ĐB. Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang): Chính phủ đang để nông dân “tự bơi” trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Trong nông nghiệp, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ, thực tế cho thấy, người sản xuất chịu hai loại rủi ro về tự nhiên và thị trường. Về thị trường là rủi ro về gía cả và hối đoái.

Ở các nước khác, về rủi ro tự nhiên người ta giúp nông dân có bảo hiểm rủi ro thiên tai, còn rủi ro về thị trường nông dân được hỗ trợ bằng cách giúp chuyển rủi ro đó từ người sản xuất sang người kinh doanh.

“Nhưng vấn đề đó không phải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Vậy ai làm tổng thể giải quyết cho người nông dân để sản xuất cái gì, cách nào và cho ai để giảm rủi ro cho người sản sản xuất?”, vị đại biểu này đặt câu hỏi.

Còn đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) lại cho rằng, Chính phủ đang để nông dân “tự bơi” trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách trong việc phát triển thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Cũng đồng tình với các đại biểu trên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lại quan tâm đến chính sách đối với người trồng lúa.

“Trong nghị quyết Quốc hội nói rất rõ ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực để những vùng sản xuất lúa, để người dân an tâm sản xuất lúa. Trong thực hiện vừa qua tôi cảm thấy chưa thực sự ưu tiên, nhất là cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi là có sản lượng lúa lớn nhất. Vì trong thực hiện Quyết định 42, hầu như cả nước triển khai thực hiện hỗ trợ cho nông dân, chưa thực sự ưu tiên cho vùng”, ông nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nông dân vùng trồng lúa chuyển đổi sang trồng cây trồng khác nếu họ xác định được có thu nhập cao hơn. Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 42 để thay đổi cách thức hỗ trợ thay vì hỗ trợ 500.000 đồng/ha tới từng hộ gia đình trong khi ở miền núi mỗi hộ chỉ có vài trăm mét vuông, nhưng phải đi lại xa xôi thì nay tập trung vào giao cho chính quyền cơ sở chuyển giao kỹ thuật cho nông dân./.