Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh 2021-2030: Tạo không gian, động lực và những giá trị mới cho Thành phố
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với khu vực, thế giới; là trung tâm lớn kinh tế hàng đầu của cả nước cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn cho vùng cả nước.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, phát triển của thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể: tiềm năng, thế mạnh, các đột phá, sáng tạo chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng vượt trội, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt với cả vùng và cả nước đang có chiều hướng suy giảm.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động vào tăng trưởng của Thành phố thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, dựa nhiều vào ngành thâm hụt lao động, dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải, các ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, y tế, giáo dục, du lịch chưa đóng được vai trò chủ đạo.

Tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập, chưa tạo lợi thế phát triển nhanh và bền vững; nhiều hạ tầng và không gian phát triển khu công nghiệp còn hạn chế; việc thu hút đầu tư và liên kết nội vùng, liên vùng giữa Thành phố với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác của cả nước còn nhiều bất cập, hạn chế; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, nội lực của các địa phương. Từ đó, tính dẫn dắt và lan tỏa của trung tâm kinh tế lớn, hàng đầu của cả nước đối với các địa phương và các vùng xung quanh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Lợi thế cửa ngõ quốc tế của Thành phố sẽ suy giảm dần.

Kết cấu hạ tầng đô thị đang quá tải so với phát triển nhanh của dân số, chậm phát triển các hạ tầng khu đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm dẫn đến đời sống của người dân đô thị chưa cao; trong đó các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, ngập úng ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với đô thị lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu đô thị ven sông, hướng biển.

“Các tỉnh, thành khác vượt lên, TP. Hồ Chí Minh chậm lại. Sắp tới, lợi thế cửa ngõ quốc tế chắc chắn sẽ suy giảm” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định và đề nghị các đại biểu dự hội thảo đóng góp ý kiến để lựa chọn hướng đi phù hợp cho TP. Hồ Chí Minh.

Theo phân tích của Dự thảo quy hoạch, Thành phố đang chịu nhiều áp lực do ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự tập trung quá tải, đầu vào sản xuất tăng cao dẫn đến năng lực cạnh tranh bị suy giảm. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu và cấu trúc các ngành kinh tế còn nhiều bất cập; sự chuyển đổi chưa bắt kịp với các xu hướng, thời cơ phát triển mới của thời đại.

Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển. Kết cấu hạ tầng quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển của Thành phố. Liên kết vùng chưa hiệu quả, chưa phát huy được vị thế, vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế chung của vùng và cả nước.

Trình độ lao động ở mặt bằng chung còn thấp; nhóm có thu nhập bình quân cao chỉ chiếm 5%. Tỷ lệ lao động phi chính thức còn cao. tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thành phố thấp hơn mức bình quân cả nước và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ gia tăng năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh có xu hướng thấp hơn với bình quân chung cả nước.

TP. Hồ Chí Minh cũng bị đánh giá hạn chế trong thu hút FDI do thiếu mặt bằng sản xuất, trong cơ cấu vốn, FDI chỉ chiếm 13,3%. Vốn của các tổ chức doanh nghiệp trong nước chiếm 52,3%, là nguồn lực đầu tư lớn nhất, tuy nhiên lực lượng doanh nghiệp này phần lớn có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, khó tạo ra tăng trưởng về năng suất lao động chung cho nền kinh tế.

Lực lượng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhiều, nhưng đa số quy mô nhỏ. Cụ thể, Thành phố có 200.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp và 65% tổng số lao động. Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ nhỏ 3,4% tổng số doanh nghiệp, nhưng tạo ra khoảng 25% số lượng việc làm. Số lượng doanh nghiệp có dưới 5 lao động chiếm tới 2/3 tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh 2021-2030: Tạo không gian, động lực và những giá trị mới cho Thành phố
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh quyết tâm của Thành phố trong xây dựng, thực hiện quy hoạch. Ảnh: MPI

Chuyên gia đề nghị Thành phố nên lựa chọn kịch bản tăng trưởng lên 9% thay vì 8,3%

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trong công tác lập quy hoạch, là cơ hội cho Thành phố trong giai đoạn phát triển tới đây.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, hiện các cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị cũng như các quy hoạch cơ bản đã hoàn thành; các nghị quyết về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết về phát triển TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành... là cơ sở để TP. Hồ Chí Minh khi xây dựng quy hoạch có thể tích hợp, lồng ghép tạo không gian, động lực và những giá trị mới cho Thành phố.

Để đảm bảo bản quy hoạch có chất lượng cao nhất, hiệu quả, khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu tham dự là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành cho ý kiến việc xác định các vấn đề trọng tâm.

Còn Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn hội thảo giúp nhận diện rõ hơn những hạn chế, khai mở hết tiềm năng để Thành phố làm tròn vai trò là một trung tâm phát triển, không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, mà của cả nước và xa hơn, là của khu vực.

“Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh không chỉ vì sự phát triển của thành phố và cũng không tự làm một mình được” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói thêm.

Nêu ý kiến về định hướng xây dựng quy hoạch, GS.TS, KTS Trần Trọng Hanh - Chủ nhiệm Đồ án quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cho rằn,g với quy mô dân số gần 10 triệu dân, TP. Hồ Chí Minh sẽ là 1 trong 20 siêu thành phố trên thế giới; trong khi quỹ đất thuận lợi để khai thác còn lại rất ít.

“Kiểu phát triển “vết dầu loang” (đô thị đơn cực) lâu nay không thích hợp nữa, thay vào đó, thành phố phải phát triển đa cực, xanh, thông minh, đảm bảo môi trường bền vững. Mô hình phát triển mới cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng di dân ồ ạt, nâng cao chất lượng sống cho người dân”, vị chuyên gia này chỉ rõ.

TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhấn mạnh vào vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong vùng khu vực. Theo ông, TP. Hồ Chí Minh từng là ví dụ tiêu biểu của đổi mới sáng tạo, nhưng bây giờ dường như “dè dặt hơn nhiều”.

Về các kịch bản tăng trưởng dự kiến trong dự thảo quy hoạch, TS. Cao Viết Sinh cho rằng, các kịch bản nêu trong quy hoạch có phần chưa hợp lý, bởi nếu Thành phố chỉ chọn tăng trưởng 8,3%, là mức kịch bản trung bình, thì vùng không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định. Ông đề xuất mức hợp lý với Thành phố phải là 9%.

Tập trung về kịch bản tăng trưởng, GS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng luận điểm lựa chọn và phân tích cho kịch bản tăng trưởng vẫn còn “lúng túng”.

Những lý do lựa chọn kịch bản tăng trưởng thứ hai là 8,3% chưa thuyết phục, như việc tăng trưởng không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý rằng, TP. Hồ Chí Minh có độ mở rất lớn và kinh tế Thành phố cũng phụ thuộc vào độ mở đấy.

"Vì vậy cần có những phân tích rất thận trọng, mô hình tăng trưởng của Thành phố cần được đặt trong mô hình tăng trưởng của vùng", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông Thành nhắc nhở rằng, thời gian qua, vấn đề tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh bị giới hạn, nên việc quy hoạch quan trọng làm sao có thể xử lý để mở rộng không gian, cần phân tích sâu về mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh 2021-2030: Tạo không gian, động lực và những giá trị mới cho Thành phố
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, quy hoạch sẽ góp phần quan trọng để TP. Hồ Chí Minh phát triển bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: MPI


Quy hoạch sẽ góp phần quan trọng để TP. Hồ Chí Minh phát triển bứt phá trong thời gian tới

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh quyết tâm của Thành phố trong xây dựng, thực hiện quy hoạch và cho biết, thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ đảm nhận vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế; xác định vai trò, vị trí của mình trong phát triển đất nước.

"Do vậy, Thành phố xác định quy hoạch lần này làm sao phải nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế, khai thác hết các tiềm năng, không gian, động lực mới cho phát triển để Thành phố", ông Mãi

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Chủ tịch Thành phố cho biết, sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo quy hoạch để đóng góp cho sự phát triển, trở thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước; trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền theo quy định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, hoàn thiện, trong đó cần đánh giá cụ thể hơn, rõ hơn nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế dẫn đến các điểm nghẽn, nút thắt; từ đó xác định vai trò, sứ mệnh của Thành phố trong vùng, cả nước, khu vực và quốc tế; xác định các trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên phát triển và có giải pháp phù hợp; phải có các giải pháp đột phá để giải quyết ba vấn đề: ùn tắc giao thông, ô nhiễm và ngập úng.

Bộ trưởng cũng lưu ý các vấn đề làm thế nào để phát triển Thành phố đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa; là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam đã được xác định trong các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia, trở thành thành phố kết nối toàn cầu bền vững; kinh tế, văn hóa đặc sắc; đáng sống; hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước. Theo đó, cần tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các quy hoạch, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo các xu hướng mới; chú trọng công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt nhấn mạnh trung tâm tài chính quốc tế; rà soát lại các kịch bản tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng để Thành phố phát triển nhanh hơn, xứng đáng đầu tàu kinh tế của vùng và của cả nước.

Về xác định các ngành, lĩnh vực quan trọng, tổ chức không gian phát triển, Bộ trưởng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần bám sát Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước; phát huy hiệu quả nguồn lực con người; lựa chọn sản phẩm có giá trị cao; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp sinh thái dựa trên công nghệ cao; hình thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển du lịch thành trung tâm hàng đầu khu vực; tập trung phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống và xây dựng bản sắc riêng, trở thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa, lan tỏa, khẳng định giá trị cốt lõi của văn hóa trong quy hoạch.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Thành phố trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; đây là xu hướng, động lực tạo ra giá trị dựa trên nguồn lực dồi dào. Cùng với đó, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng đồng bộ hiện đại, hiệu quả; khai thác mạnh mẽ không gian ngầm; cần có các giải pháp đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ các đường sắt đô thị, các đường vành đai để tạo không gian phát triển mới; Xây dựng quản lý, phát triển thành phố theo hướng toàn cầu đa trung tâm, thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát việc chia các tiểu vùng…

"Với tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn mới, mang tính đột phá, phù hợp với các chủ trương đã được ban hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố, phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới, quy hoạch sẽ góp phần quan trọng để TP. Hồ Chí Minh phát triển bứt phá trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng./.