Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, có 9 ngân hàng nằm trong diện “bắt buộc” phải tái cơ cấu năm 2012. Tạp chí Kinh tế và Dự báo xin điểm mặt và đánh giá tình hình các ngân hàng này sau 1 năm tái cơ cấu.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tái cơ cấu là việc làm tự nguyện của các ngân hàng nhỏ, yếu kém, nhưng nếu các nhà băng này không thể tự tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp, thậm chí tính đến phương án hợp nhất hoặc sáp nhập.

Có thể nói, trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc năm 2012 thì 5 đơn vị gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank và Tienphongbank xem như cơ bản đã ổn thỏa. Riêng bốn ngân hàng nhỏ còn lại nằm trong diện này là GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank đang nỗ lực tìm phương án cho mình.

Diễn biến tái cơ cấu của 9 ngân hàng này như sau:

1. Sự ra đời của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn: Ngày 01/01/2012, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn (Ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động sau khi hợp nhất từ 3 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa. Trước khi hợp nhất, ba ngân hàng nói trên lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do họ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản), gặp khi thị trường biến động, nhất là khi nguồn vốn huy động ngắn hạn không còn dồi dào như trước nên rủi ro thanh khoản xảy ra. Trước tình hình này, hội đồng quản trị của ba ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập với nhau thành một ngân hàng dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), và cần tới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thông qua khoản vay tái cấp vốn. Tổng số vốn hỗ trợ liên ngân hàng của BIDV cho ba nhà băng (tính đến tháng 12/2012) là trên 2.400 tỷ đồng (trên tổng số tài sản được ba nhà băng đem ra đảm bảo là 30.000 tỷ đồng).

Ngân hàng hợp nhất có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản là 150.000 tỉ đồng, và có hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch.

Đến nay, sau năm tái cơ cấu, theo Ngân hàng Nhà nước, SCB đã cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, gọi vốn của nhà đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ và huy động vốn từ nền kinh tế của SCB tăng 35,9% trong năm 2012 và tăng 7% trong 2 tháng đầu năm 2013.

Hiện tại, dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, SCB đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp cơ cấu lại tổng thể, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản tiền vay/tiền gửi và tổ chức tài chính nhận ủy thác của các tổ chức tín dụng theo kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2013-2014 và Phương án cơ cấu lại nợ thị trường 2 (thị trường liên NH) đã được NHNN phê duyệt.

2. Vụ sáp nhập Habubank vào SHB: Ngày 28/8/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) chính thức sáp nhập vào ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Với Habubank, các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu gắn với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được xác định là gánh nặng lớn nhất dẫn đến những khó khăn phải tính đến sáp nhập. Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng). Ngân hàng SHB sau khi sáp nhập Habubank sẽ có tổng tài sản gần 120.000 tỷ đồng (tương đương với quy mô của các nhà băng trong khối G14). Tổng vốn điều lệ sẽ gần 9.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội lãi 1.000 tỷ đồng trong quý IV giúp giảm số lỗ cả năm xuống còn 95 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản lợi nhuận còn để lại của năm trước (122 tỷ đồng), thì ngân hàng mới vẫn lãi lũy kế 27 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của SHB, tính đến 31/12/2012, nợ xấu của SHB còn khoảng 4.847 tỷ đồng (tương đương 8,5% tổng dư nợ).

3. Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank): Hiện phương án tự tái cơ cấu của Navibank đã được chuyển lên NHNN để xem xét, bổ sung trình Chính phủ. Theo kết luận thanh tra vào tháng 2/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã yêu cầu Navibank trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng… Điều đó dẫn đến vốn chủ sở hữu của Navibank còn lại là 2.513 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng.

Hiện tại, thực hiện kết luận của Cơ quan thanh tra giám sát, Navibank đã triển khai các biện pháp nhằm giảm một số khoản nợ xấu theo kết luận thanh tra, phối hợp với khách hàng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo, mời đơn vị định giá độc lập để định giá lại các tài sản đảm bảo làm căn cứ và trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.

Kết quả, sau khi hoàn tất các nội dung trên, số dự phòng rủi ro phải trích bổ sung của Navibank đã giảm so với số dự phòng rủi ro theo kết luận của Cơ quan giám sát, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tại thời điểm 30/9/2012 là 3.027 tỷ đồng, cao hơn 27 tỷ đồng theo vốn pháp định.

4. Ngân hàng Đại Tín -TrustBank: Vào trung tuần tháng 9/2012, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Trust Bank triển khai phương án tái cơ cấu.

Theo tiến trình này, TrustBank tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách.

Hiện ngân hàng này đang gọi vốn từ cổ đông chiến lược trong nước với tỷ lệ cổ phần chi phối tương đối lớn, nhằm xử lý thanh khoản và cải thiện công tác quản trị rủi ro khi có sự tham gia của nhân tố mới.

5. TienPhongBank: Đề án tái cơ cấu hoạt động của TienPhong Bank được khởi động từ sau đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2012. Đến nay, ngân hàng này đã cơ bản hoàn tất việc cải tổ cơ cấu tổ chức. Các chỉ số hoạt động 6 tháng cuối năm 2012 của TienphongBank được cải thiện, huy động vốn tăng 28% so với đầu năm, nợ xấu ở mức dưới 5%. Dư nợ của TienPhong Bank trong những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán chỉ khoảng 4% tổng dư nợ, tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đạt trên 15% - khá cao so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả ngành ngân hàng.

Cuối năm 2012, TienphongBank đã tăng vốn lên 5.550 tỷ đồng sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận ngày 25/12 và Ngân hàng Nhà nước thông qua. Đồng thời, mới đây TienphongBank đã bán 20% cổ phần cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân, để tăng vốn. Với các nguồn vốn tăng thêm này, TienPhong Bank sẽ đẩy mạnh nâng cao hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới, và kênh phân phối.

6. Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) hợp nhất với PVFC: Nằm trong diện “tái cơ cấu bắt buộc”, Western Bank đã gây chú ý nhiều cho thị trường tài chính gần đây về việc sáp nhập với Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC). Ngày 16/3/2013, tại Cần Thơ, NHTMCP Phương Tây (Western Bank) Đại hội cổ đông năm 2013 đã thông qua kế hoạch hợp nhất với PVFC. Western Bank đã trình NHNN Đề án hợp nhất với PVFC.

Một trong những mục đích của việc hợp nhất giữa Western Bank và PVFC được nêu ra là giải quyết được sự tồn tại của Western Bank; nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho PVFC và giảm được phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại PVFC. Như vậy, Western Bank vừa có tiền để giải quyết các món nợ, làm trong sạch tình hình tài chính của mình.

Ngân hàng sau hợp nhất dự kiến có tổng tài sản 105.641,59 tỷ đồng, với số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng sẽ được duy trì trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và được tiếp tục tăng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015. Mục tiêu ngân hàng mới sẽ là một trong năm ngân hàng có chỉ số an toàn tốt nhất Việt Nam trước năm 2015.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 (2012-2013), ngân hàng sau hợp nhất ổn định và nâng cao năng lực của ngân hàng đồng thời tăng cường khả năng quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, thực hiện đầy đủ chức năng ngân hàng thương mại. Giai đoạn 2 (2014-2015) hướng tới trở thành 1 trong 18 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, đứng đầu về cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng của khu vực, ngân hàng có khoảng 250 điểm giao dịch.

7. GP Bank: Được thành lập cách đây 7 năm, GP Bank chính thức tăng vốn và đạt mục tiêu 3.000 tỷ đồng năm 2010. Thông tin về GP Bank rất hiếm hoi trên thị trường. Theo báo cáo thường niên năm 2010, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2010 của GP Bank chỉ là 1,83%. Theo Ngân hàng Nhà nước, phương án cơ cấu lại GP Bank đang được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

An Nhi