Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nhiệm vụ này tại Hội nghị của ngành tài nguyên và môi trường triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 ngày 8/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2018, ngành đã kiến tạo thể chế, chính sách, pháp luật nhằm xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững

Toàn ngành đã rà soát, đánh giá thực tiễn, trình ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ ngay những vướng mắc về quản lý tài nguyên phục vụ hiệu quả cho phát triển; thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp tài nguyên biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ. Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thành tổng kết, sơ kết 03 nghị quyết quan trọng của Đảng về đất đai, biển đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; trên cơ sở đó ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tăng cường quản lý đất đai.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.

Trong 3 năm 2016-2018, toàn ngành đã tiến hành hơn 7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hơn 22 nghìn tổ chức, kiến nghị thu hồi gần 13 nghìn ha đất, truy thu hơn 64 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ (riêng năm 2018, xử phạt vi phạm hành chính 116 tỷ đồng, thu hồi 695 ha đất). Trong năm 2018, đã tổ chức tiếp hơn 6 nghìn lượt người với hơn 100 lượt đoàn đông người; tiếp nhận và xử lý hơn 12 nghìn lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo (giảm 8,65% so với năm 2017). Bộ đã thẩm tra, xác minh, xử lý 100% vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, giải quyết 91 vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài.

Ngành đã thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0

Ngành đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Nỗ lực cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là ở các địa phương đã nâng chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản lên mức xếp hạng 60 trong 190 nước được đánh giá. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 99 thủ tục hành chính (tăng gấp 5 lần năm 2017, vượt mức Thủ tướng Chính phủ giao).

Tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh giản đầu mối, giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả (riêng ở Bộ đã giảm 189 tổ chức cấp phòng trở lên; tinh giản 677 công chức, viên chức; có 16 đơn vị sự nghiệp chuyển sang tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên).

Chủ động tham gia vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác song phương huy động được nhiều nguồn lực, kinh nghiệm, tri thức về quản lý tài nguyên môi trường.

Đóng góp nhiều sáng kiến quy mô toàn cầu, khu vực về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ngành đã từng bước khắc phục tình trạng lãng phí, tăng cường nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh. Đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ cấp tỉnh. Đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng; trong 3 năm đã đưa hơn 50 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Đã xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30 nghìn ha. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400 nghìn ha. Thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất lên trên 121 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% thu ngân sách nội địa.

Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,2% diện tích cần cấp. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 161 huyện, quận; 8 tỉnh thành đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao.

Tài nguyên nước đang được quản lý, sử dụng bền vững phục vụ an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh kinh tế hoá, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt 7.000 tỷ đồng, năm 2018 thu hơn 850 tỷ đồng. Điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng cho sản xuất, giảm lũ và phát điện.

Tiềm năng khoáng sản, giá trị về địa chất từng bước được chuyển hoá thành các nguồn lực. Đã xác định nhiều vùng, nhiều loại khoáng sản tiềm năng như: urani Quảng Nam, đồng Kon Tum, vàng, thiếc, wonfram và khoáng chất công nghiệp vùng Tây Bắc. Tiềm năng khoáng sản đã được chuyển hoá thành nguồn lực thông qua đấu giá các mỏ, thu ngân sách năm 2018 đạt 4 nghìn tỷ đồng. Phát hiện nhiều di sản địa chất với nhiều nét đặc trưng được ghi danh trên bản đồ địa chất toàn cầu (Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng). Các nghiên cứu về tai biến địa chất đã dự báo các nguy cơ sụt lún, sạt lở, phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH, phát triển không gian ngầm. Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã từng bước được ngăn chặn.

Ngành cũng đã đổi mới phương thức quản lý môi trường từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Chủ động kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng. Các chỉ số về môi trường ở các địa phương có sự chuyển biến tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 88%, trong đó có 53% đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng 5%; tỷ lệ chất thải rắn đạt 85,5%. Nhiều địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Ninh Thuận… đã triển khai các mô hình tái chế rác thải sinh hoạt. Trước tình trạng phế liệu chuyển dịch vào Việt Nam, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27 và triển khai các giải pháp giải quyết và phòng ngừa từ xa.

Các chỉ tiêu chính ngành Tài nguyên và môi trường trong năm 2019

- 100% KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;

- 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý;

- 2% thu ngân sách nội địa là từ đất đai, có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp;

- 62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ;

- 55% số trạm quan trắc KTTV được tự động hóa; xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL kết nối liên vùng;

- 28% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản với tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản với tỷ lệ 1:50.000;

4 vấn đề trọng tâm đặt ra cho năm 2019 và các năm sau đối với BộTài nguyên và Môi trường

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ Tài nguyên môi trường trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Cụ thể, Bộ đã tích cực đổi mới phương thức quản lý môi trường từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Bộ đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 97,2% diện tích cần cấp. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt được các kết quả quan trọng cho thấy “chúng ta đã đi đúng hướng, tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Về các mặt tồn tại, hạn chế của ngành, Thủ tướng dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát xã hội, trong đó có câu hỏi “vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì?”; kết quả là có 4/14 điều liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường. “Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng”, Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật... Thủ tướng cũng đề nghị phải xem xét thận trọng việc cho phép mở rộng các nhà máy xi măng trước tình trạng nhiều núi đá vôi bị khai thác triệt để. Tại một số đô thị, nội đô ngập nặng, “đường biến thành sông” khi gặp mưa lớn.

Một số cán bộ trong hệ thống tài nguyên và môi trường chưa gương mẫu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn....

Thủ tướng nêu 4 vấn đề trọng tâm đặt ra cho năm 2019 và các năm sau đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường .

Thứ nhất, theo dự báo, Việt Nam là một công xưởng lớn của thế giới và một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh của khu vực và trên toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ quan trọng. Ngành cần có giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này, “phải coi chừng tình trạng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam”.

Thứ hai, một câu hỏi đặt ra với Bộ Tài nguyên và Môi trường là làm thế nào để có thể chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba là ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng đặt bài toán này cho ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trong biến đổi khí hậu chung của cả nước, Thủ tướng đặc biệt lưu ý biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, sạt lở sông biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền Bắc.

Thứ tư là vấn đề xã hội hóa nguồn lực, kinh tế tài chính trong tài nguyên và môi trường .

Nêu rõ phương châm hành động năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” và đề nghị phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật về môi trường, “làm sao giảm tình trạng xin - cho, công khai minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm vi phạm, nhanh chóng, thuận lợi, phân cấp mạnh mẽ...”.

Thủ tướng đồng tình với mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra trong năm 2019 là phải rà soát để hoàn thiện tất cả các quy chuẩn về môi trường tiệm cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố.

Nhấn mạnh yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý, Thủ tướng đề nghị ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thành 4 quy hoạch trong 2 năm tới: Quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch môi trường quốc gia.

Bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng lưu ý bất cập trong định giá quyền sử dụng đất. Cần đổi mới công tác định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế, chống thất thoát, lãng phí.

Hiện nay, còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xác định quỹ đất này để đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó phải phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc.

Cần chú trọng các nguy cơ liên quan đến sạt lở, lún sụt, động đất cũng như khám phá các giá trị địa chất Việt Nam để bảo vệ, phát triển du lịch. Phải tiếp tục quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông. Có phương án phục hồi các dòng sông “chết”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngày càng tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phấn đấu trở thành ngọn cờ đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ngành tài nguyên và môi trường cần đi đầu trong phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm./.