Sáng ngày 19/08/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định tiếp tục nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.167 đồng lên 21.890 đồng/USD. Đồng thời biên độ tỷ giá được nới lên +/-3% thay vì mức +/-2%. Quyết định này đưa ra đúng 1 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.

Như vậy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 3 lần, tổng cộng 3% và biên độ tỷ giá cũng được nới lên 2 lần, từ 1% lên 3%. So với đầu năm, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại như vậy đã tăng xấp xỉ 5%, từ 21.458 đồng lên 22.547 đồng.

Việc tỷ giá tăng sẽ có tác động tới đầu vào của dự án bất động sản. Theo đó, một số nguyên vật liệu đầu vào của một dự án, như: sắt, thép, xi măng, nội thất... sẽ tăng theo, đặc biệt là những dự án cao cấp sử dụng nội thất nhập khẩu từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng sẽ cũng tạo áp lực lên lãi suất VND. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều sử dụng đòn bẩy tài chính trong việc phát triển dự án. Việc lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí tài chính, giảm lợi nhuận của các công ty bất động sản. Chính vì vậy, việc tăng tỷ giá có thể buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bất động sản để cân đối nguồn tài chính.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bất động sản hiện nay. Nói cách khác, tỷ giá tăng nhưng giá bất động sản sẽ không tăng nhiều.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Group Cường Phát cho rằng, mặc dù tỷ giá tăng nhưng khó có thể làm giá bất động sản tăng.

“Giá bất động sản tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng vấn đề tỷ giá vì theo quy định giá bán các dự án bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam, thì chỉ được niêm yết bằng tiền đồng Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Cường nói.

Cũng với nhận định này, ông John Gallander, Tổng Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam cho rằng, việc tỷ giá tăng, sự mất giá của tiền đồng và tỷ lệ lạm phát cao đang mang tới nhiều lo ngại cho người dân về sự tăng giá của các dự án bất động sản tại Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, đứng về phía chủ đầu tư các dự án, việc đưa ra giá bán các dự án bất động sản không chỉ đơn thuần dựa vào tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó rất quan trọng là quan sát tình hình cung - cầu của thị trường để đưa ra giá bán chính xác nhất cho dự án tại thời điểm đó.

Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, giá bất động sản có tăng nhưng tăng không cao. Lý giải điều này, theo ông Hiếu, tỷ giá tăng tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ khó khăn hơn. Tỷ giá sẽ tác động vào vật liệu xây dựng, tuy nhiên giá cả chỉ tăng vào những khoản nhập mới còn trước đó không bị tác động. Bên cạnh đó, sức mua trên thị trường bất động sản hiện nay vẫn yếu, thu nhập của người dân vẫn thấp trong khi nhu cầu lúc nào cũng có. Chính vì lẽ đó mà chủ đầu tư nên cân nhắc kỹ chuyện tăng giá bán sản phẩm. Theo ông Hiếu, doanh nghiệp phải biết hài hòa lợi ích của công ty lẫn lợi ích của người tiêu dùng. Tránh tình trạng quản lý, thiết kế… tạo ra giá thành vừa phải mà thị trường có thể chấp nhận được (Thanh Giang, 2015)./.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Lê (2015). Bão tỷ giá có ảnh hưởng thế nào đến giá bất động sản?, truy cập từ http://laodong.com.vn/bat-dong-san/bao-ty-gia-co-anh-huong-the-nao-den-gia-bat-dong-san-49185.bld

2. Thanh Giang (2015). Giao dịch bất động sản: Chưa thể tăng giá, truy cập từ http://daidoanket.vn/kt-xh/giao-dich-bat-dong-san-chua-the-tang-gia/62096