Khi thành phố ngày càng mở rộng, không gian xanh dần thu hẹp sẽ khiến cho các cư dân đô thị dần cảm thấy xa cách với thiên nhiên hơn. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ như: việc trồng cây trong nhà, thiết lập các khu vườn cộng đồng, hoặc việc nuôi thú cưng có thể giúp giảm bớt khoảng cách này. Những hoạt động này không chỉ giúp người dân cảm thấy kết nối hơn với thiên nhiên, mà còn đóng góp vào quá trình bảo tồn đa dạng sinh học [1].

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, những trải nghiệm thẩm mỹ mà cây cối và thú cưng trong nhà mang lại có tác động tích cực đến nhận thức của người dân thành thị về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học. Nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra tác động tích cực của sự đa dạng của thực vật và thú cưng trong nhà đối với niềm tin của họ về việc đa dạng sinh học đang bị suy giảm. Tuy nhiên, hiệu quả này còn phụ thuộc vào cảm nhận thẩm mỹ riêng của từng cá nhân [2].

Cụ thể, mối liên hệ giữa sự đa dạng loài và nhận thức về mất mát đa dạng sinh học càng rõ rệt trong trường hợp cư dân cảm thấy cây cối hoặc thú cưng làm giảm chất lượng thẩm mỹ trong không gian sống của họ. Điều thú vị là mối liên hệ giữa sự đa dạng của thú cưng và niềm tin về đa dạng sinh học yếu hơn và ít nhất quán hơn so với cây cối.

Các kết quả này làm nổi bật vai trò của trải nghiệm thẩm mỹ trong việc nâng cao nhận thức về sự mất mát đa dạng sinh học. Việc kết hợp sự đa dạng của cây cối và động vật vào các thiết kế không gian, từ trong nhà đến không gian công cộng, có thể là một chiến lược hiệu quả để thúc đẩy ý thức sinh thái trong cộng đồng [2]. Quan điểm này phù hợp với lý thuyết Mindsponge, theo đó con người có xu hướng tiếp nhận thông tin phù hợp với các giá trị cốt lõi của họ [3]. Trong một số trường hợp, mặc dù các yếu tố tự nhiên có thể chưa hoàn hảo về mặt thẩm mỹ, nhưng những lợi ích tích cực từ sự đa dạng sinh học, như: cải thiện sức khỏe tinh thần, vẫn có thể tác động tích cực đến mối quan tâm và sự tham gia của người dân vào các vấn đề môi trường, bao gồm cả việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Kết nối cư dân đô thị với tự nhiên thông qua các trải nghiệm về thẩm mỹ và đa dạng sinh học

Hình minh họa: Công viên được thiết kế trong thành phố, Melbourne, Úc

Nghiên cứu này mang lại những hàm ý quan trọng đối với quy hoạch đô thị và chính sách phát triển. Thứ nhất, các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách có thể tích hợp các yếu tố hạ tầng xanh vào thiết kế và quy hoạch thành phố, chẳng hạn như: vườn trên mái, công viên đô thị và tường xanh. Những yếu tố này không chỉ làm đẹp không gian sống, mà còn cung cấp môi trường sống thiết yếu cho động vật hoang dã, giúp thành phố trở nên bền vững và tăng cường sức khỏe cộng đồng. Hơn nữa, các sáng kiến này không chỉ hỗ trợ sức khỏe con người, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời tạo điều kiện cho sự gắn kết sâu sắc hơn giữa con người và thiên nhiên [4].

Thêm vào đó, các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật có thể thay đổi cách nhìn của con người về thiên nhiên, từ đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội về giá trị của thiên nhiên và khuyến khích cộng đồng tham gia tích cực vào các vấn đề môi trường. Khi kết hợp với quy hoạch đô thị, các tác phẩm này có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng đóng góp vào sự bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học trong đô thị [5].

Cuối cùng, giáo dục cộng đồng về sự suy giảm đa dạng sinh học và tác động của nó đối với môi trường đô thị là rất quan trọng. Việc nâng cao nhận thức về giá trị của các giải pháp dựa vào thiên nhiên và cách áp dụng chúng trong đời sống đô thị sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của việc bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học. Giáo dục cộng đồng, dù qua hình thức chính quy hay không chính quy, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng tư duy sinh thái. Các hoạt động như: triển lãm nghệ thuật, sự kiện cộng đồng về thiên nhiên, hoặc các chiến dịch giáo dục có thể khuyến khích mọi người suy ngẫm về tác động của việc mất mát đa dạng sinh học và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường [1].

Tóm lại, việc kết nối con người với thiên nhiên theo cách vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa bảo vệ môi trường là một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề mất mát đa dạng sinh học. Khi nhìn nhận về tương lai, ngay cả những thay đổi nhỏ—như bổ sung cây xanh, vườn tược và không gian thân thiện với thú cưng—cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Những điều chỉnh này sẽ giúp tạo ra môi trường đô thị không chỉ đáng sống, mà còn bền vững và phong phú về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Quy hoạch đô thị, giáo dục môi trường và các sáng kiến chính sách cần phải xem xét mối quan hệ giữa thẩm mỹ và giá trị sinh thái để đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả và bền vững./.

Trần Thị Mai Anh

Đại học Công nghệ Michigan

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyen MH. (2024). Natural absurdity: How satirical fables can inform us of a vision for sustainability?. https://books.google.com/books?id=viQtEQAAQBAJ

[2] Vuong QH, Duong MPT, Sari NPWP, La VP, Nguyen MH. (2024). From beauty to belief: The aesthetic and diversity values of plants and pets in shaping biodiversity loss belief among urban residents. Humanities and Social Sciences Communications, 11, 1510. https://www.nature.com/articles/s41599-024-04036-8

[3] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461

[4] Aslanoğlu R, et al. (2025). Ten questions concerning the role of urban greenery in shaping the future of urban areas. Building and Environment, 267, 112154. https://doi.org/10.1016/j.buildenv.2024.112154

[5] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6