Kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phân hóa theo đặc thù và mức độ gắn kết với tổng thể nền kinh tế nói chung. Trong đó, hai ngành ngân hàng và bất động sản, có sự kết nối chặt chẽ nhất với sức khỏe của nền kinh tế, vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do các chính sách tháo gỡ chưa được cụ thể hóa và phát huy tác dụng. Trong khi đó, một số ngành sản xuất vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ biến động của các yếu tố đầu vào cũng như nhu cầu ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như cao su săm lốp, phân phối khí đốt và hàng tiêu dùng (cụ thể là sản phẩm sữa).

Ngành bất động sản - tăng tiêu thụ ở phân khúc bình dân nhưng tồn kho nhìn chung vẫn cao: Mặc dù đã có sự cải thiện đầu ra ở phân khúc bình dân, nhưng nhìn chung lượng hàng tồn kho vẫn lớn và các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Về mặt chính sách, các gói hỗ trợ thị trường vẫn chưa cho thấy kết quả cụ thể nào. Các quỹ đầu tư bất động sản đã được phép thành lập tại Việt Nam nhưng các nhà đầu tư trong và nước ngoài vẫn còn khá ngần ngại về các rào cản pháp lý cũng như triển vọng của ngành trong thời gian tới. Do đó, trong những tháng cuối năm, ngành bất động sản sẽ chưa thể khởi sắc và các mã cổ phiếu bất động sản không được khuyến nghị đầu tư tại thời điểm này.

Ngành ngân hàng - nợ xấu chưa thể giảm mạnh do VAMC chưa có cơ chể hoạt động cụ thể và cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả. Trong khi đó, sức cầu từ nền kinh tế vẫn yếu và tác động mạnh tới nhu cầu vay của doanh nghiệp, khiến tăng trưởng tín dụng của đa phần các ngân hàng chưa được khả quan. Ngoài ra, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng ngày càng thu hẹp nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng tín dụng, tuy nhiên việc này làm lợi nhuận sụt giảm. Do đó, nhà đầu tư thận trọng khi đầu tư vào cổ phiếu thuộc ngành này, nếu đầu tư thì nên lựa chọn được những mã đầu ngành, có các yếu tố cơ bản tốt như VCB và MBB. Với các mã thể hiện một số dấu hiệu chuyển biến tích cực như SHB hay STB, có thể theo dõi cho mục đích đầu tư khi triển vọng ngành tích cực hơn.

Ngành cao su săm lốp - tiếp tục hưởng lợi nhờ giá cao su giảm: Do giá cao su nguyên liệu tiếp tục giảm trong quý II nên các doanh nghiệp trong ngành đều được hưởng lợi ít nhiều tùy thuộc vào chính sách hàng tồn kho của mình. Sản lượng tiêu thụ trong quý II cũng khả quan hơn quý I do yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp săm lốp trong nước cũng đang tích cực đầu tư nhà máy sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. DRC là doanh nghiệp có thị phần và năng lực sản xuất lớn trong dòng lốp xe ôtô tải, sở hữu nhiều lợi thế, có các chỉ tiêu cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng cao khi nhà máy sản xuất lốp radial đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2013.

Ngành phân phối khí - tính thiết yếu của sản phẩm khí đảm bảo tăng trưởng ngành: ngành duy trì được mức tăng trưởng khá với lượng khai thác dầu thô và khí đốt tăng 4,6% trong 5 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng phần nào bởi tình hình sản xuất đình trệ, giá khí vẫn được kì vọng sẽ tăng vào cuối năm do tình trạng thiếu điện trong mùa khô đòi hỏi lượng khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện tăng lên và tiến độ khai thác một số mỏ dầu khí lớn đang bị chậm trễ khiến sản lượng còn hạn chế. GAS được đánh giá khả quan do đây là doanh nghiệp đầu ngành, có vị thế độc quyền trong việc phân phối khí từ PVN và duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Ngành hàng tiêu dùng - nhất là sản phẩm sữa vẫn đảm bảo mức tăng trưởng đều đặn. Phân khúc sữa vẫn tiếp tục tăng trưởng khá (chỉ số sản xuất tháng 6 tăng 6,2% y-o-y), đặc biệt sản xuất sữa bột đạt mức tăng cao (12,8% y-o-y). Với đặc trưng 70% nguyên liệu là nhập khẩu, việc giá sữa thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2013 và vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng nhất định đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đầu ngành chiếm thị phần lớn, cũng đã tiến hành điều chỉnh tăng giá sữa thành phẩm để bù đắp chi phí đầu vào tăng và vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận.

VNM là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa hàng đầu của Việt Nam với thị phần lớn, liên tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ vào hai động lực chính là sữa nước và sữa bột, cùng với đẩy mạnh xuất khẩu. VNM được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2013./.

Trọng Đức