Yêu cầu đánh giá toàn bộ các dự án giao thông BOT
Rà soát lại các dự án BOT
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo một số Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Trong thời gian qua, nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin và ý kiến của nhiều cử tri liên quan đến vai trò quản lý của Nhà nước đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT như: thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, quản lý chất lượng công trình, giá thành, hiệu quả đầu tư... Bên cạnh đó, việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số Dự án còn chưa theo quy hoạch, quy định.
Để thực hiện tốt công tác quản lý đối với các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động rà soát các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn bộ các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đã, đang và sẽ triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT với các nội dung: Thủ tục đầu tư, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, giá thành, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.
Hoàn thiện Quy hoạch trạm thu phí BOT
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT (Quy hoạch) trên các tuyến quốc lộ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trong thời gian Quy hoạch chưa được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường (trừ các Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Trường hợp đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ hôm 27/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Viện Chiến lược Giao thông vận tải triển khai xây dựng quy hoạch trạm thu phí và về cơ bản quy hoạch đã xong, đang lấy ý kiến các cơ quan của Bộ cũng như đánh giá tác động của quy hoạch này.
Bộ trưởng Thăng cho biết, việc đặt trạm thu phí được thực hiện theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Trong quy định này, trạm thu phí phải cách nhau 70km, nếu không đủ 70km thì trước khi lập trạm thu phí phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính và UBND các địa phương. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta hiểu nhầm là 70km mới là đúng, còn dưới 70km là sai. Thực tế là 70km cũng đúng, dưới 70km cũng đúng nhưng phải có sự thỏa thuận trước mới được đầu tư.
Vị trí một số trạm thu phí nhỏ hơn 70km vì có mấy lý do. Thứ nhất là đầu tư công trình tập trung, ví dụ năm 2008, quyết định đầu tư cầu Đồng Nai, rồi đầu tư cầu Cổ Chiên và vừa thông xe, đi rút ngắn được 70km từ Trà Vinh lên Bến Tre. Do làm một cây cầu cho nên không thể đảm bảo được 70km, vì vậy, cầu Cổ Chiên cách trạm thu phí cầu Rạch Miễu hơn 50km nhưng hoàn toàn theo đúng quy định chứ không phải sai và vị trí đặt trạm phải có sự thỏa thuận giữa địa phương với Bộ Tài chính thì Bộ Giao thông vận tải mới ra quyết định đặt trạm.
Có một loại nữa là trạm thu phí cự li khoảng 70km nhưng nếu đặt đúng 70km, thì lại vào giữa thành phố, giữa thị xã hoặc giữa khu dân cư nên theo đề nghị của địa phương, Bộ Giao thông vận tải phải thỏa thuận với nhà đầu tư, với địa phương, với Bộ Tài chính để đặt lệch một chút trong cự ly chung là 70km, nhưng ở vị trí thuận lợi hơn cho người dân và vẫn hoàn toàn đúng theo quy định.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Thông tư 159 quy định đặt trạm thu phí không căn cứ vào quy hoạch đặt trạm thu phí đang xây dựng, vì quy hoạch đặt trạm thu phí là chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tháng 6/2014. Đây là phần bổ sung, hoàn toàn tách bạch với quy định đặt trạm thu phí./.
Bình luận