Các phiên giải trình tại các cơ quan của Quốc hội chưa tạo ra sự tác động lớn đến việc thay đổi, điều chỉnh chính sách

“Hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng để nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội, nhằm làm rõ những vấn đề, vụ việc cụ thể có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, từ đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, để đánh giá đúng hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định tại êu rõ, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay (ngày19/3).

Hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội còn vướng mắc
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện. Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện được 33 phiên giải trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng (trong đó có một số Ủy ban đã tổ chức được nhiều phiên giải trình, như: Ủy ban Pháp luật: 7 phiên, Ủy ban Xã hội: 5 phiên; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: mỗi Ủy ban tổ chức được 3 phiên).

Việc tổ chức các phiên giải trình ngày càng có nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, cũng như trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, giúp làm rõ những vấn đề bất cập, bức xúc, những vấn đề “nóng”, được cử tri và xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng chịu sự giám sát trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội còn một số tồn tại, vướng mắc nhất định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các quy định của luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể; nhiều nội dung cần thiết còn thiếu, gây khó khăn cho việc triển khai hoạt động giải trình. Chưa có quy định về trình tự, thủ tục thống nhất trong việc tổ chức triển khai, nên chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức hoạt động giải trình. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách, nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình. Các phiên giải trình chưa tạo ra sự tác động lớn đến việc thay đổi, điều chỉnh chính sách, cách thức điều hành, quản lý, tổ chức thi hành pháp luật. Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận giải trình cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Thúc đẩy triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế

Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thực hiện chủ trương, quan điểm trên của Đảng, tại Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15, ngày 14/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 (ngày 13/12/2023) ban hành Nghị quyết hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2024).

Hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội còn vướng mắc
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện

Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong quá trình từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; là văn bản hướng dẫn, là cẩm nang trong hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Nghị quyết gồm 20 điều, chia thành 4 chương, với nội dung hướng dẫn bao quát, toàn diện, đầy đủ các vấn đề, các bước trong việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Để việc triển khai Nghị quyết đồng bộ, thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Hội nghị để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết với mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức hoạt động giải trình, của đối tượng được yêu cầu giải trình và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, cùng với nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày một số nội dung chính của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu còn nghe trình bày tham luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và thảo luận về các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong thời gian tới và về kế hoạch tổ chức hoạt động giải trình, phục vụ hoạt động giải trình trong năm 2024; đề xuất một số nội dung sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Với những bước đi bài bản như trên, cử tri và nhân dân đang trông đợi hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực sự sẽ có sự thay đổi về chất trong thời gian tới, để kịp thời góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng trong đời sống kinh tế - xã hội, qua đó không chỉ nâng cao chất lượng giải trình của các tổ chức, cá nhân liên quan tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, mà còn chứng tỏ các hoạt động của Quốc hội ngày càng gần dân, sát dân hơn./.