Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2019 ước tính tăng 27,6% so với tháng 2 chủ yếu do có số ngày làm việc nhiều hơn. So với cùng kỳ năm trước, IIP tháng 3 tăng 9,1%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%.

Tính chung quý I/2019, IIP ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 11,1%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tuy nhiên tốc độ tăng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm 2018. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,1% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm mức tăng chung.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 73,2%; sắt, thép thô tăng 64,8%; ti vi tăng 49,3%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 37,8%; ô tô tăng 22,3%; phân u rê tăng 13,1%; sơn hóa học tăng 12,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 12,4%; giày, dép da tăng 11,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 10,9%.

Thanh Hóa dẫn đầu về sản xuất công nghiệp

Trong quý I/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Thanh Hóa có tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 51,2% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018; Trà Vinh tăng 40,4% do Công ty Nhiệt điện Duyên hải tăng sản lượng điện sản xuất; Hà Tĩnh tăng 33,8% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa.

Công ty Nhiệt điện Duyên hải

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 20,1%; Vĩnh Phúc tăng 11,5%; Quảng Ninh tăng 10%; Hải Dương tăng 9,6%; Quảng Nam tăng 9%; Đồng Nai tăng 7,6%; Bình Dương tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,9%; Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh cùng tăng 6,2%; Thái Nguyên tăng 5,5%; Đà Nẵng tăng 5%.

Các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9% do khai thác dầu thô tiếp tục giảm; Hòa Bình và Sơn La giảm lần lượt là 8,9% và 16,8% do sản lượng điện sản xuất giảm; Bắc Ninh giảm 10,5% do sản xuất sản phẩm linh kiện điện thoại giảm mạnh.

Lao động tại doanh nghiệp công nghiệp Đà Nẵng tăng mạnh

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2019 tăng 1,4% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,1%.

Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2019 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 7,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 7,4%; Quảng Nam tăng 4,3%; Bình Dương và Vĩnh Phúc cùng tăng 4,1%; Hải Dương tăng 3,9%; Hà Nội và Đồng Nai tăng 1,9%; Quảng Ninh tăng 1,3%; Cần Thơ tăng 0,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,3%; Thái Nguyên giảm 2,3%; Bắc Ninh giảm 10,4% và Đà Nẵng giảm 13,2%./.