Xu hướng marketing xanh trong các doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống Việt Nam hiện nay
TS. Hà Văn Sỹ
Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Công đoàn
Tóm tắt
Trong bối cảnh cộng đồng toàn cầu đang ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, marketing xanh nổi lên như một chiến lược kinh doanh hiện đại, giúp xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng, gia tăng lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Bài viết khái quát một số thông tin cơ bản về marketing xanh cũng như xu hướng thực hành marketing xanh trong các doanh nghiệp ngành Thực phẩm – Đồ uống tại Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: marketing, marketing xanh, doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống, xu hướng tiêu dùng xanh, hành vi tiêu dùng
Summary
In the context of the global community increasingly paying more attention to environmental issues and sustainable development, green marketing has emerged as a modern business strategy, helping to build the enterprise's image in the eyes of consumers, increasing the enterprise's profits and competitive advantages. The article summarizes some basic information about green marketing and the trend of green marketing practices in the Food and Beverage industry in Vietnam today.
Keywords: marketing, green marketing, food and beverage enterprises, green consumption trends, consumer behavior
GIỚI THIỆU
Hiện nay, phát triển bền vững là xu hướng có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội; có tác động lớn tới xu hướng sản xuất của nhiều ngành kinh tế, cũng như thói quen tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng.
Cùng với đó, sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của công nghệ thông tin, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn đến thông tin của các sản phẩm và các công ty khác nhau. Tác động đến môi trường và các hoạt động sản xuất bền vững của doanh nghiệp, do đó, ngày càng có ảnh hưởng lớn đến ý định tiêu dùng sản phẩm của khách hàng. Trong bối cảnh đó, marketing xanh nổi lên như một chiến lược nhằm tiếp cận tốt hơn đến khách hàng, chiến lược này đã và đang được nhiều doanh nghiệp thực hành và theo đuổi.
Ngành Thực phẩm – Đồ uống trong những năm gần đây tăng trưởng liên tục. Tại Việt Nam, doanh thu ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 20224 đạt khoảng 688.800 tỷ đồ, tăng 16,6% so với năm 2023 (Báo Điện tử Chính phủ, 2025). Bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh, phát thải từ ngành Thực phẩm – Đồ uống cũng tương đối lớn, chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu và con số này có thể gấp đôi vào năm 2050. Nhận thức rõ điều này, nhiều doanh nghiệp trong ngành Thực phẩm – Đồ uống Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng và áp dụng các giải pháp xanh hóa sản xuất, phát triển bền vững, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện marketing xanh (Lưu Hà, 2024). Do đó, trong bài viết này, tác gỉả sẽ phân tích xu hướng marketing xanh và thực trạng marketing xanh tại Việt Nam hiện nay trong các doanh nghiệp ngành Thực phẩm – Đồ uống.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Marketing xanh
Khái niệm marketing xanh được coi như một chiến lược kinh doanh, xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1980. Các công ty kinh doanh khi đó đã nhận ra tầm quan trọng của tiếp thị xanh như một phương tiện để đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong ngành. Chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp được đưa ra để đáp ứng nhu cầu thay đổi trên thị trường và tiếp thị xanh đã nhận được sự thúc đẩy to lớn với sự hồi sinh của ý thức về môi trường trong số người tiêu dùng. Tiếp thị xanh trên thực tế đại diện cho một chiến lược chuyển đổi mô hình trong nhiều công ty kinh doanh vì nó đã thay đổi cách thức một doanh nghiệp tiếp cận khách hàng (Arseculeratne and Yazdanifard, 2014).
Marketing xanh, hay tiếp thị xanh, theo Surya và Vijaya (2014), về cơ bản là một cách để xây dựng thương hiệu cho thông điệp tiếp thị, nhằm thu hút nhiều thị trường hơn bằng cách thu hút mong muốn của mọi người trong việc lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn với môi trường.
Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA), Green marketing hay tiếp thị xanh, là những hoạt động marketing cho sản phẩm hoặc dịch vụ, dựa trên các yếu tố hoặc nhận thức thân thiện với môi trường (tức là được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường vật lý, hoặc cải thiện chất lượng của môi trường). Thuật ngữ này cũng có thể được sử dụng để mô tả các nỗ lực sản xuất, quảng bá, đóng gói và thu hồi sản phẩm đáp ứng các mối quan tâm về sinh thái. Ví dụ: trong sản xuất, sẽ áp dụng quy trình sản xuất giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường như tái sử dụng lại nước, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường. Về sản phẩm, sản phẩm sẽ được thiết kế thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng quá nhiều bao bì hoặc các chất liệu bao bì khó phân hủy, tránh sử dụng các vật liệu độc hại, sử dụng các vật liệu tái tạo trong sản phẩm và vòng đời của sản phẩm dài, có thể sử dụng trong một khoảng thời gian lâu hoặc tái sử dụng.
Khi đặt cạnh đối thủ cạnh tranh, sản phẩm hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp càng đưa ra nhiều tuyên bố tiếp thị về môi trường, thì khả năng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ đó càng cao, miễn là mức giá không quá cao so với các sản phẩm thay thế (Surya và Vijaya, 2014).
Như vậy, marketing xanh là sự thay đổi đáng kể so với marketing truyền thống, vốn chỉ tập trung vào doanh thu và lợi nhuận. Marketing xanh hướng đến các chiến dịch tiếp thị sản phẩm gắn với hoạt động mang ý nghĩa lâu dài về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Marketing xanh có thể là các hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhưng quan trọng hơn cả là các nguyên vật liệu, sản phẩm được đề cập đến ở đây phải thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế lại nhằm chế tối đa các tác động đến môi trường sống xung quanh, mang lại sự phát triển bền vững.
Sự bùng nổ của marketing xanh
Thuật ngữ marketing xanh hay tiếp thị xanh xuất hiện và dần thu hút sự chú ý vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Cho tới nay, quá trình phát triển của marketing xanh trải qua 3 giai đoạn:
(i) Giai đoạn đầu tiên được gọi là tiếp thị xanh "Sinh thái" (Ecologial green marketing) và trong suốt thời gian này, mọi hoạt động tiếp thị đều hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề về môi trường và cung cấp các biện pháp khắc phục cho các vấn đề về môi trường.
(ii) Giai đoạn thứ hai là tiếp thị xanh "Môi trường" (Environmental green marketing) và tập trung vào công nghệ sạch liên quan đến việc thiết kế các sản phẩm mới mang tính sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm và chất thải.
(iii) Giai đoạn thứ ba là tiếp thị xanh "Bền vững" (Sustainable green marketing). Thuật ngữ này trở nên nổi bật vào cuối những năm 1990 và đầu năm 2000 (Surya và Vijaya, 2014).
Một số chiến lược marketing xanh phổ biến
Marketing xanh đang được nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới theo đuổi. Một số chiến lược marketing xanh phổ biến có thể kể đến như:
Thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường: Doanh nghiệp có thể thay đổi công thức sản xuất hoặc quy trình để tạo ra các sản phẩm có ít tác động đến môi trường hơn. Ví dụ, sử dụng nguyên liệu tái chế, tự nhiên hoặc dễ phân hủy.
Thực hiện truyền thông và cam kết bền vững: truyền tải thông điệp rõ ràng về cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Việc này có thể được thực hiện thông qua các chiến dịch quảng cáo, chứng nhận xanh hoặc công khai các chỉ số môi trường (như lượng CO2 tiết kiệm).
Sử dụng bao bì thân thiện với môi trường: Thay thế bao bì nhựa bằng các loại bao bì dễ tái chế hoặc phân hủy sinh học; giúp không chỉ giảm thiểu rác thải, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về việc giảm thiểu sử dụng nhựa.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn: Một số doanh nghiệp đã thực hiện mô hình "thu hồi và tái sử dụng" trong chiến lược marketing xanh của mình. Ví dụ, các công ty điện tử có thể thu hồi sản phẩm cũ để tái chế hoặc sửa chữa và tái sử dụng linh kiện.
Giảm thiểu carbon và phát triển năng lượng tái tạo: Các doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, và đưa ra các cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Những cam kết này giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và cộng đồng đối với thương hiệu.
Lợi ích của marketing xanh
Với doanh nghiệp, marketing xanh giúp: (i) Doanh nghiệp tiếp xúc các thị trường mới; (ii) Gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác trong ngành; (iii) Tăng mức độ trung thành của người tiêu dùng và gia tăng giá trị thương hiệu; (iv) Tạo dựng hình ảnh tích cực trong lòng công chúng.
Hình: 4 hiệu quả marketing xanh mang lại cho doanh nghiệp
![]() |
Nguồn: Vinalink (2025) |
Đối với người tiêu dùng, marketing xanh giúp kích thích hành vi tiêu dùng xanh, bằng cách khuyến khích người tiêu dùng đóng góp vào tương lai của hành tinh thông qua việc mua các sản phẩm xanh, ít ảnh hưởng đến môi trường; từ đó giảm sự phát sinh ô nhiễm. Ngoài ra, marketing xanh còn là một biểu hiện của marketing xã hội, là một phần của phương thức tiếp cận marketing mới, không chỉ tập trung, điều chỉnh hay nâng cao tư duy và thực hành marketing hiện có, mà còn tìm cách giải quyết các vấn đề hoà hợp giữa chủ thể xã hội, sinh thái và marketing ở hiện tại.
XU HƯỚNG MARKETING XANH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH THỰC PHẨM – ĐỒ UỐNG TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả hay chất lượng sản phẩm, mà còn đặt nặng yếu tố bền vững, an toàn cho sức khỏe và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Họ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm xanh, hữu cơ, và có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam, marketing xanh không chỉ xuất hiện như một phong trào, mà hiện đã trở thành xu hướng thúc đẩy người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh.
Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam năm 2021 cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng của những thương hiệu cam kết “xanh” trung bình nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5%-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này (Minh Nguyệt, 2022).
Theo kết quả khảo sát công bố năm 2024 của Vietnam Report về ngành Thực phẩm - Đồ uống (Khảo sát tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 8/2023-8/2024), có đến 66,7% số doanh nghiệp Thực phẩm - Đồ uống tham gia khảo sát cho rằng, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khoảng 71,2% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình (Lưu Hà, 2024). Khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, phát triển bền vững sẽ có trong trọng tâm chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong 3 khía cạnh của ESG, khía cạnh Môi trường là yếu tố được các doanh nghiệp thực F&B quan tâm nhất, liên quan đến đặc thù ngành và áp lực từ người tiêu dùng. Có tới 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm (tăng 12,5% so với năm 2023).
Điều này đã tạo ra áp lực đáng kể, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược bao bì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính bền vững. Thực tế, 75,0% doanh nghiệp đã và đang chủ động chuyển đổi sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như một phần trong chiến lược dài hạn của họ (Lưu Hà, 2024). Ngành đồ uống Việt Nam đã bắt tay thực hiện các hoạt động tuyên truyền, ứng dụng sản xuất bao bì xanh. Các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu thiết kế bao bì theo hướng thuận lợi cho việc tái chế, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa phát sinh rác thải xấu. Các loại vỏ bao bì nhựa dần chuyển đổi sang nguyên vật liệu dễ tái chế hoặc “tự huỷ sinh học”. Một số bao bì xanh điển hình như túi vải hữu cơ, túi giấy, hộp giấy, túi cói, hộp tre, hộp nhựa PP, … Phương án sử dụng ống hút giấy, ống hút bột gạo, ống hút tre hay ống hút kim loại cũng được phổ biến nhiều hơn. Một số doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đi đầu trong việc “xanh hoá” bao bì sản phẩm, có thể kể đến như Vinamilk, Nestlé Việt Nam, Sabeco, Heineken Việt Nam…
Tất cả cửa hàng Vinamilk tại Việt Nam hiện nay đều sử dụng bao bì phân hủy sinh học, túi bằng nhựa tái chế, túi vải organic. Đồng thời, để cắt giảm tối đa các loại ống hút nhựa, muỗng nhựa, hầu hết sản phẩm của Vinamilk đều thiết kế bao bì có thể mở ra để uống trực tiếp. Doanh nghiệp cũng thực hiện loại bỏ lớp nhãn bằng nhựa bọc bên ngoài nắp chai nước ICY.
Nestlé Việt Nam là tập đoàn tiên phong trong ngành đồ uống đã áp dụng ống hút giấy cho sản phẩm sữa Nestlé Milo. Doanh nghiệp luôn cải tiến thiết kế sản phẩm để hạn chế phần bao bì không cần thiết, đồng thời sử dụng nguyên liệu tự huỷ sinh học hoặc có thể tái chế, tái sử dụng. Với các giải pháp chiến lược này, trong năm 2021–2022, doanh nghiệp đã giảm khoảng 2.500 tấn bao bì từ nhựa. Tập đoàn Nestlé Việt Nam cam kết: “Đến năm 2025, 100 % bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng”.
Công ty nước khoáng thiên nhiên La Vie cũng có nhiều nỗ lực chuyển đổi bao bì xanh. Năm 2019, La Vie thay đổi vỏ chai nước từ màu xanh dương nhạt thành màu trắng để dễ tái chế. Tiếp theo đó, công ty đầu tư sản xuất các chai nước bằng thuỷ tinh, chai làm từ nhựa tái chế dùng cho thực phẩm (rPET). Doanh nghiệp đã thiết kế loại bình dung tích 19 lít có thể tái sử dụng nhiều lần. Các loại vỏ chai từ La Vie đều dễ dàng thu gom và tái chế sau khi sử dụng.
Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã sớm áp dụng sản xuất bao bì bền vững cho hầu hết dòng sản phẩm. Doanh nghiệp sử dụng vỏ lon bia mỏng, nhẹ để tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, Sabeco tổ chức chương trình “Tái chế két bia”, thúc đẩy mạng lưới đối tác phân phối khắp cả nước cùng xử lý bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng.
Heineken Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng cách “xanh hoá” quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm. Không chỉ thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo, doanh nghiệp này còn chủ động sử dụng lại 100% chai bia và két. Heineken thiết kế lon bia nhôm mỏng, nhẹ, tối ưu hoá sản xuất để giảm nhiên liệu. Đồng thời, 100% lon bia nhôm cũng được tái chế tuần hoàn, tiết kiệm được lượng nhôm bằng khoảng 486 triệu lon mỗi năm.
Bên cạnh chuyển đổi sang bao bì thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp Thực phẩm - Đồ uống cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, nhằm xây dựng một chuỗi sản xuất bền vững toàn diện. Việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, như: năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành trong dài hạn. Nhiều nhà máy sản xuất đã lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái nhà xưởng, cung cấp năng lượng cho toàn bộ nhà máy sản xuất.
Vinamilk là doanh nghiệp điển hình liên tục đầu tư các công nghệ, giải pháp xanh, bền vững tại hệ thống trang trại và nhà máy sản xuất, cho thấy sự cam kết và nỗ lực với định hướng bền vững ở tầm chiến lược và dài hạn. Tính đến năm 2023, có 13 trang trại, 10 nhà máy của Vinamilk đã lắp đặt năng lượng mặt trời, song song đẩy mạnh các năng lượng xanh như Biomass, CNG, Biogas. Tại nhà máy, 87% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã được thay thế bởi năng lượng xanh, sạch từ Biomass, CNG; 15%-20% điện sử dụng được khai thác từ năng lượng mặt trời. Vinamilk cũng xây dựng mô hình trang trại bò sữa sinh thái Green Farm, Hữu cơ Organic, thực hành chăn nuôi bò sữa theo định hướng nông nghiệp bền vững (Thanh Hà, 2023).
Hay như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm PepsiCo Việt Nam đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm hiện đại tại Khu công ng Đồng Văn 1 (mở rộng), thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Nhà máy sẽ có mái nhà được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống sinh khối tận dụng chất thải nông nghiệp địa phương để sản xuất điện. Nhờ vậy, PepsiCo Foods giảm thiểu đáng kể lượng khí thải carbon, giảm thiểu tác động đến môi trường. Dự kiến nhà máy khi đi vào vận hành sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực, như: sản xuất, logistics, đóng gói và nông nghiệp... lên tới hơn 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp (Khánh Giang, 2024).
KẾT LUẬN
Với nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường, người dân trên thế giới cũng quan tâm hơn với việc tiêu dùng xanh, lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường. Bối cảnh đó khiến các doanh nghiệp bên cạnh việc quan tâm đến lợi nhuận, cũng dần thay đổi hành vi, hướng đến thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, thúc đẩy marketing xanh. Ngành Thực phẩm – Đồ uống Việt Nam được xếp vào một trong các thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu, đứng thứ 10 tại Châu Á; và được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026 (Lưu Hà, 2024). Với tiềm lực phát triển mạnh, các doanh nghiệp nếu nắm bắt được thời cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, tận dụng tối đa và hiệu quả marketing xanh sẽ có cơ hội lớn phát triển, gia nhập thị trường khu vực và quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. AMA (2025), Definition of Marketing, retrieved from https://www.ama.org/the-definition-of-marketing-what-is-marketing/.
2. Báo Điện tử Chính phủ (2025), Ngành F&B tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 9,6% trong năm 2025, truy cập từ https://baochinhphu.vn/nganh-fb-tai-viet-nam-se-tiep-tuc-tang-truong-96-trong-nam-2025-102250319131429058.htm#:~:text=Nh%E1%BB%AFng%20%C4%91i%E1%BB%83m%20s%C3%A1ng%20c%E1%BB%A7a%20th%E1%BB%8B,6%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202023.
3. Dinuk Arseculeratne D. and Yazdanifard R. (2014), How Green Marketing Can Create a Sustainable Competitive Advantage for a Business, International Business Research, 7(1).
4. Khánh Giang (2024), Khởi công Nhà máy PepsiCo Foods sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại Hà Nam, truy cập từ https://hanamtv.vn/khoi-cong-nha-may-pepsico-foods-su-dung-100-nang-luong-tai-tao-tai-ha-nam-36834.html#:~:text=S%C3%A1ng%203%2F8%2C%20C%C3%B4ng%20ty,100%25%20n%C4%83ng%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20t%C3%A1i%20t%E1%BA%A1o.
5. Lưu Hà (2024), Hành trình xanh hóa của các doanh nghiệp F&B Việt, truy cập từ https://vneconomy.vn/hanh-trinh-xanh-hoa-cua-cac-doanh-nghiep-fb-viet.htm.
6. Minh Nguyệt (2022), Khi những ông lớn bán lẻ thực hành tiếp thị xanh, truy cập từ https://vneconomy.vn/khi-nhung-ong-lon-ban-lethuc-hanh-tiep-thi-xanh.htm.
7. Surya R., Vijaya Banu P. (2014), Introduction to Green Marketing, SSRG International Journal of Economics and Management Studies (SSRG-IJEMS), 1(2) 1-4.
8. Thanh Hà (2023), Doanh nghiệp F&B Việt đón đầu xu hướng phát triển bền vững, truy cập từ https://infonet.vietnamnet.vn/doanh-nghiep-f-b-viet-don-dau-xu-huong-phat-trien-ben-vung-5021705.html.
9. Vinalink (2025), Marketing xanh là gì? 5 yếu tố cốt lõi và 4 nguyên tắc triển khai hiệu quả, truy cập từ https://vinalink.edu.vn/thu-vien-kien-thuc/marketing-xanh-la-gi.html.
Ngày nhận bài: 05/02/2025; Ngày phản biện: 14/02/2025; Ngày duyệt đăng: 19/02/2025 |
Bình luận