Tốt nghiệp THPT quốc gia 2015: Tỷ lệ đỗ thấp nhất trong vòng 4 năm qua
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm 6%
Năm 2015, toàn quốc có 1.005.654 thí sinh dự thi THPT quốc gia, trong đó, 816.830 em dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp (752.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối Giáo dục Thường xuyên).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 như sau: Khối THPT đạt 93,42%, khối Giáo dục Thường xuyên 70,08%, bình quân chung là 91,58%.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do sở giáo dục và đào tạo chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì 94,74%.
Môn toán có nhiều điểm liệt nhất
Trong số hơn 720.000 thí sinh dự thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì THPT quốc gia năm 2015, có 20.480 thí sinh bị điểm liệt ở các môn.
Cụ thể, với môn toán, ở 38 cụm thi quốc gia do trường đại học chủ trì, gần 18.000 thí sinh bị điểm liệt (từ điểm 0; 0,25; 0,5; 0,75; 1 điểm). Đây cũng là môn có số điểm liệt cao nhất trong số các môn thi. Phổ điểm cao nhất của môn toán là từ 5 - 7,5 điểm, trong đó đỉnh cao nhất của môn toán là 6,5 điểm với trên 51.500 thí sinh đạt mức điểm này.
Phổ điểm môn lý khá cao khi chỉ có 20 thí sinh bị điểm liệt, dải điểm cao nhất là từ 4,5 đến 7,5 điểm; đỉnh cao nhất của môn lý là 6,5 điểm với 46.235 em.
Phổ điểm môn hóa khá giống môn lý khi cũng có 20 em bị điểm liệt, phổ điểm chủ yếu là từ 4,5 đến 8,5 điểm; đỉnh cao nhất là 6,5 điểm với gần 38.000 thí sinh; gần 34.000 thí sinh đạt điểm 7,5. Đặc biệt, môn Hóa có 130 bài đạt số điểm tuyệt đối, giành quán quân về số lượng điểm 10 trong kỳ thi năm nay.
Nhìn vào phổ điểm của thí sinh thi vừa để tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng có thể thấy, môn toán tuy có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất, nhưng các mức điểm khá lại nhiều. Mặt bằng điểm thi môn lý, hóa cũng rất tốt. Vì vậy dự kiến điểm sàn đại học khối A sẽ cao.
Với các môn xã hội, môn văn, có 492 thí sinh bị điểm liệt, đỉnh cao nhất là 6 điểm với 57.347 thí sinh. Môn sử có tới 1.211 thí sinh bị điểm liệt, phổ điểm chủ yếu là từ 2 đến 8 điểm, đỉnh cao nhất là từ 5 - 6 điểm. Môn địa lý có 375 thí sinh bị điểm liệt, chủ yếu là điểm 4,5 đến 8,5 điểm, mức điểm mà nhiều thí sinh đạt được nhất là 6 - 7 điểm.
Trong số các môn ngoại ngữ, thì phổ điểm tiếng Anh xấu nhất, còn lại các thứ tiếng khác điểm cao hơn. Môn tiếng Anh có 530 thí sinh bị điểm liệt, điểm chủ yếu là 2 - 3,5 điểm. Với phổ điểm môn tiếng Anh thấp như vậy, dự kiến điểm sàn khối D sẽ không cao.
Dư âm hậu kỳ thi
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được yêu cầu đổi mới: Gọn nhẹ, tiết kiệm hơn; phản ánh đúng chất lượng giáo dục; giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội; cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học; góp phần điều chỉnh hoạt động dạy học ở cấp THPT.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, phổ điểm năm nay không quá dốc mà phân bố khá đều nên có sự phân khúc nguồn tuyển rất rõ ràng. Mọi năm, thí sinh đăng ký thi vào trường nào xét vào trường đó. Năm nay, thí sinh không thi tại trường, nhưng có điểm đảm bảo ngưỡng, phù hợp với yêu cầu các trường đều có thể nộp hồ sơ.
Số lượng nhận hồ sơ của các trường năm nay không bị giới hạn như trước, nên sẽ thu hút thí sinh tốt hơn mọi năm. Các trường đại học năm nay sẽ chủ động hơn những lần trước, bởi họ biết phổ điểm của thí sinh và tự đặt ra ngưỡng để thí sinh nộp vào. Những em đã trúng tuyển đợt xét tuyển trước không được tham gia xét tuyển đợt tiếp theo, do vậy các trường không bị tình trạng thí sinh trúng tuyển rồi bỏ sang các trường khác như mọi năm, nên hoàn toàn chủ động trong việc xét tuyển.
Cũng theo quy định năm nay, đợt 1 chỉ có 1 giấy báo kết quả thi, thí sinh chỉ nộp vào 1 trường duy nhất, các trường rất dễ dàng xác định chỉ tiêu của mình.
Tuy nhiên, về dư luận xã hội vẫn có nhiều băn khoăn về kết quả kỳ thi năm nay. Điển hình như, nhiều người băn khoăn trong số gần 800 thí sinh vi phạm kỷ luật, thì đa phần được phát hiện ở cụm thi do các trường đại học chủ trì, còn trong suốt 4 ngày thi, nhiều cụm thi địa phương do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì lại không hề có trường hợp thí sinh nào vi phạm quy chế thi? Phải chăng đây là ngẫu nhiên hay là biểu hiện của việc coi thi chặt ở cụm đại học, buông lỏng ở cụm địa phương? hay thí sinh thi đại học không nghiêm túc bằng thi tốt nghiệp?
Bên cạnh đó, quá trình công bố điểm thi, cũng gây nhiều khó khăn cho các thí sinh vì nghẽn mạng… Bởi vì, trong kỳ thi lần này, từ công bố điểm, phổ điểm, đều trên nền tảng internet, nhưng thực tế hạ tầng internet của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, với việc các thí sinh có điểm rồi mới lựa chọn trường mở ra nhiều cơ hội học tập cho các thí sinh, nhưng cũng rất nhiều thí sinh, đặc biệt là những thí sinh không có nhiều điều kiện tiếp cận với internet bày tỏ sự lo lắng vì mặc dù đạt điểm cao, những có thể không vào được trường mình lựa chọn vì lượng hồ sơ rút ra, nộp vào của các trường thay đổi liên tục, mà bản thân không thể cập nhật thường xuyên được.
Một kỳ thi đã khép lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều thiếu sót, do đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ sẽ rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong những năm sau./.
Bình luận