Việc quản lý phát triển đô thị còn tồn tại hạn chế

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, sáng nay (ngày 4/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây Nguyễn Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm rõ một số nội dung trong lĩnh vực xây dựng, theo Văn phòng Quốc hội.

Cụ thể, về tiến độ lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, quốc gia có tổng số 110 quy hoạch. Việc ban hành Luật Quy hoạch là sự đổi mới rất căn bản về phương pháp, tư duy, khắc phục việc chia cắt, manh mún, chồng chéo trong công tác quy hoạch. Luật đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới.

Vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu

Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ. Do vậy, mặc dù Luật đã có hiệu lực, nhưng việc lập các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết số 61/2022/QH15, trong đó cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch…

“Hiện các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại hạn chế như: Cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn; tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất phúc lợi, đất công cộng còn thấp…”, Phó Thủ tướng làm rõ nội dung về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị.

Cũng theo ông Lê Văn Thành, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều, nhưng chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn tổ chức thẩm tra, thẩm định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng; khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

36 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Xây dựng

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ nhất – lĩnh vực xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế. Nhiều chính sách pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn chất vấn lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, có 25 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, nên đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi để Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời bằng văn bản

“Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 61 đại biểu đăng ký, 36 đại biểu đã chất vấn, 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Các đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ trưởng và một số vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ. Hiện có 25 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, nên đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi để Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời bằng văn bản và gửi đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp, theo dõi và đăng trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội…”, ông Phương kết luận./.