Ngày 31/3, tại TP.Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TT (Quyết định 178) ngày 5/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát triển Thành phố đảo Phú Quốc: Nhìn lại sau gần 20 năm triển khai 178/2004/QĐ-TT

Qua gần 20 năm triển khai Quyết định, bộ mặt của "thành phố đảo" đã có nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg (Quyết định 178) về việc phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của "thành phố đảo" đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách chung của tỉnh, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2020 chiếm 51,6% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và góp 5,4% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 0,35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đến năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

Từ một địa phương "không có dự án đầu tư nào" thì đến năm 2023, đã thu hút 321 dự án đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.111 ha.

Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so năm 2004.

Thành tựu nổi bật là về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 thu hút chỉ có trên 130 nghìn lượt khách du lịch, thì đến năm 2020 đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 27 lần so với năm 2004, và vượt gần 17% so với mục tiêu tại Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, trong đó khách quốc tế trên 160 nghìn lượt, chiếm 4,2% cả nước (năm 2020 cả nước đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế).

Cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần năm 2004; trong đó khách quốc tế trên 560 nghìn lượt, chiếm 4,48% cả nước (năm 2023 cả nước đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế).

Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2023, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel+Leisure vinh danh đảo Phú Quốc là "Một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam"....

Đến nay, hệ thống hạ tầng của Phú Quốc cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia. Cùng năm, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên; đến nay đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay, các đường bay quốc tế đã kết nối đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo đúng mức, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy; thu nhập và đời sống của nhân dân liên tục được cải thiện. Nếu như năm 2004 chỉ có 2 trường mẫu giáo và 24 trường phổ thông thì hiện nay, trên địa bàn thành phố có 106 trường học các cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm, sự nghiệp y tế được tăng cường cả về số lượng cán bộ y tế và cơ sở vật chất.

Phát triển Thành phố đảo Phú Quốc: Nhìn lại sau gần 20 năm triển khai 178/2004/QĐ-TT
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Phú Quốc có tiềm năng, lợi thế đẳng cấp cao, tính độc nhất vô nhị

Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phú Quốc là một tọa độ phát triển khác biệt và khác thường, không giống bất cứ địa phương nào khác trên nhiều phương diện.

Theo đó, Phú Quốc có tiềm năng, lợi thế đẳng cấp cao, tính độc nhất vô nhị, được tạo điều kiện với tầm nhìn phát triển vượt trội, năng lực thu hút đầu tư – phát triển quy mô lớn, tốc độ cao và đẳng cấp quốc tế; lộ trình phát triển vượt cấp, cùng thành tích tăng trưởng và phát triển mang tính "thần kỳ".

TS Trần Đình Thiên cho rằng, sau 20 năm, Phú Quốc đã có những bước tiến vượt bậc, cả về số lượng – quy mô, vị thế và chất lượng – tầm vóc. Bảng sau đây cho thấy tỷ trọng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 của Phú Quốc trong tỉnh Kiên Giang, vùng ĐBSCL và cả nước (%):

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng tầm khát vọng phát triển, xây dựng Đề án mới cho Phú Quốc- Ảnh 5.

Về đẳng cấp phát triển, trong vòng 2 thập niên, Phú Quốc đã chuyển mình từ một huyện đảo nghèo, cách xa và hầu như tách biệt khỏi các trung tâm phát triển lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, hầu như "vô danh" về mặt phát triển, hầu như "thuần nông" với đô thị cấp thị trấn (đô thị loại 5), tiến thẳng lên đô thị loại 2, trở thành một thành phố du lịch biển đảo hiện đại, đã đạt khá nhiều tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế. Điều này đã thực sự xảy ra, không theo lộ trình "đô thị hóa tuần tự".

Xét riêng trong tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là "thỏi nam châm" có sức hút đầu tư cực mạnh, đang đóng vai trò là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng hàng đầu của Kiên Giang và của Vùng ĐBSCL. Đến năm 2020, vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của Phú Quốc tăng nhanh, đạt 140.724 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của tỉnh.

Riêng về đầu tư, hiện Phú Quốc đã thu hút 338 dự án với số vốn 18 tỷ USD, đây là thành công vượt bậc với một địa phương cấp huyện. Số lượng doanh nghiệp đăng ký của Phú Quốc xếp trên 23 tỉnh, với sự hiện hiện của các nhà đầu tư bất động sản và du lịch hàng đầu, phần lớn là các tập đoàn kinh tế tư nhân "thuần Việt".

Đó là kết quả của một tư duy phát triển theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, nỗ lực đột phá, tiến vượt, đua tranh quốc tế theo định hướng khác biệt và đẳng cấp. Thực tế cho thấy, tầm nhìn vượt trội và cách tiếp cận phát triển đi trước, khác biệt càng được hiện thực hóa nhanh – đồng bộ, Phú Quốc càng vươn lên nhanh, càng đóng góp tốt (vượt bậc) cho sự phát triển của tỉnh, vùng và cả nước; vị thế tiên phong – dẫn dắt và lan tỏa phát triển, cạnh tranh quốc tế của Phú Quốc càng được nâng cao.

Mặt khác, quá trình phát triển Phú Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, còn chịu những ràng buộc, hạn chế về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực. Thành phố Phú Quốc cơ bản vẫn vận hành trong khung khổ thể chế của một đơn vị hành chính cấp huyện thông thường.

Nhắc tới câu chuyện kéo điện ra Phú Quốc và Vân Đồn (Quảng Ninh), ông Trần Đình Thiên khẳng định, nếu chúng ta biến những thách thức thành cơ hội, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giải quyết các thách thức đó thì sẽ tạo sự phát triển mạnh mẽ, đột phá, mà Phú Quốc là một ví dụ.

Do đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục "mở và nâng tầm phát triển" cho Phú Quốc, xác định rõ và đúng tầm vị thế vùng - quốc gia (động lực tăng trưởng, chức năng dẫn dắt và lan tỏa phát triển) và quốc tế (tiên phong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu – khu vực) đặc biệt của Phú Quốc.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Đồ án quy hoạch Phú Quốc tới năm 2040 đã khá chi tiết, điều quan trọng nhất là lên danh mục dự án, công trình và cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng đề nghị nghiên cứu để Phú Quốc có quy chế đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được quy định trong Hiến pháp; phân cấp, phân quyền theo mô thức bổ trợ (subsidiary): Tất cả các thẩm quyền mà Phú Quốc có thể đảm nhiệm thì giao hết cho Phú Quốc, chỉ những thẩm quyền Phú Quốc không thể đảm nhiệm mới giao lên cấp trên.

Xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc, đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm dự thảo Thông báo kết luận Hội nghị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để thống nhất thực hiện; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc để đề xuất cấp có thẩm quyền, đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực, con người Phú Quốc và Kiên Giang.

Thủ tướng nêu rõ, Phú Quốc có vai trò, vị trí quan trọng, rất đặc thù đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

"Nơi đây có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy Phú Quốc phát triển. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm và có ưu tiên về chính sách, nguồn lực, tiềm lực bảo vệ an ninh quốc phòng", Thủ tướng nói.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và thành tựu đạt được của chính quyền, quân và dân Thành phố Phú Quốc nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung suốt nhiều năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm và có thể phát triển tốt hơn. Phú Quốc cũng đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững như bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường (vẫn chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải phù hợp quy mô dân số); hạ tầng chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Yêu cầu, điều kiện, sự phát triển càng ngày càng cao hơn nhưng nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực chưa được như mong muốn, chưa ngang tầm sự phát triển. Bên cạnh đó là những bất cập liên quan quản lý đất đai, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...

Theo Thủ tướng, có 3 vấn đề rất quan trọng để phát triển các đảo gồm nước, điện và sóng.

Nhấn mạnh một số quan điểm, tầm nhìn, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của Phú Quốc; việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm, đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Phú Quốc, góp phần cho sự phát triển của Kiên Giang và ĐBSCL.

"Định hướng phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững; trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, thành phố hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch đẹp, an toàn, là nơi đáng sống", Thủ tướng khái quát mục tiêu.

Để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc.

Cùng với đó, lựa chọn các công việc ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm phát triển, nhất là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, Thành phố.

Thực hiện nghiêm các quy hoạch, trong đó có Đồ án quy hoạch chung Phú Quốc tới năm 2040 đã được phê duyệt; phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí; cảng hàng không, cảng biển; khu bảo tồn thiên nhiên...

Phát triển mạnh mẽ kinh tế biển kết hợp chặt chẽ giữa tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục chú trọng tạo sự chuyển biến về chất, bảo đảm sự bền vững trong phát triển du lịch Phú Quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh "6 đẩy mạnh" trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển Phú Quốc thời gian tới, gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử bản sắc, hào hùng của Phú Quốc, Kiên Giang, vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ và du lịch.

Thứ sáu, đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương với Phú Quốc và Kiên Giang để Phú Quốc phát triển theo mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hạ tầng; phát triển công nghiệp văn hóa, quốc tế hóa các bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới; xây dựng các trung tâm xử lý rác thải hiện đại; xây dựng các hồ dự trữ nước ngọt; phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội./.