Đà Nẵng cần cơ chế chính sách mới để khắc phục những thách thức mới
Chiều 4/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: MPI |
Cần thiết phải đề xuất các cơ chế chính sách mới, nhằm khắc phục những thách thức mới của Đà Nẵng
Ngày 30/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội còn chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm.
Bối cảnh thực tế hiện nay, Thành phố cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách mới, nhằm khắc phục những thách thức mới đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới là cần thiết.
Đà Nẵng đề xuất được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu
Theo dự thảo, Đà Nẵng đề xuất được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu.
Cụ thể, đây là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại-dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan. Theo đó, quan hệ mua - bán, trao đổi hàng hóa giữa khu thương mại tự do Đà Nẵng với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có các chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do được áp dụng tương tự dự án đầu tư trong khu kinh tế (theo quy định của pháp luật về đầu tư). Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không quá 70 năm.
Mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất, thời hạn áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng được áp dụng tương tự trong khu kinh tế. Bên cạnh đó, hàng hóa, dịch vụ được mua-bán, cung ứng giữa nội địa và nước ngoài với Khu thương mại tự do được áp dụng tương tự quy định pháp luật về thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khu phi thuế quan.
Ngoài ra, các ưu đãi đầu tư khác tương tự khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, kế toán, thuế, đất đai và pháp luật có liên quan. Mặt khác, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng những mức ưu đãi đầu tư khác nhau trong cùng một thời gian thì nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, Đà Nẵng đề xuất một số ưu đãi như: Nhiều đối tượng không bị giới hạn về số lượng và giá trị hàng hóa khi mua hàng miễn thuế ở Khu thương mại - dịch vụ thuộc khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, khu thương mại tự do Đà Nẵng. Thành phố được thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Đà Nẵng có thể xin thêm cơ chế về visa trong khu thương mại tự do
Tại cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý, Đà Nẵng có thể xin thêm cơ chế về visa trong khu thương mại tự do (kéo dài thời gian lưu trú để thu hút khách du lịch, chuyên gia). Chính sách thuế cũng cần ưu đãi; trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để thu hút người lao động, chuyên gia. Có thể cấp phép doanh nghiệp làm trụ sở mà không cần dự án. Tuy nhiên, cần cơ chế quản lý phù hợp, vừa tự do, nhưng vẫn có thể quản lý.
“Về phân cấp phân quyền, cần phân cấp triệt để cho thành phố Đà Nẵng, tức là ban quản lý. Nếu có thể thì đây sẽ là cuộc cách mạng về FDI, tạo tiền đề từ phát triển Đà Nẵng tới cả Việt Nam. Riêng về phát triển trung tâm tài chính, Đà Nẵng nên khoanh vùng ở mức độ nhất định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thông qua buổi họp đã mở ra nhiều nội dung mà Đà Nẵng nên tiếp thu, điều chỉnh theo hướng phù hợp; trong đó, với khu thương mại tự do, nên cho phép để cụm từ "thí điểm" vì hiện bị hạn chế về luật; hướng tới giản lược về thủ tục, ấn định thời gian tối đa phê duyệt thủ tục cho nhà đầu tư từ khi nộp hồ sơ hợp lệ; cần quy định ràng buộc trách nhiệm của thành phố trong việc này.
Về mặt đầu mối, cần phân cấp, nếu Đà Nẵng phân cấp cho khu công nghệ cao, khu công nghiệp, thì sẽ không cần thông qua các sở vì hiện nay đã có cơ sở pháp lý, chỉ cần quy định thêm.
Về thu hút nhân lực làm việc trong ngành bán dẫn, Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện nay, Thành ủy Đà Nẵng nhận được rất nhiều câu hỏi của nhiều kỹ sư. Họ mong muốn được miễn thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian nhất định (khoảng 5 năm). Doanh nghiệp cũng đề xuất về ưu đãi thuế ở mức độ nhất định trong 5 năm đầu để có điều kiện phát triển. Ưu đãi thuế cần được áp dụng cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu.../.
Bình luận