Các chi phí doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Theo quy định tại Thông tư số 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP về việc bổ sung thêm một số quy định về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Cụ thể, về nguyên tắc, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Đó là các khoản chi sau:

(i) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

(ii) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

(iii) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cho biết, việc điều chỉnh điều kiện xác định khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản chi có hoá đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên áp dụng theo Thông tư số 173/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2016.

Theo đó, bỏ quy định "chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế".

Tổng cục Thuế cũng lưu ý về doanh thu tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để biếu tặng, trường hợp dùng để biếu tặng khách hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được tính thuế TNDN; Trường hợp dùng để biếu tặng không phải là khách hàng, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, đối với khoản chi tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông hoặc tiền nhà cho người lao động được doanh nghiệp chi trả nếu được quy định tại hợp đồng lao động và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Tuy nhiên, sẽ không tính vào chi phí được trừ khoản chi tiền lương, tiền công và khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi, trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kế. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

Tiền lương, tiền công của chủ DN tư nhân, chủ công ty TNHH một thành viên (do cá nhân làm chủ); thù lao cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Hồ sơ quyết toán thuế TNDN bao gồm những gì?

Theo Tổng cục Thuế, Hồ sơ quyết toán thuế TNDN đầy đủ bao gồm: Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN (ban hành kèm Thông tư số 151/2014/TT-BTC); Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc DN thực hiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, giải thể, chấm dứt hoạt động; Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai (tùy theo thực tế phát sinh của người nộp thuế): Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN (dành cho người nộp thuế thuộc các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ), mẫu số 03-1B/TNDN (dành cho người nộp thuế thuộc các ngân hàng, tín dụng), mẫu số 03-1C/TNDN (dành cho người nộp thuế là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau: Đối với hoạt động bán hàng hóa, là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

Doanh nghiệp trong năm có phát sinh bán toàn bộ Công ty TNHH Một thành viên dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn bất động sản thì trong năm khi phát sinh nộp thuế theo từng lần phát sinh và kê khai theo mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC. Cuối năm khi thực hiện khai quyết toán tổng hợp tờ khai 06/TNDN, cùng với tờ khai 02/TNDN vào phụ lục 03-5/TNDN kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Số thuế TNDN tạm nộp trong năm kê khai trên tờ khai quyết toán được xác định theo chứng từ nộp thuế TNDN trong năm tài chính (từ ngày đầu năm tài chính cho đến hết ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc năm tài chính) sau khi đã bù trừ hết với các khoản thuế nợ năm trước chốt đến 31/1 (năm tài chính trùng năm dương lịch) và các khoán thuế phát sinh trong năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động chuyển nhượng bất động sản (có cùng tiểu mục)

Bên cạnh đó, đối với trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên, thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán tính từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng củaa thời hạn nộp thuế quý IV của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

Đối với số thuế TNDN tạm nộp theo quý thấp hơn số thuế phải nộp theo quyết toán dưới 20%, mà doanh nghiệp chậm nộp so với thời hạn quy định (thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm) thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với quyết toán./.