Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh năm 2011, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ xây dựng NTM khá hoàn chỉnh. Sau 3 năm thực hiện Chương trình, Vĩnh Phúc đã có 20 xã được công nhận đạt chuẩn. Trong năm 2014, với mục tiêu về đích NTM theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, như: Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND, ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh về quy định cụ thể việc đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND, ngày 15/08/2014 ban hành quy định chi tiết một số điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, dấy lên phong trào thi đua sâu rộng. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh, nhất là các sở, ngành phụ trách tiêu chí NTM đều có những cán bộ, chuyên viên rất nhiệt tình, hăng hái tham gia chỉ đạo, giúp cơ sở đạt tiêu chí chất lượng cao. Với quan điểm tiếp tục chỉ đạo đầu tư, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Tỉnh đã tập trung ưu tiên cấp đủ vốn cho 17 xã đăng ký đạt chuẩn theo cơ chế hỗ trợ để hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn xã NTM trong năm 2014.

Nhiều hội nghị tuyên truyền về xây dựng NTM đã được triển khai đến người dân thông qua Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các ban quản lý cấp huyện, xã. Nhiều gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay trong xây dựng NTM tại các địa phương được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đường trục từ trung tâm xã Bồ Lý (Tam Đảo) nối với các thôn đã được trải nhựa theo Chương trình Nông thôn mới

Bên cạnh đó, năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành, thị và các xã tổ chức 19 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp xã với 2.000 lượt người tham gia; 370 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho trên 37.000 nông dân trong Tỉnh; hơn 100 lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp cho hơn 10.000 lao động nông thôn.

Nhờ những nỗ lực đó, đến hết năm 2014, tổng huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng NTM trên toàn Tỉnh đạt 2.570,155 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách: 806,736 tỷ đồng, (chiếm 31,4% tổng số vốn huy động); Vốn tín dụng: 782,127 tỷ đồng (chiếm 30,4%); Vốn huy động từ doanh nghiệp và nguồn khác đạt 68,646 tỷ đồng, (chiếm 2,7%); Vốn nhân dân đóng góp là 912,645 tỷ đồng (chiếm 35,5%).

Nhân dân đã hiến 85.170 m2 đất và đóng góp 15.750 công lao động cho xây dựng các công trình NTM.

Đến hết tháng 12/2014, toàn Tỉnh cứng hóa được 1.119,8 km (86,8%) đường trục xã; 1.364,7 km (81,1%) đường trục thôn, xóm và 370,3 km (34,9%) đường trục chính giao thông nội đồng.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Các công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập vùng khó khăn về nguồn nước đã từng bước được đầu tư theo Nghị quyết số 29/2011/NQ-HĐND, ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh về chương trình kiên cố hóa kênh mương và bê tông hóa mặt bờ kênh loại I, II giai đoạn 2012-2015.

Năm 2014, Ngành điện đang triển khai dự án cải tạo đường dây 10 kv khu vực huyện Tam Đảo, một phần lưới điện 10 kv khu vực huyện Yên Lạc, Tam Dương, phần lưới điện 10 kv còn lại của huyện Vĩnh Tường lên 22 kv trong dự án KFW. Dự kiến dự án hoàn thành năm 2015 sẽ góp phần lớn trong việc chống quá tải lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng trong toàn Tỉnh, tăng tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%.

Tính đến hết năm 2014, toàn Tỉnh đã có 67 trong tổng số 112 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học đạt gần 60% (tăng 13 xã so với năm 2013) trong đó, có 296/389 trường có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia gồm: Trường mầm non có 96/132 trường, đạt 73%; trường tiểu học 127/141, đạt 90%; trường trung học cơ sở 73/116, đạt 63%; có 38 xã có từ 2 trường đạt chuẩn trở lên, 6 xã có 1 trường đạt chuẩn, còn 01 xã chưa có trường đạt chuẩn là xã Đạo Trù huyện Tam Đảo.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động được 200,135 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 80,451 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng xây dựng trung tâm văn hóa (16 xã), hỗ trợ xây nhà luyện tập thể thao (17 xã), giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà văn hóa, làm sân thể thao đơn giản ở 144 thôn.

Đến nay, 112/112 xã có nhà văn hóa kiêm hội trường xã, có 974/1.072 thôn có nhà văn hóa. Đến hết năm 2014, toàn Tỉnh có 40/112 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tăng 20 xã so với năm 2013).

Toàn Tỉnh có 37/44 chợ nông thôn được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đã hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả, còn 7 chợ đang tiếp tục triển khai và hoàn thiện đưa vào sử dụng vào năm 2015.

Tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được áp dụng rộng rãi, việc áp dụng kỹ thuật - công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường. Tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: Su su (Tam Đảo), bí đỏ (Vĩnh Tường), thanh long ruột đỏ (Lập Thạch), dưa chuột (Tam Dương)... Nhiều giống vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao và hiệu quả được triển khai rộng rãi, như: Lợn siêu nạc, gà đẻ, bò sữa… góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Ước tính năm 2014, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 27,5 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng tập trung nguồn lực và tạo điều kiện để xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, phấn đấu vươn lên, từng bước thoát nghèo. Đến năm 2014, toàn Tỉnh chỉ còn 10.317 hộ nghèo chiếm 3,63%, giảm 3.401 hộ (1,3%) so với năm 2013; đã có 95/112 xã đạt tiêu chí hộ nghèo trong đó có 17/17 xã đăng ký đạt chuẩn 2014 đạt chuẩn tiêu chí theo quy định.

Đồng thời, đã giải quyết việc làm cho 16.117 lao động (đạt 76,75% so với kế hoạch năm). Trong đó, giải quyết việc làm trong công nghiệp - xây dựng 6.469 người; nông nghiệp 3.475 người; thương mại - dịch vụ 2.993 người; xuất khẩu lao động 1.143 người; giải quyết việc làm thông qua quỹ giải quyết việc làm được 2.023 người (Quỹ giải quyết việc làm quốc gia 1.176 người; Quỹ Giải quyết việc làm của Tỉnh được 861 người).

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp trang thiết bị và kiện toàn tổ chức, bộ máy phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt 65,2% (tăng 3,7% so với năm 2013). Đến cuối năm 2014 có 44/112 xã (40,1%) đạt chuẩn tiêu chí y tế, tăng 20 xã so với năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,2%, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 59,2%.

Trung tâm văn hóa xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường được xây dựng mới

Tính đến hết năm 2014, số xã đạt 19 tiêu chí trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt: 40 xã, tăng 20 xã so với năm 2013; Số xã đạt 15-18 tiêu chí đạt 01 xã; Số xã đạt 10-14 tiêu chí đạt 57 xã, tăng 13 xã so với năm 2013; Số xã đạt 7-9 tiêu chí đạt 13 xã, giảm 34 xã so với năm 2013.

Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã: Đạt 14,12 tiêu chí/xã, so với năm 2013 tăng 2,8 tiêu chí/xã, so với trước khi thực hiện Chương trình năm 2010 tăng 7,46 tiêu chí/xã.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện triển khai xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế đó là:

Thứ nhất, việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tỉnh thực hiện còn chậm, số liệu đôi khi thiếu đồng nhất... đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổng hợp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo các cấp.

Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai, phân bổ vốn và giải ngân thanh toán chậm, làm chậm tiến độ thực hiện ở nhiều địa phương.

Thứ hai, lĩnh vực phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn dù đã được các cấp, ngành quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng chưa đến được với người dân, nguồn vốn từ ngân sách còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Thứ ba, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng NTM ở cấp huyện, xã còn thiếu, có nơi còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ trong khi phải triển khai thực hiện rất nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Công tác tuyên truyền chưa trọng tâm, trọng điểm, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả.

Giải pháp để Vĩnh Phúc về đích trong xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu phấn đấu hết năm 2015, toàn Tỉnh có 56/112 xã (50%) đạt chuẩn nông thôn mới (riêng năm 2015 là 20 xã); có từ 01 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Vĩnh phúc cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; rà soát, bổ sung các quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, dễ thực hiện đối với cơ sở. Chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với các ngành rà soát, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết hàng năm. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để giữ vững và nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí để chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền ở thôn, xóm, hộ gia đình. Trong tuyên truyền cần phân rõ trách nhiệm nhà nước, từng đoàn thể chính trị - xã hội, hộ dân… trong tham gia tổ chức thực hiện từng nội dung, công việc cụ thể của mỗi tiêu chí nông thôn mới.

Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn. Tiếp tục triển khai việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp xã, thôn; tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình xây dựng nông thôn mới thành công; tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho nông dân.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, tập trung vào các giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi gia trại, trang trại, tập trung vào vùng, xã trọng điểm.

Năm là, tập trung huy động các nguồn lực. Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực của các cấp ngân sách; các ngành, các địa phương chủ động rà soát, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xem xét lại các dự án để khi thực hiện bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; kịp thời phân bổ vốn theo quy định của UBND Tỉnh cho các xã triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới./.