Tại Hội nghị trực tuyến về công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tổ chức chiều ngày 16/12/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát cho rằng, thời gian qua, công tác thực hiện trồng rừng thay thế của các địa phương đã có những cố gắng nhất định, công việc có tiến triển, một số địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ cơ bản được giao. Tuy nhiên, còn rất nhiều địa phương chưa trồng được trên thực tế, nhìn chung là tiến độ còn rất chậm.

Về tình hình trồng rừng thay thế, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Bá Ngãi cho biết, đến tháng 12/2014, mới có 28/55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trồng rừng thay thế được 7.191ha; trong đó, diện tích trồng rừng trong năm 2014 là 4.648 ha, đạt 35% tiến độ kế hoạch năm; bao gồm: diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện 2.445ha, đạt 22% kế hoạch; diện tích trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác là 2.203ha, đạt 104% kế hoạch.

Diện tích trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác còn quá thấp so với kế hoạch đặt ra

Ngoài các địa phương tích cực, chủ động triển khai, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế theo tiến độ kế hoạch năm 2014, gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum; thì vẫn còn các địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn, nhưng chưa trồng, như: Lai Châu, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước, Trà Vinh.

Bên cạnh đó, một số địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn, nhưng kết quả đạt thấp, như: Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Yên, Lạng Sơn.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Ngãi, kết quả đạt thấp như vậy là do các cơ quan quản lý lâm nghiệp và chính quyền địa phương buông lỏng hoạt động kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế đối với chủ các dự án; các chủ dự án được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng không thực hiện quy định của pháp luật, dẫn đến tồn đọng kéo dài, việc giải quyết phức tạp hơn, làm cho quy định của pháp luật không được thực hiện nghiêm túc; nhận thức về trồng rừng thay thế ở nhiều nơi còn thiếu nhất quán, nên thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm.

Một số địa phương đã chấp thuận cho chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, nhưng lại để vốn tồn đọng, thậm chí có ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Trung ương cho sử dụng số tiền đã thu này để chi cho các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thay vì chỉ sử dụng cho thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế.

Hơn nữa, nhiều chủ dự án không thực hiện đúng trách nhiệm xây dựng phương án trồng rừng thay thế, thậm chí có biểu hiện trây ì, nhất là đối với các dự án đã hoàn thành việc khai hoang, chuyển mục đích sử dụng rừng và các dự án đã hoàn thành.

Để thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH 13, ngày 2/11/2013 của Quốc hội và Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 24/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành trồng rừng thay thế trong năm 2015, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương cần hướng dẫn sâu sát, tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và quy định của luật pháp tới những người có liên quan, đặc biệt là các chủ đầu tư.

Trong quá trình triển khai trồng rừng thay thế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các chủ đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về đất đai và giống.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Trách nhiệm chính trồng rừng thay thế là của các chủ đầu tư, vì vậy, các chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc luật pháp.

Đối với các doanh nghiệp trồng rừng thay thế chậm tiến độ sẽ chịu xử phạt theo đúng quy định, đặc biệt kiên quyết không cấp hoặc thu hồi rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghiêm túc trồng rừng thay thế./.