Năm 2016, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu

Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016, tăng 8,56% so với năm 2015, trong đó nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,15%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,94%; dịch vụ tăng 6,26% và thuế sản phẩm tăng 9,23%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vượt qua khó khăn, thách thức tiếp tục phát triển: Trồng trọt có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu giống cây trồng và mùa vụ. Nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao được đưa vào sản xuất. Lần đầu tiên Tỉnh đã xuất khẩu thành công sản phẩm thanh long ruột đỏ sang thị trường Malayxia.

Chăn nuôi phát triển mạnh, giá trị sản xuất tăng cao, đóng góp quan trọng giữ vững tốc độ phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được quan tâm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, ước năm 2016, có thêm 24 xã và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến hết năm 2016 có 92 xã và 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, cả ba khu vực kinh tế (nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) đều có sự tăng trưởng khá.

Mặc dù sản lượng xe máy các loại tiếp tục giảm; nhưng hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Tỉnh đều tăng so với năm 2015, có những sản phẩm tăng cao, như: linh kiện điện tử tăng 42,9% so với năm 2015, giày thể thao tăng 57,9%, ô tô các loại ước tăng 20,6%, gạch xây dựng tăng 18,1%... nên tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá ss2010) tăng 9,2% so với năm 2015, trong đó: Khu vực nhà nước tăng 14,5%; khu vực ngoài nhà nước tăng 19,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5% so với năm 2015. Ngành công nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế, có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Tỉnh.

Đồng thời, các lĩnh vực kinh doanh thương mại diễn ra sôi động, hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với năm 2015, hoạt động kinh doanh du lịch tăng trưởng khá cả về số lượt khách và doanh thu. Dịch vụ tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 20,2% so với cuối năm 2015; nợ xấu được xử lý tích cực, ước năm 2016 chiếm 1,43% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước tăng cao so với năm 2015 và vượt dự toán đề ra, ước đạt trên 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2015, đạt 110,6% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 25,5 nghìn tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2015 và đạt 111,4% dự toán. Các khoản chi ngân sách được quản lý và thực hiện tiết kiệm triệt để, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi của tỉnh.

Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư được triển khai tích cực; ước thực hiện năm 2016, thu hút được 80 dự án đầu tư trực tiếp (FDI, DDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 304 triệu USD và 8,93 nghìn tỷ đồng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp được triển khai tích cực nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Tình hình triển khai và vận động các dự án ODA được thực hiện tốt.

Năm 2016, sản phẩm linh kiện điện tử của Vĩnh Phúc tăng 42,9% so với năm 2015

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã hồi phục mạnh, số doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới tăng cao về số lượng và số vốn đăng ký so với năm 2015. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được tổ chức triển khai thực hiện theo Kế hoạch tỉnh đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế của Tỉnh còn một số hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chưa bền vững. Sản lượng sản xuất xe máy là sản phẩm chủ lực có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh tiếp tục giảm so với năm 2015. Hoạt động du lịch vẫn mang tính thời vụ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm so với đăng ký. Ô nhiễm môi trường nhất là ở khu vực nông thôn đang có chiều hướng gia tăng...

Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

Năm 2017, Tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI... Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh đưa ra các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế: Tập trung triển khai Chương trình hành động của UBND Tỉnh về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Thứ hai, tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn; Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tích cực thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2020; xây dựng các mô hình phát triển trang trại, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Tập trung chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Thứ ba, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung quyết liệt triển thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đô thị theo Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XVI đề ra. Tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình theo kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng quy định của Chính phủ.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác dồn thửa - đổi ruộng và giải phóng mặt bằng, hoàn thành việc thực hiện thí điểm dồn thửa – đổi ruộng trong năm 2017, để triển khai trên diện rộng từ năm 2018. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, các dự án lớn, các công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh các biện pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng chế độ quy định./.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2017

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP-giá SS 2010) tăng khoảng 7,5-8% so với năm 2016; trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5-4%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7-7,5%; ngành dịch vụ tăng 6,5-7%; thuế sản phẩm tăng khoảng 10%. Cơ cấu kinh tế: ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 10,0%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 61,9% và dịch vụ chiếm 28,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 33.810 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 30.718 tỷ đồng./.