Nhiều đoàn kiểm toán phải tạm dừng vì Covid-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Trần Sỹ Thanh báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN sáng nay (ngày 14/9), theo Văn phòng Quốc hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu, vụ lợi…
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH nghe Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh báo cáo công tác năm 2021, kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN. Ảnh: Quốc hội

Ông Thanh cho biết, việc thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 diễn ra quyết liệt, linh hoạt, thích ứng nhanh với sự thay đổi, ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng KTNN đã ban hành Kế hoạch phòng chống tham nhũng năm 2021 của ngành. Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định, không chờ đến khi kết thúc cuộc kiểm toán theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng...

“Tổng KTNN đã ban hành 9/28 văn bản theo kế hoạch. Ban Cán sự đảng KTNN đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc xây dựng Chuyên đề “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành trước 30/11/2021 theo yêu cầu…”, ông Thanh cho hay.

Bên cạnh kết quả đạt được, Người đứng đầu KTNN cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác 8 tháng đầu năm 2021. Theo đó, tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nên một số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc muộn hơn so với dự kiến, thậm chí nhiều đoàn kiểm toán phải tạm dừng. Ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Quốc hội còn chưa đáp ứng yêu cầu kỳ vọng. Việc tham gia các buổi thảo luận của Bộ Tài chính, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về lập dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương chưa hiệu quả; nhiệm vụ trình ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia chưa được thực hiện…

Tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận quan tâm

Liên quan đến phương hướng hoạt động năm tới, Tổng KTNN cho biết, tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 trên tinh thần đổi mới toàn diện, trong đó tập trung kiểm toán các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro; tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm gắn với kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH; kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu, vụ lợi…
Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN. Ảnh: Quốc hội

“Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ, xử lý nghiêm những công chức có hành vi, thái độ nhũng nhiễu, vụ lợi, gây phiền hà đơn vị được kiểm toán, vi phạm kỷ luật công vụ…”, ông Thanh nhấn mạnh.

Các nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được KTNN tập trung triển khai trong năm tới, đó là tăng cường và đa dạng hóa hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ; xây dựng Trung tâm dữ liệu của KTNN theo mô hình quản lý tập trung, hướng tới việc số hóa dữ liệu của KTNN, kết nối liên thông với nguồn dữ liệu của các địa phương, bộ ngành và nguồn dữ liệu quốc gia.

Tổng KTNN đề xuất Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN, đặc biệt là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước...

Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ hoạt động trong năm tới của ngành Kiểm toán, Tổng KTNN kiến nghị Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc Quốc hội với KTNN trong hoạt động thẩm tra các vấn đề quan trọng, các dự án luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện, phối hợp tốt với KTNN trong triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Tổng KTNN còn kiến nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động cung cấp, tạo điều kiện để KTNN tiếp cận kịp thời, đầy đủ thông tin về dự toán ngân sách nhà nước của các đơn vị và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, hồ sơ tài liệu trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia để KTNN thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; đồng thời tạo điều kiện phối hợp với KTNN trong việc truy cập, kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử thường xuyên nhằm giúp KTNN hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.../.