Sáng 17/7, tại huyện Mộc Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017

Cần đổi mới toàn diện quan điểm, phương pháp xúc tiến đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu lên một số giải pháp, định hướng trao đổi với Sơn La để nghiên cứu, xem xét.

Giới thiệu với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Bí thư tỉnh ủy, ông Hoàng Văn Chất cho biết, tỉnh Sơn La là một trong ba tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (14.174 km2), dân số trên 1,2 triệu người.

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu, hiện nay Sơn La có 927.000 ha đất nông nghiệp, với 2 cao nguyên rộng lớn là Mộc Châu và Nà Sản. Tỉnh có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã chảy qua, 2 lòng hồ thủy điện Hoà Bình và thủy điện Sơn La với diện tích hơn 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thuỷ lợi, 35 dòng suối lớn nhỏ và 2.500 ha ao hồ để đầu tư phát triển thuỷ sản. Sơn La có tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi bò sữa. Hệ thống giao thông kết nối Sơn La với các tỉnh trong vùng ngày càng được nâng cấp, trong đó có Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; có 2 cửa khẩu quốc gia (Cửa khẩu Lóng Sập, cửa khẩu Chiềng Khương) kết nối với các tỉnh Bắc Lào.

“Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư tại Sơn La”, ông Hoàng Văn Chất nói và cho biết, tại Hội nghị ngày hôm nay, tỉnh Sơn La sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án với tổng mức đầu tư 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư 17 dự án, tổng mức đầu tư 14.932 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ và Sơn La đang trở thành điểm đến mới cho các nhà đầu tư.

Sáu tháng đầu năm 2017, tỉnh Sơn La thu hút được 57 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.432 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Sơn La cần phải thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư, đây là điểm mấu chốt mang tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng thương hiệu địa phương về những sự khác biệt mang tính cạnh tranh, cụ thể là:

Một là, Sơn La cần xây dựng định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng mà điểm bắt đầu là quy hoạch tổng thể, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch không gian gắn với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể, ưu tiên về chính sách thu hút đầu tư, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư xác định các ngành, lĩnh vực, vị trí đầu tư hiệu quả và lâu dài.

Sơn La có xuất phát điểm thấp và điều kiện khó khăn nhiều hơn là tiềm năng, lợi thế.

Do đó, thu hút đầu tư không thể đặt mục tiêu quá cao với những mong đợi những dự án công nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Sơn La nên kết hợp giữa tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng của hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản với cùng xu thế ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

Hai là, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chủ động thông tin cho các nhà đầu tư về chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề mà nhà đầu tư quan tâm, từ đó nhà đầu tư sẽ nghiên cứu và tìm thấy những cơ hội đầu tư cụ thể tại địa phương.

Ba là, cần đổi mới toàn diện quan điểm, phương pháp xúc tiến đầu tư. Về quan điểm, cần phải coi nhà đầu tư là đối tượng phục vụ, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và cách ứng xử mang tính chuyên nghiệp của các cán bộ, công chức trong việc tiếp xúc, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

Về phương pháp xúc tiến đầu tư, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép hoạt động có hiệu quả.

Đồng thời, xâydựng thương hiệu địa phương về những sự khác biệt mang tính cạnh tranh, kịp thời truyền tải những thông điệp mới của địa phương và quảng bá, giới thiệu những cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư.

Bốn là, tích cực chuẩn bị tốt hơn nữa các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, nguồn nhân lực. Đây là những yếu tố đầu vào quan trọng nhất để các nhà đầu tư xem xét, quyết định đầu tư tại địa bàn.

Để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn vào tỉnh nhà, Sơn La cần hết sức tập trung xây dựng tuyến đường kết nối từ Mộc Châu tới Hòa Bình, từ đó thu hẹp khoảng cách không gian với thủ đô Hà Nội, tạo trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

“Chỉ sau khi có kết nối giao thông tốt, các tiềm năng hôm nay của Mộc Châu, của Sơn La mới có thể chuyển thành động lực thực sự cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng để sẵn sàng đón các dự án mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh: “mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sắc với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương”

Không được đứng ngoài lề các xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói dân gian “Một Sơn La, ba điểm đến” với 3 thế mạnh nổi trội của tỉnh là có các tiểu vùng khí hậu độc đáo, trong đó có cao nguyên Mộc Châu được ví như máy điều hòa khổng lồ; cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc địa phương độc đáo.

Sơn La còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có tiềm năng phát triển du lịch, có nhiều nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, các loại khoáng sản đa dạng, có thế mạnh về vật liệu xây dựng, dược liệu, nông nghiệp…

“Vùng cao nguyên rộng lớn đồng thời cũng là khu du lịch quốc gia với diện tích gần 2.000 km2 gồm hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ là một điểm nhấn làm nên một vẻ đẹp bất tận như khẩu hiệu của du lịch Việt Nam đã nêu ra”, Thủ tướng nói và cho rằng nếu tỉnh có chiến lược đúng đắn, với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, hợp tác của các doanh nghiệp, nhất định sẽ thu hút du khách, nhiều nhà đầu tư từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu đến mảnh đất này.

“Đặc biệt chúng ta biết rất rõ đây là nơi có thể thưởng lãm các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới lẫn ôn đới, khám phá địa danh kỳ bí, cảm nhận được sự hòa trộn tinh tế giữa nét đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người qua những thửa ruộng bậc thang, những đồi chè xanh ngắt, những lễ hội mang đậm tính di sản của châu Á”. Đây cũng là nơi những bản làng, những cộng đồng và 12 dân tộc như Thái, Tày, Mông, Dao, Kinh… sống chân phương, yên bình và hài hòa cùng thiên nhiên, để lại nhiều dấn ấn sâu sắc trong lòng du khách Việt Nam và quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh trước lãnh đạo các cấp chính quyền của Sơn La rằng “mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sắc với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương”. Người dân, doanh nghiệp mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ Trung ương tới xã, phường.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương một thành quả kiến tạo đáng khích lệ tại huyện Vân Hồ, một trong những huyện nghèo nhất của Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung.

Năm 2017, với sự chỉ đạo sâu sắc, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành, lãnh đạo huyện, Vân Hồ đã thu hút được 2 dự án quy mô 2.300 tỷ đồng của TH Truemilk. Đây là những dự án có ý nghĩa bao trùm, đem lại những giá trị bền vững về xã hội và môi trường. Đồng bào dân tộc được hưởng lợi rất lớn từ dự án này, nâng cao đời sống.

Theo Thủ tướng, đây chính là một ví dụ về hành động kiến tạo ở các địa phương. Nếu một địa phương đặc biệt khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự như Vân Hồ mà có thể tạo đột phá, đạt được những thành quả thu hút đầu tư như vậy thì tất cả những huyện miền núi Tây Bắc, Đông Bắc cũng như cả nước đều có khả năng và thời cơ thành công.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thời gian qua thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo là “không chỉ ở Hà Nội, mà chính là tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống. Trước hết kiến tạo phải bằng hành động và hành động đó phải có kết quả cụ thể, đặc biệt là cấp cơ sở”.

Kiến tạo không phải chỉ biết nhìn vào khó khăn để đối phó, phó mặc cho định mệnh mà phải có tinh thần vượt lên chính mình như chuyển động ở một số địa phương thời gian qua, trong đó có Sơn La. Muốn kiến tạo phải có niềm tin, biết sáng tạo, phát huy các nét độc đáo, khác biệt riêng có của địa phương.

Nhắc lại lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, Thủ tướng đặt vấn đề: Làm thế nào để tự cứu mình và đặt ra một số yêu cầu đối với Sơn La nói riêng, các tỉnh khó khăn nhất của Tây Bắc nói chung.

Trước hết, phải giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Phải đặc biệt chú trọng hơn nữa các thách thức cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Trong đó, đói nghèo là một trong những căn nguyên và thách thức phức tạp nhất đối với các mối đe dọa về an ninh ở nhiều nơi.

“Nếu để đồng bào đến bước đường cùng, không có cuộc sống tối thiểu thì sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Muốn bảo đảm an ninh thì phải giải quyết căn bản cuộc sống cho đồng bào. Đừng để kẻ xấu lợi dụng đời sống khó khăn của đồng bào để gây mất an ninh”, Thủ tướng lưu ý.

Vấn đề tự cứu mình thứ hai là thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ. Tăng cường các mô hình liên kết hợp tác sản xuất. Tránh bệnh làm theo phong trào.

Tự cứu mình là phải biết động viên ý chí khởi nghiệp, vươn lên trong mọi người dân, mọi cộng đồng thiểu số. Phải xem họ là lực lượng phát triển chứ không chỉ nhìn vào khía cạnh là đối tượng chính sách. Kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, làm theo quán tính, tập quán cũ, ngại làm lớn, sợ rủi ro. Đi liền với đó, phát triển một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, làm đặc sắc hơn nữa các sản phẩm du lịch địa phương.

Tự cứu mình là phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của địa phương. Bên cạnh hạ tầng cứng được Nhà nước quan tâm đầu tư, cần bồi đắp, phát huy nguồn lực mềm và các yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản trị nhà nước, khả năng kết nối thông tin và phổ cập internet… Sơn La nói riêng, miền núi nói chung không được đứng ngoài lề các xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh khai thác các thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Chú ý công tác quy hoạch du lịch và đô thị bền vững. Thủ tướng đề nghị tỉnh quy hoạch xây dựng với tầm nhìn xa, bền vững, “làm sao càng xây thì càng đẹp, càng thoáng chứ không phải mất đi vẻ đẹp tự nhiên của Sơn La, của Mộc Châu”.

Phát triển những mô hình nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, du lịch cộng đồng để người dân tham gia trực tiếp và hưởng lợi bền vững từ các mô hình này.

Trước sự có mặt của đại diện các tỉnh Tây Bắc tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ, thời gian qua, “tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta”.

Theo Thủ tướng, chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào chính môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung.

“Trong khi đó chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hy sinh, những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường, luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào. Cũng như chúng ta đặc biệt hoan nghênh các doanh nghiệp đi vào vùng sâu, vùng cao nghiên cứu đầu tư, làm ăn lâu dài”, Thủ tướng chia sẻ.

Kết thúc hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, ông Hoàng Văn Chất cam kết tỉnh Sơn La sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư. Sau Hội nghị, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chủ động hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp; đảm bảo hạ tầng và cung cấp dịch vụ thiết yếu; tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả.

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Sơn La trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án với tổng mức đầu tư 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư 17 dự án, tổng mức đầu tư 14.932 tỷ đồng./.