Lại một lần nữa những con số thống kê ở các bản báo cáo không khiến các đại biểu hài lòng trong phiên họp xem xét quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 của Thường vụ Quốc hội sáng ngày 10/4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ 17.
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Dự toán thấp, thực hiện cao: Bệnh kinh niên?

Tại phiên họp sáng nay, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 với tổng số thu cân đối là 962.982 tỷ đồng. Tổng số chi là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).
Bội chi ngân sách nhà nước 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng), thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (5,3%).

Điều đáng nói là, hiện tượng thu NSNN vượt cao so với dự toán lại tiếp tục diễn ra. Năm 2011, thu tăng gấp 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ.

Điều này “thể hiện công tác lập dự toán chưa sát với thực tế phát sinh, phần nào ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN. Đây là tồn tại từ nhiều năm mà Quốc hội đã có ý kiến nhưng hầu như không khắc phục được”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết .

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi liệu tình trạng này có khắc phục được không bởi năm nào cũng đề cập mà tình hình không cải thiện.

Đại diện Bộ Tài chính lý giải, việc vượt thu hàng năm cao do các địa phương phấn đấu tăng thu. Mặt khác địa phương lại đưa ra kế hoạch thực hiện cao hơn so với kế hoạch nên có sự “vênh” nhau.

Nói về việc “vênh” nhau về thu - chi, Chủ nhiệm cho rằng, bao giờ kế hoạch của Bộ Tài chính với địa phương cũng có sự “vênh” nhau. Địa phương thường xây dựng ngân sách cao hơn so với kế hoạch.

“Kinh tế của ta không ổn định. Dự toán và thực tế chênh nhau là tất nhiên. Nhưng chênh đến mức độ nào mới quan trọng”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích việc thu – chi, ông Hiển chỉ ra nguyên nhân khiến “dự toán thấp-thực hiện cao”, đó là do cơ chế chính sách còn bất cập; do dự báo chưa sát nên dẫn đến dự toán cao hơn; và do giữa cơ quan Trung ương và địa phương vẫn có những "lấn cấn" mang tính cục bộ nào đó.

“Từ nguyên nhân thấy rõ chúng ta phải sửa ngay bất cập về cơ chế” – ông Hiển đề nghị.

Bên cạnh đó, vị chủ nhiệm này cũng chia sẻ: "Chúng tôi cũng rất băn khoăn về việc tại sao GDP không đạt chỉ tiêu mà thu ngân sách lại tăng?”.

Cụ thể, cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng so với dự toán được giao, trong đó: thu từ dầu thô tăng 40.905 tỷ đồng, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 35.812 tỷ đồng, thu cân đối từ xuất nhập khẩu tăng 17.065 tỷ đồng, các khoản thu về nhà, đất tăng 25.918 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nguồn thu tăng cao chủ yếu do sự tăng của giá dầu thô và lạm phát chứ không bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế.

Cụ thể, số thu vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng (chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 18,13% so với năm 2010, giá dầu thô tăng 28 USD/thùng so với giá dự toán, tỷ giá tính thuế thực tế cao hơn tỷ giá khi xây dựng dự toán), việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và tăng thu các khoản về nhà, đất. Yếu tố từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu.

“Điều đó phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc”, vị đứng đầu Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội khẳng định.

Khẳng định rằng, cần khắc phục “căn bệnh kinh niên” là dự toán thu thấp, số thu vượt dự toán cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Cần tính toán làm sao để dự toán ngân sách sát với thực tế. Việc tính toán ngân sách cần phải chặt chẽ hơn”.

Hãy để những con số biết nói?

Điều đáng lo ngại là các con số thống kê cho thấy sự không nhất quán và thiếu chính xác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chia sẻ "rất lo lắng" về sự không chính xác của các số liệu dự báo.

Ông lấy dẫn chứng về các số liệu về tổng đầu tư của năm 2012. Tháng 11/2012, số liệu báo cáo trong Quốc hội là tổng đầu tư tăng 29,5% nhưng 2 tháng sau, con số này đã vọt lên 33,5%. Tương tự, bội chi ngân sách dự toán của Quốc hội là 53% nhưng Chính phủ mới đây báo cáo 49% còn trong bản dự thảo Quyết toán Ngân sách lần này thực tế chỉ là 44%.

"Các số liệu này là định hướng thông điệp cho thị trường và điều hành các cấp nhưng lại rất thiếu chính xác và cách nhau rất xa", ông Giàu đánh giá.

Nhận định, nhờ thu chi ngân sách năm 2011 được bảo đảm đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, song Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Với con số tăng thu cao hơn dự toán là 21,3% như vậy, thì cần làm rõ xem đầu tư cho nông nghiệp, nông dân nông thôn, đầu tư giảm nghèo cho người dân có tăng hơn hay không? Cần làm rõ hiệu quả chi ngân sách cho các lĩnh vực, các ngành, việc tăng chi ngân sách đối với các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Nhận xét các con số tại báo cáo quyết toán “chưa biết nói”, nhìn vào số nợ của Nhà nước năm 2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi tăng thu, tăng chi, tăng nợ thế có hay không? Số thu tăng đến 21,3% (vượt 126.804 tỷ đồng) và số chi cũng tăng tới 8,5% (vượt 61.954 tỷ đồng), thì “Lẽ ra phải giảm nợ chứ”, người đứng đầu Quốc hội băn khoăn.