Đó là những thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vào chiều tối ngày hôm nay (01/10).

Cụ thể, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU).

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, việc này đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp và đến bây giờ chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Và tháng 5/2018, đoàn thanh tra của EU đã sang kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương và ghi nhận rất cao nỗ lực và sự quyết liệt của Việt Nam trong khắc phục để chúng ta sớm được rút “thẻ vàng”.

Tuy nhiên, một số vấn đề Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh để khắc phục, đó là: Hoàn thiện khung pháp lý; kiểm soát được tàu bằng lắp đặt các trang thiết bị; bảo đảm thực thi pháp luật chấm dứt tàu đánh bắt ở vùng biển không thuộc chủ quyền; bảo đảm truy xuất nguồn gốc hải sản hợp pháp khi xuất khẩu.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp trực tuyến và có Thông báo số 30 về các giải pháp đồng bộ thực hiện.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các giải pháp cấp bách và nhiệm vụ trọng tâm để hướng tới tháo gỡ thẻ vàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì cùng các bộ ngành và địa phương thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

“Đặc biệt chúng tôi đang tạp trung cao chuẩn bị mọi điều kiện để đón đoàn Nghị viện EU sẽ sang giám sát theo kế hoạch từ cuối tháng 10/2018. Hy vọng với những cố gắng, đoàn giám sát của EU sẽ có đánh giá tích cực hơn đối với những nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

EC sẽ xem xét lại vấn đề “thẻ vàng” của Việt Nam vào tháng 01/2019

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau thời gian kiểm tra từ ngày 15 - 24/5/2018, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận những tiến bộ từ Việt Nam và sẽ quay lại để xem xét vấn đề "thẻ vàng" với thủy sản của Việt Nam vào tháng 01/2019.

Tuy nhiên, để khắc phục được “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức lớn. Trong đó, việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng. Việc kiểm soát đánh bắt cũng lộ rõ nhiều vấn đề cần xử lý.

Hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Như vậy, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn.

Phía Việt Nam đã công bố thông tin thể hiện sự minh bạch, không giấu giếm và chia sẻ với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) là Việt Nam đang thiếu kinh phí lắp đặt thiết bị cho tàu cá và nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, dù Việt Nam đã lồng các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017, các nghị định, văn bản hướng dẫn… nhưng cần đẩy mạnh việc thực thi ở các địa phương.

Trước đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018) bao gồm: Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi; tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi.

Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác; tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác.

Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá; tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ.

Tăng cường và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong RFMOs (các tổ chức quản lý nghề cá khu vực)./.