parksjournal.com/wp-content/uploads/2023/06/PARKS-29.1_10.2305-IUCN.CH_.2023.PARKS-29-1AA.en_.pdf

[4] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[5] Mukul, S et al (2010). Integrating livelihoods and conservation in protected areas: understanding the role and stakeholder views on prospects for non-timber forest products, a Bangladesh case study. International Journal of Sustainable Development & World Ecology, 17, 180-188. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13504500903549676

[6] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[7] Roe, D., et al. (2015). Are alternative livelihood projects effective at reducing local threats to specified elements of biodiversity and/or improving or maintaining the conservation status of those elements? Environmental Evidence, 4, 22-44. https://environmentalevidencejournal.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13750-015-0048-1

[8] Raymond, C. et. al (2010). Integrating local and scientific knowledge for environmental management. Journal of environmental management, 91, 1766-1777. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0301479710000952

[9] Andrade, G. et al. (2012). Protected areas and local communities: an inevitable partnership toward successful conservation strategies? Ecology and society, 17(4), 14. https://www.jstor.org/stable/26269207