TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế, văn hóa của cả nước

Chặng đường dài gian lao, mà tự hào

Thời điểm mới sau giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), TP. Hồ Chí Minh đã gặp rất nhiều khó khăn, khi dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút nghiêm trọng. Sản xuất, dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục. Lại thêm chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; thiên tai xảy ra ba năm liền ở Nam Bộ ảnh hưởng đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến tranh, đói kém, tệ nạn xã hội, sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch… cùng những sai lầm duy ý chí trong cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh và xây dựng kinh tế, trong quản lý điều hành xã hội, tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, “bán như cho, mua như cướp”… gây nên tâm lý bất an cho mọi tầng lớp xã hội. Trong bối cảnh đó, Thành ủy, Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã tích cực tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh, chăm lo cải thiện đời sống cho nhân dân.

Với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã tìm ra những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “phá rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lĩnh vực lưu thông phân phối mở rộng thị trường, trước hết là thị trường Nam Bộ và thị trường quốc tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.

Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, sự kiên quyết tháo gỡ khó khăn đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố đạt kết quả rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm thời kỳ 1980-1985 đạt 8,17% so với 2,18% thời kỳ 1976-1980; thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.

Với tinh thần của Đại hội lần thứ VI của Đảng “tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước đã dứt khoát với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa Thành phố “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào thời kỳ lịch sử mới. Từ đó đến nay, Thành phố vẫn luôn giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội. Kinh tế Thành phố tăng trưởng liên tục, kể cả trong những thời điểm khó khăn. Từ năm 1991-1995, kinh tế Thành phố tăng mạnh, từ 9,8% năm 1991 lên 15,3% năm 1995.

Thời kỳ 1996-2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, tốc độ tăng trưởng GDP có giảm sút, nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn là một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước (9,0%). Bước vào thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng của Thành phố tăng liên tục trong 6 năm liền, từ 9,5% năm 2001 lên 11,6% năm 2004, 12,2% năm 2006 và 12,6% năm 2007.

Từ năm 2008, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội xuống thấp trầm trọng. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các quyết sách của Trung ương Đảng, các nhóm giải pháp của Chính phủ, huy động mọi nguồn lực, động viên mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, phấn đấu vượt qua cơn khủng hoảng, đạt mức tăng trưởng hợp lý, đóng góp cho cả nước hơn 1,7% trong tổng số 5,32%, mà cả nước đạt được năm 2009. Bình quân trong 5 năm (2006-2010), GDP cả nước tăng 7%, TP. Hồ Chí Minh tăng 11%.

Sang giai đoạn 2011-2014, dù tình hình kinh tế - xã hội chung của cả nước cải thiện chậm, thì tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn Thành phố tăng 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng 5,8%/năm của cả nước; từ năm 2013, GRDP năm sau tăng cao hơn năm trước, năm 2014 quý sau tăng cao hơn quý trước. Không những quy mô kinh tế mở rộng, mà chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện; yếu tố tăng trưởng kinh tế giảm lệ thuộc vào vốn đầu tư, năm 2011 vốn đầu tư xã hội chiếm 35,2% GRDP, sang năm 2014 chỉ chiếm 28,5%. Hệ số ICOR giảm, năm 2010 là 3,55, năm 2014 còn 3,45, hiệu quả đầu tư tăng. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; tăng dần tỷ trọng các nhóm ngành dịch vụ có giá trị cao và 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, cuối năm 2014 chỉ tăng có 1,65 lần so với cuối năm 2013.

Đóng góp của Thành phố vào ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước, vượt dự toán hàng năm. Năm 2014 dù rất khó khăn, Thành phố vẫn thu vượt 11,9%, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách tăng lên, nếu giai đoạn 2006-2010 một đồng vốn ngân sách thu hút 8,5 đồng vốn đầu tư xã hội, thì giai đoạn 2011-2014 thu hút hơn 12,5 đồng. Đến năm 2014, GRDP trên địa bàn Thành phố đạt gấp 2 lần năm 2010, bằng 5,16 lần năm 2005. Tỷ trọng kinh tế Thành phố so với cả nước năm 2011 chiếm 18,3%, đến năm 2014 tăng lên 21,5%, ngày càng khẳng định vị trí kinh tế của Thành phố so với cả nước.

Đi đôi với việc chú trọng phát triển kinh tế, những năm qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiên trì và hết sức tập trung các giải pháp chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững. Do vậy, đến cuối năm 2014, số hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 2,78%. Đến cuối năm 2014, GRDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD, tăng 12,9% so với năm 2013 là 4.545 USD, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhiều nhất cả nước. Vốn đầu tư phát triển của Thành phố từ chỗ chiếm 5,03% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước vào năm 1976, đến nay đã chiếm khoảng 21%. Trong suốt 40 năm qua, Thành phố vẫn luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2014, Thành phố đã có 5.310 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 36,28 tỷ USD, chiếm 14,4% số vốn đăng ký và 30,1% số dự án còn hiệu lực trong cả nước.

Diện mạo Thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Trong 40 năm qua, nhất là sau Đổi mới, Thành phố tập trung các nguồn lực thực hiện quy hoạch đô thị, tăng cường quản lý đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Không gian đô thị được điều chỉnh, gắn với Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đời sống văn hóa, xã hội Thành phố ngày càng phong phú, đa dạng. Những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân Thành phố, như: tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo, năng động, sáng tạo… không ngừng được phát huy.

Vấn đề chăm lo sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng không ngừng được củng cố, cơ sở vật chất ngành y tế được nâng cấp, mở rộng (đạt 40 giường bệnh/vạn dân), hệ thống bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, một số cơ sở y tế kỹ thuật, chất lượng cao… góp phần đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân Thành phố và các địa phương lân cận.

Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Thành phố anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được hai lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Phải vươn lên ngang tầm với các đô thị trong khu vực

Trên cơ sở những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2631/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025, với mục tiêu: “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học, công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, thể thao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng và cả nước. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Theo đó, một số mục tiêu cụ thể, như: Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5%-10% và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5%-9%/năm. Quy mô dân số Thành phố đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người. Giải quyết việc làm đến năm 2015, hàng năm sẽ tạo ra 120.000 chỗ làm việc mới; đến năm 2020 sẽ tạo ra 125.000 và năm 2025 sẽ tạo ra 130.000 chỗ làm việc mới. Từ năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp kéo giảm xuống còn dưới 4%. Đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm.

Có thể nói, đây là những mục tiêu đòi hỏi cần có sự tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong công tác triển khai thực hiện; yêu cầu sự nỗ lực và sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo Thành phố và trên hết là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

Thành phố cũng cần nhìn thẳng vào những vấn đề vướng mắc, như đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã chỉ ra tại Hội thảo khoa học “TP. Hồ Chí Minh – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” đã diễn ra sáng ngày 17/3/2015. Đó là những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, như: năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố; vấn đề quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; tình trạng ngập nước; ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông; chất lượng nguồn nhân lực; quá tải ở một số bệnh viện; an toàn vệ sinh thực phẩm; thủ tục hành chính…

Một vấn đề nữa, theo TS. Trần Du Lịch, là TP. Hồ Chí Minh phải vươn lên ngang tầm với các đô thị trong khu vực ASEAN chứ không thể nhìn sang Đồng Nai, Biên Hòa hay các tỉnh lân cận. Như thế đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải tiếp tục đóng vai trò đầu tàu phát triển của cả nước, mang tính lan tỏa tác động để cùng cả nước phát triển. Trong giai đoạn phát triển mới này, với truyền thống năng động sáng tạo liệu Thành phố có tiếp tục đóng góp được nhiều cho cả nước không? “Tới đây không phải Thành phố “xé rào” như những năm qua nữa, mà chúng ta phải xây dựng những mô hình cụ thể, phù hợp với hệ thống pháp luật để nâng sức cạnh tranh lên và chúng ta tạo môi trường kinh doanh tốt” - ông Lịch phát biểu tại Hội thảo.

Với truyền thống năng động và sáng tạo, tin chắc rằng, Thành phố sẽ phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua những khó khăn và thách thức xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, GRDP trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 202.040 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của 3 năm liên tiếp gần đây (quý I/2012 tăng 7,4%; quý I/2013 tăng 7,6%; quý I/2014 tăng 7,7%). Quý I/2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 159.373 tỷ đồng, tăng 11,5%. Trong đó, doanh thu thương nghiệp chiếm 78,34%, đạt 124.855 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh bất động sản ước đạt 23.507 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 2631/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (2014). Báo cáo Tình hình thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh năm 2014

3. Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh (2015). Kỷ yếu Hội thảo khoa học TP. Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, ngày 17/3/2015

4. Lê Thanh Hải (2015). Phát biểu đề dẫn của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học TP. Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, truy cập từ http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2015/3/378169/#sthash.mhExwKcK.dpuf

PV

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 8/2015