Việt Nam đứng trước thách thức lớn trong tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Nhận diện thách thức
“Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và lĩnh vực, trong đó yếu tố “No one left behind - Không ai bị bỏ lại phía sau” luôn được nhấn mạnh trong các chính sách của Việt Nam...”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, tại Hội thảo Khởi động xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam năm 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn ra hôm nay (ngày 19/10).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Khởi động xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam năm 2023 (nguồn: MPI) |
Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong đó, Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các mục tiêu SDGs được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs trên phạm vi toàn cầu. Hằng năm, trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF), các quốc gia sẽ tham gia trình bày VNRs.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, VNR được xem là cơ chế để các quốc gia chia sẻ kết quả đạt được, các thách thức đặt ra và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs. VNR là một cơ hội để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện SDGs, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các bên liên quan, tăng cường kết nối chính sách, cũng như việc thu thập và phân tích số liệu thống kê để làm cơ sở cho việc giám sát và đánh giá thực hiện SDGs.
Năm 2018 Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và tham gia trình bày VNR và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả nội dung và hình thức trình bày VNR. Với mong muốn chia sẻ kết quả đạt được, những thành công, bài học kinh nghiệm trong thực hiện các SDGs, Việt Nam đã đăng ký và được Liên hợp quốc công bố chính thức là một trong 42 quốc gia sẽ tham gia trình bày VNR năm 2023.
Sau gần 7 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết quốc tế.
Theo đó, Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai nhiều văn bản như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030; nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững (PTBV); xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030 và xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê PTBV Việt Nam. PTBV đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và lĩnh vực, trong đó yếu tố “Không ai bị bỏ lại phía sau” luôn được nhấn mạnh trong các chính sách của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng và đáng khích lệ trên, nhưng Việt Nam đang đứng trước các thách thức lớn trong tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 như: Nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề và đa diện từ dịch Covid-19; nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs còn hạn chế; tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; hệ thống pháp luật của Việt Nam mặc dù ngày càng hoàn thiện, nhưng thực tế vẫn còn sự chồng chéo, thiếu đồng bộ…
Đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng VNR năm 2023
Để VNR thể hiện được đầy đủ nhất tiếng nói, cũng như vai trò của tất cả các bên liên quan nhằm hướng tới một mục tiêu chung là thúc đẩy và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi mở một số nội dung để các đại biểu trao đổi, thảo luận.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng Việt Nam đang đứng trước các thách thức lớn trong tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 (nguồn: MPI) |
Thứ nhất, thông điệp chính mà chúng ta cần thể hiện xuyên suốt VNR năm 2023 của Việt Nam là gì, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang kiên định, quyết tâm thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội đến năm 2030 mà Đại hội Đảng XIII đã đặt ra; các tác động do dịch Covid-19 để lại cùng với những thách thức phi truyền thống; cam kết toàn cầu về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đã tham gia.
Thứ hai, những tiến bộ nổi bật đã đạt được, cũng như những khó khăn đặt ra và đâu là giải pháp mang tính cốt lõi, những lĩnh vực trọng tâm có tính lan tỏa mà Việt Nam cần hướng tới trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs trên toàn cầu.
Thứ ba, lộ trình và các bước tiếp theo cần phải thực hiện như thế nào, để Việt Nam có thể tăng tốc và hướng tới hoàn thành việc thực hiện các mục tiêu SDGs.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện cơ quan hợp tác phát triển Đức, Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng đại diện của các bộ, ngành, các cơ quan trong nước và quốc tế đều khẳng định sẽ đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng VNR năm 2023./.
Bình luận