Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo với Quốc hội số liệu này tại phiên chất vấn ngày 17/11.

An toàn nợ công đạt 5/6 chỉ tiêu đánh giá

Theo yêu cầu mục tiêu của Chiến lược Nợ công đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, thì nợ công không quá 65% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%.

“Bây giờ nhìn lại 5 năm, năm 2011 nợ công của chúng ta 50%, 2012 là 50,8%, 2013 là 54,5%, 2014 là 59,6% và dự kiến năm 2015 là 61,3%”, Bộ trưởng cho biết.

Đối chiếu lại với chiến lược và đối chiếu lại với các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công theo 6 tiêu chí: Nợ công trên GDP; Nợ Chính phủ so với GDP; Nợ nước ngoài quốc gia so với GDP; Bù đắp bội chi gồm cả trái phiếu chính phủ; Nghĩa vụ nợ của Chính phủ trực tiếp so với thu ngân sách nhà nước; trái phiếu chính phủ trong nước cho đầu tư của cả nhiệm kỳ, Bộ trưởng cho biết, có 5 tiêu chí chúng ta đạt được theo yêu cầu đến hết năm 2015 và 1 tiêu chí không đạt là bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tiêu chí bù đắp bội chi ngân sách nhà nước không đạt yêu cầu đặt ra

5 lý do khiến nợ công tăng cao

Giải trình về việc vì sao nợ công tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có 5 lý do chính.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ khoảng 7%, nhưng thực tế cả giai đoạn thực hiện được đến 2015 khoảng 5,8%, trong khi không điều chỉnh các chỉ tiêu khác.

Thứ hai, do tăng trưởng kinh tế trong nước và giá dầu thô trên thế giới biến động mạnh theo hướng giảm, chúng ta thực hiện các biện pháp miễn giảm, giãn thu cho sản xuất, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu, rất nhiều chính sách thuế đã triển khai việc này và rất nhiều nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủđã triển khai việc này và rất nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ cũng đã triển khai.

“Tỷ lệ tăng thu bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 20,8%/1 năm. Nhưng giai đoạn 2011 -2015 có 9,5%. Một điều rất may chúng ta điều chỉnh chính sách thuế như vậy và cam kết hội nhập quốc tế, tốc độ tăng thu chậm lại nhưng quy mô thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 bằng gần gấp đôi của giai đoạn 2006-2010”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách nhà nước tăng mạnh, vẫn đảm bảo giữ mục tiêu, đặc biệt là an sinh xã hội và tiền lương theo lộ trình.

Riêng về an sinh xã hội trong giai đoạn 2011-2015 đã phải chi tăng 18%/1 năm, trong điều kiện tăng thu của chúng ta có 9,5%.

“Đây là điều dẫn đến chúng ta giữ bội chi cao, cũng là một trong nguyên nhân tăng nợ công cao”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Thứ ba, bổ sung kế hoạch phát hành trái phiếu bhính phủ. Khi đầu chúng ta quyết định là 225 nghìn tỷ đồng, sau đó quyết định bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy, cả giai đoạn và cả bổ sung chúng ta có 395 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ của giai đoạn 2011-2016, gấp 3 lần của giai đoạn 2006-2010, gây áp lực rất lớn lên nợ công”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Thứ tư là do biến động về tỷ giá cũng phần nào tác động đến tăng nợ công.

Thứ năm, dù nợ công tăng, nhưng đã cơ cấu lại được một bước nợ công. Vay trong nước từ 39% trong tổng số nợ công của năm 2001 đã lên 57,1% năm 2015. Như vậy, vay nước ngoài đã giảm đi, chỉ còn có hơn 42%.

“Tuy vậy, trong tình hình xử lý vừa qua có những thời điểm rất khó khăn trong vấn đề huy động vốn để đù bắp bội chi và trái phiếu chính phủ. Giai đoạn 2011-2013 vay khoảng 64 nghìn tỷ, lãi suất bình quân 10,5%/1 năm, có những món cao lên đến 13,2%, món thấp 8,4%, đây là những vấn đề chúng tôi thấy cần phải báo cáo với Quốc hội, phải nhanh chóng tái cơ cấu lại những khoản nợ này phải trả từ hôm nay đến hết quý I/2016”, người đứng đầu ngành Tài chính báo cáo rõ.

Tháng 3/2016, sẽ trình Quốc hội kế hoạch tài chính trung hạn

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân khiến nợ công tăng cao, Bộ trưởng đề xuất, cần tổng kết, đánh giá lại chiến lược nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như Luật Nợ công, cần thiết sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa trong thời gian tới.

Cùng với đó, phải quản lý chặt chẽ nợ công nhất các khoản vay mới, dùng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng thiết yếu theo quy hoạch.

Đặc biệt, tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả đầu tư chất lượng công trình theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề xuất, khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng tỷ trọng vay trong nước, đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy thị trường trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện và chắt lọc có mục tiêu để ưu tiên.

Đối với vay về cho vay lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị quản lý theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại và giảm dần tỷ lệ cấp phát, đây là hướng quan trọng. Tăng cường trách nhiệm của địa phương về quản lý, sử dụng vốn vay cũng như quản lý sử dụng công trình trong tương lai.

Đồng thời, rà soát lại các thể chế, xây dựng chính sách văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý nợ công từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức huy động vốn vay, sử dụng vốn, thu hồi vốn, trả nợ và giám sát tình hình thực hiện.

“Việc quan trọng nữa chúng tôi cho rằng, về ngân sách để an toàn nợ công việc chúng ta tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước là khâu rất quan trọng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Vừa qua, cùng với việc xác định, xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn cho giai đoạn 2016-2020, từ đó phân nguồn ra kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đã xây dựng kế hoạch vay trả nợ đến 2020, cũng như kế hoạch về nợ công trên tinh thần dự báo các chỉ tiêu kinh tế xã hội, tăng trưởng của giai đoạn này từ 6,5-7%, lạm phát không quá 5%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng dưới 4,9% theo luật hiện hành ,nhưng luật mới, thì dưới 4%, trái phiếu chính phủ xin phát hành 260.000, giải ngân ODA 250.000 tỷ trong 5 năm.

Trong hoạch định của giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Dũng cũng cho biết đã tính toán rất nhiều yếu tố liên quan đến cả những vấn đề tới đây sẽ tốt nghiệp IDA vào năm 2017, khi tốt nghiệp rồi ODA sẽ giảm đi, vay ưu đãi lãi suất cao hơn sẽ tăng lên, lãi suất sẽ cao hơn thời gian trả nợ sẽ tăng lên…

“Tới đây, sẽ trình với Quốc hội để thông qua cùng với kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch vay, trả nợ và nợ công 5 năm vào kỳ họp tháng 3/2016”, Bộ trưởng Dũng báo cáo tiến độ./.