Ảnh: TL

Nghề của ông cha

Nghề cá thường là cha truyền con nối. Quanh năm làm bạn với biển, những cư dân của làng chài có nước da cháy nắng, giọng nói lớn như muốn át tiếng sóng. Nghề cá cũng là nghề của gia đình, hầu hết ngư dân vùng biển, cả nhà đều cùng làm nghề. Trai tráng khỏe mạnh thì đánh bắt xa bờ, người già, phụ nữ và trẻ em thì phụ lo chài lưới, lương thực và chế biến sơ thành sản phẩm.

Nói nghề cá cha truyền con nối có lẽ của nó. Nghề cá không như những nghề khác, thường là lênh đênh biển cả. Cha và con trai, những trụ cột gia đình, hơn nửa thời gian của cuộc đời gắn bó với sóng nước. Từ khi là chàng thiếu niên mới lớn, đã được ông và cha cho đi theo thuyền, thậm chí ngay từ lúc bé, cũng đã được đưa lên thuyền, ra khơi vài dặm để “làm quen với sóng”. Chính vì vậy mà ngày qua ngày, trai tráng trong làng không thể rời xa con thuyền cái lưới, đơn giản chỉ vì họ không có thời gian và tâm trí, để học theo nghề mới, nếu có thì hiếm lắm thay.

Gia đình ông Mại, ở một phố chài nhỏ tại Thành phố Đà Nẵng có 9 người con, thì 8 con trai đều làm nghề cá, người con gái duy nhất lấy chồng cũng làm nghề cá. Bản thân ông Mại và 3 anh trai của mình cũng làm cái nghề mà cha của ông với 7 người em đã làm cách đây gần 40 năm. Ông Mại cho biết, bạn bè của ông ở phố chài này đều có gia đình hết thảy làm nghề cá. Chỉ có 3 gia đình là có con theo học nghề khác, nhưng vẫn theo thuyền ra khơi mỗi khi có dịp.

Gia đình ông Thông, ở Phan Thiết thì đến nay, đã có… 6 đời làm nghề cá, tính đến cậu cháu đích tôn của dòng họ năm nay 15 tuổi. Bắt đầu từ cụ tổ dong thuyền từ một xóm chài nhỏ ở ven biển Sầm Sơn đến đây lập nghiệp, con cháu cụ theo cái nghề mà cách đây hơn 200 năm, nhờ nó mà cụ tổ đã bám trụ và sinh sống khá giả ở nơi đất khách quê người. Ông Thông cho biết, ở Cà Ná, còn có gia đình 8 đời làm nghề lênh đênh trên biển.

Nghề lắm âu lo

Chuyện kể rằng, khi xưa ở một làng chài, có hai vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc. Chàng trai ra biển, người vợ trẻ ở nhà lo thu vén ngôi nhà bé nhỏ và chờ đợi chồng về. Bỗng một ngày, làng chài xao xác sau một cơn mưa lớn. Chàng trai đi bằn bặt, mãi mãi không về. Người vợ trẻ mỗi sớm chiều vẫn đứng ngóng trông chồng nơi xa xa bãi cát. Nước mắt nàng thấm đẫm vào lòng biển. Rồi một ngày kia, nàng không còn có thể khóc chồng được nữa, sức lực cạn khô, nàng ngồi xuống hóa đá, chỉ còn mái tóc dài tuôn chảy dập dờn theo sóng biển. Thân thể hóa đá của nàng lại hóa núi, vươn mãi ra khơi xa như muốn tìm lại bóng dáng thân yêu của người chồng. Từ đó nhờ có nàng che chở, biết bao thuyền chài đã thoát khỏi những cơn giận giữ của thủy thần. Tình yêu của nàng bất tử như núi non, cứu giúp cho thân phận nghèo khó của ngư dân có nơi lánh trú khi gặp bất trắc ngoài khơi xa.

Đó là một truyền thuyết về tình yêu, gắn với cuộc sống làng chài, ca ngợi mối tình chung thủy, nhưng cũng cho biết về những bất trắc trong cuộc đời mỗi dân chài. Ngày xưa thuyền chạy bằng buồm, lại không có phương tiện thông tin liên lạc, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cảm quan để đo đón thời tiết, đoán biết giông bão, nhưng khả năng có hạn, làm sao tránh khỏi bất trắc. Ngày nay có thuyền lớn, chạy bằng động cơ, có phương tiện thông tin liên lạc, nhưng không vì thế mà tránh được âu lo khi mỗi lần thuyền xuất bến.

Đối với ngư dân, bão biển chính là hung thần. Một cơn bão bất thình lình có thể cướp đi hết cơm áo của cả làng chài, thậm chí lấy đi tính mạng của những người đi biển. Mỗi lần ra khơi, là một lần âu lo. Âu lo của người đi biển không ít, nhưng khó có thể sánh được với sự khắc khoải trông chờ, hồi hộp nhìn con ráng mỗi hoàng hôn của những người ở lại trên bờ. Con thuyền nhỏ mang theo người thân của từng gia đình, mang theo hy vọng của cuộc sống, con thuyền ấy sẽ chống đỡ thế nào khi đại dương nổi cơn bão tố.

Ngoài nỗi lo giông bão, thuyền biển còn phải đối đầu với biết bao hiểm họa, mà sợ nhất là cướp biển. Nếu vô phước gặp lũ hung tợn này, ít nhất là mất thuyền mất lưới, mất cá, còn lại tấm thân để trở về là may.


Ảnh: TL

Những chàng lênh đênh

Dân chài ở vùng ven Quảng - Đà, hay vùng Ninh - Bình Thuận thường đi biển mỗi chuyến nửa tháng, đôi khi đi xa lên tới cả tháng. Vì đánh bắt nhiều, cá tôm càng ngày càng ít, thuyền càng phải đi xa bờ.


Một thuyền cỡ trung bình ra khơi, ngoài việc phải chứa đầy dầu nhiên liệu, thức ăn cho khoảng gần 20 người, rồi phương tiện đánh bắt như lưới, thuyền câu…, còn phải chở đủ số lượng gạo muối, đồ ăn, nước uống, đá lạnh (dùng để ướp, bảo quản cá), làm sao càng nhẹ càng tốt, nhưng phải đảm bảo đủ ăn, uống để sống trong tình huống bất đắc dĩ phải ở lại thêm trên biển.

Thường thì khoảng 3, 4 thuyền lập thành nhóm bạn chài, vừa có thể dong thuyền quây lưới, vừa có thể trợ giúp nhau mỗi khi có sự cố. Mỗi một thuyền lại phân chia nhân sự rất cụ thể. Nếu một thuyền đi khoảng trên dưới 20 người thì có 2 tài công, người này lái thuyền thì người kia làm hoa tiêu và ngược lại, 2 người làm nhiệm vụ nấu nướng, dọn dẹp. Số còn lại thả thuyền câu, quây lưới, sơ chế sản phẩm… Đa số họ là những tráng niên mạnh mẽ.

Thuyền ra bến, khi vượt qua lớp sóng bờ là bắt đầu tăng tốc. Qua khoảng 2 km xa bờ, nếu biển lặng, trời êm thì chạy hết tốc lực. Khoảng 5 ngày đêm là đến luồng cá, lúc này cách đất liền ít nhất cũng 4, 5 trăm cây số. Công việc bắt đầu, thuyền câu thả xuống, một thợ một thuyền, cách nhau trong tầm nhìn, cứ thế câu cho đến khi đầy lưng thuyền hoặc trưa nắng, tối trời thì về. Hoặc là tung lưới kéo dăng, vừa dăng vừa chạy đón luồng cá, khi thấy cá quẫy rộn lưới thì quây tròn kéo lên.

Nghe qua thì đơn giản, nhưng thực là rất công phu. Trước hết phải xác định đúng luồng cá, tránh rong rêu biển. Khi kéo lưới các thuyền phải nương đều, không để rách lưới, lại phải tinh ý để biết khi nào cá đầy, khi nào kéo lưới là vừa. Nếu thả câu phải rất kiên nhẫn, vừa giữ cho thuyền câu cân bằng (thuyền câu như cái thúng lớn, dễ xoay tròn mỗi khi có gió), vừa nhẹ tay buông cần, lẹ mắt giật câu. Lại phải có đủ sức khỏe để ngồi nhiều giờ trên mặt biển cháy nắng. Câu biển khác với câu đồng, câu sông, biển sóng lớn, cá to, nhiều loài cá rất hung hăng, có khi thợ câu phải “chiến đấu” vật lộn mới đưa được lên thuyền, có khi cá kéo cả thuyền băng chạy, lúc này thì thật l dở khóc dở cười, đành chấp nhận mất cần mà bỏ cá. Tuy nhiên, thường thì loại thuyền thúng chỉ dùng câu mực nên cũng ít gặp phải sự cố trên.

Mỗi chuyến ra biển thường là đi về 2 lần 5 ngày, neo biển câu lưới 5 ngày, vị chi là nửa tháng. Nếu không gặp luồng cá, có thể phải cả tháng mới về. Đó là chưa kể gặp mưa bão, phải chờ tạnh lắng mới đánh bắt được thì thời gian còn thể lâu hơn.

Suốt tháng trên biển nên nước da dân chài đen sắt lại, tiếng nói rổn rảng, khê nồng. Họ rất đoàn kết, bởi ròng rã dài ngày trên đại dương, họa phúc khôn lường, phải chung vai đấu cật mới có thể trụ lại được trong nghề.


Nghề cá phải sử dụng tinh tế giác quan. Mắt phải nhìn trời, tai phải nghe gió, mũi ngửi mùi cá, tay chân phải lẹ làng nhanh nhẹn. Đầu óc phải minh mẫn, bình tĩnh, và nhất là có sự chịu đựng hơn người. Chính vì vậy, trai làng biển thường to lớn, khỏe mạnh và hoạt bát, do đó mới có thể sẵn sàng đón nhận và vượt qua hiểm nguy có thể đến bất cứ khi nào.

Bão lớn, gió mạnh, nước xoáy, đá ngầm, cá mập, hải tặc… thiên tai nhân họa luôn rình rập dân biển. Đó là chưa kể những biến cố bất thường mà họ phải chống đỡ trong những chuyến đi.

Tân, một người đi biển lâu năm, đã có gần 20 năm trong nghề, không khỏi rùng mình khi kể lại sự cố mà anh gặp phải cách đây ít lâu. Hôm đó anh cùng nhóm bạn 3 người thả câu ở vùng biển giáp với hải phận nuớc bạn. Lúc đầu còn duy trì liên lạc, giữ tầm nhìn, sau vì mải câu, anh cứ di chuyển ngày càng xa nhóm bạn. Cũng vì tự tin nhưng anh nghĩ rằng không khó để có thể trở về thuyền. Lúc đó trời đã mờ mờ, nhưng nhìn xa xa, thấy ánh đèn của thuyền mình đang neo đậu, anh yên tâm tiếp tục buông câu. Đến khi thuyền lưng đầy, ngẩng lên thì chỉ thấy xung quanh mờ mịt tối. Màn đêm buông quá nhanh. Xác định phương hướng rồi tiến về phía mà nghĩ là thuyền lớn, nhưng càng đi, càng mờ mịt. Lúc này, cảm giác sợ hãi mới ùa tới, biển đen ngòm, như con quái vật khổng lồ nuốt chửng mọi vật.

Suốt đêm loay hoay tìm kiếm, anh đã vứt hết số mực trên thuyền để có thể di chuyển thuyền câu dễ dàng. Đến sáng thì gần như kiệt sức. Đói và lạnh. Nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Anh quyết định không di chuyển để giữ sức, đồng thời tránh đi xa khỏi nơi mà bạn bè có thể tới tìm kiếm. Nhưng bặt vô âm tín.

Qua 4 ngày trên thuyền câu đói lả, da bỏng rộp, và nhất là khát nước, đầu óc mê mê tỉnh tỉnh, nhưng anh vẫn biết nằm nghiêng để tránh ánh nắng mặt trời thiêu đốt, khi nào tỉnh thì lại nhấp một ít nước biển đọng ở đáy thuyền. Đến khi mở mắt ra thì thấy nằm trên giường cấp cứu. Sau này mới biết, một thủy thủ tàu Malaysia Exprex đã nhìn thấy trong ống nhòm một vật trên biển trồi sụt trong sóng nước cách mũi tàu có mấy trăm mét. Vật tròn ấy chính l thuyền câu của anh Tân, đang trôi cách đường lãnh hải Philippine, Malaysia 13 hải lý về phía bắc. Người ta đã kéo Tân lên khi anh thậm chí không còn thoi thóp.

Chuyện của hai anh Thắng và Xung lại khác. Khi đang trên đường về thì nghe tin có bão sắp quét qua hành trình. Họ đã cố gắng tiến hết tốc lực về phía một hòn đảo gần nhất nhưng không kịp. Bão đuổi đến nơi, và con thuyền tan tành chìm trong sóng nước. Nhanh tay bám được vào mảnh vỡ của mạn thuyền, Thắng và Xung đành mặc cho luồng chảy hung dữ cuốn trôi. Rồi họ bỗng giật mình khi nhận ra đang ở trong vùng biển mà họ gọi là ác thần, nơi lũ cá mập hung dữ thường xuất hiện. Bản năng sống còn trỗi dậy. Họ tựa lưng vào nhau, bơi thẳng đứng. Đến lúc mệt quá cũng… ngủ đứng. Đến khi có bạn thuyền tới cứu thì họ đã không còn sức để bơi thẳng nữa. May mắn là lũ cá đói hung ác đã không xuất hiện, may mắn hơn, tất cả thuyền viên 9 người trên thuyền đều sống sót.

Chuyện bất trắc trên biển thì còn nhiều, nhưng không vì thế mà làm cho những dân chài rời xa biển cả. Bởi đi biển không chỉ là nghề kiếm sống mà còn chính là nghiệp của họ. Cái nghiệp nối đời.

Biển cả không phải lúc nào cũng hung dữ đáng sợ. Biển còn rất dịu êm và hiền hòa. Những đêm đẹp trời tuần trăng, thợ câu ngồi xếp bằng trên bong thuyền, biển loang loáng ánh bạc, gió mát hây hẩy, không gian kỳ vĩ và huyền bí, đầy chất thơ. Văng vẳng tiếng hò lơ của bạn thuyền. Người đi biển mơ màng, và họ thấy yêu làm sao cái nghề lênh đênh sóng nước, như kiếp giang hồ đã ngấm trọn cuộc đời.

Những chàng lênh đênh, họ xứng đáng là người của biển cả vĩ diệu./.