Diễn đàn Thanh toán điện tử - VEPF 2016 diễn ra sáng 24/11 với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán điện tử, ngân hàng, giao thông. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

Chưa đầy 1% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều văn bản, chính sách đặt nền móng cho phát triển thanh toán điện tử như phát triển thương mại điện tử, tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng của cả nền kinh tế.

Cùng với đó là nỗ lực của cả cộng đồng công nghệ thông tin đã tạo ra những cải thiện về Chính phủ điện tử được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tăng 10 bậc so với trước, đặc biệt là về cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá so với những gì đã đặt ra tại VEPF 2015, tiến độ thực hiện còn rất chậm.

Nhiều chương trình về ứng dụng thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công qua mạng dù đã được khởi động, nhưng còn rất vướng mắc từ quy định pháp luật, thói quen và hạn chế trong tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp dịch vụ.

“Đến giờ phút này, có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp cung cấp cho người dân, nhưng mới có chưa đầy 1.200 dịch vụ, chưa đầy 1%, được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4. Đây là một con số hiểu theo nghĩa lạc quan thì thị trường còn rất lớn nhưng cũng là con số rất đáng suy nghĩ", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Về thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết, hiện 7% giao dịch trên thị trường được thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử.

Bà Việt Anh cho rằng, ngoài chính sách khuyến khích như miễn, hoàn thuế cho doanh nghiệp sử dụng thanh toán điện tử, thì cần giải pháp thiết thực hơn.

Đơn cử, chính doanh nghiệp cung cấp giải pháp trung gian thanh toán, ngân hàng đưa có chính sách ưu đãi với người tiêu dùng khi chấp nhận thanh toán điện tử...

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử nhấn mạnh, thay vì các giải pháp hành chính, thì nên hỗ trợ, khuyến khích sự vào cuộc của các đơn vị cung cấp trung gian thanh toán, ngân hàng và nhất là doanh nghiệp.

"Khi doanh nghiệp thấy có lợi ích thực chất thì người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ sử dụng", bà Lại Việt Anh chia sẻ.

Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng lĩnh vực giao thông có nhiều dịch vụ phải thanh toán. Hình thức đầu tư BOT nhiều quốc gia triển khai, kể cả Mỹ. Hiện nay đưa ra 3 lộ trình thu phí. Giai đoạn một là thu phí không dừng nhưng vẫn cần barie, điều này thì vẫn mất thời gian. Việt Nam phải nạp tiền, đảm bảo có tiền rồi thì barie mới mở cửa.

Giai đoạn 2 là không cần người ở trạm thu phí mà chỉ có đầu đọc và đầu thu. Giai đoạn 3 còn cao hơn nữa qua ETC như ở Nhật Bản, tức là người lái xe thông qua trạm thu phí mà không cần phải dừng lại.

Tuy nhiên, Việt Nam đang ở giai đoạn 1 và phấn đấu đến năm 2019 bỏ barie. Gần đây Chính phủ còn chỉ đạo nghiên cứu loại hình thu phí theo kiểu trả sau, trước đây mới có trả trước.

Ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, Tổng giám đốc VETC thừa nhận, hiện tại đang có 2-3 đơn vị phát hành thẻ hiện chưa kết nối, liên thông được với nhau.

Thay mặt Diễn đàn VEPF 2016, ông Trương Gia Bình đưa ra 4 kiến nghị gửi tới lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ thanh toán khác.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị.

Thứ hai, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các địa phương, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành thống nhất, đồng bộ, sớm ban hành chuẩn kỹ thuật và thanh toán nhằm kết nối liên thông thanh toán phí giao thông và dịch vụ vận tải công cộng cũng như khả năng liên thông với các dịch vụ tiện ích khác.

Thứ ba, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.

Thứ tư, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận phối hợp triển khai các giải pháp khuyến khích và tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao thông vận tải.

Về các khuyến nghị trên, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong tuần này, Chính phủ đã họp bàn lần cuối về chính sách thu phí giao thông không dừng.

“Có thể trong tháng 11 sẽ ban hành quyết định cuối cùng về thu phí không dừng”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết./.